Phòng Thương mại Hoa Kỳ chỉ trích Tòa Bạch Ốc về kế hoạch giảm giá thịt là ‘đánh lạc hướng’
Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, kế hoạch của chính phủ ông Biden nhằm giải quyết giá thịt đang tăng cao là cách “đánh lạc hướng.”
Hôm 03/01, Tòa Bạch Ốc đã công bố kế hoạch hành động nhằm giảm giá thịt gia súc và gia cầm, bao gồm đa dạng hóa và mở rộng năng lực chế biến độc lập. Một trong những sáng kiến của chính phủ là dành 1 tỷ USD cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ, tiền này được trích từ Kế hoạch Cứu trợ Hoa Kỳ, gói cứu trợ virus corona.
Tổng thống (TT) Joe Biden đã đề nghị gia hạn các khoản tài trợ trị giá 375 triệu USD cho các nhà sản xuất thịt độc lập, 275 triệu USD tài trợ cho các nhà chế biến, 100 triệu USD cho đào tạo các công nhân trong ngành, và 100 triệu USD cho chi phí giám sát tại các nhà máy chế biến nhỏ hơn.
Ông Biden và nhóm của ông cho biết một số ít tập đoàn đã góp phần làm cho giá thịt tăng cao rất nhanh trong năm vừa qua. Bốn công ty kiểm soát 85% thị trường thịt bò và 70% ngành công nghiệp thịt heo. Bốn công ty chế biến lớn nhất cũng sở hữu hơn một nửa lĩnh vực gia cầm.
Tòa Bạch Ốc cho biết hôm 03/01 rằng, “Khi những công ty trung gian kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng, họ có thể tăng lợi nhuận bằng cách khiến nông dân phải trả chi phí cao hơn và người tiêu dùng phải mua với giá mắc hơn.”
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), vào tháng 11/2021, giá thịt nói chung đã tăng 16% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Giá thịt bò và thịt bê đã tăng 20.9%, thịt heo tăng 16.8%, giăm bông 10.7%, và thịt gia cầm 8.4%.
Nhưng Phòng Thương mại đã phản đối, khi cho rằng giá thịt tăng cao là do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, và lạm phát đầu vào gia tăng, đặc biệt là chi phí năng lượng và lao động.
Ông Neil Bradley, phó chủ tịch điều hành và giám đốc chính sách tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố: “Câu hỏi đặt ra là nếu như chính phủ khẳng định, sự kết hợp của ngành thịt với các ngành công nghiệp khác là một vấn đề trong nhiều năm và sự kết hợp này dẫn đến việc tăng giá thịt hiện nay, vậy tại sao trước đây cũng là sự kết hợp này mà giá thịt không bị đẩy tăng cao hơn?”
“Rõ ràng là chính phủ đang cố gắng sử dụng mức giá cao hơn để biện minh cho nghị trình hiện tại của chính phủ nhằm đảo ngược sự đồng thuận của lưỡng đảng trong nhiều thập kỷ xung quanh chính sách chống độc quyền và cạnh tranh để tiếp cận chính sách theo kiểu ‘chính phủ [mới] biết rõ nhất.’ Đó không phải là kinh tế, đó là chính trị và đáng buồn thay, sự can thiệp như thế của chính phủ có thể sẽ hạn chế hơn nữa nguồn cung ứng và thậm chí đẩy giá thịt tăng cao hơn nữa.
Ngày càng có nhiều nhà chế biến thực phẩm đã phản ánh tinh thần này.
Những khó khăn của ngành sản xuất thịt
Hãng Tyson Foods, nhà chế biến và tiếp thị thịt bò và thịt gà lớn thứ hai thế giới, đã chi hơn 500 triệu USD để tăng lương và thưởng cho nhân viên tuyến đầu.
Nhiều doanh nghiệp trong số này đang phải vất vả tìm công nhân để giải tỏa những tồn đọng tại các nhà máy chế biến thịt này. Mặc dù một số công ty tạo ra mức lợi nhuận vượt trội trong môi trường lạm phát, nhưng lợi nhuận không phải là tuyệt vời cho mọi doanh nghiệp hoạt động trong ngành thịt.
General Mills đã công bố trong báo cáo mới nhất của mình rằng doanh thu ròng tăng 6.5% trong quý tài chính thứ hai, nhưng lợi nhuận ròng giảm 13%.
General Mills, nhà sản xuất Betty Crocker và Pillsbury, đã tăng giá một số sản phẩm và các giám đốc điều hành dự đoán giá sẽ tăng thêm vào năm 2022.
Trong một cuộc họp công bố lợi nhuận, giám đốc điều hành Jeff Harmening cho biết: “Môi trường kinh doanh hiện tại rất năng động và đầy thách thức như tôi đã thấy trong hơn 27 năm làm việc trong ngành này. Nhu cầu thực phẩm tại nhà vẫn tăng cao, lạm phát chi phí đầu vào ở mức cao nhất trong 10 năm, và tình trạng thiếu lao động cũng như các vấn đề khác đang gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, từ nhà cung cấp đến sản xuất đến phân phối.”
Công ty thực phẩm Cargill bác bỏ các cáo buộc về hành vi chống lại cạnh tranh, đồng thời nói thêm rằng mặc dù một số áp lực của chuỗi cung ứng trong ngành có thể duy trì trong suốt cả năm, giá thực phẩm có thể sẽ ổn định vào năm 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, Giám đốc điều hành Cargill Dave MacLennan cho biết: “Áp lực chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục kéo dài cho dù áp lực này là do tình trạng thiếu lao động hay sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.”
Đảng Dân Chủ đổ lỗi cho doanh nghiệp lớn
Nhiều thành viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ nói rằng giá cao hơn, từ hàng tạp hóa đến năng lượng, là do các tập đoàn khai thác cuộc khủng hoảng sức khỏe của công chúng.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ–Massachusett) cáo buộc 3 chuỗi siêu thị lớn – Publix, Kroger, và Albertsons – về việc sử dụng đại dịch làm lợi thế của họ để tăng giá hàng hóa đáng kể.
Bà Warren viết hồi tháng 12/2021 rằng, “Công ty của quý vị và các cửa hàng tạp hóa lớn khác đã gặt hái được những lợi ích từ một năm 2020 đầy biến động, dường như đang chuyển chi phí sang phía người tiêu dùng để duy trì lợi nhuận từ đại dịch của quý vị và thậm chí lợi dụng lạm phát để thêm vào gánh nặng lớn hơn.”
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng quan điểm của TT Biden và Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack là “lòng tham của doanh nghiệp” của các “tập đoàn sản xuất thịt” đã dẫn đến lạm phát lương thực cao ngất trời ngày nay.
Cuối cùng, ước tính sẽ mất khoảng 200 triệu USD và vài tháng để xây dựng một nhà máy chế biến thịt mới. Các chuyên gia cho rằng, hỗ trợ tài chính và can thiệp thường xuyên đến các công ty độc lập có thể là chuyện phổ biến trong nhiều năm tới vì họ sẽ không thể đạt được hiệu quả và mức giá thấp hơn so với các công ty lớn.