PHÂN TÍCH: Các tiểu bang có thể kiềm chế chi tiêu của liên bang không?
Kevin Stocklin
Khi nhà nước ngầm ở Hoa Thịnh Đốn phát triển và đảm nhận các quyền lực ngày càng tăng, một số người đang kêu gọi các tiểu bang của Hoa Kỳ can thiệp để ngăn chặn chi tiêu liên bang và công trái tăng vọt.
Những người chỉ trích lập luận rằng việc mở rộng chính phủ, mà chính phủ hiện nay gọi là Trường phái kinh tế Biden (“Bidenomics”), đã dẫn đến lạm phát kinh niên, tình trạng thiếu hụt và những mức nợ công kỷ lục, khiến hầu hết người Mỹ trở nên nghèo hơn.
Hôm 01/08, Fitch, một cơ quan xếp hạng nợ, cũng đồng tình với việc hạ thấp hạng tín dụng của Mỹ từ mức “không rủi ro” AAA xuống AA+. Theo Fitch, “việc hạ bậc xếp hạng của Hoa Kỳ phản ánh sự suy thoái tài khóa dự kiến trong ba năm tới, một gánh nặng nợ chung lớn và ngày càng tăng của chính phủ, và sự xói mòn về quản trị so với các quốc gia có xếp hạng ‘AA’ và ‘AAA’.
Những người theo phái bảo tồn truyền thống về tài khóa đã thất vọng trước một chính phủ liên bang sẵn sàng chi tiêu không giới hạn và việc cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đều thất bại trong việc kiềm chế việc chi tiêu vô hạn này, và một số người nói rằng giải pháp nằm ngoài Hoa Thịnh Đốn – ở chính các tiểu bang.
Theo Điều V của Hiến Pháp, các tiểu bang có thể hội họp để sửa đổi Hiến Pháp nếu hai phần ba các cơ quan lập pháp của tiểu bang triệu tập một hội nghị. Và nếu ba phần tư số tiểu bang chấp thuận bản tu chính cân bằng ngân sách do một hội nghị như vậy viết ra, thì bản tu chính ấy sẽ trở thành luật.
Tuy nhiên, có một nhóm đang lập luận rằng các tiểu bang nên không chỉ kêu gọi tổ chức một hội nghị để kiểm soát chi tiêu của liên bang, và rằng số tiểu bang cần có đã làm như vậy nhiều lần nhưng Quốc hội đã phớt lờ họ. Các tiểu bang này đang làm việc để đưa ra một lệnh bắt buộc, còn được gọi là một vụ kiện “thực hiện bổn phận của quý vị” (“do-your-job”), chống lại Quốc hội buộc các nhà lập pháp liên bang triệu tập một hội nghị của các tiểu bang, với mục tiêu thông qua một bản tu chính Hiến Pháp thiết lập các giới hạn trong chi tiêu gây thâm hụt của liên bang.
Theo ông David Walker, cựu Tổng kiểm soát Hoa Kỳ, số lượng tiểu bang cần thiết đã đề nghị Quốc hội tổ chức một hội nghị năm 1979 và một lần nữa năm 1983, trong các giai đoạn lạm phát và chi tiêu quá mức của chính phủ trước đó. Hiện nay, ông Walker đang làm việc thông qua tổ chức có tên là Quỹ Bền vững Tài khóa Liên bang (FFSF) để cố gắng kiềm chế chi tiêu của chính phủ.
Ông Walker nói với The Epoch Times: “Đáng lẽ Quốc hội đã triệu tập hội nghị này vào năm 1979. Nhưng họ đã không bao giờ giao trách nhiệm cho bất kỳ ai thu thập các đề nghị này, lưu trữ các đề nghị này, và kiểm đếm các đề nghị này.”
“Người ta có thể lập luận rằng họ không muốn theo dõi vì họ có xung đột lợi ích căn bản mà cuối cùng có thể phải được Tối cao Pháp viện giải quyết,” ông nói. “Đó là lý do vì sao tôi và một số người khác đã làm việc để thực hiện nghiên cứu, và đang thực hiện các bước cả trong Quốc hội cũng như với các tiểu bang để buộc Quốc hội phải sửa chữa sai lầm này.”
Chưa có tiền lệ kiện Quốc hội
Hiện tại, chiến lược là tìm kiếm một số tổng chưởng lý tiểu bang sẽ khởi kiện Quốc hội, nhưng con đường pháp lý này có thể sẽ dài và khó khăn. Có rất ít tiền lệ cho một vụ kiện như thế này, cũng như không có tiền lệ cho việc kiện Quốc hội, nhưng những người ủng hộ khẳng định họ có luận cứ vững vàng dựa trên chủ ý của những người định hình ra Hiến Pháp.
“Các cuộc tranh luận trong các Nghiên cứu về Chủ nghĩa Liên bang cho thấy rất rõ ràng rằng Quốc hội không được có bất kỳ quyền quyết định nào ở đây,” ông Walker nói. “Họ lẽ ra chỉ cần nói rằng, một khi quý vị đạt đủ túc số [hai phần ba số tiểu bang], thế là xong; quý vị thiết lập ngày và địa điểm của hội nghị và sau đó các tiểu bang sẽ tiếp tục đảm nhận.”
Hồi tháng Ba, Dân biểu Jodey Arrington (Cộng Hòa–Texas) đã giới thiệu Dự luật Hạ viện HCR 24, kêu gọi “một Hội nghị theo Điều V để đề nghị một Tu chính Trách nhiệm Tài khóa cho Hiến Pháp Hoa Kỳ.”
Theo dự luật của Dân biểu Arrington, đơn thỉnh cầu tổ chức một hội nghị hồi tháng 2/1979 của Nevada đã là đơn thứ 34, “do đó đã đạt được ‘hai phần ba’ theo yêu cầu của quốc hội để triệu tập Hội nghị đề nghị các sửa đổi; các hồ sơ của quốc hội đã báo cáo 39 đơn vào cuối năm 1979, 40 đơn vào năm 1983, và tổng số 42 đơn theo thời gian.”
“Có một số nhóm trong khu vực tư nhân đang cố gắng tổ chức một hội nghị sửa đổi,” ông Barry Poulson, giáo sư kinh tế học danh dự tại Đại học Colorado, nói với The Epoch Times. “Chúng tôi không phải là nhóm duy nhất đang làm điều này; vì vậy tôi nghĩ ngay cả khi chúng tôi thua trong vụ kiện cụ thể ấy, thì điều này sẽ không ngăn cản được những nỗ lực đưa Tu chính tài khóa vào trong Hiến Pháp, thông qua Quốc hội hoặc thông qua hội nghị sửa đổi theo Điều V.”
Và số trường hợp các tiểu bang cùng nhau giải quyết các vấn đề – từ trách nhiệm tài khóa đến việc sử dụng chung các dòng sông đến bãi bỏ lệnh cấm – thì phổ biến hơn mọi người có thể nghĩ. Ông Michael Kapic, một giám đốc điều hành công ty đã nghỉ hưu trở thành nhà sử học, đã nghiên cứu các hội nghị tiểu bang trong cuốn sách của ông, “Conventions that Made America” (Các hội nghị đã Tạo nên nước Mỹ).
Hàng trăm Hội nghị tiểu bang trong suốt lịch sử Hoa Kỳ
Ông Kapic nói với The Epoch Times: “Quan điểm rằng chúng ta chưa từng làm điều này trước đây là hoàn toàn xa lạ.” Quay trở lại thời điểm trước Hội nghị Lập hiến năm 1787, hội nghị đã tạo ra Hiến Pháp Hoa Kỳ, các tiểu bang thường xuyên triệu tập để giải quyết các vấn đề giữa các tiểu bang hoặc vấn đề của quốc gia.
Ông Kapic viết: “Nhiều người không biết rằng chúng ta đã làm điều này hàng trăm lần trong ba thế kỷ qua. Trong khi hầu hết các hội nghị đã tạo ra kết quả mang tính xây dựng, có một trường hợp rất đáng tiếc là hội nghị tiểu bang năm 1861 ở Montgomery, Alabama – được biết đến nhiều hơn với tên gọi Hội nghị Lập hiến Liên minh – đã ủng hộ chế độ nô lệ và đã châm ngòi cho Nội chiến tại Hoa Kỳ.
Kể từ khi phong trào cấp tiến trỗi dậy vào đầu thế kỷ 20, “chính phủ tại DC đã phát triển thành một tập đoàn tập trung gồm các chính trị gia của nhà nước ngầm, các nhóm lợi ích đặc biệt, và các quan chức, những người luôn tìm cách thu lợi cho mình. Bằng cách chơi trò với Hiến Pháp, họ đã học cách kết hợp tiền bạc và quyền lực để tiếp tục ‘phòng thí nghiệm những thử nghiệm vi hiến’ của họ, biết rằng người đóng thuế sẽ ở đó để nhặt những mảnh vỡ và sửa chữa những thiệt hại họ gây ra.”
Năm 1913 là năm quan trọng của phong trào cấp tiến và làm tăng quyền lực trong chính quyền liên bang. Năm đó, Quốc hội đã thông qua Tu chính án thứ 16, trao quyền đánh thuế thu nhập và thành lập hệ thống Dự trữ Liên bang – hệ thống tập trung việc quản lý tiền tệ.
Ngày nay, sự mở rộng mới đây nhất của các cơ quan liên bang theo trường phái kinh tế Biden (Bidenomics) gồm các mệnh lệnh từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) buộc các nhà sản xuất xe hơi chuyển sản xuất sang xe điện (EV); Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) buộc các công ty thực hiện kế toán “xanh”; và các quy định mới từ Bộ Năng lượng (DOE) và Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) loại bỏ dần bếp ga và áp đặt các tiêu chuẩn mới nghiêm ngặt đối với các thiết bị gia dụng – điều sẽ cấm nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay. Bên cạnh nỗ lực này là hàng trăm tỷ USD được đưa vào các luật liên bang như Đạo luật Cơ sở Hạ tầng và Đạo luật Giảm Lạm Phát để trợ cấp cho tiến trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các sản phẩm chạy bằng phong năng, quang năng, và điện.
Hãm nợ của Thụy Sĩ
Nhưng việc vay và chi tiêu của liên bang mới là mục tiêu chính trong các nỗ lực của Quỹ FFSF, và họ nêu ra “việc hãm nợ” (debt brake) của Thụy Sĩ – được thông qua với tỷ lệ chênh lệch lớn trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc năm 2003 – như một mô hình khả thi. Theo báo cáo của Viện Cato, với sự ủng hộ của 85% dân số, “Việc hãm nợ của Thụy Sĩ giới hạn mức tăng chi tiêu của chính phủ ở mức tăng doanh thu trung bình trong nhiều năm.”
Ngoài ra, báo cáo đã cho biết, “thuế suất tối đa của hầu hết các loại thuế quốc gia ở Thụy Sĩ được quy định trong hiến pháp (chẳng hạn như thuế thu nhập 11.5%, thuế giá trị gia tăng 8%, và thuế doanh nghiệp 8.5%). Các mức thuế suất này chỉ có thể được thay đổi bằng cuộc trưng cầu đa số hai lần (double majority), có nghĩa là đa số cử tri ở đa số các tiểu bang sẽ phải đồng ý.”
Đại sứ Thụy Sĩ Jacques Pittloud đã nói tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ (ALEC) diễn ra từ 26 đến 28/07 rằng, “Xuất thân từ một xã hội theo phái bảo tồn truyền thống về tài khóa, người dân Thụy Sĩ đã kinh hoàng trước những diễn biến trong những năm 1990, khi chúng tôi chạm tới tỷ lệ nợ trên GDP là 60%. Đó là lúc ý tưởng đưa ra yêu cầu theo hiến pháp gọi là hãm nợ ra đời.”
“Khi quý vị phải nói với những người đóng thuế rằng 15% hoặc nhiều hơn trong số tiền của họ sẽ được dùng để trả tiền lãi, thì đó là lúc quý vị thực sự thu hút sự chú ý của họ,” ông Pittloud nói. “Rõ ràng là chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của họ vì chúng tôi đã thắng.”
“Thụy Sĩ chỉ đơn giản giới hạn mức tăng chi tiêu ở mức tăng doanh thu trung bình của nền kinh tế, của thu nhập quốc gia, và họ cũng yêu cầu rằng bất kỳ khoản thâm hụt nào phát sinh trong một thời kỳ suy thoái đều phải được bù đắp bằng thặng dư trong thời kỳ mở rộng,” ông Poulson nói. “Điểm mấu chốt là Thụy Sĩ đã giảm tỷ lệ nợ trên GDP của họ xuống còn khoảng 30%, trong khi chúng ta tiếp tục tăng nợ so với GDP và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy.”
Tỷ lệ nợ trên GDP của Hoa Kỳ đã giảm từ 60% xuống 55% dưới thời Tổng thống Bill Clinton, sau đó tăng vọt lên 100% dưới thời Tổng thống Obama, và cuối cùng đạt mức kỷ lục hiện tại là gần 130% dưới thời Tổng thống Biden. Tỷ lệ nợ của Hoa Kỳ đã không nằm trong phạm vi 30% kể từ những năm 1980.
Những người ủng hộ hội nghị tài khóa của các tiểu bang tin rằng các tiểu bang có nhiều khả năng hơn Quốc hội trong việc sẽ đứng lên chống lại lối chi tiêu và vay mượn vô tận vì một số tiểu bang đã làm vậy rồi. Một điều khác mà một số tiểu bang đã làm, có vẻ như là một sự khởi đầu mạnh, là cho phép người dân bỏ phiếu quyết định chính phủ lấy đi bao nhiêu tiền của họ.
Sửa đổi TABOR của Colorado
Tại tiểu bang Colorado quê hương của ông, một quy tắc tài khóa có tên là Tu chính án TABOR đã được đưa vào hiến pháp tiểu bang năm 1992. Tương tự như chính sách hãm nợ của Thụy Sĩ, quy định này yêu cầu ngân sách cân bằng và nghiêm cấm tăng thuế và nợ mà không có sự chấp thuận của cử tri.
Ông Poulson nói: “Nếu bất kỳ bộ phận chính quyền nào ở Colorado muốn tăng thuế và tăng nợ, họ phải được cử tri chấp thuận. Tuy nhiên, ở cấp liên bang, “Chúng ta ở khá xa sau đường cong học tập vì hầu hết các quốc gia đều có một số tu chính trách nhiệm tài khóa trong hiến pháp của họ; còn chúng ta là một trong số ít các quốc gia không có.”
Có lý do để tin rằng việc sửa đổi trách nhiệm tài khóa cũng sẽ nhận được sự ủng hộ trên toàn Hoa Kỳ. Theo cuộc thăm dò hồi tháng Bảy của Harvard/Harris, lạm phát là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri – với 72% nói rằng đó là “vấn đề lớn” và 80% nói rằng họ sẽ ủng hộ một sửa đổi hiến pháp yêu cầu cân bằng ngân sách trong vòng 10 năm.
“Giống như việc chúng ta có ba nhánh chính phủ ngang nhau ở cấp liên bang, các tiểu bang luôn được xem là nơi kiểm soát và cân bằng cho chính phủ liên bang,” ông Walker nói. “Chính phủ liên bang thậm chí không được phép làm những việc mà các tiểu bang có thể làm.
“Chúng ta còn rất xa điều đó,” ông nói. “Vì vậy, chúng ta cần khôi phục ý định của những nhà lập quốc và chúng ta cần bắt đầu bằng cách kiểm soát được tài khóa của chúng ta.”
Chủ nghĩa liên bang giữ cho một quốc gia đa dạng cùng nhau
Nhiều ý kiến cho rằng sự tập trung quyền lực gần đây vào chính phủ liên bang, đặc biệt là nhánh hành pháp, đang làm trầm trọng thêm căng thẳng quốc gia, và chủ nghĩa liên bang là giải pháp. Bởi vì việc ra quyết định đã bị lấy khỏi các cộng đồng địa phương và một nghị trình thống nhất đang được áp đặt từ Hoa Thịnh Đốn, nên các cộng đồng đa dạng chỉ còn rất ít quyền lựa chọn các chính sách mà họ ưa thích.
Họ nói rằng, Thụy Sĩ là một ví dụ về một xã hội đa văn hóa, với bốn ngôn ngữ quốc gia, đã hoạt động tốt vì rất nhiều quyền lực chính phủ nằm ở các tiểu bang của Thụy Sĩ.
“Thụy Sĩ có vai trò rất khiêm tốn cho chính phủ liên bang so với các quốc gia khác như Hoa Kỳ,” ông Poulson nói. “Hồi thế kỷ 19, chúng ta đã trông rất giống như vậy; hầu hết các quyết định về thuế và chi tiêu đều được đưa ra ở cấp địa phương và tiểu bang.
“Câu chuyện yêu thích của tôi về Thụy Sĩ là họ có một nhà điều hành rất yếu; đó là một ủy ban luân phiên, và họ luân phiên chức chủ tịch giữa các thành viên ủy ban,” ông nói. “Một nửa thời gian, tôi nghĩ kể cả người dân không biết tổng thống là ai. Thực tế ấy nói lên điều gì đó về sức mạnh của từng công dân đối với chính phủ của họ.”
Bất kỳ sự tu chính nào có thể xuất hiện từ hội nghị của tiểu bang, nếu có diễn ra, sau đó sẽ phải được ba phần tư số cơ quan lập pháp của tiểu bang chấp thuận để trở thành luật. Và những người ủng hộ nói rằng tiến trình này sẽ vượt qua được tính đảng phái.
“Nếu đa số bỏ phiếu cho sự sửa đổi này ở 38 tiểu bang, thì sửa đổi ấy sẽ được đưa vào Hiến Pháp, không cần Quốc hội, không cần Tổng thống, không cần Tòa án Tối cao,” ông David Biddulph, đồng sáng lập FFSF, nói với The Epoch Times. “Đó sẽ là khoảnh khắc dân chủ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.”
“Khoảnh khắc ấy sẽ đánh thức lại tinh thần rằng chính phủ làm việc cho chúng ta chứ không phải chúng ta làm việc cho chính phủ.”