Ở Việt Nam ta không nghề gì ít được bảo đảm bằng nghề văn. Người ta đã than nhiều lắm, hô hào nhiều lắm rồi. Nhưng từ trước đến nay những lời ấy vẫn chỉ là những lời thốt ra giữa một bãi sa mạc ! Đến nỗi nói đến nhà văn tôi tưởng như nói đến mấy anh kép hát ra làm trò trên một sân khấu cho người ta đến xem không mất tiền.

♦️

Người ta tự do trích bài của nhà văn, nhà báo, in thành sách. Tôi muốn nhắc lại đây cái “ca” nhà xuất bản Tân Việt lấy bài của các ông Xuân Diệu, Trần Thanh Mại, P.S.N, P.V.H, Nguyễn Khắc Hiếu, Đông Hồ, Phan Khôi, Từ Ngọc, Thanh Tịnh, Lãng Tử, Nguyễn Khắc Mẫn, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Hoa Bằng. Về các nhà văn khác thì tôi không biết, còn bạn Hoa Bằng không hề được nhà xuất bản Tân Việt xin phép, sao như vậy?.Một bài văn có phải đâu một vật thuộc quyền sở hữu của mọi người Ông Lê Văn Vàng chủ một nhà xuất bản lớn, lại không biết cái luật sơ đẳng trong cái xã hội nhà văn, nhà báo ấy sao?.

Lại vừa rồi tôi có dịp sang du lịch bên Lào. Tôi được biết rằng một hội Kia Vientiane đã đem một vở kịch của ông Xuân Đào và một vở của ông Vũ Trọng Can ra diễn lấy tiền cho hội

Mà các bạn có biết các ông trong hội nhà văn ấy đã làm những gì không?

Các ông ấy không hề xin phép tác giả hai vở kịch.

Xin làm gì vở kích để lấy cũng thế, “mượn” chơi đem diễn có “hư“ chút nào đâu. Chắc các ông trong hội ấy nghĩ thế !. Các ông có “nhè” đâu đã làm cái công việc bóc lột một hạng người đó !

Các ông đã tự tiện đổi nhan đề của vở kịch !.

Các ông cho rằng phải đổi đi như thế để đánh lừa người xem. Đã có lần trên sân khấu Vientiane người ta đã diễn vở Hai trái tim rồi, bây giờ diễn lại ai xem nữa. Phải chọn một cái tên khác hẳn và kêu hơn cái trước. Phải đổi như thế để tác giả vở kịch ở nơi xa mình diễn hơn hai nghìn cây số khỏi biết, khỏi lôi thôi.

Các ông đã chữa văn của hai bản kịch, chắc nghĩ tác giả của hai vở kịch soàng lắm, phải sửa chữa cho được mười phần hay hơn. Một lẽ nữa, các ông tưởng trình độ người xem vở kịch ở Vientiane còn kém, nên phải thêm vào một ít câu khôi hài mượn của một vai hề tuồng cổ, không thì buồn quá.

Đấy, hai vở kịch đấy, tha hồ họ đem nó ra mà mổ xẻ, mà hành hạ. Đường xa quá nó, nó kêu lên thấu đâu đến người đã nhọc công nặn nó ra.

Các ông có biết đó là một việc gian lận không?

♦️

 Viết bài này tôi không có ý xúi dục hai ông Xuân Đào và Vũ Trọng Can hành động gì để đòi quyền lợi của mình. Ở xứ ta bao nhiêu người đã chẳng làm cái công việc của hội ấy ?. Nhưng tôi muốn, nhân việc này, các nhà văn ta nên nghĩ đến việc liên lạc với nhau để “ bảo vệ quyền lợi về tinh thần và nghề nghiệp” của mình như nhà văn ở các nước văn minh đã làm.

LÊ THANH

(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn