Ông Tập dùng những quân bài tốt một cách kém cỏi do những tính toán rất sai lầm
Ông Robert Louis Stevenson, một tiểu thuyết gia người Scotland ở thế kỷ 19, đã nói, “Cuộc sống không phải là vấn đề nắm giữ những quân bài tốt, mà là làm sao để chơi tốt một ván bài xấu.”
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng, vừa làm điều ngược lại.
Trong những năm gần đây, ông Tập đã có những đánh giá sai lầm về một loạt các vấn đề lớn, dẫn đến việc ông ta biến một ván bài tốt thành một ván bài xấu. Bài viết này cố gắng phân tích những tính toán sai lầm lớn của ông Tập và những lý do đằng sau chúng.
Bốn tính toán sai lầm lớn của ông Tập Cận Bình
Đầu tiên, hãy xem xét tính toán sai lầm của ông Tập đối với Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu.
Hôm 25/02, ông Tập được trích dẫn bình luận về tình hình quốc tế khi nói rằng “phán đoán chính trị về tương lai… là phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy tàn.”
Có thực sự như vậy không?
Ông Tập đã tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019 để kỷ niệm 70 năm ngày Trung Cộng lật đổ Trung Hoa Dân Quốc. Đáng lẽ đây là cơ hội tốt để ông Tập mời các nguyên thủ quốc gia và chính phủ và cho họ thấy rằng “thời gian và xu hướng đang có lợi cho Trung Quốc.” Tuy nhiên, không một nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ ngoại quốc nào đã được mời; điều này phản ánh sự cô lập chưa từng có của Trung Cộng trên trường quốc tế.
Về cơ bản tình hình thế giới có thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Cộng kể từ đại dịch năm 2020 không? Câu trả lời là không.
Từ đầu năm 2020, Trung Cộng đã che giấu thông tin và dữ liệu về virus, đàn áp các bác sĩ cố gắng cảnh báo mọi người, tung tin giả như “không có sự lây truyền từ người sang người” và rằng virus “có thể phòng ngừa và kiểm soát được,” và cho phép những người bị nhiễm bệnh bay từ Vũ Hán – một thành phố ở tỉnh Hồ Bắc – đến các nơi khác của thế giới; điều này đã khiến đại dịch bùng phát nhanh chóng trên toàn thế giới. Tính đến ngày 15/04/2021, hơn 138 triệu người đã bị nhiễm bệnh và 2.89 triệu người đã thiệt mạng ở 192 quốc gia trên toàn thế giới.
Vào tháng 10/2020, Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố một cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của người dân Hoa Kỳ, cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Cộng “đã tăng vọt trong năm qua”, và ở các nước như Úc, Anh Quốc, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Nam Hàn, Tây Ban Nha, và Canada thì “quan điểm tiêu cực đã đạt đến điểm cao nhất kể từ khi Trung tâm này bắt đầu thăm dò ý kiến về chủ đề này hơn một thập kỷ trước.”
Nhìn ra thế giới, cả thời gian lẫn quyền lực đều không đứng về phía Trung Cộng, và “phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy tàn” là một ảo tưởng tự lừa dối bản thân. Về xu hướng quốc tế, đây là khoảng thời gian mà chủ nghĩa cộng sản sẽ bị xóa sổ hoàn toàn khỏi Trái Đất kể từ khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Thứ hai, ông Tập đã đưa ra những nhận định sai lầm liên quan đến các mối quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ.
“Chúng ta có hàng nghìn lý do để có được những mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc–Hoa Kỳ, không có một lý do nào để hủy hoại nó,” ông Tập Cận Bình tuyên bố hôm 06/04/2017, trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Trung Cộng, ông Tập đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá những mối quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ. Từ năm 2018 đến năm 2020, chỉ trong ba năm, các mối quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ đã xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong hơn 40 năm bang giao. Thậm chí Hoa Kỳ đã đóng cửa lãnh sự quán của Trung Cộng ở Houston trong năm 2020.
Sau khi ông Biden nhậm chức, Trung Cộng đã nhiều lần tuyên bố mong muốn cải thiện sự bang giao Trung Quốc–Hoa Kỳ vì Trung Cộng phụ thuộc vào Hoa Kỳ nhiều hơn là Hoa Kỳ dựa vào Trung Cộng. Cuối cùng, vào ngày 18/03/2021, Trung Quốc đã gặp chính phủ mới của Hoa Kỳ trong cuộc đối thoại cao cấp đầu tiên tại Alaska.
Tuy nhiên, ông Dương Khiết Trì, một ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm Giám đốc Văn phòng Đối ngoại, đã bất ngờ đả kích: “Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ thế thượng phong.” Ông Dương nói, “người Trung Quốc không tin chuyện đó.”
Việc ông Tập coi Hoa Kỳ là kẻ thù số một của mình, đã trở thành điều ai cũng biết. Liệu Hoa Kỳ có quay trở lại chính sách nhượng bộ trong các mối quan hệ Trung Quốc–Hoa Kỳ giống như trước thời chính phủ ông Trump hay không? Có lẽ không.
Dân biểu Hoa Kỳ Scott Perry nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 12/04 rằng, “Thông qua đại dịch này, hầu hết người dân Hoa Kỳ đã thức tỉnh. Hầu hết chúng ta đều biết rằng đây là một chế độ tàn bạo. Đây là một tổ chức tội phạm. Họ đang lãnh đạo một đất nước, đàn áp công dân của mình, và nghĩ rằng họ muốn thống trị thế giới.”
Một khi Trung Cộng được xác định là một “tổ chức tội phạm”, thì hậu quả đối với các nhà lãnh đạo Trung Cộng sẽ như thế nào?
Thứ ba, ông Tập đã tính toán sai lầm về vấn đề Hồng Kông.
Vào tháng 06/2019, chiến dịch phản đối lớn nhất trong lịch sử của Hồng Kông – các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ – đã nổ ra.
Kể từ ngày 12/06/2019, Trung Cộng đã leo thang đàn áp bạo lực đối với Hồng Kông. Họ cho rằng bằng cách này họ có thể khuất phục người dân Hồng Kông.
Người dân Hồng Kông đã không hề sợ hãi. Vào ngày 25/11/2020, kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng Quận ở Hồng Kông được công bố, và trong số 452 ghế ở 18 quận, phe ủng hộ dân chủ đã giành được 388 ghế, trong khi phe thân Bắc Kinh chỉ giành được 59 ghế.
Tại một buổi họp nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị Trung Cộng vào ngày 29/06/2018, ông Tập tuyên bố “ưu tiên của chúng ta là giành được trái tim và khối óc của nhân dân.” Nếu ông Tập thực sự coi điều đó là ưu tiên của mình, ông sẽ nghiêm túc giải quyết “năm yêu cầu” của những người biểu tình ở Hồng Kông, và tôn trọng lời hứa của Trung Cộng đối với cộng đồng quốc tế trong Tuyên bố chung Trung–Anh rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ không thay đổi ở Hồng Kông trong 50 năm.
Thay vì làm như vậy, ông Tập đã ép buộc thông qua Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vào năm 2020.
Vào tháng 03/2021, ông Tập đã thay thế nguyên tắc “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” do ông Đặng Tiểu Bình đưa ra trước khi Hồng Kông được chuyển giao, bằng nguyên tắc “những người yêu nước cai trị Hồng Kông.”
Thứ tư, ông Tập đã đưa ra những nhận định sai lầm liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Vào ngày 02/01/2019, ông Tập đã có bài diễn văn về vấn đề Đài Loan, trong đó đề nghị một kế hoạch thống nhất Đài Loan dựa trên “một quốc gia, hai chế độ”. Ông Tập tuyên bố các nguyên tắc “thống nhất hòa bình’ và “một quốc gia, hai hệ thống” là những cách tốt nhất để đạt được sự thống nhất đất nước.
Khi ông Đặng Tiểu Bình đề xướng thực hiện “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông, ông ấy muốn đặt ra một hình mẫu cho việc thống nhất Đài Loan. Tuy nhiên, cuộc đàn áp bạo lực của Trung Cộng đối với các cuộc biểu tình dự luật chống dẫn độ ở Hồng Kông đã khiến người dân Đài Loan chết lặng. Nhìn thấy tình hình hiện tại ở Hồng Kông và bị công kích bởi những lời tuyên truyền toàn diện và đe dọa quân sự của Trung Cộng, người dân Đài Loan đã từ bỏ ảo tưởng về “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Cộng.
Năm 2021, Đài Loan trải qua bốn cuộc bỏ phiếu dân chủ: bầu cử tổng thống, bầu cử Hội đồng lập pháp, bãi nhiệm thị trưởng Cao Hùng, và bầu cử thị trưởng Cao Hùng mới. Hầu hết người dân Đài Loan đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) chống cộng sản.
Đề xướng thống nhất Đài Loan của ông Tập, đã bị tuyên bố phá sản chỉ sau hơn hai năm.
Những lý do đằng sau những đánh giá sai lầm lớn của ông Tập
Thứ nhất, ông Tập không thể nghe hoặc nhìn thấy tình hình thực tế.
Tiếp theo đó là những lời ca ngợi không ngớt dành cho ông Tập. Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Cộng, cho biết vào năm 2017, rằng tư tưởng ngoại giao của ông Tập “đã tạo ra những đổi mới và vượt lên trên các lý thuyết truyền thống của phương Tây về quan hệ quốc tế trong 300 năm qua.”
Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Trung Cộng được tổ chức vào tháng 10/2017 là đỉnh điểm quyền lực của ông Tập kể từ khi ông ấy nhậm chức. “Tư tưởng Tập” đã được ghi vào điều lệ của Trung Cộng.
Tuy nhiên, những người lên tiếng chỉ trích đều bị đàn áp. Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một nhà phát triển bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc và thuộc thế hệ đỏ thứ hai, đã bị kết án 18 năm tù vì nói điều gì đó khó nghe.
Trong bầu không khí như vậy, rất khó để ông Tập nghe được sự thật, và ông ta đưa ra nhận định của mình dựa trên những tin tức giả. Không có gì ngạc nhiên khi ông ấy đã thực hiện tất cả những tính toán sai lầm lớn này.
Thứ hai, Trung Cộng là một đảng theo chủ nghĩa Marx. Những đánh giá sai lầm lớn của ông Tập đều xuất phát từ hệ tư tưởng chỉ đạo của Trung Cộng.
Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert C. O’Brien, tính toán sai lầm của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng “là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ những năm 1930.” Theo quan điểm của ông O’Brien, lý do khiến Hoa Kỳ mắc sai lầm như vậy là “chúng ta đã không chú ý đến hệ tư tưởng của Trung Cộng.”
Ông O’Brien nêu rõ, “Chúng ta phải hiểu rõ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là một tổ chức theo chủ nghĩa Marx-Lenin.”
Suy nghĩ này là hoàn toàn chính xác.
173 năm trước, Karl Marx đã tuyên bố trong “Tuyên ngôn Cộng sản” rằng mục đích của những người cộng sản có thể đạt được “chỉ bằng cách cưỡng bức lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện có.”
Ông Marx căm thù chủ nghĩa tư bản và kêu gọi những người cộng sản lật đổ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực. Ý tưởng này đã xuyên suốt phong trào cộng sản quốc tế trong 173 năm. Các đảng cộng sản của Liên Xô và Đông Âu đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa tư bản trong hơn 70 năm, nhưng kết thúc trong thất bại.
Trung Cộng hiện đã trở thành đảng cộng sản còn lại lớn nhất và đơn độc trên thế giới. Nó đã tiếp quản và mang theo nguyên tắc chỉ đạo của Lenin và Stalin và tiếp tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản. Đây là lý do quan trọng nhất khiến Trung Cộng muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản ở Đài Loan sau khi tiêu diệt chủ nghĩa tư bản ở Hồng Kông, và tại sao nó lại muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ.
173 năm trước, nhận định của Marx về chủ nghĩa tư bản là sai lầm; 173 năm sau, nhận định của ông Tập về chủ nghĩa tư bản cũng sai lầm.
Thứ ba, ông Tập có một nỗi ám ảnh mang tên Mao Trạch Đông.
Bất chấp sự thật rằng Mao Trạch Đông đã khiến gia đình ông Tập đau khổ, ông Tập luôn theo tư tưởng Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông suốt đời chủ trương bạo lực. Mao rất hiếu chiến và cả đời ông ta đã đấu tranh với địa chủ, tư bản, trí thức, những đối thủ của ông ta ở Trung Cộng, ở Hoa Kỳ, và Liên Xô.
Ông Tập lớn lên trong sự giáo dục từ những lời nói và tuyên truyền chống Hoa Kỳ của Mao. Ông Tập đã kế thừa lý thuyết chiến đấu của Mao. Từ “chiến đấu” đã xuất hiện 58 lần trong bài diễn văn của ông Tập vào tháng 09/2019 tại trường đảng của Trung Cộng.
Trung Cộng có câu nói rằng Mao Trạch Đông đã làm cho Trung Quốc đứng lên, Đặng Tiểu Bình làm cho Trung Quốc trở nên giàu có, và bây giờ ông Tập muốn làm cho Trung Quốc hùng mạnh. Làm thế nào để Trung Quốc có thể trở nên hùng mạnh? Quan điểm của ông Tập là chiến đấu như ông Mao đã làm.
Một số người gọi ông Tập là “Tổng gia tốc sư” và khi đề cập đến điều này, họ muốn nói rằng ông Tập đang đẩy nhanh sự tan rã cuối cùng của Trung Cộng.
Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun) có bằng Tiến sĩ Luật từ Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là phụ tá và là người chấp bút cho ông Úy Kiện Hành (Wei Jianxing, 1931–2015), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997-2002.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.