Quan niệm về ‘được’ và ‘mất’ ở cảnh giới khác nhau – Câu chuyện nhỏ giữa Khổng Tử và thế hệ con cháu
Đây là câu chuyện nhỏ giữa Khổng Tử và thế hệ con cháu vào thời Xuân Thu, trong đó có Khổng Miệt cháu của Khổng Tử, Mật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử; cả hai đều làm huyện lệnh [chức quan đứng đầu một huyện].
Một lần nọ, Khổng Tử đến chỗ người cháu Khổng Miệt, khi đó chính vào ngày gặt hái của mùa xuân. Trên đường đi nhìn thấy một số ruộng đồng hoang vu, dân chúng đứng ở bên ruộng dáng vẻ rất buồn khổ, Khổng Tử hỏi: “Tại sao không đi trồng trọt?” Người dân trả lời: “Bởi vì trong nửa năm không nộp đủ thuế, dựa theo quy định bị xử phạt không cho trồng trọt.” Khổng Tử nghe xong rất là lo lắng.
Sau khi gặp Khổng Miệt, Khổng Tử liền hỏi: “Từ khi cháu ra làm quan đến nay, có thu hoạch gì và tổn thất gì?”
Khổng Miệt nói: “Không có thu hoạch gì, trái lại có ba tổn thất ạ. Việc Quân Vương giao làm nhiều như từng lớp từng lớp quần áo, chính vụ bận rộn cả ngày lo lắng, không có thời gian để nghiên cứu học vấn? Cho nên tuy có học cũng không thể lĩnh hội đạo lý gì; đây là điều tổn thất thứ nhất. Bổng lộc có được ít như gạo ở nồi cháo, nên không đủ lo cho người thân, bạn bè càng ngày càng xa dần; đây là tổn thất thứ hai. Việc công vụ cấp bách, rất nhiều việc không thể chiếu theo lễ tiết mà làm, cũng không có thời gian đi thăm hỏi người bệnh, người khác lại không hiểu; đây là tổn thất thứ ba.”
Khổng Tử nói: “Ta nghe nói, người hiểu được đạo lý làm quan, xuất phát từ tư tưởng ‘nhân ái’, sáng suốt có đức, thận trọng xử phạt. Cháu dùng chính lệnh mà chỉ đạo, dùng hình phạt mà ước thúc, làm như vậy, dân chúng chỉ nghĩ làm sao để tránh được hình phạt, sẽ không nghĩ tới là có thấy nhục hay không. Dùng đức để giáo hóa, dùng lễ nghĩa để ước thúc, thì dân chúng không chỉ tuân thủ pháp luật, biết liêm xỉ, mà còn hiểu rõ lý lẽ và hướng thiện. Làm như vậy có thể khiến cho việc trách phạt không xảy ra nữa! Tư tưởng chỉ đạo chính xác, mới có thể được mọi người lý giải và ủng hộ.”
Khổng Tử lại đến chỗ Mật Tử Tiện, nhìn thấy sản vật dồi dào, người dân giàu có, dân chúng thành thật, có lễ, Khổng Tử hỏi Mật Tử Tiện: “Từ khi ngươi ra làm quan đến nay, có thu hoạch gì và mất mát gì?”
Mật Tử Tiện nói: “Không có gì tổn thất, trái lại có ba điều thu hoạch ạ. Bất luận là làm việc gì, cho dù là công vụ phức tạp, đều lấy lý của thánh hiền ra chỉ đạo, xem đó là cơ hội thực hành chân lý, như vậy lại càng thấu hiểu triệt để được đạo lý đã học; đây là thu hoạch thứ nhất. Bổng lộc tuy có ít như gạo ở nồi cháo, nhưng cũng chia cho người thân một ít, vì vậy quan hệ thân bằng ngày càng gần gũi; đây là thu hoạch thứ hai. Việc công tuy cấp bách nhưng không quên tuân thủ lễ tiết, tập trung thời gian đi thăm hỏi người bệnh, do đó mà được mọi người ủng hộ; đây là thu hoạch thứ ba.”
Khi thầy trò hàn huyên thăm hỏi, trong thành vọng lại từng đợt từng đợt âm thanh tiếng đàn cầm đàn sắt và diễn xướng thơ ca, Khổng Tử cười nói: “Quản lý huyện thành cũng dùng lễ nhạc giáo hóa sao? Xem ra dân chúng đều rất tường hòa, ngươi làm như thế nào vậy? Mật Tử Tiện trả lời: Thầy đã dạy chúng con rằng ‘quân tử học được đạo lý thì nên bảo vệ người khác’, đương nhiên phải vận dụng nó vào trong thực tiễn. Con lấy lễ đối với cha mẹ để đối đãi với người già; lấy tấm lòng của cha mẹ đối với con cái để đối xử với bọn trẻ. Giảm bớt thuế khóa, giúp đỡ người khó khăn; chiêu hiền bổ nhiệm người có năng lực. Đối với người tài giỏi hơn mình, thì cung kính hướng đến họ để học hỏi phương pháp quản trị.”
Khổng Tử vui vẻ khen ngợi: “Tử Tiện thật đúng là người quân tử! Lấy nhân đức để thu phục lòng dân, lấy lễ nhạc cai quản, tuân thủ thiên mệnh, trăm họ đều hướng về ngươi, mà Thần linh cũng sẽ âm thầm phù trợ. Nơi con cai quản tuy không to, nhưng phương pháp trị lý lại rất chính đại, có thể nói là kế thừa được vua Nghiêu vua Thuấn vậy, có thể cai trị thiên hạ, huống hồ một huyện thành nhỏ này?!”
Mật Tử Tiện sau này trở thành người nổi tiếng về “giáo hóa nhân nghĩa” trong lịch sử. Cả đời ông thực hiện phong cách “lễ nhạc” và lý tưởng “cứu thời tế thế” mà nho gia khởi xướng, khiến cho đạo đức đi vào lòng người, được xưng là “minh cầm mà trị”.
Trong việc làm người và xử thế, khi phải đối diện nghịch cảnh, thì có thể kiên trì thực hiện chân lý, mang lòng nhân nghĩa hay bám víu vào những thứ của bản thân mà dậm chân tại chỗ? Đây chính là vấn đề cảnh giới tư tưởng của con người. Chính vì cảnh giới nhân sinh khác nhau, mà khiến cho thái độ xử thế, tư duy và phương thức hành vi của mỗi người là khác nhau, cuối cùng dẫn đến kết quả khác nhau. Tất cả phải lấy thiện mà suy nghĩ, tu chính bản thân, giáo hóa người khác, trên hợp thiên lý, dưới ứng dân tâm, thì con đường càng đi sẽ càng rộng, tiền đồ càng ngày càng rộng mở và quang minh.
(Theo Tử Lộ sơ kiến tập 19 của “Không Tử gia ngữ”)