Stephen Moore: Đánh thuế nước Mỹ là trên hết
Vào đầu năm 2016, khi ông Larry Kudlow và tôi đề nghị với ứng cử viên tổng thống khi đó là ông Donald Trump, về việc áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% cho các công ty Hoa Kỳ (giảm từ mức cao nhất trên thế giới là 35%), ông ấy đã nhiệt tình tán thành điều này với chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” (America First) – không phải chỉ vì ông yêu thích công ty Mỹ, mà vì ông nhận ra rằng khi các công ty lớn và nhỏ của Mỹ đang phải trả mức thuế cao nhất, thì việc làm và các nhà máy sẽ tiếp tục di chuyển ra nước ngoài.
Chúng tôi lập luận rằng những người hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này sẽ là người lao động Mỹ; họ sẽ có nhiều việc làm hơn và mức lương cao hơn.
Các nhà kinh tế theo phái tự do đã tranh luận với chúng tôi về điều này, đã chê bai cải cách thuế này là “cắt giảm thuế cho các tập đoàn lớn và người giàu.” Họ dự đoán rằng chính sách đó sẽ không có tác dụng.
Vào năm 2017, việc cắt giảm thuế đã được thông qua mà không có một lá phiếu nào của Đảng Dân Chủ. Bây giờ chúng ta có một thí nghiệm khoa học thực tế về nền kinh tế thiên về cung (supply-side economics). Thuế suất thấp hơn có tạo ra nhiều việc làm hơn và một nền kinh tế tốt hơn cho tất cả mọi người không?
Vấn đề không chỉ là chuyện học thuật. Những người thân cận của Tổng thống Joe Biden – cũng chính là những người từng nói rằng việc cắt giảm thuế là không hiệu quả – giờ đây muốn bãi bỏ phần lớn các khoản giảm thuế của ông Trump.
Nhưng đây là những gì đã xảy ra: Vào cuối năm 2019, và ngay trước đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ được cho là một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất từ trước đến nay, đặc biệt là đối với những người ở tầng cuối bậc thang kinh tế và đối với các nhóm thiểu số. Không chỉ tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ nghèo đói giảm xuống gần mức thấp nhất từ trước đến nay, mà người Mỹ gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha có mức tăng thu nhập lớn nhất.
Tôi nhớ đã đến thăm ông Trump tại Oval Office và nói với ông ấy rằng việc cắt giảm thuế đã có hiệu quả tốt hơn bất kỳ dự đoán nào của chúng tôi. Ông ấy ngồi lại và nói theo phong cách mạnh mẽ thường thấy của ông, “Không nhiều hơn những gì tôi dự đoán.” Nhìn lại, có vẻ như rõ ràng rằng việc cắt giảm thuế đóng một vai trò lớn trong việc giảm đi gánh nặng từ đại dịch và việc phải ngừng hoạt động kinh doanh.
Thế còn câu thần chú rằng “cắt giảm thuế cho người giàu” của đám đông theo ông Biden và bà Nancy Pelosi thì sao? Sai bét!
Văn phòng Ngân sách Quốc hội vừa báo cáo rằng doanh thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang đã tăng 75% trong năm nay lên mức kỷ lục 370 tỷ USD. Điều đó đã đưa tổng doanh thu liên bang lên hơn 4 ngàn tỷ USD, hơn 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần đầu tiên trong 20 năm.
Chúng tôi cũng biết được rằng tỷ lệ đóng thuế của 1% những người giàu nhất như Mark Zuckerberg, Bill Gates, LeBron James, và Warren Buffett đã tăng từ 39% lên gần 42% của tổng số thuế. Nói cách khác, người giàu trả nhiều tiền hơn.
Kết luận không thể chối cãi là thí nghiệm khoa học về cách phát triển nền kinh tế đã cho kết quả đúng. Hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, những người theo cánh tả, những người luôn giảng cho chúng ta về việc “tuân theo khoa học” đã chọn con đường bỏ qua khoa học. Ai cần khoa học khi nó xung đột với hệ tư tưởng chính trị?
Nếu nói về một chính sách giúp phát triển toàn bộ nền kinh tế, thì đó chính là việc ông Trump cắt giảm thuế. Các chính sách thuế của ông Biden để “lấy của người giàu” có nguy cơ làm đảo lộn nền kinh tế. Và điều đó sẽ làm tổn thương người nghèo nhiều nhất.
Nhưng câu hỏi là: Họ có quan tâm không nhỉ?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stephen Moore là một nhà báo kinh tế, tác gia và nhà báo chuyên mục. Cuốn sách mới nhất trong số nhiều cuốn sách mà ông là đồng tác giả “Trumponomics: Inside the America First Plan to Revive Our Economy”. Hiện nay, ông Moore cũng là nhà kinh tế trưởng của Viện Cơ hội và Tự do Kinh tế.