PHÂN TÍCH: Một cuộc thánh chiến do nhà nước bảo trợ nhắm vào Israel có thể nổ ra tại Trung Đông
Andrew Thornebrooke
Hơn 1,000 người đã thiệt mạng ở Israel, trong đó có hơn mười công dân Hoa Kỳ, sau một chiến dịch bạo lực tàn bạo quy mô lớn của nhóm khủng bố Hồi giáo Hamas.
Các quan chức trên khắp Israel đã lên án rằng hành động tàn bạo của Hamas chẳng khác nào sự kiện ngày 11/09. Không nghi ngờ gì rằng cuộc chiến mới giữa Israel và Hamas sẽ gây ra tất cả những hậu quả địa chính trị đáng để so sánh như vậy.
Trong số đó, hậu quả nghiêm trọng là vụ việc này có thể đưa đến một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo do nhà nước bảo trợ.
Hoa Kỳ đang gửi đạn dược và các thiết bị khác tới Israel và điều động một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến phía đông Địa Trung Hải để giúp đỡ Jerusalem đang gặp nguy khốn.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ chưa dự định tham gia trực tiếp vào cuộc chiến mới. Nhóm hàng không mẫu hạm ở đó như một lời cảnh báo cho các quốc gia khác để không tham gia vào cuộc chiến này.
Tuy nhiên, chỉ riêng lời cảnh báo đó đã nhấn mạnh điều khiến thời điểm này trở nên khác biệt về phạm vi và mức độ nghiêm trọng so với tất cả các cuộc bạo lực trước đây giữa Hamas và Israel.
Israel đang trên bờ vực thẳm. Ngoài việc bị những kẻ khủng bố Hồi giáo xâm phạm, nước này còn bị vây quanh bởi các quốc gia có thể chọn trợ giúp những kẻ khủng bố đó bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy điều đó sẽ áp đảo, và cuối cùng là tiêu diệt Israel.
Nói một cách đơn giản, nếu Israel chùn bước trong phản ứng chống lại Hamas, thì Trung Đông có thể bước vào một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa Hồi giáo mất kiểm soát và chủ nghĩa cực đoan bạo lực như những gì đã diễn ra sau sự kiện 11/09. Tuy nhiên, lần này các quốc gia trong thế giới Ả Rập sẽ không đứng ngoài cuộc.
‘Tàn bạo ngang với ISIS’
Các quan chức đều tin rằng điều gì đó đã thay đổi từ căn bản.
Hamas, một tổ chức khủng bố được xác nhận, đã thúc đẩy việc tiêu diệt toàn bộ Israel trong hơn 30 năm qua.
Đã có những cuộc tấn công – thậm chí là những cuộc chiến – nhưng những đợt bạo lực đó luôn nhấn mạnh sự hiểu biết nhất định giữa Israel và những kẻ khủng bố Hamas rằng hòa hoãn là chuẩn mực. Cùng tồn tại trong hòa bình là điều khả dĩ dù rằng đó là một ý tưởng xa vời.
Tuy nhiên, những điểm tương đồng giữa cuộc chiến mới của Hamas và sự man rợ mà al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo thể hiện trong những thập niên gần đây cho thấy điều gì đó khác biệt – một điều đen tối hơn và lâu dài hơn.
Đó là sự khác biệt mà Hoa Kỳ cũng đã nhận thức sâu sắc.
Một quan chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ nói với các phóng viên với điều kiện ẩn danh rằng Ngũ Giác Đài đã nhận thức được “sự tàn bạo ngang với ISIS”, khiến cuộc xung đột này khác biệt với tất cả những cuộc xung đột trước đó.
Quan chức này nói: “Tôi muốn phân biệt cuộc xung đột này với những lần khác mà chúng ta chứng kiến Israel và Hamas xung đột ở Gaza.”
“Lần này thì khác. Đó là điều chưa từng có. Các chiến binh Hamas đi khắp Israel, sát hại trẻ em ngay trước mặt cha mẹ chúng, tàn sát bằng bạo lực bừa bãi [tại] các đại nhạc hội, thiêu rụi toàn bộ nhà cửa trong khi nhiều gia đình trú ẩn trong hầm trú ẩn của họ.”
Quả thực, cảnh máu me do Hamas để lại không giống như một cuộc giao chiến bằng hỏa tiễn thông thường vào ban đêm.
Lực lượng Phòng vệ Israel phải mất gần 48 giờ mới giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị Hamas đột ngột xâm lược. Những gì họ tìm thấy đã khiến nhiều người Israel vô cùng kinh hãi.
Trong một buổi tiệc khiêu vũ, những kẻ khủng bố Hamas được cho là đã sát hại hơn 250 người trẻ tuổi, cưỡng gian các cô gái ngay giữa cuộc tàn sát, và bắt những người khác làm con tin để dùng làm con bài mặc cả hoặc một số khác bị sát hại trong các video tuyên truyền được phát tán trên mạng. Sau đó là những người cao niên bị xử tử trên đường phố khi đang đợi ở bến xe buýt. Ở những nơi khác, cả gia đình bị thiêu sống trong nhà khi cố gắng tìm nơi trú ẩn giữa cảnh hỗn loạn.
Sự man rợ đó đã làm thay đổi nhận thức về mối đe dọa ở Israel.
Hamas không còn được xem là mối đe dọa không thường xuyên đối với hòa bình và ổn định nữa. Đó là mối đe dọa sống còn hơn và khiến nhiều người Do Thái vô cùng lo lắng.
Ông Yigal Carmon, người sáng lập Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, đã lột tả bản chất của mối đe dọa đó.
“Đây là cách mà Einsatzgruppen, đội quân diệt chủng liên kết với quân đội Đức Quốc Xã, hoạt động. Họ bắt người Do Thái ở các thành phố, làng mạc, và đường xá rồi sát hại họ,” ông Carmon nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Israel.
“Hôm qua, tôi đã nói chuyện với các con gái của mình. Tôi nói với chúng, ‘Hãy hình dung rằng các con đang ở giữa cuộc tàn sát Holocaust, và Đức Quốc Xã đang nổ súng.’ Đây là những cảnh tượng như thời Đức Quốc Xã. Thật kinh khủng.”
Iran có thể phối hợp trong các cuộc tấn công Israel
Một số ít chuyên gia hoặc nhà hoạch định chính sách tin rằng Hamas có thể tự mình tiến hành một cuộc tấn công như vậy.
Tổng cộng có hơn 1,000 tên khủng bố Hamas đã xâm phạm Israel. Họ đã sử dụng các phi cơ không người lái (drone) để tấn công và phá hủy các tháp quan sát của Israel, nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ ngoại quốc thông qua Internet và đã phóng hàng ngàn hàng ngàn hỏa tiễn từ Gaza vào Israel.
Nhiều người quy trách nhiệm cho Iran – nước có chế độ Hồi giáo đã kêu gọi tiêu diệt Israel trong nhiều thập niên và đang hợp tác với Trung Quốc và Nga trong một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm phá hoại và thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành.
Trong cuộc trò chuyện hôm 09/10, ông Michael Doran, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống, cho biết, “Có một thế lực dẫn dắt đằng sau tất cả những điều này, và đó là Iran.”
Ông Doran nói rằng trước hết Iran tìm cách phá hủy tiến trình bình thường hóa quan hệ Israel và các nước Ả Rập – vốn bắt đầu từ Hiệp định Abraham thời cựu Tổng thống (TT) Trump.
Chính phủ TT Biden phần lớn đã chấm dứt các chính sách thời cựu TT Trump liên quan đến Iran. Họ chọn tháo dỡ một số lệnh trừng phạt và khôi phục các chính sách thời cựu TT Obama nhằm qua đàm phán để thuyết phục Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nỗ lực đó lên đến đỉnh điểm hồi tháng Chín, với việc thả năm tù nhân Mỹ từ Iran và đổi lại, chính phủ TT Biden dỡ phong tỏa khoản tiền trị giá hơn 6 tỷ USD cho Iran.
Do đó, ông Doran nói rằng Hoa Kỳ phải khiến Iran gặp rủi ro thực sự nếu muốn ngăn chặn cuộc chiến của Hamas vào Israel nhấn chìm toàn bộ Trung Đông trong hỗn loạn.
Ông nói: “Nếu chúng ta lo ngại rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sẽ giảm sút theo thời gian, thì chúng ta có thể yên chí rằng thế giới Hồi giáo sẽ càng ngày càng cảm thấy khó chịu do bị đối xử bất công.”
“Điều rất quan trọng đối với Hoa Kỳ là [Israel] được nhìn nhận là bên chiến thắng. Bởi vì nếu những vụ khủng bố tàn bạo này được xem là mang lại chiến thắng cho Hamas và Iran, thì chúng ta sẽ ngày càng mời gọi những điều tương tự, và sớm hay muộn, điều đó sẽ liên quan trực tiếp đến các lực lượng Mỹ.”
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên hôm 09/10 rằng “Iran đồng lõa ở mức độ nào đó” trong vụ bạo lực nhưng Tòa Bạch Ốc “không thể chứng thực các báo cáo” rằng chế độ này có liên quan trực tiếp.
Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa từ Lebanon
Người ta ngày càng lo ngại rằng một cuộc tấn công kéo dài từ Lebanon đến phía bắc Israel có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của quốc gia gặp nguy khốn này và ngoài ra còn mời gọi thêm sự trợ giúp từ các chiến binh thánh chiến trên khắp khu vực.
Để đạt được mục tiêu đó, Hezbollah, một tổ chức khủng bố ở Lebanon, đang phóng hỏa tiễn vào miền bắc Israel trong khi những kẻ khủng bố Hamas tấn công từ phía đông nam.
Theo ông Can Kasapoglu, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Hudson, một cuộc tấn công lớn hơn từ Lebanon có thể khiến nỗi sợ hãi lớn nhất của Israel trở thành hiện thực.
Ông nói: “Tình huống như trong ác mộng đối với Israel luôn là một cuộc chiến trên nhiều mặt trận.”
“Chúng ta không nên loại trừ bất kỳ tình huống nào khi tổ chức Hezbollah của Lebanon nhìn thấy cơ hội và tận dụng cơ hội.”
Do đó, ông Kasapoglu nói rằng ngay cả những cuộc tấn công nhỏ cũng có thể có tác động rất lớn, vì những cuộc tấn công đó sẽ làm tiêu hao các nguồn lực quân sự của Israel mà lẽ ra có thể dùng để đối đầu với Hamas ở Gaza.
Quan chức quốc phòng Mỹ nói trên cũng thừa nhận mối lo ngại về việc ngăn chặn mối đe dọa này từ Lebanon, đồng thời nói rằng Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn bạo lực lan rộng.
Vị quan chức này cho biết: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về việc Hezbollah đưa ra quyết định sai lầm và chọn mở một mặt trận thứ hai cho cuộc xung đột này.”
“Chúng tôi đang làm việc với Israel và các đối tác của chúng tôi trong khu vực để ngăn chặn điều này xảy ra ở Gaza.”
Saudi Arabia: Nhân tố khó đoán trước
Saudi Arabia, vốn từ lâu đã tìm cách khẳng định mình là quốc gia hùng mạnh nhất ở Trung Đông, chắc chắn là một nhân tố khó đoán trước trong cuộc xung đột này.
Ông Steven Cook, thành viên cao cấp của tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói rằng ít nhất một trong những mục đích khi Hamas tấn công là nhằm làm suy yếu mối bang giao đang chớm nở giữa Saudi Arabia và Israel.
Ông nói: “Saudi [Arabia] là một mục tiêu.”
“Tôi nghĩ rõ ràng đó là nỗ lực nhằm làm suy yếu động lực bình thường hóa bang giao đang được tiến hành trong khu vực này. Phía Iran đã nói rõ về điều đó, và Hamas rõ ràng không được hưởng lợi từ việc bình thường hóa bang giao giữa Israel và Saudi Arabia.”
Tuy nhiên, về điểm đó, ông Cook lưu ý rằng việc bình thường hóa bang giao giữa Israel và Saudi Arabia chưa bao giờ được người dân Saudi Arabia đón nhận một cách nhiệt thành mà được giới lãnh đạo quốc gia này theo đuổi vì những lý do của chính họ.
Do đó, việc tiếp tục bình thường hóa bang giao sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc Israel trả đũa tàn bạo như thế nào đối với Hamas ở Gaza và phản ứng đó ảnh hưởng như thế nào đến dư luận ở Saudi Arabia.
Ông Cook nói: “Cách đây không lâu đã có những chương trình truyền hình diễn ra ở Saudi Arabia để ủng hộ những kẻ đánh bom tự sát của Hamas.”
“Tôi nghĩ liệu [việc bình thường hóa] có dừng lại hoàn toàn hay không sẽ thực sự phụ thuộc rất nhiều vào cách người Israel phản ứng ở Dải Gaza.”
Qatar và Trung Quốc tranh giành lợi thế
Hai cường quốc khác vẫn đứng bên lề cuộc xung đột này, và cả hai đều duy trì mối bang giao căng thẳng với Israel và Hoa Kỳ.
Qatar, trên Bán đảo Ả Rập, là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Đây cũng là nơi những lãnh đạo chủ chốt của Hamas cư ngụ và là quốc gia xuất cảng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo hàng đầu. Tháng trước (09/2023), khi chính phủ TT Biden dỡ phong tỏa 6 tỷ USD cho Iran, số tiền này đã được chuyển vào trương mục ngân hàng ở Qatar.
Qatar cũng duy trì tư cách là một đại diện ở Dải Gaza, và sau cuộc xâm lược tàn bạo của Hamas vào Israel hôm 07/10, chính quyền này đã đưa ra tuyên bố quy trách nhiệm cho Israel.
Cách đó hàng ngàn dặm, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cũng đang tìm cách lợi dụng sự hỗn loạn này.
Trung Cộng, vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, đã đưa ra tuyên bố trong vòng vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas, yêu cầu Israel công nhận một Palestine độc lập và ngừng chiến đấu với “các bên liên quan”.
Về phần mình, Trung Cộng đã công khai liên kết với giới lãnh đạo ở Iran và Nga trong nỗ lực mà họ tuyên bố là nhằm thiết lập một trật tự thế giới đa cực sẽ thay thế Hoa Kỳ và trật tự quốc tế mà nước này dẫn đầu.
Chính vì vậy, sự trợ giúp rõ ràng của Bắc Kinh dành cho những kẻ khủng bố Hamas dường như không nhằm mục đích tạo dựng hòa bình mà nhằm thâu tóm ảnh hưởng ở Trung Đông bằng cách kích động phe Hồi giáo cực đoan chống lại phương Tây.
Với rất nhiều mối đe dọa và quá nhiều bên đang tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, không có con đường nào phía trước cho Israel mà không ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cách Israel đánh giá rủi ro đó, cũng như cách Hoa Kỳ trợ giúp Israel trong tiến trình này, có thể quyết định liệu bạo lực thần quyền có bùng phát trở lại trên toàn bộ Trung Đông hay không.
Nếu dùng lực [quân sự] quá mạnh ở Gaza, thì Israel sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan đang muốn trừng phạt vì những điều mà họ cho là sai lầm. Còn nếu dùng quá ít, thì quốc gia này sẽ ba lần bảy lượt bị nhắm tới vì cái được cho là yếu ớt của họ. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn rằng cuộc chiến mới này sẽ quyết định nhiều điều hơn là số phận của Hamas.
Bản tin có sự đóng góp của Dor Levinter và Emel Akan