Ông Pompeo: Chính phủ TT Biden quên mối đe dọa nguyên tử từ Trung Quốc khi gia hạn thỏa thuận vũ khí với Nga
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 04/02, Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết rằng chính phủ TT Joe Biden đã đánh mất mọi đòn bẩy để thuyết phục Nga thúc đẩy đưa Trung Cộng vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí nguyên tử khi gia hạn hiệp ước New START với Moscow.
Hôm 03/02, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thông báo rằng Hoa Kỳ đã gia hạn New START (hiệp ước vũ khí nguyên tử cuối cùng còn lại với Nga) thêm 5 năm.
Ông Pompeo nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo của Fox News rằng, “Tôi nghĩ sai lầm nằm ở chỗ đó. Tôi nghĩ rằng mặc dù các hiệp định vũ khí là tốt, các hiệp định vũ khí chiến lược là tốt nếu chúng có thể được xác minh một cách đầy đủ, nhưng họ lại quên mất sức mạnh nguyên tử mới là quan trọng nhất. Trung Cộng hiện đang nắm giữ các hệ thống vũ khí và thử nghiệm hỏa tiễn ở mức báo động.”
“Chính phủ của chúng tôi đã làm việc để đưa người Trung Quốc vào trong cấu trúc kiểm soát vũ khí này. Chúng tôi gần như đã làm được tại một thời điểm nào đó. Giờ đây, đòn bẩy để thuyết phục người Nga rằng họ cũng cần phải làm việc để đưa người Trung Quốc vào trong cơ cấu này đã không còn nữa,” ông Pompeo cho biết.
Khi thông báo về việc gia hạn New START, ông Blinken nói rằng chính phủ TT Biden “cũng sẽ theo đuổi việc kiểm soát vũ khí để giảm bớt mối nguy hiểm từ kho vũ khí nguyên tử hiện đại và đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.”
Sau khi Hoa Kỳ rời khỏi Hiệp ước các lực lượng nguyên tử Tầm trung (INF) với Nga vào năm 2019, ông Pompeo đã kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí đa phương. Khi cựu TT Trump tuyên bố ý định rút khỏi INF, ông nói rằng ông sẵn lòng cho một thỏa thuận mới mà bao gồm cả Bắc Kinh.
Trung Quốc đã phát triển một kho hỏa tiễn khổng lồ mà Hoa Kỳ và Nga không thể phát triển hoặc khai triển theo hiệp ước INF, một thực tế chiến lược đã khiến Điện Kremlin và Tòa Bạch Ốc lo ngại trong nhiều năm. Theo đánh giá của Hoa Kỳ, một phần ba đến một nửa kho vũ khí hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc sẽ vi phạm hiệp ước INF nếu Bắc Kinh bị hạn chế bởi hiệp ước này. Hoa Kỳ đã cố gắng đưa Trung Quốc vào INF ít nhất ba lần, nhưng đều thất bại.
Hiệp ước New START, có hiệu lực từ năm 2011, giới hạn một cách tương tự kho vũ khí nguyên tử được khai triển của Hoa Kỳ và Nga trong khi Trung Quốc gắng sức bắt kịp. Hiệp ước giới hạn số lượng đầu đạn nguyên tử chiến lược được khai triển của mỗi quốc gia là 1,550, và số lượng hỏa tiễn và oanh tạc cơ được phép khai triển là 700. Hiệp ước cũng bao gồm một cơ chế xác minh cho phép cả hai nước bảo đảm sự tuân thủ thông qua các cuộc thanh tra thực địa.