Parler: ‘Sẵn sàng các hành động pháp lý’ sau khi bị các Big Tech loại bỏ
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành mạng xã hội Parler, ông John Matze cho biết công ty của ông đang “sẵn sàng các hành động pháp lý” sau khi một số công ty công nghệ lớn đình chỉ mạng xã hội này trong việc nhận dịch vụ của họ.
Ông John Matze, người sáng lập của Parler, nói với The Epoch Times trong một email rằng ông tin Apple, Google và Amazon đã hành động thiếu thiện chí, và nền tảng mạng xã hội này đang xem xét hành động pháp lý.
Đáp lại những cáo buộc rằng Parler đã tạo điều kiện cho “các mối đe dọa bạo lực và hoạt động bất hợp pháp”, ông Matze cho biết các công ty này đang sử dụng các sự kiện gần đây để “tấn công Parler”, mặc dù “không có bằng chứng Parler được dùng để điều phối các sự kiện.”
Ông Matze cho biết: “Parler không có tính năng tạo nhóm và Facebook là công cụ số một để điều phối các buổi gặp mặt cho sự kiện đó.”
Sự kiểm duyệt có mục tiêu của các công ty này chống lại Parler sau khi tình trạng bất ổn dân sự và các hành vi bạo lực đã phá hủy một cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn tại Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 06/01. Một nhóm người nổi loạn và và một số ít người biểu tình vẫy cờ Hoa Kỳ và cờ Trump đã xông vào tòa nhà Capitol một cách bất hợp pháp khi các nhà lập pháp đang kiểm phiếu Đại cử tri trong một phiên họp chung của Quốc hội. Tình trạng hỗn loạn hôm đó đã khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục cảnh sát bị thương tính đến ngày 14/01.
Sau vụ đột nhập vào Điện Capitol, một số công ty công nghệ ở thung lũng Silicon đã tăng cường kiểm soát các tuyên bố và bình luận từ Tổng thống Donald Trump cũng như từ những người bảo thủ và những tiếng nói khác mà họ cho rằng có thể gây hại. Hôm 08/01, Twitter đã xóa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump trên nền tảng của mình, và biện minh cho việc kiểm duyệt của họ bằng cách nói rằng tổng thống đã vi phạm “Chính sách tôn vinh bạo lực” sau khi ông đăng một thông điệp kêu gọi những người biểu tình giữ ôn hòa và rời khỏi Điện Capitol. Tài khoản Twitter của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cũng đã bị xóa.
Mạng xã hội Parler, một nền tảng đã thu hút một lượng lớn người dùng theo khuynh hướng bảo thủ và tự do cổ điển, dường như đã bị nhắm vào vì lý do thiếu một hệ thống để “thực hiện kiểm duyệt mạnh mẽ đối với nội dung nghiêm trọng.”
Hôm 09/01, Apple cho biết trong một tuyên bố với các hãng thông tấn rằng họ tin Parler đã “không thực hiện các biện pháp đầy đủ để giải quyết” sự gia tăng của “các mối đe dọa bạo lực và hoạt động bất hợp pháp.”
Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đã loại Parler ra khỏi App Store cho đến khi họ giải quyết các vấn đề này.”
Apple đã không trả lời các câu hỏi của The Epoch Times về lệnh cấm này.
Tương tự như vậy, Amazon nói với Parler rằng họ sẽ đóng các máy chủ của Parler vào nửa đêm ngày 10/01, vì những gì họ gọi là cách tiếp cận lỏng lẻo của nền tảng này đối với nội dung bạo lực do người dùng đăng tải. Parler phản đối luận điệu này.
Amazon cũng không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của The Epoch Times về việc tạm ngưng của họ.
Ông Matze cho biết ông tin rằng các công ty công nghệ này cũng đang hoạt động với tiêu chuẩn kép.
“Twitter để [hashtag] ‘treo cổ Mike Pence’ thành xu hướng vào cùng ngày Parler bị Google cấm… tiêu chuẩn kép là hiển nhiên,” ông nói.
Sự đình chỉ của các công ty Big Tech diễn ra sau khi Parler vươn lên trở thành ứng dụng số một trong kho ứng dụng của Apple vào thứ Bảy, sau khi Twitter đình chỉ tài khoản cá nhân của Tổng thống Trump. Ông Matze cho biết mạng xã hội của ông có khoảng 20 triệu tài khoản tại thời điểm các công ty Big Tech tạm ngưng hoạt động của họ.
Công ty phân tích ứng dụng dành cho thiết bị di động Sensor Tower nói với tờ The Wrap trong một tuyên bố rằng Parler có khoảng 182,000 lượt tải xuống lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào ngày 08/01, tăng 355% so với ngày 07/01. Tuyên bố này cho biết ứng dụng đã có khoảng 268,000 lượt cài đặt trên các kho ứng dụng trên toàn Hoa Kỳ kể từ ngày 06/01.
Ông Matze cho biết trên tài khoản Parler của mình vào cuối ngày 09/01 rằng ông tin Amazon, Google và Apple đã phối hợp để “cố gắng và bảo đảm rằng họ không có sự cạnh tranh.”
“Họ sẽ KHÔNG thắng! Chúng tôi là hy vọng cuối cùng của thế giới về tự do ngôn luận và tự do thông tin,” ông nói.
“Đây là là một cuộc chiến chống lại tất cả chúng ta. Những người theo chủ nghĩa tự do, người bảo thủ, người vô thần, người Cơ Đốc giáo, người da màu, người da trắng, v.v. Họ muốn giữ độc quyền về ngôn luận. Họ muốn chúng ta đánh nhau. Họ không muốn chúng ta làm việc cùng nhau. Họ không muốn chúng ta làm việc với nhau, họ muốn chúng ta ghét nhau.”
Chính sách lệch lạc về nội dung người dùng và một số quan điểm chính trị nhất định, đã làm dấy lên những lo ngại về quyền tự do ngôn luận và việc thiếu kiểm soát và cân bằng đối với các công ty công nghệ lớn. Các cuộc thảo luận về việc hạn chế hoặc loại bỏ các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý theo Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông năm 1996 dành cho các công ty công nghệ có hành vi kiểm duyệt hoặc hành vi chính trị đã được thảo luận nhiều trong năm qua.
Việc Twitter xóa tài khoản của Tổng thống Trump đã nhận được sự theo dõi rộng rãi. Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ Ben Carson, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley đã so sánh việc làm này của Twitter với hành vi của Đảng Cộng sản đang cai trị Trung Quốc.