‘Quyền tự do đang bị đe dọa’: Biểu tình diễn ra khắp Âu Châu vì các hạn chế do dịch bệnh
Tòa án ở Berlin cấm biểu tình chống phong tỏa, người biểu tình bị bắt ở Berlin
Hôm 31/07, hàng ngàn người ở Pháp đã biểu tình phản đối “giấy thông hành y tế” đặc biệt và tuần hành qua Paris và các thành phố khác của Pháp. Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, ngoại trừ một vài cuộc đụng độ lẻ tẻ.
Khoảng 3,000 nhân viên của các lực lượng an ninh đã được khai triển quanh Paris vào cuối tuần thứ ba [liên tiếp] của hàng loạt cuộc biểu tình phản đối giấy thông hành, giấy này được dùng để xuất trình khi vào các nhà hàng và những nơi khác. Hệ thống “giấy thông hành y tế” – được ví như giấy thông hành vaccine – đã được Quốc hội Pháp thông qua trong tuần lễ từ 19–25/07, có hiệu lực từ ngày 09/08/2021.
Trong khi đó, một tòa án ở Berlin đã ra phán quyết cuối tuần lễ kết thúc ngày 01/08 rằng các cuộc biểu tình phản đối việc phong tỏa là phi pháp, dẫn đến việc bắt giữ người biểu tình. Các thẩm phán tại tòa án hành chính của thủ đô này đã từ chối chấp thuận cho 13 cuộc biểu tình được tổ chức do một nhóm người chống lại việc phong tỏa. Hãng thông tấn DW đưa tin nhóm tổ chức cho biết khoảng 22,500 người đã ghi danh tham gia biểu tình.
Cũng theo DW, video và hình ảnh được đăng tải trên Twitter cho thấy rõ rằng những người biểu tình chống lại việc phong tỏa đã bị các cảnh sát bắt giữ hoặc bao vây hôm 31/07. Một cuộc tuần hành được lên kế hoạch vào ngày 01/08 cũng đã bị tòa án này cấm.
Các thẩm phán Đức cho rằng các cuộc biểu tình nên bị cấm vì nếu không, chúng sẽ tạo điều kiện cho COVID-19 lây lan.
Phát ngôn viên cảnh sát Berlin Thilo Cablitz nói với các ký giả rằng phán quyết này nhắm vào các cuộc biểu tình “mà những người tham gia thường xuyên không tuân theo các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định nhằm bảo vệ chống lại sự lây nhiễm,” bao gồm cả việc đeo khẩu trang.
Tại Ý, hàng ngàn người biểu tình phản-đối-giấy-thông-hành-vaccine đã tuần hành ở các thành phố, trong đó có Rome, Milan, và Naples tuần thứ hai liên tiếp. Những người biểu tình ở Milan đã dừng lại bên ngoài tòa án của thành phố và hô vang “Sự thật!” “Xấu hổ!” và “Tự do!” Trong khi ở Rome, họ diễn hành cùng với một biểu ngữ có nội dung “Kháng chiến”. Những cuộc biểu tình đó đã diễn ra rầm rộ nhưng ôn hòa.
Các nhà chức trách Ý đã thảo ra một [đạo luật về] giấy thông hành y tế của riêng họ để vào các quán bar, nhà hàng và các địa điểm khác. Những người chỉ trích luật này cho rằng điều này là hà khắc và xâm phạm các quyền tự do cá nhân căn bản.
Theo báo cáo của các hãng thông tấn địa phương, khắp vùng biên giới ở Thụy Sĩ, hơn 4,000 người đã tụ tập ở Lucerne để biểu tình chống lại các hạn chế về vaccine.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi không nên được bảo phải làm gì,” nữ y tá Hager Ameur, 37 tuổi, người đã từ chức, nói với hãng thông tấn The Associated Press, và cho biết thêm rằng các nhân viên y tế Pháp trong đợt COVID-19 đầu tiên đã bị bạc đãi khá nhiều. “Và giờ đây đột nhiên chúng tôi được thông báo rằng nếu chúng tôi không chích ngừa, thì đó là lỗi của chúng tôi khi mọi người bị nhiễm bệnh. Tôi nghĩ điều này thật ghê tởm.”
“Chúng ta đang tạo ra một xã hội phân biệt đối xử, và tôi nghĩ thật khó tin khi làm điều này ở đất nước của nhân quyền,” cô Anne, một giáo viên đang biểu tình ở Paris, người không cung cấp họ của mình, nói với The Guardian.
Cô nói thêm, “Vì vậy, tôi đã xuống đường; Tôi chưa bao giờ biểu tình trước đây trong đời… Tôi nghĩ quyền tự do của chúng ta đang bị đe dọa.”
Các nhà chức trách Pháp cho biết họ phải thiết lập giấy thông hành y tế do biến thể Delta dễ lây lan hơn. Hơn 24,000 ca nhiễm mới hàng ngày đã được xác nhận vào tối ngày 30/07 – so với chỉ vài ngàn ca mỗi ngày hồi đầu tháng.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin viết trên Twitter rằng cảnh sát đã bắt giữ 10 người biểu tình ở Paris và 9 người biểu tình ở các nơi khác tại Pháp, đồng thời cho biết thêm rằng 3 cảnh sát đã bị thương.
Bên ngoài Âu Châu, hàng ngàn người biểu tình – những người đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội – đã xuống đường khắp Malaysia để phản đối cách chính phủ giải quyết vấn đề virus, đồng thời kêu gọi thủ tướng từ chức. Các nhà phê bình cho rằng thủ tướng Muhyiddin Yassin đang sử dụng các biện pháp phong tỏa do đại dịch và các biện pháp hạn chế khác để tăng cường quyền lực của mình.