Quy định luận tội theo Hiến Pháp cho thấy cuộc điều tra ông Biden cần tập trung vào trọng tâm hẹp
Rob Natelson
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã công bố cuộc điều tra luận tội (đàn hặc) về hành vi của Tổng thống (TT) Joe Biden. Tất nhiên, “luận tội” không nhất thiết có nghĩa là cách chức. Luận tội là lời buộc tội chính thức của Hạ viện, giống như một bản cáo trạng hình sự. Thượng viện xét xử vụ án và quyết định có nên kết án và bãi nhiệm hay không.
Hầu hết các cuộc luận tội trước đây đều bị chi phối bởi những tranh cãi về các điều kiện mà theo đó Hiến Pháp cho phép đàn hặc. Những cuộc tranh cãi này có thể là lý do khiến Thượng viện chưa bao giờ kết án một tổng thống bị luận tội.
Năm 2019, trong các phiên điều trần về cuộc luận tội đầu tiên của cựu TT Donald Trump, bốn nhân chứng chuyên môn đã làm chứng về ý nghĩa của thuật ngữ trong Hiến Pháp, “tội nghiêm trọng”. Mỗi người trong số bốn chuyên gia đều không đồng ý với những người còn lại. Không ai trong số họ đưa ra được một trường hợp hoàn toàn thuyết phục nào.
Vào năm 2020, tôi đã công bố kết luận từ nghiên cứu mới làm rõ ý nghĩa thực sự của “Tội nghiêm trọng”. Không ai dám bác bỏ kết luận của tôi. Nghiên cứu cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa rằng trong cuộc luận tội ông Trump đầu tiên, Hạ viện đã áp dụng một định nghĩa quá rộng về “tội nghiêm trọng”. Nói cách khác, cuộc luận tội là bất hợp pháp. Hạ viện được cho là cũng đã vướng sai lầm tương tự trong cuộc luận tội ông Trump lần thứ hai. Trong cuộc điều tra hiện tại, các nhà điều tra của Hạ viện nên cẩn thận để không lặp lại sai sót của những người tiền nhiệm.
Người Anh và những Nhà Soạn Thảo Hiến Pháp
Để hiểu được thủ tục luận tội và bãi nhiệm của Hiến Pháp đòi hỏi phải có hiểu biết lịch sử.
Các phác thảo chung của thủ tục đến từ Vương quốc Anh. Ở Anh, việc luận tội được sử dụng để loại bỏ các bộ trưởng mà nhà vua hoặc nữ hoàng tin cậy. Bản thân các vị vua và nữ hoàng không thể bị luận tội.
Quá trình diễn ra như sau: Hạ viện của Quốc hội sẽ buộc tội (luận tội) một bộ trưởng hoặc cựu bộ trưởng về tội “vi phạm lòng tin” và/hoặc “các tội nghiêm trọng và tội nhỏ nghiêm trọng” [theo nguyên văn]. Trong thủ tục luận tội ở Anh, những nhóm từ này giống như thuật ngữ hiện đại của chúng ta “vi phạm nghĩa vụ được ủy thác”.
Hạ viện sau đó chuyển “văn bản luận tội” của mình tới Thượng viện. Các thành viên sẽ xét xử bị cáo. Trong một số trường hợp, xét xử tiếp tục trong nhiều năm. Sau phiên tòa, các Thượng nghị sĩ bỏ phiếu. Họ có thể kết án, loại bỏ và trừng phạt theo đa số. Không có giới hạn nào cho hình phạt có thể xảy ra.
Những người soạn thảo Hiến Pháp đã quyết định phản đối việc đề xướng chức vị cha truyền con nối hoặc suốt đời làm vua. Thay vào đó, họ chọn tổng thống được bầu gián tiếp cho nhiệm kỳ ngắn. Nhưng những người soạn thảo luật cũng muốn tổng thống gần như độc lập với Quốc hội giống như vua Anh độc lập với Quốc hội. Họ lo ngại rằng Quốc hội có thể sử dụng biện pháp luận tội và đe dọa luận tội để khuất phục ông ta.
Một số nhà soạn thảo luật – chẳng hạn như ông Gouverneur Morris của Pennsylvania – ban đầu phản đối bất kỳ thủ tục luận tội tổng thống nào. Họ nghĩ rằng nếu người đứng đầu đất nước chỉ phục vụ trong một thời gian ngắn thì cách loại bỏ ông ta là đánh bại ông ta tái tranh cử. Nhưng những người lập hiến khác (cuối cùng bao gồm cả ông Morris) nhận ra rằng phải có cách nào đó để loại bỏ một tổng thống phạm tội trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông ta.
Vì vậy, về mặt này, cũng như nhiều vấn đề khác, các nhà soạn thảo đã thỏa hiệp.
Quy tắc luận tội của Hiến Pháp
Thủ tục luận tội và xét xử của Hiến Pháp hạn chế hơn nhiều so với thông lệ của Anh. Đặc biệt:
- Hạ viện, không giống như Hạ viện ở Anh, chỉ có thể luận tội vì [bị cáo] đã thực hiện một trong bốn tội danh được chia thành từng khoản;
- Chỉ có tổng thống, phó tổng thống, và “các quan chức dân sự của Hoa Kỳ” mới có thể bị luận tội – chứ không phải các nhà lập pháp hay công chức tiền nhiệm.
- Thượng viện, giống như Hạ viện, tiến hành luận tội. Nhưng việc kết tội tại Thượng viện đòi hỏi phải có cuộc bỏ phiếu của “hai phần ba số Thành viên có mặt” – chứ không chỉ đơn thuần là đa số [quá bán] thành viên bỏ phiếu.
- Không giống như ở Anh, hình phạt chỉ giới hạn ở việc cách chức và loại khỏi chức vụ liên bang trong tương lai.
Bốn căn cứ được liệt kê trong Hiến Pháp để luận tội là (1) tội phản quốc, (2) hối lộ, (3) các tội ác nghiêm trọng khác, và (4) “tội nghiêm trọng”. Hiến Pháp đã giới hạn cẩn thận “tội phản quốc” bằng cách định nghĩa bằng nhóm từ trong một đạo luật cũ của Anh để giới hạn tội phản quốc trong việc chiến đấu hoặc trợ giúp một cuộc chiến tranh theo nghĩa đen chống lại đất nước.
“Hối lộ” có nghĩa là chấp nhận thứ gì đó có giá trị cho một quyết định chính trị, ngay cả khi người bị hối lộ cuối cùng không thực hiện được những gì đã hứa. “Tội ác nghiêm trọng” là tội nặng, có thể bị trừng phạt (về lý thuyết, nếu không phải luôn như vậy trên thực tế) bằng tử hình. Ví dụ bao gồm phản quốc, sát nhân, cưỡng gian và đốt phá.
Những người viết Hiến Pháp từ lâu đã hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ “Phản quốc”, “Hối lộ”, và “Tội ác nghiệm trọng”. Nhưng nhóm từ “tội nghiêm trọng ” lại là một chủ đề gây tranh cãi.
Cuộc tranh cãi
Bản chất của “tội nghiêm trọng” đã bị tranh cãi trong cuộc luận tội cựu TT Trump đầu tiên, giống như nó đã bị tranh cãi trong các cuộc luận tội tổng thống trước đó.
Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đã biết câu trả lời vì tôi đã tìm ra nó trong nghiên cứu năm 2020 của mình. Tôi sẽ đề cập thêm về nội dung này sau đây.
Có một số lý do khiến các chuyên gia lúng túng về vấn đề này. Một lý do là họ dựa quá nhiều vào các tiền lệ luận tội của Anh mà không tính đến việc Hiến Pháp phê chuẩn một thủ tục hạn chế hơn nhiều. (Tôi thú nhận rằng bản thân đã phạm sai lầm này trước nghiên cứu năm 2020 của mình.)
Ngoài ra, hầu hết người viết bài về Hiến Pháp không kiểm tra đủ nguồn [dữ liệu]. Đặc biệt, rất ít người quen thuộc với hệ thống luật học và luật pháp thế kỷ 18 được các Nhà Lập Quốc Hoa Kỳ dựa vào. Rất ít người từng nghiên cứu một cuốn sách luật nào khác ngoài cuốn “Commentaries” (Bình luận) của William Blackstone.
Việc không kiểm tra các nguồn pháp lý này được cổ xúy bởi một sai sót trong cuốn sách hiện đại quan trọng nhất về luận tội. Trong cuốn sách đó, tác giả khẳng định rằng nhóm từ “tội nghiêm trọng” không phải là một thuật ngữ được sử dụng trong luật thời kỳ lập quốc. Tôi phát hiện ra rằng tuyên bố này hoàn toàn là sai. Trên thực tế, nhóm từ “tội nghiêm trọng” xuất hiện rộng rãi trong luật hình sự. Và đó là định nghĩa về luật hình sự mà những Nhà Lập Quốc đã đưa vào Hiến Pháp – chứ không phải cách sử dụng lỏng lẻo trong thông lệ luận tội ở Anh.
Ý nghĩa của ‘tội nghiêm trọng’
Trong luật pháp Anh–Mỹ thế kỷ 18, từ “khinh tội” về mặt kỹ thuật có nghĩa là bất kỳ tội nào. “Tội nghiêm trọng” và các từ đồng nghĩa của nó (“tội bỏ tù”, “tội nặng”) về mặt kỹ thuật bao gồm cả tội nặng và tội nghiêm trọng có thể bị trừng phạt bằng cách bỏ tù, hình phạt nặng và các hình phạt khác ngoài tử hình. Tuy nhiên, theo cách sử dụng phổ biến hơn được phê chuẩn trong Hiến Pháp, những thuật ngữ đó đã loại trừ các trọng tội gây tử hình và chỉ biểu thị các tội phạm phải rất nghiêm trọng nhưng không phải là tội phạm hình sự. Ví dụ về các tội nghiêm trọng là cố ý giết người, nhận đồ ăn trộm, hành hung và hối lộ.
Do đó, nhóm từ “Tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội ác đặc biệt nghiêm trọng và tội nghiêm trọng khác” trong Hiến Pháp liệt kê tội danh đặc biệt nghiêm trọng (“Tội phản quốc”), tội danh nghiêm trọng (“Hối lộ”), sau đó thêm nhóm từ chung bao gồm các tội danh khác trong hai loại tội danh có các hạng mục chung đó.
Bằng cách yêu cầu bằng chứng về tội danh nghiêm trọng trước khi một tổng thống có thể bị luận tội, những Người Lập Quốc đã ngăn chặn Quốc hội sử dụng việc luận tội để buộc tổng thống phải tuân theo ý muốn của họ.
Bài học cho cuộc luận tội ông Biden
Những người tiến hành luận tội ông Biden phải cẩn thận để không đi quá xa, như những người tiền nhiệm của họ đã làm trong các cuộc luận tội ông Trump. Nếu các nhà điều tra phát hiện ra bằng chứng rõ ràng cho thấy TT Biden đã nhận hối lộ để đổi lấy các đặc ân chính trị thì họ có cơ sở xác đáng để luận tội.
Nhưng họ không nên làm lộn xộn các điều khoản luận tội với những cáo buộc đơn thuần về khinh suất hoặc hành vi sai trái. Ví dụ, việc TT Biden không thực thi luật nhập cư là không thể tha thứ được, vừa vi phạm nghĩa vụ Hiến Pháp của ông là “bảo đảm để Luật pháp được thực thi một cách trung thực”. Nhưng việc đó không thể bị kết tội để bãi nhiệm.
Chỉ tập trung vào vấn đề hối lộ cũng mang lại cho những người ủng hộ luận tội một lợi ích chính trị lớn: Điều đó dễ hiểu. Điều này rất quan trọng trong môi trường mà các phương tiện truyền thông quốc gia hoàn toàn ủng hộ ông Biden. Các phương tiện truyền thông sẽ làm những gì có thể để gây xáo trộn các cáo buộc và phủ nhận động cơ của những người tố cáo. Việc buộc tội đơn giản và rõ ràng có thể giúp những người tố cáo vượt qua làn sương mù của giới truyền thông và giải thích luận điểm của họ cho người dân bình thường.
Ông Robert G. Natelson, cựu giáo sư luật Hiến Pháp, là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver, là tác giả của cuốn “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3, 2015). Ông là người đóng góp cho “Hướng Dẫn Di Sản Về Hiến Pháp” của Quỹ Di Sản.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.