Ông Tập Cận Bình mang theo “hàng chục thỏa thuận” làm quà đến thăm Việt Nam
Từ Giản
Hôm 12/12, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã đến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm, ông Tập đã mang theo lượng lớn thỏa thuận đầu tư sang Việt Nam và tuyên bố hai nước sẽ xây dựng một “cộng đồng cùng chung vận mệnh”.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình trùng với dịp kỷ niệm 15 năm “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Việt Nam sau sáu năm, và cũng là chuyến thăm cấp nhà nước – ba tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội. Các cường quốc hiện đang tranh giành sức ảnh hưởng đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Trong lịch sử ngoại giao quốc tế năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất tiếp đón nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm nay. Qua đó, không những mối bang giao với Hoa Kỳ được nâng lên hai cấp, mà Việt Nam còn nhận được nhiều cam kết đầu tư và kinh tế từ Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Reuters đưa tin, các quan chức và nhà ngoại giao Việt Nam cho biết ban đầu họ không muốn chấp nhận thuật ngữ “cộng đồng cùng chung vận mệnh”, và các nhà ngoại giao hai nước đã tranh luận trong nhiều tháng về thuật ngữ này.
Nhóm từ này có nghĩa đen là “vận mệnh chung” trong Hoa ngữ, nhưng bản dịch Anh ngữ và Việt ngữ lại là “tương lai chung”. Vì vậy, thuật ngữ này đã xuất hiện trong toàn văn tuyên bố chung Việt Nam–Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông Tập.
“Một tuyên bố, nhiều bản dịch,” một nhà ngoại giao ở Hà Nội bình luận về cách giải thích thuật ngữ này.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng Mười năm nay, chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình lần này, truyền thông ĐCSTQ đã quảng bá mạnh mẽ “Cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại.” Tuy nhiên, truyền thông chính thức của Việt Nam đã không đề cập đến từ ngữ này.
Truyền thông nhà nước Việt Nam đã dẫn lời ông Hùng Ba (Xiong Bo), Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ông Hùng nói rằng trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, ngoài việc nâng mối bang giao Trung–Việt lên mức mà Bắc Kinh xem là “cao hơn mối bang giao Hoa Kỳ–Việt Nam,” ông Tập cũng sẽ ký “hàng chục văn bản hợp tác” với Việt Nam.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ bao gồm khoản đầu tư của Trung Quốc vào việc nâng cấp các tuyến đường sắt giữa các nước láng giềng, nhưng số tiền và điều khoản đầu tư vẫn chưa rõ ràng.
Hai nước cũng mong muốn tăng cường liên kết giao thông, điều này sẽ cho phép Việt Nam xuất cảng nhiều sản phẩm hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. Trong khi đó, Bắc Kinh hy vọng sẽ hội nhập sâu hơn vào mạng lưới chuỗi cung ứng ở phía bắc và phía nam của Việt Nam.
Năm nay, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển một số hoạt động sang Việt Nam vì cho rằng việc xuất cảng từ Việt Nam sẽ được khách hàng phương Tây dễ chấp nhận hơn, giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, báo chí của nhà nước Việt Nam đã đăng một bài bình luận kêu gọi gia tăng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng [giữa hai nước Việt Nam–Trung quốc].
Đến nay, Metro Hà Nội là dự án duy nhất ở Việt Nam nhận được khoản vay Vành đai và Con đường.
Người dân Việt Nam có ấn tượng rất xấu về ĐCSTQ. Một cuộc khảo sát năm 2017 của Pew Research cho thấy Việt Nam có quan điểm kém thiện cảm nhất với ĐCSTQ trong số các nước châu Á–Thái Bình Dương. Một người dùng Facebook Việt Nam viết: “Chúng tôi chỉ muốn hòa bình nên Chủ tịch Tập đừng đến.”