Philippines cắt hàng rào nổi để phản kháng Trung Quốc, mở đường cho Hoa Kỳ
Anders Corr
Philippines đã đẩy lùi Trung Quốc hôm 25/09. Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã thiết lập một rào cản nổi mới trên Bãi cạn Scarborough – một ngư trường trù phú đối với các ngư dân Philippines.
Theo nguồn tin của tôi, Bắc Kinh đã tìm cách mở một căn cứ quân sự trên bãi cạn này trong nhiều năm, và vào năm 2012, đã lừa Philippines rời khỏi khu vực này sau một cuộc giằng co, với sự trợ giúp không hiệu quả và có lẽ là không có chủ tâm của chính phủ Tổng thống (TT) Obama. Kể từ đó, Hải cảnh Trung Quốc đã quấy rối ngư dân Philippines ở đó, mặc dù khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tiết lộ đầy đủ: Tác giả trên đã đến Bãi cạn Scarborough để ủng hộ các nhà hoạt động Philippines cắm cờ ở đây hồi 2016.
Một đội Hải cảnh Philippines đã đến ngay sau khi rào chắn nổi mới nhất được lắp đặt để cắt dây [của hàng rào này]. Họ hành động theo lệnh của TT Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr. – con trai của nhà độc tài quá cố Ferdinand E. Marcos Sr., người đã cai trị trong hai thập niên.
Việc Philippines phản ứng nhanh chóng trước nỗ lực lập hàng rào mới nhất này là điều mà người ta mong đợi từ lâu nay và thắp lên hy vọng cho các quốc gia nhỏ ở Á Châu rằng có thể đứng lên phản kháng Bắc Kinh.
Trong khi các tàu của Hoa Kỳ và Philippines thường xuyên va chạm với lực lượng tuần duyên của Trung Quốc để tái lập quyền tự do hàng hải, thì hàng rào tại bãi cạn Scarborough là một cơ hội hiếm có để đẩy lùi nỗ lực của PLA nhằm thiết lập một điểm đánh dấu vật lý khác cho sự thống trị của họ. Việc PLA đã không bảo vệ bước tiến mới của mình bằng vũ lực cho thấy rằng hành vi bắt nạt của Bắc Kinh trong tương lai có thể và nên bị đáp trả một cách trực tiếp và nhanh chóng. Đứng lên phản kháng một kẻ bắt nạt yếu ớt sẽ khiến kẻ bắt nạt đó phải lùi bước.
Chưa có khi nào giống như thời điểm hiện tại, vì Bắc Kinh đang củng cố sức mạnh của chính mình. Hoạt động của PLA ở Biển Đông là một sự đánh lạc hướng và là nơi huấn luyện cho một mục tiêu quan trọng hơn và mang tính phòng thủ về mặt quân sự: Đài Loan. Hòn đảo gần nhất của Philippines chỉ cách hòn đảo dân chủ đang bị bao vây đó 100 dặm (khoảng 160km).
Quân đội Hoa Kỳ cuối cùng đã thiết lập lại sự hiện diện quân sự ở Philippines nhờ sự ủng hộ của ông Marcos. Chúng ta từng có các căn cứ quân sự rộng lớn và cố định ở đó, nhưng đã rút quân khỏi đây do thiếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ, ảnh hưởng của Trung Quốc, và cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Philippines năm 1991 dẫn đến quyết định không gia hạn [thêm 10 năm] với kết quả chỉ chênh lệch một phiếu [12 thuận – 11 chống].
“Vào năm 1990, TT George H.W. Bush đơn giản chỉ muốn rút quân khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines mà không quan tâm đến hậu quả,” theo tác giả Richard Fisher trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times. “Nhưng các tài liệu ghi chép hiện cho thấy Trung Quốc đã tích cực giúp chúng ta rút lui, tích cực tạo ra khoảng trống chiến lược mà họ đã khai thác kể từ đó. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng cho một liên minh dựa trên sự đồng cam cộng khổ như vậy” trong Đệ nhị Thế Chiến.
Theo biên tập viên ngoại quốc của The Australian – ông Greg Sheridan, người nhận được thông tin từ một cựu quan chức chính phủ Philippines – cuộc bỏ phiếu đó có thể bị ảnh hưởng bởi số tiền rất lớn và hoạt động tội phạm do Bắc Kinh chủ mưu. “Ông ấy nói với tôi rằng chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng tội phạm có tổ chức ở Philippines, đặc biệt là mạng lưới tội phạm gốc Hoa, để huy động số tiền lớn nhằm bảo đảm cuộc bỏ phiếu của Thượng viện sẽ phản đối các căn cứ quân sự đó.”
Ông Sheridan đã nhận được xác nhận về câu chuyện này là “đại khái là chính xác” từ ông Richard Armitage, người đã tham gia đàm phán Hiệp định Căn cứ Quân sự Philippines.
Việc chiếm đảo và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Cộng dần trở nên trầm trọng hơn sau khi Hải quân Hoa Kỳ thất bại trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Nam Việt Nam vào năm 1974, ngay sau cuộc đàm phán không thành của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger với quốc gia cộng sản này. Hiện ông ấy là một cố vấn được trả lương và thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh tại Bắc Kinh.
Hai năm sau cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986 lật đổ chính quyền của TT Philippines đương thời Ferdinand Marcos, hải quân của Trung Cộng đã sát hại hàng chục binh sĩ Việt Nam trên một hòn đảo trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và sau đó xây dựng căn cứ quân sự ở đó.
Đến năm 1996, Trung Cộng đã chiếm một hòn đảo khác tên là [rạn san hô] Đá Vành Khăn từ Philippines, và trong những năm 2010, đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo và căn cứ quân sự với các đường băng lớn cũng như các cơ sở hải quân có khả năng cho hàng không mẫu hạm và tàu ngầm neo đậu.
Mối đe dọa bạo lực của chính quyền Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
“Quân đội Trung Quốc đã gia tăng đáng kể các hành vi tác chiến cưỡng chế và mạo hiểm cả trên không lẫn trên biển, đe dọa các lực lượng hoạt động hợp pháp của Hoa Kỳ, đồng minh và đối tác,” bà Lindsey Ford – Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Nam Á và Đông Nam Á – cho biết hôm 28/09. “Điều này bao gồm việc đánh chìm các tàu cá Việt Nam, sử dụng phi cơ quân sự để quấy rối hoạt động thăm dò năng lượng ngoài khơi của Malaysia, bay trong phạm vi 20 feet (khoảng 6 m) cách phi cơ quân sự Mỹ, và sử dụng vòi rồng và tia laser cấp quân sự để ngăn chặn và bắn vào các tàu tiếp tế của Philippines đang tiến về Bãi Cỏ Mây.”
Sau khi cắt dây của hàng rào nổi, ông Marcos cho biết ông không thể làm gì khác được. Ông nói: “Những gì chúng tôi sẽ làm là tiếp tục bảo vệ Philippines, lãnh thổ hàng hải của Philippines, quyền đánh bắt cá của ngư dân chúng tôi ở những khu vực mà họ đã đánh bắt [ở đó] hàng trăm năm nay.”
Tuy nhiên ông Bongbong đã khiêm tốn. Ông ấy đã có thể làm như những người khác làm trước đây là không làm gì cả. Việc cắt đứt sợi dây đó thôi có thể là một hành động mang tính bước ngoặt cho tự do. Đây có thể là sự kiện “tiếng súng vang khắp thế giới” của Philippines và mở ra một viễn cảnh rộng lớn hơn cho mối bang giao Hoa Kỳ–Philippines trong tương lai nhằm giúp bảo vệ Á Châu khỏi bàn tay Trung Cộng.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.