Những Thành quách cổ quanh vùng Bắc Ninh
Có về bản đồ để tiện kê-cứu
Tỉnh Bắc-ninh, đời Tần, 246-207 tr.T.L., thuộc Tượng-quận; đời Hán (200 tr. T. L – 220 s, T L) thuộc Giao-chỉ; đại Ngô, 222-280, gọi là Giao-châu quận-trị; đời Tấn, 265-420, gọi là Vũ-ninh; đời Đường, 618-906, gọi là Long-châu.
Đến đời tự-trị, Đinh,Lê,968-1009, gọi Bắc-ninh là Bắc-giang; Lý, 1010-1225, gọi là Gia-lâm quận; đời Trần, 1225-1400, gọi là Bắc-giang lộ; Lê Thuận-Thiên năm đầu, 1428, gọi là Bắc-đạo; khoảng năm Lê Thiệu-Bình, 1434-1439, gọi là Bắc-giang thượng, hạ-đạo. Năm Lê Quang-Thuận thứ 7 (1466) đồi gọi là Bắc-giang thừa-tuyên. Năm Hồng-đức thứ 21 (1490) tu sửa đồ-bản, gọi là xứ Kinh-bắc.
Bản triều năm Minh-mạng thứ 3 (1822) gọi là trấn Bắc-ninh; năm thứ 12 (1831) đồi gọi là tỉnh Bắc-ninh.
Đến năm Thành-thái thứ bảy (1905), cắt từ sông Cầu trở lên đặt làm tỉnh Bắc-giang; lại cắt ở phía tây lấy gần ba phủ huyện cho sáp nhập vào tỉnh Phúc-yên, nên so với trước thì nay chỉ còn nhỏ bằng một phần tự đất-đại xưa.
Tỉnh Bắc-ninh, địa thể rất đẹp, núi sông thuận tiện, nên ngày trước đã có nhiều đời đóng đô ở đó. Kể ra cái di-tích thuộc về chính-trị và tôn-giáo thì rất nhiều, nay chỉ xin đan cử những nơi đã làm thành-quách mà thôi. (Xin coi bản đồ).
1. Thành Cổ-bi
Tục-ngữ có câu: “Thứ nhất Cổ-bi, thứ nhì Cổ-loa, đến bực thứ ba, kinh-đô Hà-nội”. Vậy xin nói qua về thành Cổ-bi trước đã. Thành Cổ-bị ở xã Cổ-bi, đồng Đăng-xá, phủ Gia-lâm bây giờ, do chúa Trịnh-Cương (1709-1720) đắp vào năm Vĩnh-khánh nguyên-niên (1720). Nguyên vì Trịnh Cương, hồi tuổi già, ta về thuyết phong-thủy, khi qua quê mẹ là Trương Thái-phi, thấy nơi ấy có hai dãy núi như chuỗi ngọc chân nhấp-nhô sóng hàng, bên hữu lại có một u đất rất cao, như hình voi phục (Tục gọi là Trần voi phục) bèn sai lập ra thành-quách cung-điện để ở, gọi là Kim-thành). Công việc đường xây dựng dở-dang thì chúa Trịnh Cương mất ở đó. Ngay chỗ ấy có những voi đá, ngựa đá, sư-tử đá, do chúa Trịnh đã bày-đặt ra (hiện giờ vẫn còn).
2. Thành Cổ-loa.
Thuộc xã Cổ-loa, huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-yên bây giờ, do vua Thục An-dương vương đắp năm 257 trước Tây lịch. Thành đắp ra có ba tầng vòng quanh có như hình trôn ốc, nên mới gọi là Loa-thành, rộng chừng nghìn trượng, lại có tên là Hắc-long thành. Nhà Đường thấy thành ấy đắp ở một giải cao-nguyên nên gọi là Côn-lôn thành.
Ở giữa thành có đền thờ vua Thục An-dương vương và miếu | thờ nàng Mỵ-Châu. Trước cửa miếu có cái giếng gọi là giếng
“Tây-ngọc”. Tương truyền rằng: Khi lấy được ngọc trai ở ngoài Đông-hải, đem về giếng ấy rửa thì ngọc trai sáng thêm ra.
Trước cửa miếu có một cây đa cổ-thụ, rễ mọc tỏa ra hai bên, thành một cái cửa, đi lại ở giữa được. Trong miếu có một bài thơ của cổ-nhân đề rằng:
Thiết trảo bất tri phu bạn phụ,
Bạt mao đãn giác phụ tùng phu.
Thủy quang tẩy đắc minh châu sắc,
Tẩy đắc gia-ông túc hận phầu ?
Dịch nôm:
Trộm nỏ ngờ đâu cha mắc bợm !
Ghi lòng biết có thiếp ngay lòng.
Nước trong cửa được hòn châu sáng,
Rửa được lòng cha tức-giận không ? (1)
Và một câu đối của quan Lạc-bộ Thượng thư Nguyễn Tư-Giản đề:
Thị gia phi, thiên tải hạ, thùy năng biện chi ? quy-trảo nỗ-cơ truyền ngoại sử.
Phụ dữ phu, ngũ luận trung, quả thực thân dã? bạng thai tỉnh thủy độc thâm tình.
Dịch nôm
Thực với dối, muôn năm, há rõ thay ? Máy nỏ vuốt rùa ngoại sử chép.
Cha với chồng, nằm rường, ai thâu nhỉ ? Lòng trai, nước giếng nặng tinh chung ! (2)
Sau miếu có chùa gọi là chùa Bảo-sơn. Cổ truyền rằng: Đời vua Ngô-vương Quyền (939-944) cũng đóng kinh-độ ở đấy.
3. Thành Liên-lâu
Ở xã Lũng-khe, tổng Khương-tự, phủ Thuận-thành, do Sĩ-vương đời Hán lập ra, bốn bề toàn thành bằng đất, rộng độ 80 mẫu (chân thành vẫn còn). Phía trước thành có giòng sông Thiên-đức chẩy qua. Bên tả, bên hữu và đắng sau đều có ao rộng. Giữa thành có đền thờ Sĩ-vương. Đền có 5 tòa, trước, sau, tả, hữu đều có tường lầu. Phía trước có hồ, trên hồ có cầu bằng đá, ngoài cầu đá có lập ra cửa thế-môn có vọng-giang lâu. Đời Hậu Lê, có quan Đà quốc-công, Dĩnh quận-công đứng lên trùng tu lại.
Đời Minh-mạng (1820-1840) thăng tự Sĩ-vương vào án tiên nho ở Văn – miếu. Đời Tự-đức (1848-1883) Chuẩn cho 10 tên phu để quét tước đền, và xuân thu trí tế, Xã Lũng-khê được cấp công tiền 100 quan.
Nguyên xưa Si-vương, họ Sĩ, tên Nhiếp, tự Ngạn-oai, người đất Quảng-tín quận Thương-ngô nhà Hán bên Tàu, Đời Hán Bình-đế (đầu Tây lịch-5 sau T,L.), tổ-tiên Sĩ-Nhiếp tránh loạn Vương Mãng sang ở xứ Giao-châu. Lúc thiếu thời, Nhiếp du học ở kinh đô nhà Hán, thu-nghiệp Lưu tiên-sinh người ở Lĩnh-châu, đọc sách Xuân-thu, Tả-truyện.
Đời Hán Hoàn-đế (147 – 167), Nhiếp đỗ khoa Mậu-tài, được bổ làm quan lệnh huyện Vu-dương, sau bỏ sang Giao-châu, được cử làm Thái-thi.
Nhiếp, trong khi quản-trị Giao-châu (187-226), đã đem văn-hóa đạo Khổng sang dạy thêm cho dân ta, nên văn-học nước ta từ đó ngày thêm thịnh đạt. Nhiếp được phong tước Long-biên hầu, thọ 90 tuổi. Sau mất, táng ở xã Tam-á cách thành Liên-lâu độ hai cây số.
Lăng ở trong một đám rừng, cây cỏ um-tùm, xây tường hoa vòng tròn rộng độ 20 bước; có một cửa vào. Bên tả lưng lại có miếu thờ, có một ngôi chính-tẩm và tế-đường, tả hữu vu và tam-quan, tất cả 5 tòa. Ngoài có vọng đình, trên có bốn chữ “Nam-giao học tổ”.
Đời Tự-đức có chuẩn cho 5 tên phụ để quét-tước, và mỗi năm xã Tam-á được lĩnh công tiền 50 quan làm xuân thu tế.
4. Thành Điêu-diêu.
Ở giáp giới xã Gia-quất và xã Gia-thượng tổng Gia-thụy, phủ Gia-lâm, do quân Minh đắp ra. Khi quân Minh còn chống cự với vua Lê thái-tổ (1428-1433),
vua sai ông Lê-Chích đánh, hạ được thành này. Nay vẫn còn độ vài mươi cồn đất cao ở nơi ấy, tương truyền là những nền cung điện, nền kho và nền cột cờ còn lại vậy.
5. Thành Thị-cầu
Ở núi Dinh-sơn, xã Thị-cầu, tổng Đỗ-xá, huyện Võ-giàng. Thành này cũng do quân Minh đắp ra, rộng độ trăm mẫu. Tướng nhà Minh là Đường-bảo-Trinh giữ thành ấy. Vua Lê-thái-tổ gọi ông Lê-Chích ở Nghệ-an đem quân ra, hết sức đánh phá, sau hạ được thành. Bảo-Trinh thể nguy, phải xin hàng.
Đời Hậu-Lê lập trấn Kinh-bắc ở đó. Đến đời Gia-long năm đầu (1802) cũng nhân nền đó mà đặt trấn. Sang năm thứ 3 (1804) mới dời trấn ra nơi khác. Những vết thành cũ hiện giờ vẫn còn.
6. Thành Xương-giang.
Ở tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang. Do quân Minh đắp ra. Tri-phủ nhà Minh là Lưu-tử-Phụ và Chỉ-huy là Kim-Dận đều chết ở đó, khi chống đánh với Thái úy nhà Lê là Trần Can và Tư-mã là Lê Sát.
Nay thành ấy đã bị san phẳng làm ruộng, nên không thể nào khảo cứu cho ra vết tích được nữa !.
7. Dinh cũ Bồ-đề
Ở xã Phú viên, tổng Gia-thụy, phủ Gia-lâm. Khi vua Lê Thái-tổ đương chống nhau với quân Minh, vua sai đắp một dinh bằng đất cao như quả núi, ngang bằng với tháp Báo-thiên bên Thăng-long. Vua ngự ở tầng trên đề xem thế động tình của quân giặc ở thành Đông-quán (tức Thăng-long thành) và cho ông Nguyễn-Trãi ở tầng giữa đề thảo tờ trát quân lệnh đi lại. Nay tiếc rằng không còn một dấu vết gì để mà khảo-cửu !.
8. Thư- viện Lạn-kha
Ở núi Phật-tích, tổng Thụ-phúc, huyện Tiên du, do nhà Trần 1225-1400, lập ra, gọi là “Lạn kha thư viện” cử ông Trần Hoạch làm sử trưởng Vua Trần thường ngự ra đó để xem sách. Niên hiệu Xương phù (1377-1387) có mở tại đó khoa thi lấy tiền-sĩ. Đến đời Cảnh-hưng (1740-1786) cũng thường thiết triều-nghi ở chốn này.
9. Trường bắn bia
Ở xã Dũng-vi, tổng Dũng-vi, huyện Tiên-du. Do Hồ Quý Ly (1400) lập ra; có dựng một tấm bia đá để lại. Lâu ngày chữ ở trong bia đá mòn nhoè hết, bây giờ không thể khảo được nữa.
10. Trạm cũ Hoài-viễn
Xã Cự-linh, tổng Cự-linh, phủ Gia-lâm, lập ra từ đời Lý Minh-đạo năm thứ 3 (1044) để làm nơi sứ-quán cho các sứ-thần nước ngoài. Xem sách Địa-dư chí của ông Nguyễn-Trãi thì khi bấy giờ các quan Lang ở ngoài biên quận vô cớ không được tiến vào tận trong kinh thành, phải tạm chú ở quán Hoài-viễn, đợi khi triều hội, có lệnh, mới được tiến kinh. Nay tiếc rằng nơi nền cũ cũng không còn một dấu vết gì !.
Biệt Lam TRẦN HUY BÁ
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)