Sự cám dỗ của cái đẹp
Đứng trước cái đẹp người ta dễ dàng thấy choáng ngợp. Một khoảnh khắc đẹp có thể truyền cảm hứng, mang đến cho chúng ta những cảm xúc nhất định. Tác phẩm “Hoa hồng của Heliogabalus” của Sir Lawrence Alma-Tadema cũng như vậy, đó là một bức tranh mang vẻ đẹp lộng lẫy lay động lòng người.
Tôi đã giới thiệu tác phẩm này với bạn bè thân thiết và họ đều khen ngợi: “Chà, thật đẹp!” Tôi lại kể cho họ câu chuyện đằng sau bức danh họa, và sau đó chúng tôi cùng đặt câu hỏi về mối liên quan giữa con người với sự cám dỗ của cái đẹp.
Sự tàn ác của vua Heliogabalus
Chuyện kể rằng, năm 218, Heliogabalus (còn gọi là Elagabalus) trở thành hoàng đế La Mã khi mới 14 tuổi. Nhưng ông không coi mình là hoàng đế mà muốn làm hoàng hậu, ông tuyên bố: “Không được gọi ta là Vua, vì ta là một Quý Bà”. Heliogabalus là một vị vua rất tàn nhẫn, nổi tiếng là người ham mê các trò tiêu khiển trụy lạc.
Theo sử gia Edward Gibbon, tác giả cuốn “Lịch Sử Suy Tàn và Sụp Đổ của Đế Chế La Mã” (The History of the Decline and Fall of the Roman Empire), thì Heliogabalus “bị hủy hoại bởi tuổi trẻ, đất nước và cơ đồ của mình, buông thả bản thân theo những thú vui vô cùng thô tục với cơn thịnh nộ vô cớ”. Gibbon cũng viết về tính cách của vị bạo chúa như sau: “… xáo trộn thứ tự các mùa và thời tiết, vui đùa với niềm đam mê và thành kiến với các chủ đề, phá vỡ sự đứng đắn và các quy luật tự nhiên là các trò tiêu khiển mà ông ta thích nhất”. Thú vui tiêu khiển của ông ta là những ham muốn vô độ, xúc phạm lịch sử La Mã, giết người và cúng tế trẻ em.
Tác phẩm của Alma-Tadema
Alma-Tadema là một họa sĩ người Hà Lan chuyên vẽ về thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Sau khi chuyển đến Anh Quốc, ông trở thành thành viên của Học viện Hoàng Gia vào năm 1879, và được phong tước hiệp sĩ năm 1899.
Khoảnh khắc tàn bạo của Heliogabalus được Alma-Tadema tái hiện lại trong tác phẩm “Hoa hồng của Heliogabalus”. Nguyên gốc khung cảnh này được ghi trong cuốn sách “Lịch sử của Augustan” (Augustan History) như sau:
“Trong phòng tiệc với tấm trần có thể đảo ngược, [Heliogabalus] đã chôn vùi [thuộc hạ] của mình bằng hoa violet và các loài hoa khác, đến nỗi một số không tìm ra lối thoát và bị chết ngạt.”
Alma-Tadema đã miêu tả sự tàn ác của Heliogabalus thông qua bức họa của mình. Vị hoàng đế trẻ đang nằm sấp trên chiếc ghế dài ở trung tâm phía trên của bức tranh, điềm tĩnh quan sát sự việc với vẻ mặt hài lòng. Các vị khách ngồi phía bên phải, còn bên trái, một phụ nữ ăn mặc như nữ tùy tùng của Thần Dionysus là Maenad Dionysian đang chơi nhạc. Phía xa là bức tượng của vị Thần rượu vang và tiệc tùng Dionysus.
Phần nửa dưới của tác phẩm nổi bật với hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn cánh hoa hồng từ trên không bay xuống. Trần nhà không được hiển thị trong tranh, nhưng dường như những cánh hoa đã được trữ sẵn trong tấm vải màu vàng nhạt, và theo lệnh của Heliogabalus, vải được mở bung ra để trút xuống hàng vạn cánh hoa hồng.
Alma-Tadema khiến cánh hồng trở nên sống động khi vẽ chúng riêng lẻ. Những cánh hoa rơi lả tả lên các nhân vật, vương vãi khắp nơi ở nửa dưới của bức tranh. Điều kỳ lạ là không ai tỏ vẻ hoảng hốt hay lo lắng, phải chăng những cánh hoa rơi xuống bất ngờ khiến họ không có đủ thời gian để phản ứng hay tự cứu lấy mình.
Các tầng vẻ đẹp
Thoạt nhìn, “Hoa hồng của Heliogabalus” là cảnh đẹp say đắm lòng người. Cách đây nhiều năm, khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng bức tranh này, tôi đã nghĩ đó là cảnh gió thổi hoa rơi trong một buổi tụ tập bạn bè. Bức tranh đem lại cảm giác thật dễ chịu và thư giãn. Mãi cho đến khi đọc tên bức tranh và thực hiện một số tra cứu, tôi mới biết câu chuyện đằng sau đó.
Chúng ta thường bị thu hút bởi vẻ đẹp nào đó ngay từ cái nhìn ban đầu. Thời gian như dừng lại khi có người khác giới xinh đẹp đi ngang qua, những món đồ đẹp đẽ xa hoa, những trang sức đắt tiền, hoặc nhà lầu, siêu xe có thể kích thích sự ham muốn chiếm hữu trong chúng ta. Ngay cả những người theo chủ nghĩa duy tâm, một hình ảnh đẹp đẽ cũng có thể khơi dậy trong họ động lực để hoàn thành những điều dường như không thể…
Tuy nhiên, qua tác phẩm “Hoa hồng của Heliogabalus”, tôi nhận thấy rằng vẻ đẹp có phân tầng thứ. Niềm vui mang lại bởi vẻ ngoài hào nhoáng không chạm được cốt lõi của bản chất. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên phớt lờ hay lên án vẻ đẹp bên ngoài. Vẻ ngoài có khả năng hấp dẫn và kích thích sự tò mò của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tỉnh táo, xem trọng những người, sự vật, và thậm chí cả những hệ tư tưởng mang vẻ ngoài cuốn hút nhưng bên trong lại vô cùng xấu xa thì chúng ta có thể bị choáng ngợp, bị giam cầm và ngộp thở bởi chính cái đẹp ấy.
Mọi sự việc đều có hai mặt, có tốt và xấu, kể cả những điều tưởng như cao cả. Đây là lý do tại sao vẻ đẹp bên ngoài cần được xem xét trong mối tương quan với nội hàm bên trong, cảm tính phải được cân bằng với lý trí và một trái tim nhân hậu. Vẻ đẹp bên ngoài được nhận biết qua các giác quan nhưng vẻ đẹp bên trong được biểu lộ ra qua những lần chúng ta chiêm nghiệm, dù có thể không có câu trả lời.
Trong thời đại đầy biến động, liệu chúng ta có can đảm đặt câu hỏi về mối liên hệ của bản thân với vẻ đẹp bên ngoài, và điều này có ảnh hưởng như thế nào đến sự tu dưỡng nội tâm của chúng ta hay không?
Ông Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).