Rồng vàng bảo vệ Phật Pháp và sự huy hoàng của một triều đại
Phụng Thư
Triều đại nhà Lý (1009–1225) là một trong những triều đại phát triển rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam. Cuộc đời của các vua nhà Lý đầy những vinh quang gắn liền với các giai thoại về Rồng – loài linh vật tượng trưng cho sự vương quyền và sự phò hộ của Thần Phật.
Nhà Lý do Thái Tổ Lý Công Uẩn thành lập nên. Ngài là một đệ tử Phật môn của thiền sư Vạn Hạnh. Lý Công Uẩn từ nhỏ đã có tư chất thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Sư Vạn Hạnh thấy ở ông sau này sẽ “làm bậc minh chủ, có thể gỡ rối giải nguy thiên hạ”, cất công dạy dỗ ông nên người.
Dưới triều Lê Long Đĩnh, ông là một vị tướng tài, trung quân ái quốc, đáng tin cậy, nên được phong tới chức Thần Vệ. Khi vua Long Đĩnh băng hà năm 1009, các quan đại thần trong triều nhất ứng suy tôn, Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thuận Thiên, nghĩa là “theo ý Trời”.
Cuộc Thiên đô lịch sử
Sau khi lên ngôi hoàng đế, là người có tầm nhìn xa trông rộng, Lý Thái Tổ nhận thấy “Hoa Lư thành hẹp, đất thấp”, không có điều kiện để mở mang phát triển, muốn dời đô.
Năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), vài tháng sau khi lên ngôi cửu ngũ, ngài xuống thủ chiếu dời đô.
“Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương ba lần dời đô, há có phải là các vua đời Tam đại theo ý riêng của mình, tự tiện dời đổi đâu, chỉ là tính việc to lớn, tìm chỗ giữa trong nước để đóng đô, tính cuộc muôn đời cho con cháu, trên ghin mạnh trời, dưới theo lòng dân, hễ có tiện lợi thì thiên đô, cho nên ngôi nước được lâu dài. Thế mà đời Đinh, Lê, theo ý riêng, quên mạnh trời, không noi theo nhà Thương, nhà Chu, cứ cầu an ở đây (tức Hoa Lư) đến nỗi ngôi truyền không bền, số toán ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật bất nghi, ta rất lấy làm buồn, không dời đi chỗ khác, thì không được. Phương chi thành Đại La là cố đô của Cao Vương, ở vào giữa khu vực của trời đất, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi đông tây nam bắc, tiện thế hướng bội của núi sông, đất rộng và phẳng, cao và sáng sủa, dân cư không lo ẩm thấp, muôn vật đều được giàu nhiều khắp xem trong cõi nước ta, thì ở đấy là hơn cả, thực là chỗ yêu hội bức tấu của bốn phương, nơi thương đô của đế vương muôn đời, ta nay muốn nhân cái địa lợi ấy để định chỗ ở vậy.” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược)
Tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), vua Lý cùng các cận thần khởi sự “vi hành” tìm về thành Đại La, vốn là miền đất “nhất cận thị, nhị cận giang”, mảnh đất “trước nước sau núi”, có “rồng phục hổ ngồi”, có thể là kế sách lâu dài xây dựng giang sơn trường tồn thịnh vượng.
Đoàn thuyền của vua Lý Công Uẩn ngược sông Hát, đến đoạn Yên Sở, màn đêm buông xuống, bỗng gặp một con xoáy nước, thuyền quay vòng vòng không sao tiến lên phía trước được. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại:
“Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long.”
Bản đồ hệ thống núi non hình rẻ quạt đi từ Tây sang Đông (Đông Triều, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Sông Gâm, Hoàng Liên Sơn, Sông Đà, Tam Đảo…) đều quy tụ tại Thăng Long. Các dải núi đồng quy tạo nên các luồng khí đồng quy. Các luồng khí tạo thành cơn lốc, xoáy lại, bay lên, tạo nên hình ảnh Rồng bay là hoàn toàn có thật. Nên người đời sau cho rằng, có lẽ vua Lý Công Uẩn đã nhìn thấy Rồng thật, không phải giấc mơ, cũng không phải tưởng tượng ra như vậy. Hơn nữa, tất cả các dòng sông đều chảy theo hướng Thìn – Hướng của chòm sao Cang Kim Long đều quy tụ về động mạch chủ là Sông Hồng, tạo thành thế “núi chầu, sông tụ”.
Rồng vàng hộ Pháp
Dưới triều đại nhà Lý, đạo Phật là quốc giáo, từ vua đến dân đều tín sùng Phật. Thiên tử xuất thân cửa Phật, vua Lý Công Uẩn vốn là đệ tử của Phật môn, Rồng hộ vệ cho triều Lý là hình tượng Rồng trong Thiên Long Bát bộ chúng hộ Pháp, là con Rồng bảo vệ Phật Pháp, Rồng của nhà Phật.
Vậy nên Rồng xuất hiện thường xuyên dưới triều đại nhà Lý, bởi long tộc ngoài nhiệm vụ bảo hộ cho Thiên tử, còn phụ trách hộ Pháp cho Phật môn.
Chính sử ghi lại rất nhiều hình tượng rồng xuất hiện ở triều Lý.
“Năm thứ 11 [1020] cho làm Nguyên soái đi đánh Chiêm Thành có trại Bó Chính. Đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, chỉ một mình vua đỡ lấy con rồng. Đến nơi, đánh tan quân Chiêm, bắt được tướng đem về. Năm thứ 19 [1027], mùa xuân, tháng 3, ngày mùng 1 Bính Thân, vua lấy áo ngự ban cho Trần Tuệ Long là đạo sĩ ở quán Nam Đế. Đêm ấy có ánh sáng khắp trong quán. Tuệ Long kinh ngạc dậy xem thì thấy rồng vàng hiện ở mắc áo.
Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 [1029] Tháng 6, rồng hiện lên ở nền điện Càn Nguyên” (Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Thái Tông)
“Giáp Thân, [Minh Đạo] năm thứ 3 [1044] Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự.
Quý Tỵ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 5 [1053] Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 5, động đất 3 lần. Mồng 10, có mây không có mưa, rồng vàng hiện ở gác Đoan Minh. Bầy tôi chúc mừng, duy có nhà sư Pháp Ngữ nói: “Rồng bay trên trời, nay lại hiện ở dưới là điềm không lành.” (Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Thánh Tông)
“Quý Hợi, /Anh Vũ Chiêu Thắng/ năm thứ 8 [1083], (Tống Nguyên Phong năm thứ 6). Mùa xuân, vua thân duyệt các hoàng nam, định làm 3 bậc. Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long.”
Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện. Kỷ Hợi, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 10 [1119].
Mùa đông, tháng 10, duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm v.v. Bèn ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí thế trăm phần hăng hái. Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện bay theo thuyền.
Canh Tý, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 1 [1120] Mùa thu, tháng 9, có rồng vàng hiện.
Ất Tỵ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 6 [1125] Rồng vàng lượn ở bảo đài kỳ thọ ở Động Vân.
Bính Ngọ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 7 [1126] Mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Ngày hôm ấy rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang.”
(Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Nhân Tông)
“Nhâm Tý, [Thiên Thuận] năm thứ 5 [1132], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, đêm có rồng vàng từ điện Vĩnh Quang hiện ra ở cung Lệ Quang. Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 [1134] Mùa thu, tháng 7, rồng vàng ban đêm hiện ở điện Vĩnh Quang.” (Đại Việt sử ký toàn thư – Lý Thần Tông)
Hình tượng Rồng thời Lý uyển chuyển mềm mại, thường được chạm khắc với các họa tiết Phật giáo như lá Bồ đề, lá sen… Rồng thời Lý có cái vòi rồng lớn, tượng trưng cho khả năng làm mưa; rồng thời Lý có pháp lực chuyên quản về chuyện mưa gió, vốn là thứ quan trọng nhất trong nền văn minh nông nghiệp.
Hoàng tộc nhà Lý cai trị với tâm Từ bi Phật môn, thi hành “Đức trị thiên hạ”, lấy nhân đức giáo hóa dân nên hình tượng Rồng không mang tính uy hiếp mà rất tinh xảo và đầy nghệ thuật.
“Nhân giả vô địch” (người có đức Nhân thì không có kẻ địch), nhà Lý nổi tiếng hùng mạnh, các vua thời Lý tuy vũ dũng vô song, bách chiến bách thắng, nhưng cai trị lại dùng nhân từ nên thiên hạ lại vui lòng quy thuận chứ không quy phục bởi uy vũ như các triều đại về sau.
Kể từ Lý Thái Tổ là tục gia đệ tử nhà Phật lên ngôi, các vị cao tăng như Vạn Hạnh, Minh Không, Không Lộ, Giác Hải và nhiều cao tăng khác… đều tận tâm phù trợ hoàng triều. Sự xuất hiện của Rồng trong các đời vua chính là thể hiện vận số của triều đại đó gắn liền với ân sủng từ Thiên thượng khi các vị minh quân sống đúng Đạo và hồng truyền Chính Pháp.
Khi vận số suy, hôn quân cai trị, Đạo pháp suy vi thì long tộc và rồng sẽ không còn xuất hiện. Đó cũng là đến lúc thay triều đổi đại. Chính sử từ sau đời Cao Tông nhà Lý trở đi không còn ghi lại sự xuất hiện của rồng nữa, mãi cho đến khi nhà Trần lên ngôi.