Ông Blinken gặp gỡ những người Duy Ngô Nhĩ sống sót từ các trại tập trung của Trung Quốc
Hôm 06/07, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với bảy người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có cả những người sống sót trong trại tập trung, và bày tỏ cam kết của Hoa Kỳ trong việc chấm dứt tình trạng tiếp diễn các tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng của chính quyền Bắc Kinh ở miền viễn tây Tân Cương, Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung lên các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm cho tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số người Hồi giáo khác.
“Khi chúng tôi cho là phù hợp, tôi tin rằng từ nay trở đi chúng tôi sẽ sử dụng nhiều hơn nữa các công cụ để buộc các quan chức này phải chịu trách nhiệm cho những gì đã diễn ra tại đó,” ông Price nói trong cuộc họp báo thường nhật hôm 06/07.
Ở Tân Cương, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung của Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với lao động cưỡng bức, tra tấn, lạm dụng tình dục, truyền bá chính trị, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản. Trung Cộng đã tuyên bố các trại này là “những trung tâm đào tạo nghề” để “kiềm chế chủ nghĩa cực đoan”.
Tháng 01/2021, Hoa Kỳ đã chỉ rõ rằng chiến dịch trấn áp ở Tân Cương là một hình thức diệt chủng. Kể từ đó, Bỉ, Canada, Cộng hòa Czech, Lithuania, Hà Lan, và Vương quốc Anh cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Theo ông Price, Ngoại trưởng Blinken muốn tổ chức cuộc họp này để ông ấy có thể “trực tiếp lắng nghe câu chuyện của họ, trực tiếp nghe trải nghiệm của họ về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Tân Cương,” cũng như lắng nghe những lời góp ý nếu có.
Bộ Ngoại giao không tiết lộ tên của bảy người tham gia cuộc họp này mà chỉ cho biết họ là những người từng bị giam giữ, những nhà vận động nhân quyền, và thân nhân của những người bị giam giữ ở Tân Cương.
Bà Rayhan Asat, một luật sư nhân quyền quốc tế và là thành viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, là một trong bảy người đã tham gia cuộc họp nói trên, theo tài khoản Twitter của bà.
“Tôi đã thảo luận về việc giam cầm bất hợp pháp, biệt giam anh trai tôi, Ekpar, và mục đích của tôi tại AtlanticCouncil là khắc phục và chấm dứt các hành vi tàn bạo hàng loạt ở Tân Cương,” Bà Asat viết, khi kể lại cuộc trao đổi của bà với ông Blinken trong một loạt bài đăng trên Twitter.
Anh trai của bà, Ekpar Asat, một doanh nhân, đã bị mất tích vào tháng 04/2016 và bị kết án 15 năm tù vào năm 2020 sau khi bị gán tội danh “kích động hận thù dân tộc và kỳ thị sắc tộc” trong một phiên tòa bí mật. Hồi tháng 01/2021, lần đầu tiên kể từ khi mất tích, ông đã liên lạc với gia đình qua một cuộc gọi điện video nhưng trông ông nhợt nhạt và sụt cân đáng kể.
Bà nhớ lại đã nói với ông Blinken rằng: “Không thể chỉ thông qua sự chống đối bè phái đơn thuần. Sức mạnh của Hoa Kỳ phải đến từ việc chống lại nạn diệt chủng một cách nghiêm túc.”
“Và vì vậy, thưa Bộ trưởng Blinken, tôi hỏi ngài câu hỏi đang vang lên ngay lúc này giữa những bức tường chật hẹp trong phòng giam người anh trai vô tội của tôi: Hoa Kỳ, Hoa Kỳ, quý vị vẫn ở đó chứ?” bà Asat cho biết thêm.
Ông Omer Kanat, giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cũng đã lên Twitter để kể lại cuộc gặp của ông với Ngoại trưởng Blinken.
“Xin chân thành cảm ơn Ngoại trưởng Blinken @SecBlinken về một hội nghị bàn tròn đầy hữu ích hôm nay. Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của ông trong việc hành động để chấm dứt nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt phối hợp và cam kết của nhóm G-7 về lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Kanat viết.
Hồi tháng 03/2021, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, và Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Cộng nào chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Năm 2020, một số quan chức và tổ chức Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì những lý do tương tự, trong đó có ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), một ủy viên Bộ Chính trị quyền lực của Trung Cộng.
Hôm 02/07, tổ chức bất vụ lợi Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ (CFU) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đưa ra thông báo cho biết Trung Cộng đã xác nhận việc tống giam Tiến sĩ Rahile Dawut, người đã mất tích vào tháng 12/2017. Bà Dawut là giáo sư tại Đại học Tân Cương của Trung Quốc.
Cô Akida Pulat, con gái của bà Dawut đồng thời là giám đốc tiếp cận cộng đồng của CFU, cho biết: “Tôi cảm thấy tức giận khi biết mẹ tôi phải ngồi tù, trong khi giới chức Trung Cộng giữ im lặng về vấn đề này trong hơn ba năm.”
Cô nói thêm: “Tin buồn này chỉ khiến tôi thêm quyết tâm lên tiếng về những hành động tàn bạo mà Trung Cộng đã gây ra. Tôi chân thành xin các tổ chức nhân quyền giúp đỡ.”