Quý gà hơn mẹ
Trong cuốn Lĩnh-Nam trích-quái có chuyện “Tích kê mai mẫu” không phải không có căn-cứ.
Trên đường Hà-nội –Bắc-Ninh, khi qua ga chùa Dậu, du-khách thường để ý đến một tấm bia đá dựng ngay giữa cánh đồng, một tấm bia đã bị thời-gian làm xiêu đổ rêu phong in dấu tang-thương ! Bao phen mưa nắng đã xoá nhoà những dòng chữ khắc trên mặt bia, khiến những khách tò-mò phải tốn công mới đọc được một vào chữ để ước-đoán cái thâm-ý của kẻ đã dựng ra bi-ký.
Trên mặt bia có bốn chữ cốt yếu “Quý kê sát mẫu” (Quý gà giết mẹ). Ai xem đến cũng hiểu ngay là một tấm bia dựng để răn những kẻ làm con bất hiếu với cha mẹ. Hỏi ra mới biết tấm bia này có một lịch-sử rất hay mà từ lâu ít ai chú ý.
Nguyên vùng ấy, xưa kia có hai vợ chồng hiếm-hoi, sinh được một người con trai rất quý-hoá, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nhà con một, được cha mẹ hết sức chiều-chuộng, đứa con nhớn lên thành ra ngỗ-nghịch. Kịp lúc bố chết đi, không ai kiềm-chế. Mẹ góa đối với con côi, mẫu tử đã tình thâm, lại càng thương, càng nuông một cách trái lẽ.
Nhà làm ăn cũng thường thường bậc trung, nhưng vì nghịch-tử giao-du với những quân vô-lại, miệt-mài trong chốn chuy-hoan, nên gia-tư sa sút. Đến khi lấy vợ, hắn cũng chẳng bớt phóng-đãng chơi-bời.
Tính thích trọi gà, nghịch-tử nuôi một con gà trọi rất đẹp ! rất hay ! giá đáng 30 quan tiền, nhưng quý hơn vàng ngọc, ai giả bao nhiêu cũng nhất định không bán.
Một hôm, chồng đi chơi vắng, vợ ở nhà sàng gạo, gà trọi đến quấy ; đuổi nhiều lần gà cứ đi rồi lại quay lại mổ gạo như thường, không hề e-sợ. Vợ tức quá, cầm sàng ném gà, không may cạp sàng trúng đầu gà, gà lăn ra đất chết ngay. Chồng vốn là người hung-ác, thường-nhật xử với vợ như cừu-địch. Nay nhỡ tay nàng đánh chết gà của chồng, chắc không khi nào chàng để yên ! Mà hiện bụng mang dạ chửa, nàng lại càng lo-sợ tới cực điểm !
Nàng khóc và nhờ mẹ chồng che-chở. Mẹ chồng vốn giận con mình vô-đạo, nên càng thương nàng dâu mà bảo rằng : “Chồng con là đứa hung-ác mà gà trọi vẫn được nó nâng-niu. Nay nhất-đán, con giết chết gà của nó, chắc con không tránh khỏi bị nó hành-hạ tàn-nhẫn. Thôi, con cũng không phải quan-tâm đến việc ấy, cứ vào buồng nằm, mẹ sẽ nhận lỗi thay con !
Con dâu tuân nhời mẹ chồng, vào buồng nằm, song vẫn chưa yên tâm, vẫn lo sợ đến nỗi lên cơn sốt rét !
Chồng về tới nhà, trước hết hỏi đến gà chọi, mẹ nhận vì trót nhỡ tay đánh chết gà rồi và xin đền mấy mẫu ruộng dưỡng-lão để mua gà khác.
Nghịch-tử lấy làm giận lắm, nhưng chưa nói gì, sai mẹ đi làm cơm. Mẹ làm cơm bưng lên ; con ăn xong, lại sai mẹ lấy nước uống, rồi nắm tóc mẹ lôi ra đồng, quật mẹ nằm xuống mặt ruộng, lấy cuốc đào đất định chôn sống mẹ.
Chẳng dè quả báo, nó mới đào được vài lượt đất, thì trời nổi cơn rông…Một tiếng sét dữ dội đánh trúng vào giữa mình đứa con bất-hiếu ! Người mẹ sợ quá, ngóc đầu, ngồi dậy, nhìn đến con thì người đã bị cháy sém, chết ngay như cây gỗ. Tử-thi mai táng ngay tại cái huyệt đương đào dở để định chôn mẹ, lại hoá ra chôn mình.
Tin đồn đi mọi nơi ; ai cũng cho là “Trời rất gần, chứ trời không xa! “
Rồi vì muốn làm gương cho thế-gian soi, dân làng cho dựng một tấm bia ngay chỗ sét đánh đứa con bất-hiếu “quý gà hơn mẹ” ấy để nhắc khách qua đường phải “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ! “.
NHẬT-NAM