Những lo lắng xung quanh Kế hoạch của IMF xả ngập thanh khoản toàn thế giới (Phần 1/2)
Vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu của USD đang gặp rủi ro trong bối cảnh IMF được sự hậu thuẫn của Trung Cộng có kế hoạch tăng thanh khoản toàn cầu bằng cách cung cấp 650 tỷ USD cho các chính phủ và ngành dược phẩm
Một kế hoạch gây tranh cãi nhằm tăng cường thanh khoản toàn cầu có nghĩa là những ngày làm vương chủ không thể phủ nhận của đồng US dollar trong hệ thống tiền tệ quốc tế có thể sắp kết thúc, theo các chuyên gia trao đổi với The Epoch Times.
Việc đánh mất vị thế đó có thể góp phần vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ liên quan đến tổn thất trầm trọng về sức mua kinh tế, sự sắp xếp lại về địa chính trị và mọi thứ gắn liền với những sự xáo động đó.
Đề nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được chính phủ của Tổng thống (TT) Biden hậu thuẫn về việc phát hành “Quyền rút vốn đặc biệt” (Special Drawing Rights-SDRs) mới chưa từng có, trị giá 650 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay cũng sẽ giúp tái định hình hệ thống tài chính quốc tế.
Con số đó cao hơn gấp đôi tổng số SDR do IMF tạo ra trong toàn bộ lịch sử của nó.
SDR là một loại tiền tệ thời kỳ đầu của toàn cầu, dựa trên một rổ các tiền tệ hàng đầu, được IMF gọi là “tài sản dự trữ quốc tế”. Mỗi chính phủ nhận được một lượng SDR theo tỷ lệ với đóng góp của họ trong tổ chức quốc tế này.
Các nhà phân tích cảnh báo, đợt phát hành mới chưa từng có này, được sự ủng hộ của cả Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, sẽ góp phần loại bỏ vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng US dollar. Trung Cộng dự kiến là bên hưởng lợi hàng đầu.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố rằng, “Hoa Kỳ và các đối tác G7 của chúng ta đang tích cực xem xét một nỗ lực toàn cầu nhằm nhân rộng tác động của đề nghị phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tới các quốc gia có nhu cầu lớn nhất.”
Trong hơn một thập kỷ, các nhà bình luận hàng đầu và thậm chí các nhà lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới – bao gồm các quan chức ngân hàng trung ương Trung Cộng và nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu – đã kêu gọi biến SDR trở thành một loại tiền tệ toàn cầu thực sự.
Những lời kêu gọi đó đang gia tăng trong bối cảnh thúc đẩy kế hoạch “Tái lập vĩ đại”. Kế hoạch “tái lập” sẽ chuyển đổi mọi thứ, từ kinh doanh đến quản trị, đang được Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, IMF, chế độ quân chủ Anh Quốc và các trung tâm quyền lực khác thúc đẩy như một cách để cải thiện thế giới.
Với mục đích rõ ràng là làm cho thế giới trở nên “xanh” và “bền vững” hơn, sự thay đổi này sẽ đòi hỏi một vai trò lớn hơn nhiều đối với khu vực công ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong khi đưa thế giới rời xa khỏi những gì còn lưu lại của hệ thống thị trường tự do. Sự phổ biến rộng rãi của các công nghệ mới liên quan đến “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cũng là một thành phần quan trọng của nỗ lực này.
Việc tái cấu trúc hệ thống tiền tệ quốc tế do IMF dẫn dắt trên con đường toàn cầu hóa tiền tệ – với việc phát hành SDR sắp được xem là một bước quan trọng – có khả năng cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập ở mức độ toàn cầu.
Một điều cũng quan trọng không kém là những tiến triển đang diễn ra tại IMF sẽ trao quyền cho các tổ chức toàn cầu để chuyển khối lượng tài sản ngày càng lớn từ người dân ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác vào các dự án do các tổ chức đó và chính phủ thành viên của họ lựa chọn.
Ví dụ, các nhóm lợi ích toàn cầu đầy quyền lực đang thúc đẩy sử dụng việc “phân bổ” SDR mới, là cách mà người ta gọi việc phát hành các SDR mới, để tài trợ cho mọi thứ, từ chích ngừa COVID quốc tế đại trà cho đến những chuyển đổi chính sách trên toàn thế giới.
Các chuyên gia và cựu quan chức cũng nói với The Epoch Times rằng việc bổ sung một lớp công cụ tài chính thiếu nền tảng hỗ trợ mới lên trên hệ thống tài chính toàn cầu vốn đã không ổn định sẽ gây suy giảm thêm giá trị của các đồng tiền quốc gia hàng đầu thế giới.
Các tác động là khủng khiếp – đặc biệt là đối với đồng US dollar và nền kinh tế toàn cầu.
Dẫu vậy, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các phương tiện truyền thông lớn ở Hoa Kỳ hầu như giữ im lặng về vấn đề này.
Thanh khoản nhiều hơn… hay sự bất ổn định?
Về mặt chính thức, lý do biện minh cho chiến dịch tạo lập SDR lớn nhất từ trước đến nay là để giúp tăng cường thanh khoản cho các chính phủ ở các quốc gia nghèo hơn vẫn đang quay cuồng với những hỗn loạn kinh tế do các biện pháp đối phó đối với virus Trung Cộng.
Nhưng người sáng lập Quỹ Commodity Discovery (CDF) có trụ sở tại Hà Lan, ông Willem Middelkoop, tác giả của cuốn sách “Tái lập vĩ đại”, nói với The Epoch Times rằng kế hoạch của IMF có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều.
Ông Middelkoop, một chuyên gia hàng đầu về IMF và SDR, cho biết: “Rõ ràng là chính phủ TT Biden ủng hộ việc hợp tác với IMF và Trung Quốc để bắt đầu sử dụng bảng cân đối kế toán của IMF nhằm tạo ra nhiều gói kích thích.”
Nhưng ông cho biết sẽ có những vấn đề gắn liền với sự thay đổi này.
Ông nói: “Bằng cách cho phép IMF tạo ra các SDR mới trị giá 650 tỷ USD, các ngân hàng trung ương có thể tạo ra một lớp tiền định danh khác cho một hệ thống tài chính vốn đã không ổn định.”
Trong số những lo ngại khác, ông Middelkoop cảnh báo rằng kế hoạch này sẽ tạo ra các vấn đề đối với các loại tiền tệ làm nền tảng cho SDR của IMF, bao gồm đồng US dollar, đồng yen Nhật, đồng euro, bảng Anh, và đồng nhân dân tệ của Trung Cộng, được bổ sung vào năm 2016.
Ông cho biết: “Điều này sẽ dẫn đến sự giảm giá trị nhiều hơn của năm loại tiền tệ chính trên thế giới, tất cả đều là một phần của rổ tiền tệ SDR.”
Thật vậy, ông Middelkoop đã cảnh báo nhiều năm trước trong cuốn sách của mình về chủ đề này rằng ông dự tính IMF sẽ theo đuổi nhiều vòng tạo SDR hơn, với số lượng lớn hơn bao giờ hết.
Tại một thời điểm nào đó, một khi việc phân bổ gia tăng đạt đến một quy mô đủ lớn, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phải được tham vấn để thông qua. Nhưng đợt phát hành 650 tỷ USD được lên kế hoạch hiện nay đang ở ngay dưới giới hạn luật định để có thể kích hoạt sự giám sát của quốc hội.
Một bài xã luận ngắn hồi tháng 03/2021 trên tờ Wall Street Journal chỉ trích IMF vì tìm cách cứu trợ các nhà độc tài cũng cáo buộc IMF và chính phủ TT Biden đang âm mưu chia đợt phát hành SDR trị giá 1 nghìn tỷ USD thành hai đợt.
Theo bài xã luận, kế hoạch là phát hành SDR trong hai giai đoạn – 650 tỷ USD trong năm nay và 350 tỷ USD vào năm sau – trong một nỗ lực nhằm bỏ qua yêu cầu pháp lý của Hoa Kỳ về sự chấp thuận của quốc hội đối với một đợt phát hành lớn như vậy.
Khi được The Epoch Times liên lạc, các quan chức IMF đã phủ nhận có kế hoạch phát hành 350 tỷ USD SDR mới vào năm tới, viện dẫn những tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo cao cấp của IMF.
Tuy nhiên, nếu các chính phủ thành viên hàng đầu của IMF đồng ý, sẽ không có gì ngăn cản việc phát hành thêm SDR vào năm tới hoặc bất cứ lúc nào sau đó.
Các quan chức IMF cho biết họ dự kiến việc phân bổ 650 tỷ USD sẽ hoàn thành vào cuối mùa hè năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và các chính phủ thuộc nhóm G-20 bao gồm cả Trung Cộng đều đã công khai chỉ ra rằng họ ủng hộ kế hoạch của IMF.
Các quan chức cho biết ban điều hành IMF dự kiến sẽ đưa ra sự chấp thuận cuối cùng để việc phát hành có thể hoàn tất vào cuối tháng 08/2021.
Điều gì đang thực sự diễn ra?
Các chuyên gia cho rằng bất chấp thuật ngữ phức tạp, các kế hoạch của IMF không quá khó hiểu.
Hãy nghĩ về việc phát hành SDR giống như in tiền, nhưng ở cấp độ toàn cầu
Khi IMF tạo ra SDR, nó đang tạo ra từ hư không một công cụ có sức mua cho phép chủ sở hữu – thường là chính phủ – mua hàng hóa và dịch vụ thực sự. Nhưng thay vì đánh thuế công dân để có được sức mua đó, IMF chỉ đơn giản là tạo ra loại tiền tệ toàn cầu đầu tiên này. Việc phát hành các SDR mới về căn bản là tương đương với “nới lỏng định lượng” của một ngân hàng trung ương quốc gia như Cục Dự trữ Liên bang, ở cấp độ toàn cầu.
Sự khác biệt căn bản là thay vì chỉ rút của cải từ những người đang nắm giữ USD, như khi Fed phát hành USD mới và làm loãng sức mua của mỗi đồng USD hiện có, việc phát hành của IMF cũng sẽ tịch thu các khoản tiết kiệm từ những người đang nắm giữ các đồng tiền chính khác trong giỏ tiền tệ tạo nên SDR. Một điểm khác biệt căn bản khác là khi Cục Dự trữ Liên bang tạo ra USD mới, nó sẽ cho vay và tiền có thể được chi tiêu ngay lập tức cho hàng hóa và dịch vụ.
Hiện tại, ít nhất, SDR trước tiên phải được chuyển đổi sang USD, euro, yen, nhân dân tệ hoặc bảng Anh trước khi được chính phủ nhận SDR chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Hoa Kỳ có nghĩa vụ đổi SDRs lấy USD theo yêu cầu.
Về căn bản, bằng cách tạo ra “tài sản” mới, như IMF đề cập đến các SDR, tổ chức quốc tế và các thành viên của nó đang lén lút đoạt lấy các khoản tiết kiệm từ nhân loại và phân phối lại các khoản tiết kiệm đó cho các chính phủ nhận SDR.
Cuối cùng, IMF và nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới hy vọng sẽ biến SDR thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu thực sự, loại bỏ đồng USD hiện đang nắm giữ vai trò đó.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bao gồm Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy, nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác đã công khai tuyên bố ủng hộ một loại tiền tệ toàn cầu mới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.
Vào năm 2009, người đứng đầu ngân hàng trung ương của Trung Cộng vào thời điểm đó, ông Chu Tiểu Xuyên, cũng đã công khai kêu gọi tạo ra một loại tiền tệ quốc tế mới có thể tách rời khỏi bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào, với SDR là ứng cử viên chính.
Một báo cáo được công bố trên trang web của ngân hàng trung ương Trung Cộng có tựa đề “Cải cách Hệ thống Tiền tệ Quốc tế” giải thích rằng “mục tiêu mong muốn của việc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, theo đó, là tạo ra một loại tiền dự trữ quốc tế tách rời khỏi các quốc gia riêng lẻ và có thể duy trì ổn định về lâu dài, do đó loại bỏ những khiếm khuyết cố hữu do sử dụng tiền tệ quốc gia dựa trên tín nhiệm.”
Khi được hỏi về đề nghị của Trung Cộng tại một sự kiện do Hội đồng Ngoại vụ đầy quyền lực tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đương thời Timothy Geithner đã tóm tắt đó là kế hoạch sử dụng SDRs rộng rãi hơn trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
“Chúng tôi thực sự khá cởi mở với gợi ý đó,” ông Geithner nói khi mô tả nó như một quá trình “tiến hóa”.
Trong các báo cáo chính thức, Liên Hiệp Quốc và thậm chí chính IMF cũng đã đưa ra ý tưởng biến SDR thành một loại tiền tệ toàn cầu thực sự.
Và giờ đây, những lời kêu gọi ngày càng lớn hơn và công khai hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế như hiện nay.
Viết trên tờ Financial Times vào ngày 18/03 trong một bài quảng bá cho sự “Tái lập vĩ đại” của hệ thống tài chính, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Longview Economics, Chris Watling, đã công khai bày tỏ ý tưởng về việc SDR thay thế đồng USD.
Ông viết: “Các nhà hoạch định chính sách nên đàm phán một số hình thức neo giữ – hoặc nó ràng buộc các đồng tiền lẫn với nhau, gắn chúng với một đồng tiền điện tử trung tâm hoặc có thể là quyền rút vốn đặc biệt điện tử, loại tài sản dự trữ quốc tế do IMF tạo ra.”
Nếu đồng USD mất vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu, một trong những tác động ngay lập tức sẽ là phá vỡ sức mua của đồng USD
Ngay bây giờ, các chính phủ, ngân hàng trung ương và doanh nghiệp trên khắp thế giới dự trữ một lượng lớn USD để giải quyết các giao dịch quốc tế. Điều này tạo ra nhu cầu toàn cầu liên tục đối với đồng USD.
Tuy nhiên, nếu đồng USD mất vị thế so với SDR, nhu cầu đối với USD trên toàn thế giới sẽ giảm mạnh. Kết quả là sức mua sụt giảm sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn khi khả năng mua hàng hóa và dịch vụ của người Mỹ từ ngoại quốc bị suy giảm.
(Còn tiếp)