Nông dân Scotland: ‘Mùa màng thất thu’ vì lệnh cấm lấy nước
OWEN EVANS
Nông dân Scotland cho biết họ lo sợ rằng lệnh cấm lấy nước từ các con sông được áp dụng ở một số vùng của đất nước “giờ đây sẽ là dấu chấm hết cho một số người”, và quyết định này sẽ ảnh hưởng đến ngành rau quả trong “vài tuần và vài tháng tới”.
Hôm 13/08, cơ quan môi trường nước của Scotland SEPA đã cấm nông dân lấy nước từ sông Eden ở Fife, phía đông Scotland, nói rằng mực nước đã xuống thấp đến mức “nguy cấp” trong bối cảnh đợt nắng nóng đang diễn ra.
‘Mùa màng thất thu’
Liên minh nông nghiệp lớn NFU Scotland nói với The Epoch Times rằng những khu vực này là nằm trong những khu vực quan trọng nhất đối với nông nghiệp ở Scotland và “nếu không có nước cho những cây trồng này, nông dân sẽ có một vụ mùa thất thu”.
Các nhà chức trách cho biết, việc tạm ngừng cấp giấy phép lấy nước đã được áp dụng từ 0 giờ sáng hôm 13/08 đối với đại đa số nông dân ở lưu vực sông Eden, để mực nước có thời gian khôi phục.
Một phát ngôn viên của SEPA nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng có 56 điểm đình chỉ toàn bộ và 23 điểm đình chỉ một phần tại các lưu vực sông Eden và vùng duyên hải phía bắc của Fife.
Sông Eden dài 30 dặm là một trong hai con sông chính của Fife, ngoài sông Leven.
Lệnh đình chỉ này là một phần trong Kế hoạch Khan hiếm Nước Quốc gia của Scotland, trong đó đặt ra cách thức quản lý tài nguyên nước – trước và trong thời gian thời tiết khô hạn kéo dài.
Trong kế hoạch phát thải bằng không, SEPA nói rằng họ đã giúp nông dân Scotland chuẩn bị cho tình trạng “khan hiếm nước”. Điều này có nghĩa là trong thời kỳ khô hạn, cần phải “vừa cân bằng nhu cầu sử dụng nước bền vững vừa bảo vệ môi trường.”
Khan hiếm nước sẽ ‘xảy ra thường xuyên hơn’
Trong một tuyên bố, ông David Harley, giám đốc tạm thời đảm trách kinh tế tuần hoàn (circular economy) của SEPA, nói rằng việc phải “áp dụng các biện pháp tạm ngưng việc rút nước cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng nước mà phía đông Scotland đang phải trải qua mùa hè này. Đây không phải là một bước mà chúng ta có thể xem nhẹ, mà bằng chứng đã rõ ràng, và chúng ta không thể né tránh được nữa.”
Ông nói: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nông dân Scotland để bảo đảm tính bền vững của môi trường nước địa phương cho tất cả những người sống dựa vào nguồn nước này. Nếu không hành động, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến quần thể cá, môi trường sống tự nhiên và thiệt hại lâu dài cho các nguồn nước.”
Bà Harley nói rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến “tình trạng khan hiếm nước thường xuyên hơn”.
Hôm 15/08, Văn phòng Met đã cảnh báo về giông bão lớn và mưa nhiều trên hầu hết các khu vực của Scotland.
Một phát ngôn viên của SEPA nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng về thời tiết, họ đang chờ xem các cơn bão sẽ có tác động như thế nào đến “tình hình khan hiếm nước”.
Scotland là “Quốc gia Thủy điện”, là nơi các nguồn nước được phát triển để đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế Scotland.
Chiến lược Hydro Quốc gia đầu tiên được xây dựng hồi tháng 02/2012 để thực hiện nhiệm vụ theo luật định được nêu trong Đạo luật Tài nguyên Nước (Scotland) 2013 cho các bộ trưởng Scotland – để “thực hiện các biện pháp hợp lý mà họ cho là phù hợp với mục đích bảo đảm sự phát triển giá trị của nguồn tài nguyên nước”.
‘Đe dọa khả năng tồn tại của doanh nghiệp’
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, NFU Scotland nói rằng tác động kinh tế của quyết định này sẽ được cảm nhận trong “nhiều tuần và nhiều tháng tới”, và “mùa màng sẽ thất thu, nhiều việc làm có nguy cơ bị mất, đồng thời đe dọa đến khả năng tồn tại của một số trang trại.”
NFU Scotland nói thêm rằng họ đã “tìm cách để cho phép tiếp tục tưới cho những cây trồng có nguy cơ cao nhất khi không có nước.”
“Chúng tôi đề nghị ưu tiên các loại cây có nguy cơ cao như bông cải xanh, bông cải trắng, rau xà lách, đồng thời đề nghị áp dụng linh động để an ninh lương thực và các mối quan tâm về kinh tế phải đóng một vai trò quan trọng trong việc ra quyết định.”
Họ nói thêm rằng lệnh cấm nước đang được giám sát chặt chẽ ở các lưu vực khác.
Chủ tịch Ủy ban Trồng trọt NFU Scotland Iain Brown cho biết nếu không có nước tưới cho những loại cây trồng này, nông dân sẽ trắng tay; điều này sẽ khiến các thành viên của ủy ban này thất thoát “hàng triệu bảng Anh doanh thu và đe dọa khả năng tồn tại của các doanh nghiệp trong cộng đồng.”
Ông nói: “Vài năm gần đây, ngành rau quả lâm vào hoàn cảnh khó khăn, và đây sẽ là dấu chấm hết cho một số người.”
Ông Brown cho biết thêm, “Lệnh cấm lấy nước chỉ đơn giản là sai. Sản xuất lương thực là khâu quan trọng và cần được ưu tiên. Cần phải có thêm nhiều kế hoạch và khả năng ứng phó hơn để bảo đảm vụ mùa có thể phát triển được.”
Rau củ có ‘dấu hiệu biến dạng’
Ở Anh và xứ Wales, các dịch vụ nước được cung cấp bởi các công ty tư nhân. Ở Scotland, công ty nhà nước Scottish Water chịu trách nhiệm trước các bộ trưởng Scotland và Quốc hội Scotland.
Hôm 12/08, Anh đã đưa ra tuyên bố về một đợt hạn hán trên toàn quốc, sau một thời gian kéo dài từ tháng Một đến tháng Bảy năm 2022 với lượng mưa thấp – mức thấp nhất kể từ năm 1976.
Tình trạng khô hạn này đã khiến Anh và xứ Wales phải đưa ra các lệnh cấm sử dụng vòi tưới, và có thời điểm, người dân được khuyến khích báo cáo với các công ty cấp nước nếu họ phát hiện những người láng giềng quanh mình liên tục vi phạm các hạn chế về việc sử dụng nước ngoài trời.
Vào thời điểm đó, NFU cho biết nhiều nông dân báo cáo rằng các loại cây trồng như củ cải đường và bắp đang có “dấu hiệu biến dạng” vì hạn hán; đồng thời các loại rau và khoai tây cần tưới cũng đang sống lay lắt. Nếu mùa màng thất thu, thì giá đường, khoai tây, cà rốt, và bông cải xanh có thể sẽ tăng.