Pennsylvania – tiểu bang được thành lập trên nền tảng công bằng, hữu nghị, và tự do
TREVOR PHIPPS
Ông William Penn đã trở nên nổi tiếng vì đã thành lập tỉnh Pennsylvania theo phong cách Anh quốc [tại Mỹ] vào những năm 1600; nhiều người gọi đây là xã hội có nền văn hóa hội nhập đầu tiên của Mỹ quốc. Ông Penn trở thành một nhân vật nổi bật trong lịch sử Mỹ quốc vì ông đã làm một số điều khác với hầu hết các nhà thuộc địa – trong đó có cả cách đối đãi độc đáo với các bộ lạc người Mỹ bản địa.
Ông cũng được biết đến là một người đấu tranh cho tự do, và hình thức chính phủ đầu tiên mà ông thành lập đã giúp mở đường cho Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông Penn từng nói: “Không thể có tình bằng hữu nếu không có tự do. Tình bằng hữu yêu bầu không khí tự do và sẽ không bị giam hãm trong những hàng rào chật hẹp và thẳng tắp.”
Ông Penn sinh năm 1644 trong một gia đình giàu có ở Anh quốc. Cha của ông là Đô đốc Tối cao, hoặc nhà lãnh đạo, của Hải quân Anh. Ông được cha khuyến khích tiếp bước trên con đường của mình và học ngoại giao. Ông theo học Đại học Oxford cho đến khi ông quyết định từ bỏ Anh giáo và bị trục xuất năm 1662 vì trở thành tín đồ giáo hội Quaker (Hội Tôn giáo của các Tín hữu).
Sau đó, ông Penn đã đi khắp nước Anh để truyền giảng tín ngưỡng về giáo hội Quaker của mình, chính vì điều này mà ông phải vào tù nhiều lần. Cuối cùng, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo cải cách tôn giáo ở Anh quốc, và ông đã sử dụng các mối quan hệ với gia đình hoàng gia Anh mà ông có được thông qua cha mình để giải thoát nhiều tù nhân tôn giáo trong nước.
Sau một thời gian, ông Penn đã từ bỏ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo ở Anh quốc và chọn phát triển một thuộc địa đi theo giáo hội Quaker ở Mỹ quốc. Ông xem đây là một bến đỗ an toàn cho những người phải đối mặt với đàn áp tôn giáo. Ông Penn đã viết cho một người bạn đang sống tại các thuộc địa ở Mỹ, “Có thể có cơ hội ở đó, chứ không phải ở đây, cho những trải nghiệm thần thánh như vậy.”
Cuối cùng, ông Penn đã đạt được một thỏa thuận với Vua Charles Đệ nhị để có được một khu đất rộng 45,000 dặm vuông ở phía tây New Jersey và phía bắc Maryland, khiến ông trở thành chủ đất tư nhân (không thuộc hoàng gia) lớn nhất thế giới.
Năm 1861, vì để trả một khoản nợ đã vay từ cha của ông Penn, nên nhà vua đã trao khu đất này cho ông để làm nơi ẩn náu an toàn cho Giáo Hữu Hội (Quaker) mới của mình. Ban đầu, ông Penn đặt tên cho vùng đất này là “New Wales”, và sau đó đổi thành “Sylvania”, tiếng Latinh có nghĩa là “những khu rừng”. Tuy nhiên, sau đó nhà vua đã đổi tên thành Pennsylvania, có nghĩa là “Khu rừng của Penn”, để vinh danh cha của ông ấy.
‘Khuôn khổ đầu tiên của chính phủ’
Sau khi hoàn tất việc thu mua đất này, ông Penn nhanh chóng bắt tay vào xây dựng khung pháp lý cho một xã hội tự do. Trước khi đặt chân lên vùng đất mới, ông đã viết “First Frame of Government” (Khuôn Khổ Đầu Tiên Của Chính Phủ), và được phê chuẩn tại thuộc địa này vào tháng 04/1682.
Trong văn kiện đã đặt ra các quy định cho thuộc địa mới này của ông, ông Penn đã bày tỏ những lý tưởng tương tự như những điều khoản được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập được xây dựng gần một thế kỷ sau đó. “Con người được sinh ra với quyền tự do toàn vẹn và được hưởng đầy đủ các quyền và đặc ân của quy luật tự nhiên… không ai có thể bị cưỡng chế rời khỏi địa sản của mình và buộc phải tuân theo quan điểm chính trị của người khác mà không có sự đồng ý của bản thân,” ông Penn đã nêu trong “Khuôn Khổ Đầu Tiên Của Chính Phủ”.
Trong hình thức chính phủ đầu tiên của thuộc địa Pennsylvania, các cư dân có quyền được bảo đảm sở hữu tư nhân, một nền báo chí tự do, quyền tự do kinh doanh hầu như không giới hạn, xét xử bởi bồi thẩm đoàn, và khoan dung tôn giáo. Bộ luật hình sự của thuộc địa mới này chỉ quy định án tử hình đối với tội phản quốc và sát nhân, so với 200 tội danh có thể khiến người nào đó bị hành quyết theo bộ luật hình sự của Anh. Khuôn khổ này cũng bao gồm một điều khoản cho phép sửa đổi để có thể thay đổi khi cần thiết, đây là lần đầu tiên một điều khoản như vậy được đưa vào bất kỳ hiến pháp thành văn nào.
Ông Penn tin vào tính đúng đắn của việc áp dụng mức thuế thấp tại thuộc địa này. Ông đã thông qua các luật quy định các mức thuế thấp đối với rượu và rượu táo, cũng như một mức thuế thấp đối với hàng nhập cảng và xuất cảng lông thú và da sống.
Sau đó, ông Penn đã thực hiện một chuyến đi bão táp xuyên Đại Tây Dương vào năm 1682 trên con tàu Welcome. Bất chấp khó khăn trong cuộc hành trình này, kể cả việc mất đi một phần ba hành khách trên tàu do dịch bệnh đậu mùa bùng phát, ông Penn đã đến thuộc địa của mình vào ngày 08/11/1682.
Ngay khi đến được các thuộc địa ở Mỹ, ông Penn đã tập hợp những người bạn theo giáo phái Giáo Hữu Hội của mình để thành lập thành phố đầu tiên ở thuộc địa này. Ông sắp đặt thành phố theo một dạng lưới và đặt tên là Philadelphia, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thành phố của tình huynh đệ”. Chỉ bốn năm sau khi ông Penn thành lập thành phố này, nơi đây đã có hàng ngàn cư dân đến từ nhiều sắc tộc và tôn giáo [khác nhau].
Trước khi chuyển đến thuộc địa mới của mình, ông Penn biết rằng ông còn một rào cản nữa phải vượt qua, vì ông đã nghe những người bạn ở Mỹ kể rằng vùng đất mà ông được nhà vua ban cho đã có các bộ lạc bản địa sinh sống. Ông muốn thay đổi cách mà các nhà thuộc địa trước đó đã đối phó với các bộ lạc người Mỹ bản địa sau khi nghe tin về các cuộc chinh phục và tiếp quản đất đai tàn bạo đã xảy ra ở các vùng của New England và Maryland.
Vì là một người sùng đạo theo Giáo Hữu Hội, nên ông Penn là một người theo chủ nghĩa hòa bình và không tin vào bạo lực. Trên thực tế, Pennsylvania được thành lập như một thuộc địa duy nhất ở Mỹ quốc mà không có quân đội.
Ông Penn tin tưởng chắc chắn rằng ông có thể thiết lập hòa bình với các bộ lạc bản địa này mà không phải dùng đến chiến tranh và đổ máu như các nhà thuộc địa khác đã từng làm. Trước khi đến, ông đã viết một bức thư cho các thủ lĩnh bộ lạc và nói với họ rằng ông sẽ đến định cư trên vùng đất của họ, bởi vì vào thời điểm đó, nhiều thủ lĩnh bộ lạc đã [tự mình] giao thương với những người thực dân Anh hoặc thông qua những người phiên dịch.
Ông nói với họ rằng ông rất lấy làm tiếc về “sự không tử tế và bất công” mà người Mỹ bản địa đã trải qua với những người Âu Châu khác và hứa rằng thuộc địa Pennsylvania của ông sẽ không như vậy. Ông nói rằng, vì Chúa đã truyền lệnh cho những tín đồ của Giáo Hữu Hội phải yêu thương người khác, nên ông và những người trong thuộc địa của mình sẽ đối xử một cách hòa bình, công bằng, và trung thực với người bản địa. Kể từ khi ông Penn đến, ông và những tín đồ của Giáo Hữu Hội đã từ chối lấy bất kỳ vùng đất nào mà không có sự đồng ý của những người bản địa – những người đã sống ở đó được vài năm.
Ông đã có thể đạt được được các mối quan hệ hòa bình với các bộ tộc Susquehannocks, Shawnees, và Leni-Lenape. Người Mỹ bản địa tôn trọng lòng dũng cảm của ông Penn, bởi họ biết ông đã đến thăm các bộ lạc mà không cần có lính canh hay vũ khí cá nhân trên người.
Ông được biết đến là một chân chạy cừ khôi, có thể chạy thật nhanh khỏi các chiến binh người Mỹ bản địa. Điều này đã giúp ông nhận được sự tôn trọng của các bộ lạc. Ông cũng học ngôn ngữ của người Mỹ bản địa để có thể tiến hành các cuộc đàm phán và giao tiếp với các bộ lạc này mà không cần qua phiên dịch.
Năm 1682, dưới một gốc cây du lớn, ông Penn đã thực hiện một giao dịch mua đất trong hòa bình từ các thủ lĩnh của bộ tộc Lenape ở làng Shackamaxon. Có thông tin cho rằng ông Penn đã trả tổng cộng 1,200 bảng Anh cho mảnh đất này và ông đã mời những người bản địa đến thăm thành phố Philadelphia bất cứ lúc nào họ muốn. Ông Penn có lẽ cũng đã thực hiện nhiều khoản chi cho cùng bộ lạc này vì thực tế là một số người trong bộ lạc đó có những đòi hỏi đối với các phần đất khác nhau.
Nhiều năm sau, thỏa thuận mà ông Penn ký kết với các bộ lạc người Mỹ bản địa được đặt danh hiệu là “Hiệp ước Vĩ đại” hoặc “Hiệp ước của Penn”. Trong suốt thế kỷ 18, nhà triết học người Pháp Voltaire gọi hiệp ước này là “hiệp ước duy nhất giữa những người [Mỹ bản địa] và tín đồ Cơ đốc không được phê chuẩn bằng một lời tuyên thệ, và nó chưa bao giờ bị vi phạm.” Năm 1771, họa sĩ Benjamin West đã vẽ bức họa “Hiệp ước của Penn với người Mỹ bản địa”, mô tả cuộc gặp gỡ của ông Penn với người Mỹ bản địa bằng một nét sinh khí mới.
Ông Penn trở về Anh quốc
Năm 1684, ông Penn đã rời Mỹ và quay trở về Anh quốc để thăm gia đình và cố gắng giải quyết tranh một vụ tranh chấp lãnh thổ với Nam tước Baltimore. Ông Penn và Nam tước Baltimore có một bất đồng về điểm kết thúc của thuộc địa Pennsylvania và điểm bắt đầu của tỉnh Maryland, dẫn đến một tranh chấp pháp lý kéo dài 80 năm giữa hai gia đình.
Ông Penn trở lại thành phố Philadelphia vào tháng 12/1699 trên con tàu tên Canterbury. Thuộc địa Pennsylvania lúc đó đã có hơn 18,000 cư dân và Philadelphia là một thành phố thịnh vượng.
Giai đoạn thứ hai sống ở thuộc địa Mỹ của ông Penn cũng ngắn ngủi vì ông và gia đình quyết định quay trở lại Anh quốc năm 1701 – nơi ông qua đời năm 1718. Mặc dù chỉ sống ở thuộc địa Mỹ của mình tổng cộng bốn năm, nhưng ông đã đặt nền móng cho Tiểu bang Pennsylvania, là tiểu bang thứ hai trong số 13 tiểu bang đầu tiên gia nhập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787.