Niềm vui bạn bè: 3 yếu tố để chiến thắng cô đơn và sự can thiệp của chính phủ
Annie Holmquist
Có lẽ không mấy ai còn cảm thấy ngạc nhiên khi chứng khiến sự không hạnh phúc của mỗi người trong xã hội thời nay đã lên đến mức chưa từng thấy. Cùng với tình hình của thế giới – tỷ lệ tội phạm gia tăng, các cuộc đấu tranh chính trị, và các quyền tự do bị bóp nghẹt – sự cách biệt giữa người với người tăng lên, và thật khó để ngay cả những người vô tư lự nhất trong chúng ta có thể giữ nụ cười trên môi.
Nhưng vẫn còn hy vọng – như một phân đoạn gần đây về tình trạng không hạnh phúc của số đông trong chương trình “Sunday Morning” (Buổi sáng Chủ nhật) trên đài CBS đã giải thích. Trích dẫn một nghiên cứu dài hạn của Đại học Harvard, đài CBS cho biết những người hạnh phúc nhất trong cuộc sống là những người có các mối quan hệ và tình bạn bền chặt. Những tình bạn như vậy đem lại cho chúng ta cảm nhận về ý nghĩa và mục đích sống, cảm giác thân thuộc, và một nơi nương tựa.
Thật không may, nhiều người trong chúng ta thực sự không còn biết cách kết bạn nữa; nhịp sống hối hả và sự thịnh hành của công nghệ đã dần thay thế mối quan hệ quan trọng này trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, có vẻ lời nhắc nhở về những yếu tố tạo nên tình bạn tốt đẹp là rất cần thiết vào lúc này.
Sự rộng lượng trong các mối quan hệ
Rộng lượng là yếu tố đầu tiên của tình bạn tốt đẹp. Nhà tư tưởng thế kỷ 20 Russell Kirk đã đề cập đến phẩm chất này trong cuốn sách của ông, “Economics: Work and Prosperity” (Kinh Tế Học: Công Việc và Sự Thịnh Vượng), trong đó nêu lên sự tương phản giữa rộng lượng và đố kỵ. Ông Kirk viết rằng đố kỵ là một cảm xúc tiêu cực có liên hệ mật thiết tới sự cô đơn, trong khi “rộng lượng là một cảm xúc thu hút những người bạn.” Người nào nhanh chóng đưa ra lời khen ngợi chân thành và ủng hộ công việc của những người khác có đặc điểm của người rộng lượng.
Điều này nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng ông Kirk cũng mô tả chi tiết rằng rộng lượng là một phần tính cách của người Mỹ, và những người không dính dáng gì đến chủ nghĩa Marx tàn độc.
“Ở những vùng đất theo chủ nghĩa Marx, sự đố kỵ được giới nắm quyền chấp thuận,” ông Kirk cho biết. “Người truyền bá chủ nghĩa Marx cố ý rao giảng sự đố kỵ. Bằng cách tán dương thói xấu mạnh mẽ đó, người ta có thể phá bỏ hiến pháp, các giai tầng, và tôn giáo.”
Khoảng 30 năm sau khi tác giả Kirk viết những lời này, với xu hướng ngày càng nghiêng về chủ nghĩa Marx ở Hoa Kỳ, người ta tự hỏi phải chăng lòng đố kỵ mà chủ nghĩa Marx tạo ra đang dẫn đến dịch bệnh cô đơn như chúng ta đối mặt thời nay.
Sự tương đồng về các giá trị
Yếu tố thứ hai của tình bạn là những sở thích chung. Tác giả C.S. Lewis đã viết trong quyển “The Four Loves” (Bốn Loại Tình Cảm) của ông, rằng một tình bạn tốt đẹp bắt đầu bằng những từ: “Cái gì? Bạn cũng vậy sao? Tôi đã nghĩ mình là người duy nhất đấy,” cho thấy những người thích những thứ giống nhau sẽ tìm thấy sự kết nối mà họ không thấy được ở những người khác.
Tác giả Lewis cũng viết rằng những sở thích chung này có thể xoay quanh các hoạt động, tôn giáo, học tập, hoặc nghề nghiệp, nhưng tình bạn sâu sắc nhất là vượt trên cả những điểm chung ở bề ngoài. Họ là những người đặt ra câu hỏi “Bạn có yêu mến tôi không? có nghĩa là Bạn có nhận thấy chân lý đó không? – Hoặc ít nhất, ‘Bạn có quan tâm đến chân lý đó không?’” tác giả Lewis viết.
Điều này đưa ra một lý do khác khiến xã hội thời nay vật vã với tình trạng cô đơn và thiếu vắng tình bạn – cụ thể là, không còn những cuộc hàn huyên giúp chúng ta khám phá những chân lý sâu sắc mà người khác tin tưởng nữa. Khẩu hiệu của trào lưu ‘thức tỉnh’ thời nay là, chân lý của bạn là của bạn và chân lý của tôi là của tôi, và chúng không bao giờ tương đồng với nhau. Thậm chí hành động bày tỏ niềm tin của bạn với người khác còn bị xem là sự công kích.
Chừng nào chúng ta tự do trò chuyện cởi mở và trung thực, tự do không đồng tình với ai đó hoặc tranh luận về một vấn đề nào đó, thì chúng mới không mắc kẹt vào nhà tù của sự hời hợt hay thu mình vào ốc đảo – trừ phi chúng ta chỉ muốn dành cả ngày để nói về thời tiết.
Cam kết vững chắc
Thứ ba, tình bạn cần đến thời gian và sự kiên nhẫn. Đây là một chân lý được triết gia Aristotle đánh giá cao trong quyển “Nicomachean Ethics” (Đạo đức học Nicomachean) của ông – đặc biệt quan trọng trong thế giới mà công nghệ của chúng ta phát triển nhanh chóng. Triết gia Aristote viết rằng chúng ta có thể gặp một người nào đó và mong muốn có một tình bạn, nhưng tình bạn thực sự tiến triển theo thời gian và là bất khả thi, “cho đến khi mỗi người [bạn] có thể chứng minh được mình là đáng yêu và đáng tin cậy đối với người kia.” Và việc thể hiện, hiểu biết và xây dựng lòng tin với một người bạn chỉ khả thi khi chúng ta dành thời gian cho người đó và “cùng chia ngọt sẻ bùi,” ông viết
Trong những năm gần đây, phương tiện truyền thông xã hội đã khiến chúng ta tin rằng tình bạn chỉ đơn giản như việc nhấn nút và gửi một yêu cầu kết bạn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, “tình bạn” như vậy không đem đến sự đồng hành và gắn kết mà chúng ta khao khát có được. Trên thực tế, như cố vấn về tình bạn Danielle Bayard Jackson giải thích trong chương trình “Sunday Morning” của đài CBS đã đề cập ở trên, nghiên cứu cho biết rằng chúng ta “mất khoảng 50 giờ để làm quen, khoảng 90 giờ để trở thành một bạn người bạn thân, và 200 giờ để trở thành một người bạn thân nhất.”
Nói cách khác, nếu chúng ta không sẵn sàng dành thời gian và lòng kiên nhẫn để vun đắp tình bạn trong nhiều giờ, thì chúng ta không thể mong đợi được tận hưởng cảm giác hạnh phúc thăng hoa do tình bạn đúng nghĩa đem lại.
‘Bàn tay’ của Chính phủ
Nỗi cô đơn và sự không hạnh phúc đi kèm đang trở thành một kiểu dịch bệnh. Tổng Giám đốc Công ty Gallup John Clifton nói với đài CBS, rằng “các nhà lãnh đạo nên xem hạnh phúc của công dân mình là ưu tiên chính trị hàng đầu.”
Nhiều người có thể thấy rùng mình với ý nghĩ như vậy. Ai lại muốn chính phủ can thiệp nhiều hơn vào cuộc sống của họ chứ?
Nhưng có lẽ chính phủ là một trong những yếu tố then chốt tạo ra hạnh phúc – không phải bằng cách can thiệp nhiều hơn, mà là ít hơn. Suy cho cùng thì có ít chính phủ hứa hẹn đẩy lùi chủ nghĩa Marx – nguồn gốc của sự cô đơn là lòng đố kỵ. Sự can thiệp của chính phủ càng ít thì càng có nhiều quyền tự do ngôn luận hơn, mở ra nhiều mối giao tiếp giúp tình bạn sâu sắc hơn. Và chúng ta càng dành nhiều thời gian để gầy dựng và hòa mình vào những tình bạn vững chắc, thì chúng ta càng ít phải trông chờ vào sự trợ giúp của chính phủ vào những lúc khó khăn.
Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ làm cho ngay cả những người sầu khổ nhất trong chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Cô Annie Holmquist là nhà bình luận văn hóa đến từ vùng trung tâm của Hoa Kỳ. Cô yêu thích sách cổ điển, kiến trúc, âm nhạc, và các giá trị. Quý vị có thể tìm thấy các bài viết của cô tại Annie’s Attic trên Substack.