Sự kết nối với điều mỹ hảo: “Môn đồ Pythagore chào đón Mặt Trời mọc”
Trong thời gian sống ở New York, có nhiều đêm tôi leo lên mái nhà để nhìn ngắm bầu trời. Ánh sáng đô thị cùng các tòa nhà cao tầng đã che khuất bầu trời đêm, làm mờ đi ánh sáng rực rỡ của các vì sao.
Giữa nhịp sống hối hả và ồn ào chốn đô thị, chúng ta thường có cảm giác mất kết nối với những điều thật sự sâu sắc và quan trọng. Giống như việc chúng ta cố lờ đi sự rộng lớn và bí ẩn của vũ trụ.
Tất nhiên, không phải ai cũng như vậy. Những người xưa, chẳng hạn như nhà tư tưởng học Hy Lạp Pythagore, rất coi trọng mối liên hệ giữa con người với vũ trụ.
Trường phái triết học Pythagore
Đa số chúng ta biết đến Pythagore với định lý Pythagore trong những năm cắp sách đến trường. Rất nhiều nhận thức về cuộc sống và các nguyên tắc của Pythagore đã giúp hình thành nên trường phái Pythagore.
Nhưng Pythagore là ai, và tại sao ông lại có sức ảnh hưởng như vậy?
Chúng ta biết rằng Pythagore sống cách đây khoảng 2,600 năm. Người Hy Lạp này không viết gì về chính ông, và những gì chúng ta biết về ông là qua các nguồn được viết sau khi ông qua đời hơn 100 năm. Vậy nên có rất ít thông tin chính xác.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Pythagore nổi tiếng vì những hiểu biết của ông về linh hồn bất diệt, cuộc sống sau cái chết, các nghi lễ tôn giáo, những khả năng siêu thường, và tính kỷ luật nghiêm khắc của bản thân. Thần Apollo đã có kết nối với ông.
Đối với môn đồ Pythagore, các chuẩn mực đạo đức và mối liên quan giữa số học tạo nên cấu trúc và trình tự sắp xếp của vũ trụ.
Các hành tinh chuyển động nhịp nhàng tạo ra âm thanh theo các tỷ số toán học. Những âm thanh hài hòa này là âm nhạc của Thiên thượng, sự hài hòa của âm nhạc giúp tẩy tịnh tâm hồn và hợp nhất với các tầng trời.
Các môn đồ cũng nhìn nhận các hành tinh là công cụ thần thánh của công lý; Mặt Trời và Mặt Trăng được xem là nơi cư ngụ của những linh hồn được ban phước sau khi qua đời. Do đó, có thể nói Pythagore tin rằng vũ trụ có thưởng phạt công minh, tương ứng với việc một người có thể sống hài hòa với các nguyên lý đạo đức của vũ trụ và hiểu được cách nó vận hành theo toán học.
“Môn đồ Pythagore chào đón Mặt Trời mọc”
“Môn đồ Pythagore chào đón Mặt Trời mọc” (Pythagoreans Celebrate the Sunrise) là bức tranh của họa sĩ người Nga Fyodor Bronnikov (1827–1902). Như tiêu đề cho thấy, bức họa mô tả một nhóm các môn đồ Pythagore đang làm lễ chào đón Mặt Trời mọc lúc bình minh.
Trong tranh, các môn đồ Pythagore mặc áo choàng cổ điển, có sắc màu tươi sáng. Sáu người trong số họ đang chơi các nhạc cụ, và bốn người đang quỳ gối tỏ lòng tôn kính khi Mặt Trời lên. Người đàn ông là tâm điểm của bức tranh đang đứng trước những người khác với hai cánh tay dang rộng như để chào đón Mặt Trời.
Hậu cảnh phía bên phải là hai người phụ nữ và hai trẻ nhỏ đang xem buổi lễ. Xa xa phía sau là một ngôi đền, có lẽ là Đền Thờ Apollo ở Delphi. Apollo là vị thần của âm nhạc, sự hài hòa, và ánh sáng.
Các nhân vật chính tập trung trên mỏm đá cao nhìn ra Delphi. Mặt Trời không hiển lộ, nhưng ánh sáng của Mặt Trời chiếu từ bên trái bố cục. Mặt Trăng ở trên cùng bên phải của bức tranh.
Kết nối với những bí ẩn tâm linh của vũ trụ
Vậy minh triết nào chúng ta có thể học được cho cuộc sống đương đại qua bức tranh?
Thứ nhất, với tôi, nhân vật đứng đầu chào đón Mặt Trời với cánh tay dang rộng thể hiện sự kết nối sâu sắc giữa chúng ta với vũ trụ, sự kết nối mà có lẽ con người hiện đại đã đánh mất.
Tại sao lại chào đón Mặt Trời? Sự chào đón luôn thể hiện lòng hiếu khách và biết ơn. Vậy nhân vật này đang tỏ ra hiếu khách và tri ân điều gì? Nói cách khác, Mặt Trời có thể tượng trưng cho điều gì? Đối với các môn đồ Pythagore, Mặt Trời là thiên đường dành cho những người tốt. Vì vậy, Mặt Trời lưu giữ tất cả những gì tốt đẹp liên quan đến trái tim và trí tuệ của con người. Mặt Trời cũng đem đến ánh sáng, sự ấm áp, và sự sinh trưởng trên Trái Đất bằng cách cho đi và không cần báo đáp.
Có phải Mặt Trời đại diện cho sự tốt lành, sự tốt lành được ban tặng từ trái tim và trí tuệ mà không cần đền đáp? Có phải nhân vật đang chào Mặt Trời thể hiện lòng hiếu khách và tri ân đối với sự tốt lành ấy? Có phải chính sự tốt lành này đã kết nối chúng ta với những bí ẩn vĩ đại hơn của vũ trụ?
Thứ hai, tôi hiểu được ý nghĩa về những người chơi nhạc. Các môn đồ Pythagore tin rằng khi âm nhạc hòa hợp với âm thanh của Thiên thượng thì có thể thanh lọc tâm hồn chúng ta. Giống như nhân vật chào đón Mặt Trời, các nhạc sĩ cũng ở giữa đất trời.
Mặc dù không rõ những môn đồ Pythagore đầu tiên có nói về nghệ thuật nào khác ngoài âm nhạc hay không, nhưng “âm nhạc” là một thuật ngữ chung cho nghệ thuật ở Hy Lạp cổ đại. Theo Monroe Beardsley, tác giả cuốn “Mỹ thuật: Từ Hy Lạp Cổ Điển đến Hiện Tại” (Aesthetics: From Classical Greece to the Present), “‘Âm Nhạc’ (mousike)… có thể có nghĩa là âm nhạc, hoặc mỹ thuật nói chung, hoặc thậm chí là văn hóa nói chung.”
Vậy thì phải chăng các loại hình nghệ thuật giúp tẩy tịnh con người và tôn vinh Thiên thượng sẽ giống như Mặt Trời vì chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp liên quan đến trái tim và trí tuệ con người, và cho đi ánh sáng, sự ấm áp, sinh trưởng trên Trái Đất mà không mong chờ sự báo đáp?
Nghệ thuật ngày nay sẽ như thế nào nếu chúng thể hiện được những giá trị hướng thượng? Nền văn minh sẽ như thế nào nếu chúng ta làm sống lại sự quan tâm của con người đến những điều tốt đẹp và huyền bí của một vũ trụ rộng lớn hơn có liên hệ với chính chúng ta?
Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), ông hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).