DIANA FURCHTGOTT-ROTH

Hôm 12/04, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố các kế hoạch khiến cho xe hơi trở nên đắt đỏ hơn đối với người Mỹ, giảm bớt việc làm trong lĩnh vực năng lượng của Hoa Kỳ, và giúp các nhà sản xuất pin Trung Quốc trở nên giàu có hơn.

Các quy định mới được đề nghị từ ​​​​Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ yêu cầu 60% doanh số bán xe hơi mới phải là xe điện chạy bằng pin vào năm 2030, và tỷ lệ này là 67% vào năm 2032. Các nhà sản xuất xe hơi phải tuân thủ các quy định mới, so với mức thấp hơn 6% của năm 2022.

Xe điện nguy hiểm hơn, đắt tiền hơn, và có thể mất 45 phút để nạp điện lại. Việc bắt buộc tăng gấp 10 lần doanh số bán xe điện sẽ tước đi quyền lựa chọn xe của người Mỹ và buộc họ phải chọn những chiếc xe không an toàn.

Nhiều người Mỹ không đủ tiền mua xe điện. Phiên bản chạy bằng điện của xe bán tải Ford F-150, loại xe bán chạy nhất ở Mỹ, có giá bán đắt hơn khoảng 10,000 USD. Những chiếc xe đó không thực tế đối với người Mỹ sống ở các tiểu bang lạnh giá hoặc những người phải lái xe đường dài.

Giám đốc điều hành Ford Jim Farley chụp ảnh tại lễ ra mắt dòng xe bán tải chạy bằng điện Ford F-150 Lightning tại Trung tâm Xe điện Ford Rouge ở Dearborn, Michigan, hôm 26/04/2022. Loại xe này đắt hơn khoảng 10,000 USD so với dòng xe chạy bằng xăng F-150. (Ảnh: Bill Pugliano/Getty Images)
Giám đốc điều hành Ford Jim Farley chụp ảnh tại lễ ra mắt dòng xe bán tải chạy bằng điện Ford F-150 Lightning tại Trung tâm Xe điện Ford Rouge ở Dearborn, Michigan, hôm 26/04/2022. Loại xe này đắt hơn khoảng 10,000 USD so với dòng xe chạy bằng xăng F-150. (Ảnh: Bill Pugliano/Getty Images)

Ngoài ra, EV không phải là loại xe không phát thải vì xe điện đòi hỏi có các bộ phận, chẳng hạn như pin, được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, nhu cầu điện gia tăng gây thêm căng thẳng cho lưới điện, như California đã phát hiện ra một cách khó khăn qua tình trạng mất điện liên tục.

Mỹ có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên rất lớn và độc lập về năng lượng. Các quy định được đề nghị của EPA sẽ khiến Trung Quốc mạnh hơn và Mỹ yếu hơn vì Trung Quốc sản xuất hầu hết pin của thế giới.

Trung Quốc là một chính quyền toàn trị sử dụng lao động cưỡng bức và các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất pin. Mỹ không nên phụ thuộc vào Trung Quốc trong thành phần quan trọng về giao thông vận tải này.

Quy định bắt buộc tăng gấp 10 lần doanh số bán xe điện này sẽ ảnh hưởng đến người dân và các nhà sản xuất Mỹ, trong khi đem lại kết quả không đáng kể cho khí hậu vì Trung Quốc đã không cam kết cắt giảm lượng khí thải cho đến năm 2027.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Hãy xét việc Mỹ có 225 nhà máy nhiệt điện than và Trung Quốc có 1,118 (một nửa số nhà máy nhiệt điện than trên thế giới).

Trung Quốc đã tăng hơn 5,000 triệu tấn khí thải carbon trong 16 năm qua. Ngược lại, lượng khí thải carbon của Mỹ đã giảm hơn 1,000 triệu tấn trong 16 năm đó do sử dụng khí đốt tự nhiên sạch.

Khai thác khoáng sản để sản xuất pin tiêu tốn nhiều năng lượng, và Trung Cộng đã đẩy nhanh quá trình tiếp cận các khoáng sản ở trong và ngoài nước để sản xuất pin. Các khoáng chất như lithium và cobalt rất cần thiết cho pin, và Công ty TNHH Công nghệ Thời đại Ninh Đức (Contemporary Amperex Technology Co. Ltd.), nhà sản xuất pin Trung Quốc, đã có sẵn nguồn cung cấp. Họ lấy lithium từ các hoạt động khai thác được chính phủ trợ cấp của mình ở tỉnh Thanh Hải, miền tây Trung Quốc.

Trung Quốc mua cobalt cho pin điện từ Kisanfu, ở Congo, nơi họ đã mua 25% trữ lượng cobalt trong năm 2022. Cobalt ở Congo được sản xuất bằng sức lao động của trẻ em, theo lời làm chứng của Cha Rigobert Minani Bihuzo – điều phối viên khu vực của Mạng lưới Giáo hội Vùng rừng Lưu vực Sông Congo (Ecclesial Network for the Congo Basin Forest). Ông Bihuzo đã làm chứng tại một phiên điều trần về nhân quyền do Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa–New Jersey) tổ chức hôm 14/07/2022.

Bắc Kinh đang tiến hành diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương và đã áp đặt những hạn chế hà khắc đối với các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông. Trung Cộng đã đàn áp các quyền tự do tôn giáo của những người theo đạo Cơ Đốc và các Phật tử sùng kính Đức Đạt Lai Lạt Ma trên khắp Tây Tạng.

Để quyền lực vào tay chính quyền Trung Quốc về căn bản là mâu thuẫn với quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Kế hoạch áp đặt các giới hạn phát thải mới chưa từng có của chính phủ TT Biden sẽ không chỉ khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ phải chịu thiệt hại hàng ngàn tỷ USD trong suốt thời gian áp dụng quy định này, mà còn phá hủy việc làm của người Mỹ trong ngành xe hơi và ngành năng lượng, trong khi làm giàu cho các nhà sản xuất pin Trung Quốc.

Các quy định mới được thiết kế để bắt buộc chuyển đổi hàng loạt sang xe điện bằng cách yêu cầu 67% tổng số xe mới bán ra phải là xe điện vào năm 2032 – bất kể tốn bao nhiêu chi phí. Trong một nền kinh tế mà giá xe đã qua sử dụng và giá xăng đều tăng chóng mặt, việc thúc đẩy xe điện mới này sẽ chỉ khiến người Mỹ khó mua xe hơn trong khi hủy hoại hàng ngàn việc làm.

Báo cáo được công bố hồi tháng trước của Quỹ Di Sản, mang tên “Winning the Cold War: A Plan for Countering China” (Chiến Thắng Chiến Tranh Lạnh: Một Kế Hoạch Đối Phó Với Trung Quốc), cho thấy các chính sách môi trường của Mỹ khiến Trung Quốc mạnh hơn và Mỹ yếu đi như thế nào.

Để giành chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này, Mỹ cần từ bỏ các chính sách phụ thuộc vào Trung Quốc và quay trở lại độc lập về năng lượng. Đề nghị về EV của chính phủ TT Biden sẽ có tác dụng theo đúng hướng ngược lại.

Tương phản, Đạo luật Chi phí Năng lượng Thấp hơn của Hạ viện, HR 1, nhấn mạnh sản xuất năng lượng trong nước và giảm chi phí năng lượng cũng như giảm lượng khí thải.

Các quy định mới của EPA, do chính trị và do tìm cách tỏ ra cao thượng thúc đẩy chứ không phải do kinh tế và giảm phát thải thúc đẩy, sẽ chỉ làm giàu cho Trung Quốc trước sự tổn hại của Mỹ quốc và phó mặc các chuỗi cung ứng năng lượng quan trọng cho Bắc Kinh.

Các quy định này sẽ làm tăng chi phí xe hơi cho người Mỹ, từ bỏ quyền độc lập về năng lượng để phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng lại không đem lại lợi ích gì cho môi trường. Chính phủ TT Biden nên rút lại đề nghị của mình.

Đăng lại dưới sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di Sản.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Bà Diana Furchtgott-Roth là kinh tế gia đồng thời là giáo sư kinh tế tại Đại học George Washington, nơi bà giảng dạy môn Kinh tế Giao thông Vận tải. Từ năm 2019 đến 2021, bà là Phó Trợ lý Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ tại Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ. Trước khi gia nhập USDOT, bà Furchtgott là Quyền Trợ lý Bộ trưởng về Chính sách Kinh tế tại Bộ Ngân khố Hoa Kỳ. Bà Furchtgott cũng là chủ tịch của Furchtgott International và là tác giả hoặc đồng tác giả của sáu quyển sách và hàng trăm bài báo về chính sách kinh tế, gần đây nhất là “Thu nhập, Tiêu dùng, Của cải, và Bất bình đẳng ở Hoa Kỳ” (2020). Bà nhận bằng Cử nhân kinh tế tại Đại học Swarthmore và bằng Bằng Cao học Triết học kinh tế tại Đại học Oxford.

Nhật Thăng biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn