Ông Alan Dershowitz: Hạ viện đã phạm phải sáu điều trong hiến pháp khi luận tội
Ông Alan Dershowitz, Giáo sư luật danh dự tại Đại học Harvard, cho rằng Hạ viện đã vi phạm sáu điểm khác nhau của Hiến pháp khi đàn hặc (luận tội) Tổng thống (TT) Donald Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax, ông Dershowitz nói: “Họ đã vi phạm quy định về quyền tự do ngôn luận. Họ đã vi phạm các tiêu chuẩn đàn hặc. Họ đã vi phạm dự luật về tước quyền công dân và tịch thu tài sản. Họ đã vi phạm quy trình tố tụng hợp lý, liên tục và liên tiếp hết điều này đến điều khác như vậy.”
“Làm thế nào mà quý vị có thể luận tội một tổng thống cho một bài phát biểu được bảo vệ theo Hiến pháp?” ông ấy nói.
Chuyên gia luật này cũng cho rằng Quốc hội không đứng trên luật pháp, nhưng trớ trêu thay, họ có quyền được miễn tội cho những gì họ làm trên sàn Thượng viện.
Ông Dershowitz nói với người dẫn chương trình Carl Higbie: “Nhưng hình phạt duy nhất là bỏ phiếu bãi nhiệm họ và đưa họ ra xét xử trước tòa án công luận. Các thượng nghị sĩ và dân biểu được miễn trừ trong việc kiện tụng về những gì họ làm hoặc nói trên sàn Thượng viện, vì vậy không thể có bất kỳ vụ kiện cá nhân nào.”
“Hiến pháp rất rõ ràng, mục đích của việc đàn hặc là phế truất [tổng thống],” ông nói. “Thượng viện không thể xét xử một công dân bình thường được.”
Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 232–197 cho một điều khoản để đàn hặc Tổng thống Trump hôm 13/01 vì “kích động nổi dậy”. Đảng Dân Chủ và 10 đảng viên Đảng Cộng Hòa khác cho rằng TT Trump đã kích động vụ đột nhập Điện Capitol hôm 06/01.
TT Trump là tổng thống thứ ba bị đàn hặc và là người đầu tiên bị đàn hặc hai lần. Không có tổng thống nào từng bị đàn hặc và kết tội và cũng chưa có tổng thống nào bị đưa ra xét xử sau khi rời nhiệm sở.
Phiên điều trần kéo dài 7 giờ ở Hạ viện đã trở thành phiên đàn hặc nhanh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã bổ nhiệm Dân biểu Eric Swalwell (Dân Chủ–California), người gần đây đã nhận được nhiều sự chú ý vì bị cáo buộc có mối liên hệ thân mật với một điệp viên Trung Cộng, làm một trong chín người phụ trách việc đàn hặc.
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng việc tổ chức một phiên tòa sau khi TT Trump rời nhiệm sở là vi phạm Hiến pháp.
“Một khi nhiệm kỳ của Tổng thống Trump kết thúc vào ngày 20/01, Quốc hội sẽ không còn thẩm quyền hiến định để tiếp tục các thủ tục chống lại ông ấy – ngay cả khi Hạ viện đã thông qua các điều khoản đàn hặc,” ông J. Michael Luttig, một thẩm phán liên bang đã nghỉ hưu, viết trong một bài báo [trong chuyên mục thư gửi tòa soạn].
Những người khác nói rằng một phiên xét xử vẫn có thể bắt đầu.
“Tất nhiên, quý vị có thể đàn hặc, kết tội và truất quyền một cựu công chức. Quan điểm này được hỗ trợ bởi tục lệ Anh Quốc, văn bản và cấu trúc của Hiến pháp, cách hiểu ban đầu, và tiền lệ liên tục của Thượng viện,” ông Gregg Nunziata, cựu luật sư của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nhận định trong một tweet.
Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Thượng viện tiến hành một phiên tòa khi Hạ viện đàn hặc một tổng thống. Thượng viện có thể tha bổng một tổng thống hoặc kết tội ông. Cần phải có 2/3 phiếu bầu để kết tội. Khi Hạ viện đàn hặc TT Trump về một vấn đề khác vào năm 2019, Thượng viện đã bỏ phiếu tuyên bố trắng án 21 ngày sau khi phiên tòa xét xử bắt đầu.