Việc bùng phát virus Trung Cộng và các biện pháp cứu trợ kinh tế sẽ gây hậu quả xấu cho tương lai lâu dài của ngân sách chính phủ trong vài chục năm tới. Hôm 21/9, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết, công bố dự báo mới cho thấy nợ của chính phủ liên bang có thể sẽ tăng lên 104% vào năm 2021 và năm 2050 sẽ bằng gần gấp đôi sản lượng kinh tế của Hoa Kỳ.

Trong kế hoạch ngân sách dài hạn của mình, CBO cho biết, đến cuối năm 2020, nợ liên bang do công chúng nắm giữ dự kiến ​​lên tới 98% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng từ 79% vào năm 2019. Do chi tiêu liên bang tiếp tục tăng, nợ được dự báo sẽ lên tới 104% GDP vào năm 2021 và đến năm 2023, dự kiến ​​sẽ vượt quá mức nợ trên GDP kỷ lục được thiết lập vào cuối Thế chiến thứ 2.

Trong năm tài chính 1946, nợ liên bang tính theo tỷ trọng GDP đạt 106.1%, CBO dự đoán rằng vào năm 2023, con số này sẽ tăng lên 107%, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hơn nữa, CBO dự đoán rằng nợ liên bang sẽ tiếp tục tăng lên 195% GDP vào năm 2050.

Giám đốc CBO Phillip Swagel cảnh báo rằng kế hoạch tài khóa dài hạn không bền vững, gây rủi ro đối với niềm tin dài hạn vào đồng USD.

Swagel nói: “Không có thời điểm ấn định mà tại đó một cuộc khủng hoảng tài khóa có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, cũng như không có điểm xác định mà tại đó chi phí lãi suất tính theo phần trăm GDP trở nên không bền vững. Nhưng khi nợ tăng lên, rủi ro càng lớn.”

Nợ liên bang sẽ tăng lên 104% GDP vào năm 2021
Nợ liên bang do công chúng nắm giữ từ năm 1900 đến ngày nay, cùng với dự báo đến năm 2050. (Văn phòng Ngân sách Quốc hội)

“Nợ liên bang cao và gia tăng khiến nền kinh tế dễ bị biến động hơn khi lãi suất tăng và, tùy thuộc vào cách tài trợ khoản nợ đó, lạm phát sẽ gia tăng. Gánh nặng nợ ngày càng tăng cũng làm tăng chi phí đi vay, làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thu nhập quốc dân, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài khóa hoặc giảm dần giá trị của Trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ,” CBO lưu ý trong báo cáo của mình.

Báo cáo của CBO cho biết ngay cả sau khi tác động của đại dịch giảm dần, thâm hụt trong những thập kỷ tới có thể sẽ còn lớn theo tiêu chuẩn lịch sử.

“Theo dự báo của CBO, thâm hụt ngân sách tăng từ 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030 lên 13% vào năm 2050 — năm nào cũng lớn hơn so với mức thâm hụt trung bình 3% GDP trong 50 năm qua,” cơ quan này cho biết trong báo cáo.

Đầu tháng này, CBO báo cáo rằng mức thâm hụt ngắn hạn sẽ đạt mức cao nhất lịch sử, do chương trình cứu trợ kịp thời của liên bang nhằm chống lại cuộc suy thoái COVID-19. Cơ quan này dự kiến ​​thâm hụt liên bang trong năm tài chính hiện tại sẽ là 3.3 nghìn tỷ USD, cao hơn gấp ba lần mức thiếu hụt được ghi nhận trong năm tài chính 2019

Nợ liên bang sẽ tăng lên 104% GDP vào năm 2021
Điện Capitol Hoa Kỳ nhìn qua hình phản chiếu trên một xe cứu thương thường trực tại Washington vào ngày 27/3/2020. (Ảnh Alex Edelman/ AFP / Getty Images)

Tiếp theo báo cáo trước đó của CBO, Tòa Bạch Ốc cho biết họ dự kiến ​​rằng, vào đầu năm tới, thâm hụt và tỷ lệ nợ trên GDP sẽ giảm xuống khi nền kinh tế phục hồi.

Ông Joe LaVorgna, trưởng kinh tế gia của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với Just The News vào tuần trước rằng tỷ lệ nợ liên bang trên GDP của quốc gia sẽ giảm khi nền kinh tế phục hồi

“Xét về tổng nợ so với GDP, con số đó tăng lên do thâm hụt đã tăng lên. Nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi — và tiếp tục, một phần lớn của sự tăng thậm tệ mức thâm hụt này là kết quả của sự suy giảm kinh tế do đại dịch, vì vậy khi chúng ta thoát khỏi điều đó và trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế có thể phục hồi vào đầu năm tới — có lẽ tôi nên nói rằng có khả năng cao — tất cả những suy giảm liên quan đến đại dịch, những khoản thâm hụt đó sẽ nhỏ hơn nhiều so với quy mô của chúng bây giờ, và khi điều đó xảy ra, nợ trên GDP của quý vị cũng sẽ không tệ như vậy,” ông LaVorgna cho biết.

Cho đến thời điểm này năm nay, khoảng 3.3 nghìn tỷ USD viện trợ khẩn cấp để chống lại suy thoái kinh tế do virus bùng phát đã được ban hành thành luật, khiến thâm hụt ngân sách vốn đã lớn của năm nay và nợ liên bang tăng vọt. Nếu toàn bộ ngân sách được thực hiện, điều này sẽ đưa thâm hụt ngân sách lên 16% GDP, mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ 2.

Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Tác giả: Tom Ozimek
Biên dịch: Minh Khanh

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn