PHONG – DAO: một lối văn vần tổ – truyền ! Nó là những tiếng “thiên – lãi” mộc mạc, tự nhiên trải bao nhiêu đời nay, vang ra từ những nơi non cao, rừng thẳm, mặt nước bát ngát, cánh đồng lúa mông – mênh, đã rung – động, đương rung – động và còn rung – động mãi tâm – hồn Đại Việt !

Nó là những tiếng vang dội của đáy lòng bình – dân.

Nó, bằng giọng nhẹ nhàng nhưng hùng – tráng, bình dị nhưng sâu – xa, trải đời nọ qua đời kia, đã làm giàu cho cái kho văn – học Nam – Việt.

Được hưởng cái di – sản vô – cùng quí báu ấy của ông cha để lại, bổn phận ta nay phải cùng nhau chính – đính những tiếng sai lầm và giải – thích những nghĩa khó hiểu rồi thử chia loại mà gìn giữ lấy.

Giống Quốc – Phong Tàu là những câu ca, bài hát, ra từ miệng các trai gái ở sau luỹ tre xanh, phong – giao ta cũng gồm có ba thể: Phú, Tỉ, Hứng.

  1. Thể phú. – Nói ngay vào sự thực, không phải nhân hứng mà phát ra hay mượn cảnh vật bề ngoài mà ví với việc mình muốn nói. Như:

Không tiền, ngồi gốc cây đa;

Có tiền, thì hãy lân la vào hàng.

  1. Thể tỉ. – Thể này là lối ví – von so – sánh: Đem những sự vật trông thấy ví với tình – cảnh, thân thế hoặc việc làm của người. Như:

Muốn sang thì bắc cầu kiều; 

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

  1. Thể hứng. – Nhân cảm hứng vì một sự – vật gì, bèn mượn đó làm cái “khơi mào” để “đi” vào việc mình định nói. Đại – để:

Cái cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo nuôi chồng, nước mắt nỉ non…

Phong – nhân đang muốn nói về việc “gánh gạo đưa chồng”, nhân thấy con cò lặn lội ở bên sông, bèn mượn cái “mắt thấy” ấy để gợi tứ. Vì thế nên gọi là thể hứng.

Nhưng cũng có khi trong một bài phong – dao gồm cả hai hay ba thể, nghĩa là vừa phú, vừa tỉ, vừa hứng nữa.

Nay muốn lựa chọn các câu phong – dao mà sắp – đặt cho thành hệ – thống để nó cũng được đứng ngang hàng với kinh Thi của Tàu, tôi tưởng sự chia loại ấy cũng rất phức – tạp.

Tán đồng với ông Hội – Thống Vũ – Văn – Lợi như đã viết trong một tờ báo kia, tôi nay cũng lấy nông dân Nam – Việt làm “trung tâm điểm” cho sự lựa chọn và chú – thích các câu phong – dao.

Còn cách chia loại? Đã lấy nông dân làm gốc, lẽ tất nhiên mọi chi – tiết đều do cái “trung – tâm – điểm” ấy truyền tía ra cả.

Dựa vào những cái cớ khác cái biểu phân loại của ông Hội – Thống, nay tôi thử chia phong – dao như sau:

I – Nông dân với kinh – tế

  1. Làm ruộng làm vườn
  2. Trồng dâu chăn tầm
  3. Thủ công
  4. Tiền bạc
  5. Thóc lúa
  6. Đổi trác
  7. Buôn bán ngược xuôi

II – Nông – dân với nhân – sinh triết học

  1. Bản thân: 1. Siêng – năng, 2. Mộc mạc, 3. Hoạt – động, 4. Tiết – kiệm, 5. Giản – dị, 6. Lễ – độ, 7. Ăn – uống, 8. Thi vị và tiềm lực của đời sống…
  2. Tình: 1. Tình yêu, 2. Tình hảo, 3. Tình oán, 4. Tình hận, 5. tình phụ…
  3. Vợ chồng
  4. Cha con
  5. Anh em
  6. Bạn hữu
  7. Thầy trò
  8. Sĩ, công thương
  9. Vua quan
  10. Làng, xóm
  11. Quốc gia

III – Nông dân với vũ – trụ – quan

  1. Trời đất
  2. Thần thánh
  3. Gió, mưa, sấm, sét, mây, sông, núi, hồ, biển…

IV – Nông dân với tôn – giáo

  1. Tín ngưỡng
  2. Phật, Nho, Tiên
  3. Ma quỉ
  4. Dị – đoan
  5. Cái chết

V – Nông – dân với nhân – sinh – quan

  1. Sướng
  2. Khổ
  3. Vui
  4. Buồn
  5. Bi – quan
  6. Lạc – quan

VI – Nông dân với văn học

  1. Ca tụng: 1. Cái đẹp cái oai hùng của thiên nhiên; 2. Oai linh của Thần, Thánh; 3. Công nghiệp của các danh – nhân. Nhớ ơn những người đã giúp ích mình.
  2. Trào phúng: 1. Chế học trò; 2. Chế nhà sư; 3. Chế thầy thuốc; 4. Chế thầy địa lý; 5. Chế lính và nha lại; 6. Chế các “nàng” (hoặc lẳng lơ, hoặc chua ngoa, hoặc ế chồng, hoặc chồng chê, hoặc chồng bỏ, hoặc tham giàu sang, hoặc lấy khách, hoặc lấy lẽ); 7. Chế thói hư tật xấu (nói dối, nói khoác, lười biếng, bỏn xẻn, cờ bạc, rượu chè, trai gái).

VI – Nông dân với chính – trị

  1. Lo xưu thuế, tạp dịch
  2. Khuyến – khích việc võ
  3. Tòng quân

VII – Nông dân với xã hội

  1. Cưới xin
  2. Ma chay
  3. Dỗ tết
  4. Hội hè, đình đám
  5. Thi cử

VIII – Nông dân với lịch sử 

  1. Thời loạn
  2. Chống ngoại xâm
  3. Thời bình
  4. Mở mang bờ cõi

Sau khi đã kê xong cái biểu trên, tôi thử theo đó mà chia loại các câu phong – dao rồi, chú – thích những nghĩa khó hiểu, đính – chính những tiếng nếu biết là sai – lầm. Như thế có thể tiềm – tiệm xong được quyển “phong – dao” rồi đó.

Mong rằng các bạn làm ơn chỉ dùm những chỗ khuyết – điểm và giúp thêm cho tài – liệu về phong – dao  bất cứ thuộc loại nào khiến cho quyển “Phong – dao” chúng tôi đương thảo đây sớm được nên trọn: may lắm !

HOA BẰNG

(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn