Niềm vui của sự thoải mái nhỏ
LEO BABAUTA
Có một vài ngày, tôi cần sự thoải mái. Tôi mệt mỏi, cạn kiệt về mặt cảm xúc, hoặc thấy như bị vây hãm trong áp lực của thế giới bên ngoài.
Vào những ngày đó, tôi cố gắng nhận biết trạng thái thể chất, tinh thần và cảm xúc của mình như thế nào, đồng thời tự hỏi bản thân mình đang cần điều gì.
Chỉ cần nhận ra, với hầu hết chúng ta đó là bước tiến lớn. Chúng ta thường không biết khi cảm thấy kiệt sức hoặc bị cuộc sống vùi dập. Chúng ta chỉ tập trung vào những điều mà bản thân nghĩ rằng nên thực hiện, và rồi chúng ta cố gắng vượt qua. Suy nghĩ này có thể là cần thiết, nhưng hiếm khi hữu ích vì chúng ta buộc bản thân phải hành động khi đang kiệt sức hoặc đang đương đầu với điều nào đó.
Vì vậy, nếu nhận ra, chúng ta có thể tạm dừng lại, hít thở một hoặc hai hơi và tự hỏi: “Điều tôi cần là gì?”
Đôi khi, với tôi, đó là một quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Tôi sẽ chợp mắt một lát. Đây là sự thoải mái nho nhỏ đẹp đẽ mà tôi dành cho bản thân, và sau đó tôi thấy sảng khoái hơn rất nhiều.
Hôm nay, tôi rất muốn bênh vực cho những sự thoải mái nho nhỏ. Một giấc ngủ ngắn là ví dụ tuyệt vời, nhưng còn rất nhiều điều hơn thế.
Dưới đây là những cách tạo ra sự thoải mái nho nhỏ mà tôi yêu thích:
- Một phút để hít thở và nhận diện những cảm xúc của mình.
- Giãn cơ theo một cách quý phái.
- Một tách trà nóng.
- Tắm nước nóng.
- Đi bộ thư thả và hòa mình vào thiên nhiên.
- Thưởng thức một số quả mọng hoặc trái cây ngon miệng.
- Một cái ôm từ người thân yêu.
- Một buổi thiền định ngắn.
- Một thìa bơ đậu phộng.
- Cuộn mình với cuốn sách hay.
- Một buổi xoa bóp trị liệu.
- Ngâm mình trong bồn nước nóng.
- Ngồi với ai đó và nghe nhạc.
- Thưởng thức một hoặc hai viên chocolate đen.
Những thoải mái nho nhỏ thường không nguy hại, nhưng những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn tối đa khi hưởng thụ điều đó.
1. Tránh quá đà
Mặc dù có vẻ kỳ lạ khi nói về việc lạm dụng, nhưng nhiều người trong chúng ta có khả năng buông thả quá mức và gần như bị nghiện sự thoải mái.
Ví dụ: nếu bạn thích sự nghỉ ngơi với một ly rượu vang, bạn có thể trở nên lạm dụng và thấy rằng cần uống bất cứ khi nào căng thẳng. Sau đó, nhu cầu sẽ tăng lên thành năm ly mỗi ngày.
Điều tương tự cũng xảy ra với thức ăn, xem TV, chơi điện tử, v.v. Không có gì là sai khi đam mê những điều đó – nhưng bạn cần có chừng mực. Hãy áp dụng nhiều cách để đi tìm sự thoải mái khi cần, không nên dựa dẫm vào một thứ duy nhất.
2. Đối mặt với sự khó chịu khi có thể
Bạn không thể lúc nào cũng thoải mái. Nếu đó là mục tiêu của bạn, thì cuối cùng bạn sẽ thu mình khỏi cuộc sống. Tôi rất ủng hộ việc học cách hòa nhập với cuộc sống, dù bạn có gặp phải những điều không thoải mái. Đây là cách chúng ta trưởng thành.
Tất nhiên, chúng ta không thể ở trong trạng thái khó chịu mọi lúc mọi nơi. Đôi khi, bạn cần có sự nuôi dưỡng, bồi đắp, và phục hồi sinh lực. Đôi khi chúng ta cần sự thoải mái. Đây không phải là một thỏa thuận được ăn cả ngã về không – chúng ta có thể tìm ra sự cân bằng phù hợp với mình.
3. Buông bỏ cảm giác tội lỗi
Bên cạnh những gì tôi chia sẻ trong hai lời khuyên đầu tiên, bài viết này nói về những thoải mái nhỏ, không phải “thú vui tội lỗi”. Sự thoải mái, khi chúng ta cần, thì lành mạnh và tuyệt vời. Hãy xem bạn có thể cho phép mình tận hưởng những thú vui nho nhỏ này không.
4. Hãy sống với thực tại và tận hưởng từng giây từng phút
Việc thưởng thức một món ăn không phải là điều dễ chịu nếu bạn bị phân tâm bởi điện thoại. Hãy để bản thân tận hưởng trọn vẹn và tìm thấy sự tuyệt vời và thi vị trong những điều nhỏ đem đến sự thoải mái cho bạn.
Tôi hy vọng bạn sẽ cho phép mình chăm sóc bản thân khi cần. Đây là nói về những điều thoải mái nho nhỏ của cuộc sống.
Leo Babauta là tác giả của sáu quyển sách, là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người ghi danh, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net