Sự bất thường trong Thỏa thuận Thụy Sĩ–Trung Quốc về việc buộc công dân gốc Trung Quốc hồi hương
Một thỏa thuận bí mật Thụy Sĩ–Trung Quốc đã bị phơi bày, tiết lộ rằng các nhân viên an ninh Trung Cộng được phép đi khắp nơi ở Thụy Sĩ mà không bị giám sát.
Safeguard Defenders, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền tập trung vào khu vực Á Châu, đã công bố bản dịch chính thức bằng tiếng Anh của thỏa thuận này trong một báo cáo vào ngày 09/12. Bản “Thỏa thuận nhận trở lại” hay thỏa thuận hồi hương (readmission agreement) kéo dài 5 năm, có hiệu lực vào tháng 12/2015 và hết hạn vào 07/12 năm nay, trong đó có các điều khoản cho phép các đặc vụ Trung Cộng đến Thụy Sĩ và phỏng vấn các công dân Trung Quốc, những người mà chính phủ Thụy Sĩ đang xem xét trục xuất.
Nói chung, các thỏa thuận nhận trở lại là một phần tập quán của luật pháp quốc tế. Theo bản báo cáo, các giao kèo này cho phép các chính phủ liên lạc với nhau về những người nhập cư bất hợp pháp bị nghi ngờ. Một số thỏa thuận cũng bao gồm các điều kiện cho phép chính phủ cử đại diện hoặc đặc vụ áp tải công dân của mình bị trục xuất.
Safeguard Defenders cho biết: “Thỏa thuận với Trung Quốc, được ngụy trang để giữ bí mật bằng những lý do giả tạo, có rất ít hoặc chẳng có gì liên quan đến các ‘thỏa thuận hồi hương’ thông thường, và có một đặc điểm hoàn toàn khác hẳn.”
Thỏa thuận Trung Quốc-Thụy Sĩ không được công khai cho đến tháng 8 năm nay, khi tờ báo tiếng Đức của Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung phanh phui sự việc. Từ đó, các quan chức đã đặt câu hỏi tại sao các nhà chức trách Thụy Sĩ lại không tiết lộ bản thỏa thuận này – vì Thụy Sĩ đã từng ký hơn 50 thỏa thuận tương tự với các chính phủ và khu vực pháp lý khác, và tất cả đều được đăng công khai trên trang web của chính phủ Thụy Sĩ.
Bản thỏa thuận đó là gì?
Theo các điều khoản của thỏa thuận với Trung Quốc, các đặc vụ Trung Cộng có thể lưu lại tại Thụy Sĩ không quá hai tuần sau khi được chính quyền Thụy Sĩ mời đến để giải quyết “việc xác định danh tính công dân Trung Quốc bị cáo buộc cư trú bất bình thường tại Thụy Sĩ.”
Các đặc vụ Trung Cộng sẽ đệ trình một báo cáo cho các nhà chức trách Thụy Sĩ. Sau đó, các quan chức Thụy Sĩ sẽ dùng bản báo cáo, với sự tham vấn của Đại sứ quán Trung Cộng, để xác định liệu những người nhập cư bất hợp pháp bị nghi ngờ có nên bị trục xuất (trả về Trung Quốc) hay không.
Tuy nhiên, Safeguard Defenders chỉ ra rằng thỏa thuận “không quy định rằng Thụy Sĩ [phải] thực hiện bất kỳ việc thẩm tra các thông tin do các đặc vụ Trung Quốc cung cấp.”
Safeguard Defenders cũng chỉ ra một số điều khoản đáng nghi vấn khác trong thỏa thuận: giới chức Thụy Sĩ không có ý kiến về người mà Trung Cộng chọn làm đặc vụ đến Thụy Sĩ và cũng đồng ý giữ bí mật danh tính của các đặc vụ. Hơn nữa, những đặc vụ Trung Cộng này không phải khai báo về thân thế của họ hay về việc họ đang ở tại Thụy Sĩ với tư cách nào.
“Không có một thỏa thuận nào với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào khác có kiểu dàn xếp như vậy,” Safeguard Defenders tuyên bố.
Ví dụ, theo báo cáo, thỏa thuận Anh Quốc–Thụy Sĩ kêu gọi các quan chức Vương quốc Anh phải được các cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ chấp thuận trước khi họ có thể vào Thụy Sĩ, và họ phải tham gia với tư cách công khai.
Safeguard Defenders cũng lưu ý một điểm kỳ lạ trong thỏa thuận với Trung Quốc: thỏa thuận được ký với Bộ Công an Trung Cộng, là cơ quan giám sát lực lượng công an của Trung Quốc. Với các quốc gia khác, chính cơ quan xuất nhập cảnh hoặc một cơ quan tương đương sẽ ký kết các thỏa thuận cho phép.
Ví dụ, bản báo cáo cho biết Ấn Độ có Bộ phận Lãnh sự, Hộ chiếu và Thị thực thuộc Bộ Ngoại giao khi ký thỏa thuận với Thụy Sĩ.
Hơn nữa, theo báo cáo, bản thỏa thuận với Trung Quốc thiếu các bảo đảm về việc bảo vệ các quyền hợp pháp của người tị nạn khi phải hồi hương vốn thường thấy trong các thỏa thuận trả về cố quốc.
Cục Di cư liên bang Thụy Sĩ lại bảo vệ bản thỏa thuận này, nói rằng cần phải trục xuất những người nước ngoài bất hợp pháp. Cơ quan Thụy Sĩ cũng cho biết thỏa thuận này chỉ được sử dụng một lần, khi 13 cá nhân từ Trung Quốc, trong đó có 4 người xin tị nạn, bị trục xuất vào năm 2016.
Những mối lo ngại
Safeguard Defenders cho thấy có nhiều mối lo ngại về thỏa thuận trên, chẳng hạn như các đặc vụ Trung Cộng có thể được cấp thị thực du lịch thông thường, vì các chuyến thăm viếng của họ có thể là để thực hiện các nhiệm vụ không chính thức. Bởi vì với thị thực du lịch đó, cho phép người có thị thực được tiếp cận các quốc gia Âu Châu khác trong khối Schengen, nên các đặc vụ Trung Cộng có thể đi lại tự do ở phần lớn khu vực Âu Châu.
Một mối lo ngại khác là thỏa thuận được ký bởi cơ quan công an Trung Cộng, điều này có nghĩa là Bắc Kinh “chắc chắn” sẽ không cử bất kỳ quan chức phụ trách nhập cư thông thường nào đến, Safeguard Defenders cho biết.
Vào năm 2014, Trung Cộng đã công bố một chiến dịch được gọi là “Chiến dịch săn cáo” nhằm đưa về lại Trung Quốc những người đào tẩu – những người bất đồng chính kiến và các quan chức Trung Cộng không ủng hộ Trung Cộng. Cuộc vận động do Bộ Công an khởi xướng.
Để thực hiện chiến dịch, Trung Cộng đã “tham gia vào các hoạt động không được chấp thuận, đơn phương và bất hợp pháp, bao gồm cưỡng bức, tống tiền và đe dọa; tất cả đều nhắm vào các mục tiêu là những người ‘đào tẩu’ này và gia đình của họ để ép buộc hợp tác hoặc “tự hồi hương” trở về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” như các công tố viên Hoa Kỳ cho biết khi đề cập đến một vụ án hình sự gần đây liên quan đến tám nhân viên đặc vụ Trung Cộng. Tám người này bị truy tố vì đã cố gắng ép buộc một cư dân New Jersey trở về Trung Quốc. Năm người trong số họ đã bị bắt tại Hoa Kỳ, trong khi ba người còn lại đã bỏ trốn về Trung Quốc.
Hồi tháng 8, một cơ quan thuộc Liên Hiệp quốc, Nhóm Công tác về Những Người Mất Tích Cưỡng Bức hoặc Không Tự nguyện, đã đệ trình một báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nêu lên những mối lo ngại rằng Bắc Kinh đã sử dụng “các vụ bắt cóc và cưỡng bức người hồi hương từ nước ngoài” để buộc các công dân Trung Quốc lưu vong phải quay trở về.
“Người ta tin rằng có tới 300 người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng bức trở về Trung Quốc từ 16 quốc gia khác nhau kể từ năm 2004,” theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Nhà hoạt động nổi tiếng người Hồng Kông Joshua Wong bày tỏ sự lo ngại về thỏa thuận của Thụy Sĩ hồi tháng 8 sau khi thỏa thuận này bị phanh phui. Anh nói rằng nó có “những tác động nghiêm trọng” đối với những người bất đồng chính kiến Trung Quốc ở nước ngoài.
“Không đề cập đến việc những người bất đồng chính kiến lưu vong, người Hồng Kông hoặc thậm chí người Đài Loan ở nước ngoài có thể bị che đậy bởi thỏa thuận bí mật và bị dẫn độ tới tòa án của Trung Quốc,” anh Wong viết trên tài khoản Twitter của mình.
Tin tức từ truyền thông địa phương [tại Thụy Sĩ] lưu ý rằng các chính trị gia đang hối thúc chính phủ Thụy Sĩ không gia hạn thỏa thuận này với Trung Quốc.