Sự điên rồ của năm 2020 sẽ kéo dài nữa hay không?
Đại dịch COVID-19 đang kết thúc với việc chích ngừa hàng loạt. Việc cách ly toàn quốc cũng vậy. Nạn bạo loạn, cướp bóc và đốt phá bắt đầu vào mùa hè năm 2020 cuối cùng cũng lắng xuống.
Sự gay gắt về cuộc bầu cử năm 2020 đang giảm dần. Hội chứng Loạn trí vì Trump (Trump Derangement Syndrome) đã không còn là thực tế khi ông Donald Trump rời nhiệm sở và bị khai trừ khỏi mạng xã hội.
Nói cách khác, người Mỹ đang dần dần lấy lại lý trí sau cơn dịch của sự cuồng loạn rộng lớn đã hoành hành khắp đất nước từ năm ngoái (2020).
Nhưng nhiều người Mỹ cũng tự hỏi liệu những gì Antifa, Black Lives Matter, và phe cực tả gây ra vào năm ngoái sẽ vẫn tồn tại khi đất nước không còn bị ảnh hưởng bởi sự điên rồ của năm 2020?
Các giáo viên và học giả thường có tiếng là hay phản đối dữ dội sự phình to của hệ thống hành chính. Trong 50 năm qua, các vị trí hành chính đã tăng nhanh và tỷ lệ giữa nhân viên không giảng dạy so với giáo viên đã tăng vọt – làm chán nản các công đoàn giáo viên.
Nhưng vào năm ngoái, các trường đại học đã phát cuồng khi thuê hàng ngàn nhân viên hành chính về “tính đa dạng, công bằng và hòa nhập”. Nội dung công việc của họ có thể mơ hồ, nhưng họ chắc chắn sẽ không đóng góp vào việc giảng dạy trên lớp học. Thay vào đó, họ sẽ theo dõi lời nói và hành động của các giảng viên.
Các công đoàn giáo viên vốn chủ yếu khuynh tả sẽ tiếp tục hỗ trợ những khoản chi khổng lồ cho các đội quân quản lý mới này trong bao lâu?
Trước năm 2020, phe khuynh tả yêu cầu phải có “đại diện theo tỷ lệ” trong việc tuyển dụng nhân viên và tuyển sinh viên. Và nếu các nhóm thiểu số và phụ nữ không đạt được tỷ lệ phần trăm (tính theo dân số Hoa Kỳ) tại nơi làm việc, thì họ sẽ mặc định là có bất công, và các biện pháp khắc phục sẽ được thực hiện để thuê theo chủng tộc và giới tính.
“Hành động khẳng định” là tên gọi của những hạn ngạch như vậy. Nó ít nhiều đã được thể chế hóa vì con số tỷ lệ không hoàn toàn phi lý trong một xã hội đa chủng tộc, và vẫn có mục tiêu chung là tuân theo khái niệm bình đẳng và hòa nhập của Martin Luther King Jr. để làm cho sắc tộc trở thành một yếu tố phụ, chứ không phải thiết yếu, đối với một người Mỹ.
Nhưng không phải vậy. Cơ sở của chính sách thi đua ‘thức tỉnh’ hiện nay chủ yếu là chống lại người da trắng. Thị trưởng gốc Phi Châu của Chicago, bà Lori Lightfoot, vừa quyết định không cho các ký giả da trắng phỏng vấn. Các khoản chi trả quyền lợi của thành phố Oakland, giống như của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, được tính toán để không dành cho người da trắng.
Nhiều trí thức người Mỹ gốc Phi Châu hiện nay công khai hình dung một cuộc sống Mỹ tách biệt với người da trắng. Ông Elie Mystal của tạp chí The Nation hình dung cuộc sống của ông ta là “không có da trắng”. Ông Damon Young, biên tập viên cao cấp của tạp chí The Root và thỉnh thoảng là cộng tác viên của tờ New York Times, tuyên bố rằng “Da trắng là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Nó làm giảm tuổi thọ.” Và giảng viên Anh ngữ của Barnard College, ông Ben Philippe, gần đây đã viết một cuốn tiểu thuyết hình dung về việc thả khí độc và làm nổ tung những người da trắng.
Sự thù hận như vậy chưa bao giờ bị Black Lives Matter hay các nhóm dân quyền khác lên án. Khi cả nước trở lại cuộc sống sau COVID-19, sự ác ý như vậy có còn được dung thứ hay không?
Hơn nữa, liệu các phương tiện truyền thông có thể tránh được việc không đưa tin về các cuộc tấn công vào người Do Thái ở các thành phố lớn bởi những thanh niên Mỹ ủng hộ Hamas hoặc Ả Rập hay không?
Trước năm 2020, người Mỹ đã quá mệt mỏi với những trò lố bịch của giới truyền thông như việc bôi nhọ đội bóng vợt trường Duke, những lời nói dối về những đứa trẻ của trường Trung học Công giáo Covington, và vụ lừa bịp của Jussie Smollett về một cuộc tấn công bởi những kẻ phân biệt chủng tộc da trắng. Liệu người Mỹ có quay trở lại với sự hoài nghi trước đó của họ khi ngày càng có vẻ như truyền thông và chính phủ đã hầu như đánh lừa người dân khi phủ nhận khả năng COVID-19 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, vốn đã tham gia vào việc tạo ra các chủng virus nguy hiểm?
Liệu mọi người có còn tin rằng “những kẻ nổi dậy có vũ trang” đã lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính vào ngày 06/01 không? Khi cơn kích động qua đi, chúng ta đang nhận ra rằng không có vũ trang gì cả. Không có ai bị buộc tội phản quốc, âm mưu, hay nổi dậy. Không có chủ mưu nào đang bị giam giữ.
Vào cuối năm nay, liệu bác sĩ Anthony Fauci, người được giới truyền thông săn đón, có còn là một biểu tượng quốc gia không, khi cả nước cuối cùng cũng nhận ra các thông cáo mâu thuẫn của ông, vốn liên tục thay đổi và thường hay sai lầm?
Từ tháng 03/2020 đến mùa xuân năm 2021, cả Hoa Kỳ đã trải qua một cơn điên cuồng rộng lớn. Bất chấp những kỳ vọng về ý thức hệ, sự điên rồ tập thể này không khác gì chứng cuồng hoa Tulip ở Hà Lan đầu thế kỷ 17 hay sự tưởng tượng về dịch sâu bọ tháng 06/1962.
Nhưng khi người Mỹ tỉnh táo lại, liệu họ sẽ thể chế hóa hay bác bỏ sự điên cuồng còn sót lại sau sự hoang mang hủy diệt đã đẩy đất nước đến vực thẳm trong một năm tồi tệ nhất của lịch sử Hoa Kỳ?
Tác giả Victor Davis Hanson là một nhà bình luận theo trường phái bảo tồn truyền thống, nhà cổ điển và sử học quân sự. Ông là giáo sư danh dự về văn học cổ điển tại Đại học California State, là chuyên viên cao cấp về lịch sử quân sự và văn học cổ điển tại Đại học Stanford. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, bao gồm “The Western Way of War”, “Fields Without Dreams” và “The Case for Trump”.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.