ANDREW THORNEBROOKE

Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng chính quyền của ông và nước Nga của ông Vladimir Putin đang hợp tác để thúc đẩy một “sự thay đổi” chưa từng xảy ra trên trường thế giới trong một thế kỷ.

Hôm 22/03, ông Putin đã tiếp đón ông Tập tại Moscow với tư cách khách mời danh dự khi hai cường quốc độc tài này tiếp tục cam kết hợp tác thêm về quân sự, kinh tế, và ngoại giao.

Hôm 22/03, khi rời Điện Kremlin, ông Tập quay sang ông Putin và mỉm cười nói: “Đây chính xác, ngay bây giờ, là sự thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua.”

“Và chính chúng ta, cùng nhau, đang thúc đẩy những thay đổi này tiến về phía trước.”

Ông Putin đáp: “Tôi đồng ý.”

“Xin hãy bảo trọng, bằng hữu thân mến,” ông Tập nói trước khi hai người bắt tay nhau.

Sau đó, ông Putin chúc ông Tập một chuyến đi an toàn và vẫy tay chào tạm biệt nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lề đi bộ khi ông Tập rời đi trên chiếc xe hơi của tổng thống.

Cuộc trao đổi chia tay của hai nhà lãnh đạo này đã được giới truyền thông thu hình lại.

Trung Quốc và Nga tuyên bố tạo ra trật tự thế giới mới

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo công khai cam kết sẽ định hình lại trật tự quốc tế để phục vụ lợi ích của họ, trong đó ông Putin nói rằng Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra một “trật tự thế giới đa cực” công bằng hơn để thay thế “các quy tắc” của trật tự quốc tế hiện tại.

Việc ông Tập đề cập đến một sự thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ có thể ám chỉ đến nền móng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện đại – bắt đầu hình thành sau Đệ nhất Thế chiến với Hoa Kỳ cuối cùng nổi lên như một siêu cường.

Cũng khoảng một thế kỷ trước, Trung Cộng – hiện đang cai trị Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng – đã được thành lập. Nhiều năm trước đó, những người Bolshevik đã đánh bại những tàn dư cuối cùng của Bạch vệ Binh và làm Liên Xô vững mạnh, trong đó ông Putin sau này phục vụ với tư cách trung tá trong cơ quan tình báo ngoại quốc của quân đội.

Hồi tháng 02/2022, hai ông Tập và Putin tuyên bố về một liên kết đối tác “không giới hạn” lần đầu tiên, vài tuần trước khi Nga tiến hành nỗ lực chinh phục Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, phải, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc quốc yến được tổ chức tại tòa The Palace of the Facets trong khuôn viên Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/03/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin, Sputnik, Kremlin Pool Photo via AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin, phải, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc quốc yến được tổ chức tại tòa The Palace of the Facets trong khuôn viên Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/03/2023. (Ảnh: Pavel Byrkin, Sputnik, Kremlin Pool Photo via AP)

Tiếp đón ông Tập hôm 21/03 là hành động ngoại giao trịnh trọng nhất mà ông Putin đã thực hiện kể từ thời điểm đó, căn cứ vào việc Nga bị cô lập trên trường thế giới.

Hôm 21/03, ông Putin và ông Tập – gọi nhau là “bằng hữu” trong các cuộc hội đàm – đã cam kết gia tăng hợp tác về chiến lược và kinh tế, đồng thời ký một tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” của hai quốc gia này.

Các thỏa thuận này thắt chặt thêm liên kết đồng minh trên thực tế giữa Bắc Kinh và Moscow, vốn đã và đang phát triển kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Trong thời gian đó, Trung Quốc cộng sản đã trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga về thương mại và ngoại giao, đồng thời giúp Moscow tiếp tục [vận hành] trong bối cảnh phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế tàn khốc.

Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng trợ giúp các công ty Trung Quốc tìm cách thay thế các doanh nghiệp phương Tây đã rời khỏi đất nước này vì chiến tranh, và hai quốc gia này nên khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng đồng tiền của mình.

Ông Putin cho biết thêm hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về việc xây dựng một đường ống thứ hai để có thể tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất cảng của Nga sang Trung Quốc.

Tương tự như vậy, một tuyên bố từ Trung Cộng nói rằng hai quốc gia này “đồng thuận một quan điểm rằng mối bang giao này đã vượt xa phạm vi song phương và đạt được tầm quan trọng thiết yếu đối với bối cảnh toàn cầu và tương lai của nhân loại.”

Lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc ủng hộ cho cuộc xâm lược của Nga

Liên kết đối tác ngày càng bền chặt giữa hai cường quốc này trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh khiến nhiều nguyên thủ quốc gia lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể viện trợ vũ khí sát thương cho Nga sử dụng ở Ukraine, do đó làm leo thang cuộc xung đột này và có thể lan rộng chiến tranh sang các quốc gia khác.

Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo rằng Trung Cộng có thể cung cấp các vũ khí hoặc đạn dược cho quân đội Nga, và trong những tháng gần đây đã nhấn mạnh rằng chính quyền này đã không loại trừ một thỏa thuận như vậy.

Tòa Bạch Ốc đã thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đã trực tiếp giúp đỡ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhưng không nói rằng sự giúp đỡ đó là tương đương với viện trợ sát thương.

Chẳng hạn, khi Tòa Bạch Ốc ban hành các lệnh trừng phạt đối với nhiều tổ chức quốc tế liên quan đến cuộc chiến của Nga vào ngày 24/02, thì cơ quan này cũng nhắm vào các tổ chức Trung Quốc bị cáo buộc viện trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, giúp chính quyền này né tránh lệnh trừng phạt một cách hiệu quả.

Theo một bản tin hồi tháng Hai của hãng thông tấn Đức Der Spiegel, trước đây, Trung Quốc đã làm giả các chứng từ giao hàng để ngụy tạo thiết bị hàng không quân sự cho Nga thành [các thiết bị] có tính chất dân sự và sử dụng các trung gian ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để giao phi cơ không người lái lưỡng dụng cho Nga.

Cũng chính bản tin đó đã cáo buộc rằng Trung Cộng hiện đang chuẩn bị một đợt vận chuyển phi cơ không người lái tự sát đến Nga để sử dụng ở Ukraine.

Tương tự, một bản tin từ hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin ẩn danh của chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc rằng đạn dược của Trung Quốc đã được tìm thấy trên các chiến trường ở Ukraine. Tuy nhiên, bản tin này thanh minh rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Cộng đã trực tiếp bán đạn dược cho Nga.

Nhã Đan biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn