Nông dân cảm thấy áp lực khi giá phân bón tăng hơn gấp đôi
Các nhà cung ứng các mặt hàng nông nghiệp của Hoa Kỳ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chi phí phân bón đang tăng cao – là nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng và gây căng thẳng về nguồn cung cấp lương thực toàn cầu
Ông John Ortiz, giám đốc bán hàng tại BigYield.us ở Garden City, Missouri, một tổ chức tập trung vào việc tạo ra các chiến lược tăng quy mô và chất lượng cây trồng bằng cách sử dụng phân bón lỏng có chứa nitrogen (nitơ), cho biết: “Điều đó đang gây khó khăn lớn cho chúng tôi.”
“Quý vị sẽ phải cần đến hạt giống. Quý vị sẽ phải cần đến phân bón” để trồng trọt trên quy mô lớn, ông Ortiz nói với The Epoch Times. “Ai cũng cần phải ăn cả.”
Nguồn cung cấp phân bón đã bị thiếu hụt trong những tháng gần đây do chi phí cho khí đốt tự nhiên cao, một thành phần chính trong sản xuất của họ.
Ông Ortiz cho biết chỉ riêng năm vừa qua, giá cả đã đội lên gần gấp ba lần.
Năm 2020, mất khoảng 48 USD để rải đều phân bón lên một mẫu đất trồng. Ông Ortiz nói đến năm 2021 thì phải chi đến 120 USD/mẫu – tăng 72 USD, (1 mẫu tây khoảng 4,046 mét vuông).
Do đó, nông dân đang phải suy tính giảm bớt việc sử dụng phân bón và tìm các biện pháp thay thế để cung cấp dưỡng chất cho đất.
Chuẩn bị cho sự thiếu hụt tồi tệ hơn
“Chúng tôi đang chuẩn bị,” ông Ortiz cho biết, nhưng nếu như phân bón “không có ở đó, thì là không có. Nếu anh đã hết, thì tức là vét sạch rồi. Rồi anh lấy ở đâu ra thêm nữa?”
Ông nói hoạt động hậu cần vận chuyển và chi phí vận tải tăng cao cũng trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
“Đó là hiệu ứng lan truyền,” ông Ortiz cho biết, và nói thêm rằng người nông dân đang “rất lo lắng”.
“Đây là một trong những tình huống mà chúng tôi trước kia chưa từng gặp phải.”
Ông Ortiz cho biết không chỉ giá phân bón cao hơn khiến người nông dân lo lắng, mà cả chi phí thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ cũng đang tăng.
“Thay vì phun phân bón lên đất mặt,” thì trong nhiều trường hợp, “họ sẽ quay trở lại với việc cải tạo đất”, sử dụng các phương pháp gieo trồng truyền thống hoặc thay thế. “Rất nhiều người đang chuyển từ trồng ngô [không biến đổi gene] sang trồng đậu nành,” ông Ortiz nói.
Ông cho biết việc chuyển từ phân bón dạng khô sang phân bón dạng lỏng có thể sẽ giúp tăng hiệu quả và năng suất cây trồng.
Là nhà sản xuất phân bón có chứa nitơ lớn thứ tư thế giới, Hoa Kỳ nhập 20% lượng urea và 40% lượng amoni nitrat từ Nga. Trung Quốc cũng là một nhà cung cấp lớn cho các sản phẩm này với tư cách là nhà sản xuất và xuất cảng lớn thứ hai thế giới.
Gần đây, cả hai quốc gia đều thông báo rằng họ sẽ hạn chế xuất cảng phân bón nitơ, với hy vọng có thể kìm giá lương thực tăng cao hơn nữa.
Ông Ortiz nói, “Đó là những gì xảy ra khi chúng ta phụ thuộc vào nguồn bên ngoài để cung cấp cho các sản phẩm của mình – thật là dại dột.”
CF Industries, một nhà sản xuất và phân phối phân bón nông nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, gần đây đã phải đóng cửa các hoạt động kinh doanh của mình tại Anh Quốc trong bối cảnh chi phí khí đốt tự nhiên cao và lỗ ròng hàng quý được báo cáo là 185 triệu USD.
Công ty này đã buộc phải ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy amoniac của họ ở Louisiana do Bão Ida.
CF Industries đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Ông John Kempf, người sáng lập Advancing Eco Agriculture (Thúc đẩy Nông nghiệp Sinh thái), một công ty chuyên về chất kích thích sinh học và dinh dưỡng cho thực vật có trụ sở tại Middlefield, Ohio, cho biết trong một số trường hợp thì nguồn cung ứng phân bón “gần như không có”.
Ông cho biết “vấn đề lớn hơn” là phần lớn thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được dùng trong nông nghiệp ở Hoa Kỳ được sản xuất ở bên ngoài đất nước.
Ông nói họ cũng phải chịu sự gián đoạn và trục trặc trong chuỗi cung ứng chuyển giao hàng hóa.
Việc gieo trồng trở lại thuở nguyên sơ
Là một nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng sinh học và khoáng chất, ông Kempf cho biết công ty ông tìm cách giúp người nông dân giảm sự phụ thuộc vào phân bón và thuốc trừ sâu hiện đại, nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành.
Ông Kempf nói với The Epoch Times: “Chúng tôi cho là người nông dân đã đang quá lạm dụng những sản phẩm này trong một thời gian khá dài,” gây tổn thất cho hệ sinh thái.
Về lâu dài, ông Kempf cho biết loại bỏ việc sử dụng nhiều các loại phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp trong nông nghiệp “sẽ buộc chúng ta phải trở thành những nông dân tốt hơn.”
“Chúng tôi biết rằng 60% nitơ được sử dụng trên cây ngô không chỉ không được hấp thụ hết mà còn trôi xuống sông hoặc bị ngấm vào đất,” ông nói.
Theo ông, “chỉ có một mô hình” có thể làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt phân bón hiện nay: đó là ít phụ thuộc hơn vào các loại phân bón tổng hợp nhân tạo, đồng thời phụ thuộc nhiều hơn vào “các mô hình tái sinh” để cải tạo những tổn hại về sinh thái gây ra do hành vi lạm dụng hóa chất này.
“Hiện nay chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết để thực hiện các mô hình đó,” ông Kempf nói.