PHÂN TÍCH: Trung Quốc đang lừa gạt thế giới thông qua các mỏ than có công nghệ tân tiến
Naveen Athrappully
Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chính sách hiện đại hóa nhiều mỏ than của mình bằng cách sử dụng các công nghệ mới nhất để cố gắng nâng cao năng suất mỏ than, trong khi các quốc gia phương Tây thì đang cắt giảm các nguồn năng lượng truyền thống để đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu do các tổ chức toàn cầu đặt ra.
Trong Thỏa thuận Paris của Liên Hiệp Quốc năm 2015, nhiều quốc gia đã cam kết cắt giảm khí thải, trong đó Hoa Kỳ dưới thời chính phủ ông Obama đã đồng ý cắt giảm hơn 25% lượng khí thải CO2 vào năm 2025. Trong khi đó, thỏa thuận này cho phép Trung Quốc tiếp tục mở rộng khai thác than đốt điện cho đến khoảng năm 2030 trong khi chỉ cam kết đạt được “tính trung lập về carbon” vào năm 2060.
Năm 2017, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này, và sau đó gọi thỏa thuận đó là “một thảm họa toàn diện đối với đất nước chúng ta” và là “sự chuyển giao của cải lớn từ Mỹ sang các quốc gia ngoại quốc chịu trách nhiệm về phần lớn tình trạng ô nhiễm của thế giới.” TT Joe Biden đã tái gia nhập thỏa thuận này trong vòng vài giờ sau khi nhậm chức hồi năm 2021.
Các quốc gia phương Tây tiếp tục giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hạn chế lượng khí thải, gây bất lợi cho chính họ. Chẳng hạn, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) gần đây đã đề nghị các hạn chế phát thải chặt chẽ hơn đối với các nhà máy đốt than, các quy định mà các chuyên gia cho rằng có thể khiến việc cung cấp điện trở nên kém tin cậy hơn và đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, việc Bắc Kinh gấp rút hiện đại hóa các mỏ than của họ báo hiệu nước này đang đi theo một hướng khác, sử dụng công nghệ để khai thác than hiệu quả hơn, với mục tiêu của Trung Cộng là quản lý tất cả các mỏ than bằng kỹ thuật số vào năm 2035. “Mỏ thông minh” của công ty Hồng Liễu Lâm (Hongliulin) ở tỉnh Thiểm Tây là một trong những dự án hiện đại hóa như vậy.
Việc kỹ thuật số hóa ở công ty Hồng Liễu Lâm đang được đại công ty công nghệ Trung Quốc Huawei đảm nhận; mỏ này hiện có nhiều hộp chuyển tiếp 5G, máy ảnh thông minh, và cảm biến. Công ty này nói với AFP rằng, phương pháp mới được cho là đã tăng sản lượng than lên thêm gần ⅓.
Sự tham gia của Huawei là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang hướng tới việc duy trì than đá như nguồn năng lượng chính trong nhiều năm – có thể là do ông Từ Quân (Xu Jun), người đứng đầu bộ phận số hóa việc khai thác tại công ty này, đề nghị.
“Trên toàn thế giới, việc sử dụng than đá và năng lượng sạch sẽ cùng tồn tại trong một thời gian dài. Xu hướng thông minh trong các ngành liên quan là không thể tránh khỏi,” ông nói với hãng thông tấn, cho biết thêm rằng nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đang thành lập các nhóm trong lĩnh vực này.
Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) cảnh báo rằng Bắc Kinh không trung thực về cam kết đạt được các mục tiêu khí hậu. Họ viết trong bài bình luận hôm 25/05: “Nếu có ai tin rằng Trung Quốc sẽ giữ lời cam kết trong hiệp định khí hậu là đưa mức phát thải khí nhà kính lên cao nhất năm 2030 [sau đó mới giảm], thì người đó nên nghĩ lại.”
“Trung Quốc đang lừa dối thế giới phương Tây, đưa ra các cam kết khó có khả năng tuân thủ, vì họ đang cố gắng trở thành siêu cường số một thế giới bằng cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình và toàn bộ những gì họ có thể đạt được ở mức cao nhất.”
IER cho biết, theo số liệu chính thức, Trung Quốc có 4,400 mỏ than vào cuối năm 2022. Nếu Trung Quốc thực hiện các cam kết về khí thải, thì các mỏ này đáng ra nên hoạt động ở công suất tối thiểu. “Tuy nhiên, dựa trên các hoạt động hiện tại và khoản đầu tư của họ trong các nhà máy điện than và mỏ than thông minh, thì Trung Quốc đang để than đá đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu nhiều năm tới.”
Các dự án than tăng
Theo báo cáo hồi tháng Hai của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) cũng như Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), tốc độ khởi công xây dựng nhà máy điện than, công bố dự án mới, và cấp phép cho nhà máy “đã tăng đáng kể” ở Trung Quốc hồi năm 2022 – với hai nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần.
Báo cáo này cho biết: “50 GW công suất điện than bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được nhanh chóng cấp phép và chuyển sang xây dựng chỉ trong vài tháng.”
“Tổng cộng 106 GW của các dự án điện than mới, tương đương với hai nhà máy điện than lớn mỗi tuần, đã được cấp phép. Lượng công suất được cấp phép tăng hơn gấp bốn lần so với 23 GW vào năm 2021.”
Báo cáo cho biết, trong tổng số công suất mới mà Trung Quốc đã cấp phép vào năm 2022, một lượng công suất trị giá 60 GW vẫn chưa được khởi công kể từ tháng 01/2023. Các dự án này dự kiến sẽ bắt đầu sớm trong năm nay.
Ngành công nghiệp than đá của Trung Quốc được cho là chiếm gần 20% tổng lượng khí thải toàn cầu. Theo các nhà phân tích, lượng khí thải này nhiều hơn lượng ô nhiễm nhà kính của toàn bộ các phương tiện giao thông trên thế giới cộng lại.
Làm suy yếu các quốc gia khác
Từ tháng 12/2021, Tổ chức Chính sách về Sự nóng lên lên Toàn cầu (GWPF) đã cảnh báo trong một báo cáo rằng Bắc Kinh đang sử dụng nghị trình khí hậu như một công cụ để “củng cố nền kinh tế của mình” đồng thời khai triển nghị trình này như một “vũ khí làm suy yếu các quốc gia khác.”
Báo cáo này cho thấy rằng, nếu không sử dụng than đá, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không thể thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới vào năm 2049 – dịp Trung Cộng nắm quyền được một trăm năm.
Báo cáo nêu rõ: “Bằng cách theo đuổi các chính sách khí hậu đơn phương, các quốc gia phương Tây đang khiến nền kinh tế của mình gặp khó khăn do chi phí năng lượng tăng cao, mất điện, và các tình trạng thiếu nguồn cung khác giống như những kẻ phá hoại thời chiến gây ra, nhưng chỉ khác ở chỗ thiệt hại là tự mình gây nên và mang tính toàn hệ thống.”
“Không có vũ khí nào có thể làm tê liệt các nền kinh tế phương Tây mạnh hơn nghị trình về phát thải bằng không (net zero). Quân đội của Trung Quốc ở đây gồm cả các tổ chức phi chính phủ về môi trường cùng giới truyền thông phương Tây, những bên cùng nhau ra lệnh hành quân cho các chính trị gia ngây thơ.”
Sự thúc đẩy nguy hiểm của phương Tây đối với việc phụ thuộc năng lượng tái tạo
Không giống như Trung Quốc, các quốc gia phương Tây đang ngày càng từ bỏ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đáng tin cậy và thúc đẩy các chính sách năng lượng tái tạo. Xu hướng này có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho an ninh năng lượng do chi phí cao, tính không lường trước được nói chung, và sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một báo cáo của các chuyên gia trong ngành Paul Bonifas và Tim Considine cho thấy rằng “chưa rõ mức VRE [năng lượng tái tạo biến động] có thể được thêm vào lưới điện [Mỹ] ở mức nào trước khi năng lượng này bị sụp đổ hoặc trở nên không thể chi trả nổi.”
“Tuy nhiên, gần như chắc chắn rằng tại một thời điểm nào đó chưa biết, lưới điện sẽ trở nên không đáng tin cậy và chi phí sẽ tăng vọt. Thế nhưng, vẫn có nhiều VRE được xây dựng hàng năm. Công nghệ lưới điện tái tạo 100% có khả thi không, có đáng tin cậy không, và có kinh tế không? Không, không, và không.”
Một phân tích của IER từ hồi tháng 12/2022 cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu là do các chính sách không thực tế mà khu vực này đã thực hiện liên quan đến quản lý năng lượng. Trước đó, châu Âu đã cắt giảm các hợp đồng cho thuê sản xuất dầu và khí, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và than, đồng thời cấm khai thác bằng công nghệ cắt phá thủy lực – làm tất cả những điều đó trong lúc thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Khi nhu cầu năng lượng “quay trở lại với hậu quả báo ứng” sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào năm 2021, châu Âu nhận thấy mình rơi vào thế không đủ năng lượng sẵn có để cung ứng nhu cầu.
Mùa đông ấm áp lần này đã ngăn chặn thảm họa năng lượng trong khu vực. Từ năm 2004 đến 2019, châu Âu đã chi hơn 1 ngàn tỷ USD cho các cố gắng chuyển đổi năng lượng tái tạo của mình. Khu vực này hiện cần chi thêm 5.3 ngàn tỷ USD để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ sự phụ thuộc của phương Tây vào các nguồn năng lượng tái tạo vì Trung Quốc lại là nhà cung cấp các thành phần và vật liệu năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), vào năm 2020, tỷ lệ sản xuất polysilicon toàn cầu của Trung Quốc là 82%. Năm 2021, Trung Quốc chiếm 75% sản lượng module quang điện (PV) toàn cầu. Cả hai loại vật liệu này đều được sử dụng trong sản xuất module quang năng.
Tựu chung lại, Trung Quốc kiểm soát thị trường quang năng với sự thống trị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất bao gồm polysilicon, tấm wafer, tế bào, module, việc khai triển, và thậm chí cả chuỗi cung ứng nguyên liệu thô [cho các lĩnh vực này].
Hơn nữa, nhiều nơi trong số các nhà máy sản xuất quang năng ở Tân Cương sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ địa phương, góp phần vào các hành vi vi phạm nhân quyền mà các công ty phương Tây nhắm mắt làm ngơ.
Trung Quốc cũng thống trị việc cung cấp nguyên liệu thô cần thiết để chế tạo xe điện (EV), chẳng hạn như các khoáng sản đất hiếm rất quan trọng trong sản xuất pin EV.
Theo một phân tích do Visual Capitalist thực hiện hồi đầu năm nay, sáu trong số 10 công ty sản xuất pin hàng đầu là của Trung Quốc, theo đó quốc gia này chiếm 77% công suất sản xuất pin. Lợi thế này được ước tính sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.