Phát triển hạt nhân ở Á Châu: Không chỉ là chế tạo một quả bom
RICHARD A. BITZINGER
Liệu các đồng minh Á Châu của Mỹ quốc có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hay không? Đây là một tình huống nhiều lần được đặt ra, bởi lẽ Tokyo, Seoul, và cả Canberra vẫn tiếp tục lo ngại rằng cam kết an ninh của Hoa Thịnh Đốn đối với Á Châu – và đặc biệt là lời hứa hẹn của nước này về khả năng răn đe hạt nhân mở rộng – có vẻ không đáng tin cậy.
Theo một số bài báo, người ta lập luận rằng các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, và Úc nên nghĩ đến tự vệ trong các tình huống có thể xảy ra đồng thời xây dựng lực lượng hạt nhân cho riêng mình.
Các nhà phân tích như ông Walter Russell Mead đã đi xa đến mức cho rằng một số người theo tư tưởng “Nước Mỹ Trên Hết”, như cựu Tổng thống Donald Trump chẳng hạn, thậm chí có thể hoan nghênh ý tưởng về một Á Châu được hạt nhân hóa. Việc Hoa Kỳ thôi không bảo vệ các đồng minh Á Châu của mình bằng hạt nhân có thể làm hài lòng những người nghĩ rằng các quốc gia này nên làm nhiều hơn nữa để tự vệ (đồng thời đòi hỏi Hoa Thịnh Đốn làm ít hơn).
Người ta thường công nhận rằng Nhật Bản có năng lực công nghệ để chế tạo một quả bom nguyên tử trong một thời gian tương đối ngắn – có lẽ là vài tháng, và lâu nhất là vài năm. Nam Hàn và Úc có thể không mất nhiều thời gian hơn. (Thật vậy, Canberra đã nghiêm túc cân nhắc đến ý tưởng chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng họ trong những năm 1950 và 1960). Nếu những nước này chế tạo một quả bom hạt nhân để thử nghiệm, thì việc đó sẽ gây tiếng vang khắp Á Châu và thực sự là với các nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, thách thức được đặt ra không chỉ với việc chế tạo một quả bom nguyên tử, mà với toàn bộ những thứ khác đi kèm cần thiết để tạo ra một sự răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khó hơn rất nhiều so với người ta tưởng.
Đầu tiên, một quốc gia cần thử nghiệm nhiều lần các năng lực hạt nhân của mình. Cuối cùng, những quốc gia này có thể sẽ phải tiến hành một số cuộc thử nghiệm trong vài năm để bảo đảm cho một lực lượng hạt nhân đáng tin cậy. Và họ sẽ tiến hành những cuộc thử nghiệm này ở đâu? Úc có rất nhiều khu đất trống, nhưng nhiều người dân Nhật Bản có thể sẽ phản đối việc thử nghiệm trên lãnh thổ quốc gia (ngay cả ở dưới lòng đất).
Thứ hai, khai triển một vũ khí như vậy thế nào đây? Phi cơ sẽ là một lựa chọn rõ ràng, nhưng Nhật Bản, Nam Hàn, và Úc không sở hữu bất kỳ phi cơ, oanh tạc cơ, hoặc chiến đầu cơ chuyên dụng nào có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hơn chục năm trước, Canberra đã cho lực lượng oanh tạc cơ tầm trung của họ (F-111C) thôi hoạt động. Cả ba quốc gia này đều vận hành tiêm kích cơ F-35, hiện đang được thử nghiệm để mang vũ khí hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ có thể không muốn chỉnh sửa những chiếc F-35 của những nước này (nghĩa là mở “những chiếc hộp đen” được niêm phong) cho mục đích hạt nhân.
Một lựa chọn khác là đưa vũ khí hạt nhân vào các phi tiễn. Điều đó đòi hỏi phải thiết kế một vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ thích hợp với phi tiễn và rồi cải tiến chính phi tiễn đó. Đối với hầu hết các quốc gia, một phi tiễn nhiên liệu rắn chuyên dụng sẽ phải được chế tạo gần như từ đầu.
Sau đó, những quốc gia này sẽ đặt những phi tiễn này ở đâu, trong các hầm chứa (ở Nhật Bản sẽ dễ bị động đất) hay trên các bệ phóng di động? Các nước đông dân như Nhật Bản và Nam Hàn có thể sẽ vấp phải phản đối dữ dội của người dân địa phương về việc khai triển các vũ khí như vậy trong vùng lân cận của họ – do những thứ vũ khí này sẽ là mục tiêu đáng giá cho một cuộc tấn công đầu tiên của kẻ thù.
Giải pháp khả thi nhất là khai triển các phi tiễn này trên các tàu ngầm. Đổi lại, kiểu khai triển này đòi hỏi một phi tiễn được phóng từ tàu ngầm chuyên dụng phải có thiết kế kín để có thể được phóng dưới nước, và thậm chí có thể đòi hỏi một tàu ngầm mới. Nếu những tàu ngầm này là loại chạy bằng năng lượng hạt nhân (hay nói cách khác là Tàu ngầm mang Phi tiễn Đạn đạo – SSBN) thì điều này đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một chướng ngại về công nghệ khác (các lò phản ứng hạt nhân nhỏ nhưng phải vô cùng an toàn).
(Nói là như vậy, nhưng Nam Hàn cũng đã thử nghiệm một phi tiễn được phóng từ tàu ngầm kiểu này, còn Úc đang dự tính mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hợp tác của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh).
Tóm lại, tất cả những thiết bị này sẽ không hề rẻ. Anh quốc đang chi 31 tỷ bảng Anh (gần 39 tỷ USD) để gây dựng một hạm đội bốn chiếc SSBN lớp Dreadnought – vả lại London chỉ đơn giản là mua phi tiễn Trident II được phóng từ tàu ngầm, loại có sẵn của Hoa Kỳ (thứ mà khả năng cao Hoa Thịnh Đốn sẽ không cung cấp cho các đồng minh Á Châu của mình).
Đồng thời, những quốc gia này sẽ phải xây dựng một cơ sở hạ tầng hoàn bị để trợ giúp cho các vũ khí hạt nhân. Các cơ sở lưu trữ chuyên dụng vô cùng an toàn sẽ phải được xây dựng tại các căn cứ không quân và các trạm hải quân để bảo đảm an toàn cho những vũ khí này. Các kỹ sư hạt nhân sẽ phải được đào tạo để bảo trì và quản lý những quả bom và đầu đạn này.
Những quốc gia này cũng sẽ phải lập ra một bộ chỉ huy và kiểm soát chuyên biệt nhằm bảo vệ việc sử dụng các lực lượng hạt nhân. Các thiết bị bảo mật được gọi là các liên kết cho phép hành động (permissive action link – PAL) sẽ phải phù hợp với từng vũ khí để ngăn chặn việc trang bị hoặc kích nổ thiết bị hạt nhân trái phép. Những PAL như vậy sẽ phải được mã hóa ở mức cao để tránh bị tấn công mạng.
Tiếp đến Tokyo, Seoul, và Canberra sẽ phải đưa ra các giao thức để trang bị và sử dụng các lực lượng hạt nhân của họ. Rất có thể là tổng thống hoặc thủ tướng sẽ kiểm soát “quả bóng hạt nhân” chứa những mã phóng, và đó sẽ là người có thẩm quyền cuối cùng trên thực tế đối với việc phóng vũ khí hạt nhân. Nhưng còn các lực lượng hạt nhân phóng từ tàu ngầm thì sao? Ngay cả với “quy tắc hai người”, các chỉ huy tàu ngầm trên SSBN về mặt lý thuyết có quyền tự chủ đáng kể để phóng theo thẩm quyền của riêng họ. Những chi tiết như vậy sẽ phải được làm rõ.
Trên hết, những quốc gia này sẽ cần phải tự giải quyết tất cả các vấn đề về công nghệ và cơ sở hạ tầng. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không giúp đỡ. Xây dựng một lực lượng hạt nhân đáng tin cậy sẽ cần hàng tỷ dollar và phải mất hàng thập niên mới có thể đưa vào hoạt động.
Trong khoảng thời gian đó, sự phản đối trong nước đối với việc “phát triển vũ khí hạt nhân” có thể rất dữ dội. Người ta có thể đoán là phe cực hữu ở Nhật Bản lẫn Nam Hàn sẽ thích ý tưởng này. Bấy lâu nay, phe chủ nghĩa dân tộc theo hướng bảo tồn truyền thống cực đoan của Nhật Bản đã mong ngóng ngày giành lại di sản đế quốc của nước này, sở hữu một lực lượng quân sự quy mô lớn, kể cả các vũ khí hạt nhân, có khả năng bảo vệ đất nước một cách độc lập. Nam Hàn có thể sẽ làm theo, chỉ đơn giản là để sánh vai với người Nhật.
Mặt khác, phần lớn dân số Nhật Bản – vốn vẫn mang nặng tư tưởng chống chủ nghĩa quân phiệt, phản đối chiến tranh, và phản đối hạt nhân – có thể không hài lòng với ý tưởng về một Nhật Bản hạt nhân. Các lực lượng tự do và cánh tả ở Nam Hàn và Úc cũng có thể phản đối việc hạt nhân hóa như vậy, đặc biệt nếu điều đó được xem là gây bất ổn cho an ninh khu vực.
Một Á Châu sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là điều không tưởng. Đồng thời, đó cũng không phải là điều có thể được hoàn thành với chi phí thấp, vội vàng, hoặc không gây ra một sự hỗn loạn chính trị to lớn.
Ông Richard A. Bitzinger là một chuyên gia phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông từng là một thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhận các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức cố vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu–Thái Bình Dương, kể cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, và tiến trình hiện đại hóa quân đội cũng như phát triển vũ khí trong khu vực này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.