Jessica Mao và Lynn Xu 

Trung Cộng cầm quyền của Trung Quốc gần đây đã tiến hành một khóa đào tạo hiếm hoi cho các ‘cán bộ thôn’ trên toàn quốc. Các chuyên gia cho rằng hành động này có thể là một phần trong những cố gắng của Trung Cộng nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng quyền lực do các cuộc xung đột ngày càng gay gắt ở vùng nông thôn gây ra.

Theo một bản tin hôm 16/05 của hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, các khóa đào tạo diễn ra đồng thời trên quy mô lớn, do Ủy ban Trung ương và Trường Đảng phối hợp tổ chức, kéo dài từ ngày 24 đến 28/04.

Khóa đào tạo này áp dụng cho tất cả các bí thư tổ chức đảng của thôn và trưởng ban thôn làng trên toàn quốc, với các lớp đào tạo chính của khóa học này được tổ chức ở Bắc Kinh và 3,568 phòng học phụ được phân bổ tại các trường Đảng cấp tỉnh và cấp quận (các trường cao đẳng hành chính) và các cơ sở đào tạo liên quan.

Các quan chức cấp bộ từ Trường Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Thư ký Văn phòng Nông nghiệp Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cũng như Cục Phổ biến Pháp luật và Quản lý Pháp chế của Bộ Tư pháp đã cung cấp các bài diễn thuyết hoặc bài học qua băng hình (video).

Bản tin của Tân Hoa Xã cho biết, “Đây là lần đầu tiên Trung Cộng tiến hành đào tạo trực tiếp cho toàn bộ trưởng thôn trong cả nước, và đây cũng là sự kiện đào tạo quy mô nhất dành cho các cán bộ cấp cơ sở ở vùng nông thôn trong những năm gần đây.” 

Hôm 18/05, nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times, khóa đào tạo hiếm hoi như vậy phản ánh “cuộc khủng hoảng quyền lực chính trị cấp cơ sở đã gây báo động cho Trung Nam Hải, cơ quan quyết sách đầu não của Trung Cộng ở Bắc Kinh.”

Những mâu thuẫn và xung đột xã hội của Trung Quốc “hiện tập trung ở vùng nông thôn, và đang leo thang,” theo ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), nhà phân tích chính trị và kinh tế tại Hoa Kỳ, người cũng bày tỏ một quan điểm tương tự với The Epoch Times rằng khóa đào tạo này được thiết kế nhằm mục đích củng cố quyền kiểm soát của Trung Cộng đối với cán bộ thôn trong cuộc khủng hoảng cai trị của mình.

Ông Lục cho rằng Trung Cộng đã triệu tập các cán bộ thôn trên toàn quốc để tham dự cái gọi là đào tạo này với hai mục đích chính, “Một là để họ [các cán bộ thôn] kiềm chế những người thất nghiệp ở cấp cơ sở.” Thứ hai là “quản lý nông nghiệp” khốc liệt ở nông thôn đã tạo ra căng thẳng và xung đột giữa quan chức và dân làng.

Ông Lục cho hay: “Trung Cộng yêu cầu các cán bộ thôn phải trấn an nông dân địa phương để tránh dẫn khởi xung đột.”

Theo ông Lục, các biện pháp ngăn chặn cực đoan và không hiệu quả trong nhiều năm của Trung Cộng trong đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn nghiêm trọng cho nền kinh tế thành thị, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sa thải hàng loạt công nhân trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động – như các công ty sản xuất và xây dựng vốn là nơi có đa số công nhân từ nông thôn lên làm việc.

Ông Lục nói: “Đối với các nhà cầm quyền cộng sản, việc lượng lớn công nhân thất nghiệp trở về nông thôn là một yếu tố gây bất ổn xã hội, và họ sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền cai trị của họ.”

Những người lao động nhập cư đứng gần các tấm biển cho thấy những kỹ năng của họ khi họ chờ được thuê bên một con phố ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc hôm 06/02/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Những người lao động nhập cư đứng gần các tấm biển cho thấy những kỹ năng của họ khi họ chờ được thuê bên một con phố ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc hôm 06/02/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Nông quản

“Lực lượng thực thi pháp luật ở nông thôn (Trung văn gọi là nông quản 農管)” đã trở thành một từ thông dụng trên mạng Internet Trung Quốc trong năm nay, cùng với việc Trung Cộng đẩy mạnh chính sách “thoái lâm hoàn canh” [tạm dịch: trả đất rừng về đất ruộng].

Tên chính thức của “lực lượng thực thi pháp luật ở nông thôn” là Đội Thực thi Pháp luật Hành chính Nông nghiệp Toàn diện. Công chúng so sánh tên gọi này với “lực lượng thực thi pháp luật ở đô thị” (Trung văn gọi là thành quản 城管) trong thành phố và nhận thấy những điểm tương đồng giữa hai loại này: nhân danh cơ quan thực thi pháp luật để đàn áp những người thuộc tầng lớp thấp hơn.

“Trả đất rừng về đất ruộng” đòi hỏi nông dân phải chặt cây và thay vào đó là trồng trọt các giống cây mùa vụ khác. Hành động này là sự đảo ngược hoàn toàn cách tiếp cận trước đây của Trung Cộng là “trả đất ruộng về đất rừng” – vốn đã được áp dụng hơn 20 năm, sau khi lũ lụt quét qua Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hàng triệu người ở 29 tỉnh từ tháng 06 đến tháng 08/1998.

Một nông dân trồng dâu tây đi ngang qua một nhà kính tại trang trại của mình, nơi việc buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát virus corona ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, vào ngày 04/02/2020. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)
Một nông dân trồng dâu tây đi ngang qua một nhà kính tại trang trại của mình, nơi việc buôn bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đợt bùng phát virus corona ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, vào ngày 04/02/2020. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Ông Lục cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng nghiêm trọng, và Trung Cộng đang dựa vào “lực lượng nông quản” để thực hiện chiến lược mới nhằm đẩy nhanh việc tạo ra nhiều đất canh tác hơn.

Hôm 11/05, Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện đã tổ chức một cuộc họp báo với chủ đề “Bảo đảm An ninh Lương thực, Giữ chắc Bát cơm của Trung Quốc”. Tại đó, ông Tùng Lượng (Cong Liang), Cục trưởng Cục Dự trữ Nguyên liệu và Lương thực Quốc gia, cho biết ước tính khả năng cứu trợ khẩn cấp quốc gia là 1.64 triệu tấn gạo mỗi ngày tính đến cuối năm 2022, vốn chỉ có thể cung ứng nhu cầu của toàn bộ người dân trong hai ngày, đồng thời cảnh báo “vẫn còn những điểm yếu trong hệ thống an ninh lương thực khẩn cấp của Trung Quốc.”

Trong những tháng gần đây, tại các tỉnh như Hà Nam, Hồ Nam, Quảng Tây, việc lực lượng thực thi pháp luật bạo lực ở nông thôn đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng nông dân, với các video lan truyền cho thấy một số quan chức tưới vôi lên đồng ruộng, yêu cầu dân làng đổi trồng gừng sang trồng lúa, phá hủy vụ thu hoạch cây thuốc lá, phá dỡ nhà cửa, và tịch thu gia súc.

“Hiện tượng này xảy ra trong số các cán bộ thôn và nhân viên thực thi pháp luật ở nông thôn là rất nghiêm trọng; họ không nói về luật pháp cũng không nói lý lẽ,” ông Lý Yến Minh cho biết. “Hệ thống ở cấp cơ sở của Đảng Cộng sản từ lâu đã bị chỉ trích là một tập đoàn tội phạm có tổ chức.”

Theo ông Lý, các hành vi côn đồ và bất hảo của các quan chức nông thôn của Trung Cộng đã gây ra sự bất bình lớn trong công chúng, làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột và tạo ra nhiều bất ổn, thậm chí dẫn đến hàng loạt vụ đổ máu ở nông thôn.

Các vụ đẫm máu

Kể từ tháng Năm năm nay, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin về ba vụ ám sát liên tiếp, trong đó một số dân làng đã đâm các cán bộ thôn ở miền bắc và đông bắc Trung Quốc, khiến 18 người thiệt mạng và một người bị thương.

Hôm 12/05, hãng truyền thông Trung Quốc Quan Sát (Guancha) có trụ sở tại Thượng Hải đưa tin, một vụ đâm bằng dao xảy ra hôm 11/05 tại thôn Mã Gia Cương (Majiagang), thị trấn Kỷ Khuyên (Yiquan), thành phố cấp huyện Đông Cảng trực thuộc địa cấp thị Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, gây ra nhiều tử thương.

Một nguồn tin địa phương cho biết nghi phạm họ Kim, 64 tuổi, là nông dân trong làng đã xảy ra xô xát với hàng xóm vì tranh chấp đất đai.

Tức giận trưởng thôn vì đã thiên vị người thân của mình trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, ông Kim đã đâm những người họ hàng của trưởng thôn trước. Ngày hôm đó, trưởng thôn đã đi ra ngoài, và vợ của trưởng thôn đã bị sát hại.

Hôm 10/05, ông Lưu Kế Kiệt (Liu Jijie), bí thư chi bộ thôn Tây Lý ở quận Trường Thanh, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, và gia đình của ông đã bị sát hại, theo một bản tin từ trang web NetEase của Trung Quốc hôm 13/05.

Nghi phạm Giả Cường (Jia Qiang) là phó giám đốc phòng giáo dục của trường trung học cơ sở số 1 Trường Thanh. Con gái ông bị con trai ông Lưu quấy rối tình dục, người này đã bị giam giữ sau khi ông Giả Cường báo công an. Ông Lưu đã sử dụng các mối quan hệ và sự quen biết của mình để con trai ông được công an thả khỏi trại giam ngay sau đó. Sau đó, con trai của ông Lưu liên tục quấy rối con gái của ông Giả cho đến khi cô gái này bị bệnh tâm thần. Ông Giả đã tự sát sau khi sát hại cả nhà ông Lưu.

Ông Lưu qua đời ở tuổi 63, vợ ông qua đời ở tuổi 37, và con trai ông qua đời ở tuổi 16.

Hôm 08/05, NetEase đưa tin, vào lúc 3 giờ chiều hôm 01/05, một vụ sát nhân đã xảy ra tại làng Tây Xã, thị trấn Hồng Đạo, huyện Định Tương, thành phố Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây.

Bản tin này cho biết ông Tục Quốc Cường (Xu Guoqiang), 38 tuổi, và cán bộ thôn trước đó đã cãi nhau nhưng không đề cập lý do vì sao. Hôm 01/05, ông Tục đến nhà của vị cán bộ thôn này, sau đó sát hại vị cán bộ đó cùng ba người khác, rồi lên xe bỏ trốn cho đến khi bị bắt tại một khách sạn ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây hôm 04/05.

Công an đã công bố một báo cáo giải thích việc bắt giữ nhưng không nói một lời nào về động cơ sát nhân của ông Tục.

Theo báo cáo này, những vụ đẫm máu đó không chỉ là những vụ cá biệt mà có liên quan đến các hành động nổi loạn chống lại sự đàn áp lâu dài của cán bộ, chẳng hạn như sự phẫn nộ của công chúng về vụ một dân làng ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông bị đội trị an của làng do trưởng thôn dẫn đầu đánh đập và bắt quỳ gối hôm 02/05.

Ông Lý Yến Minh nói: “Nền tảng của chế độ độc tài Trung Cộng đang sụp đổ.”

Ông Lý cho biết các vấn đề nông thôn của Trung Quốc đan xen chặt chẽ với các cuộc khủng hoảng về lương thực, dân số, thất nghiệp, và kinh tế. Ông cho rằng tình hình này đang tiếp tục trở thành tình trạng bất ổn về xã hội và chính trị.

Bản tin có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên
Nhã Đan biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn