Sự thật về truy tầm ung thư bằng nội soi đại tràng sau mỗi 10 năm
Amy Denney
Tính chất xâm lấn và tốn kém khiến việc xác định cách tối đa hóa tính hữu ích của nội soi đại tràng – đặc biệt khi nói đến việc truy tầm (screenings) theo dõi là chủ đề nghiên cứu đáng lưu ý. Không thể phủ nhận rằng thủ thuật này có thể cứu sống người bệnh, tuy nhiên mốc thời gian vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Ba năm trước, Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ đã hạ thấp độ tuổi truy tầm ung thư đại trực tràng lần đầu tiên xuống thêm 5 tuổi – từ 50 tuổi xuống 45. Hiện nay, khoảng cách giữa hai lần nội soi đang được xem xét kỹ lưỡng.
Dữ liệu dài hạn trong nghiên cứu đăng trên Oncology (Tập san Ung thư của JAMA) vào ngày 12/5 cho thấy có lẽ đã đến lúc lùi việc truy tầm theo dõi [ung thư] thêm 5 năm trong một số trường hợp nhất định. Bất kỳ ai không có bệnh sử gia đình bị bệnh ung thư đại trực tràng và lần nội soi đầu tiên không có polyp (sự phát triển mô bất thường có thể dẫn đến ung thư) có thể thực hiện nội soi truy tầm lần thứ hai sau 15 năm, thay vì 10 năm như khuyến nghị hiện tại.
Theo Liên minh Ung thư Đại trực tràng, dự kiến hơn 152,000 người Mỹ sẽ được chẩn đoán ung thư đại trực tràng trong năm nay và ước tính khoảng 53,010 người sẽ tử vong. Đây là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai nhưng là một trong những nguyên nhân có thể phòng ngừa được nhất.
“Những gì chúng ta biết về ung thư đại tràng là sự phát triển rất chậm. Việc truy tầm căn bệnh này không bao giờ cấp bách, nhưng rất quan trọng vì có thể chẩn đoán bệnh từ rất sớm,” Tiến sĩ Carl Bryce, một bác sĩ gia đình, nói với The Epoch Times. “Điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt.”
Lý do đằng sau việc truy tầm sau 10 năm là vì polyp phải mất khoảng thời gian đó mới chuyển thành khối u. Thủ thuật nội soi mang tính xâm lấn, đi kèm với rủi ro và tốn kém. Vì vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục xem liệu có thể mở rộng khoảng thời gian [cần truy tầm] hay không. Trong nghiên cứu mới, một phân tích thống kê cho thấy khoảng cách 15 năm mang lại rủi ro tối thiểu.
Tiến hành thận trọng
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi người phải đợi 15 năm để truy tầm lần thứ hai.
Phát hiện này hơi khác biệt một chút, và hoàn toàn không chính thức – hai lý do khiến Bác sĩ Cedrek McFadden thuộc ủy ban cố vấn khoa học y tế của Liên minh Ung thư Đại trực tràng lo ngại về nghiên cứu. Sứ mệnh của liên minh là nâng cao tỷ lệ truy tầm, cải thiện tỷ lệ sống sót và đầu tư nghiên cứu để chấm dứt ung thư đại trực tràng.
Bài xã luận đi kèm của JAMA nhận được sự ủng hộ nhiệt tình về đề xuất thay đổi thời gian giữa các lần truy tầm là 15 năm. Tuy nhiên, tất cả các tổ chức đưa ra hướng dẫn truy tầm ung thư đại trực tràng của Hoa Kỳ như Cơ quan Y tế Dự phòng Hoa Kỳ, Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, hoặc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đều chưa áp dụng khuyến nghị này.
Ngoài ra, Bác sĩ McFadden lưu ý rằng nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Điển nên có thể không đúng ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông cũng lo lắng rằng trình độ hạn chế khiến giới truyền thông có thể hiểu sai hoặc các bệnh nhân đưa ra lựa chọn không dựa trên tư vấn của bác sĩ và các tiêu chuẩn chính thức – mà dựa trên “tiêu đề” và nội dung trên mạng xã hội.
“Nếu có vẻ như tôi chưa sẵn sàng chấp nhận khuyến nghị này thì điều đó hoàn toàn đúng. Tôi không nghĩ đây là nghiên cứu có thể áp dụng rộng rãi cho những bệnh nhân mà tôi chăm sóc,” Bác sĩ McFadden, bác sĩ phẫu thuật chuyên về đại tràng được hội đồng chứng nhận, nói với The Epoch Times. “Mặc dù đáng để xem xét nhưng tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp.”
Bệnh sử gia đình là yếu tố quan trọng
Bệnh sử gia đình vẫn là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư đại tràng. Đó là lý do tại sao bất kỳ ai có thành viên gia đình bị ung thư đại tràng nên bắt đầu truy tầm căn bệnh này trước độ tuổi khuyến nghị [nói chung] là 45. Những người có thành viên gia đình trực hệ bị ung thư đại tràng có nguy cơ bị bệnh cao gấp 2-4 lần.
Khuyến nghị của nghiên cứu JAMA không chỉ xem xét bệnh sử của gia đình mà còn xác nhận rằng những người không có thành viên gia đình trực hệ bị ung thư đại trực tràng có nguy cơ thấp hơn.
Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của Thụy Điển trong 29 năm từ năm 1990 của 110,000 bệnh nhân. Những người này không có bệnh sử gia đình bị ung thư đại trực tràng và nội soi đại tràng lần đầu có kết quả âm tính – nghĩa là họ không bị polyp, ung thư hoặc u tuyến hay các khối u lành tính.
Sau đó, mỗi người được so sánh với 18 đối chứng cùng độ tuổi, cùng giới tính, những người cũng đã nội soi đại tràng với kết quả âm tính. Trong 10 năm đầu tiên, nguy cơ ung thư đại trực tràng và tử vong do ung thư đại trực tràng lần lượt thấp hơn 72% và 55% ở nhóm không có bệnh sử gia đình [bị ung thư đại tràng] và kết quả xét nghiệm âm tính.
Thống kê 10 năm là cơ sở để xác định nguy cơ ở mốc 15 năm và các năm sau đó cho đến 20 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có thể bỏ sót thêm 2.4 trường hợp ung thư đại trực tràng trên 1,000 người nếu kéo dài khoảng thời gian sàng lọc lên 15 năm. Tỷ lệ đó tăng thêm 4.5 vào năm thứ 16 và tăng dần thêm 11.9 vào năm thứ 20.
Tử vong do ung thư đại tràng cũng có xu hướng tương tự nhưng ít rõ ràng hơn. Thống kê cho thấy có thể có thêm 1.4 ca tử vong trên 1,000 người nếu kéo dài thời gian nội soi đại tràng sau 10 năm lên 15 năm. Đến năm thứ 16, tỷ lệ này tăng lên thành 2 trên 1,000 người và đến năm thứ 20 là 3.6 ca tử vong trên 1,000 người.
Các tác giả lưu ý rằng “có thể tránh được gần 1,000 ca nội soi đại tràng trên 1,000 người. Do đó, khuyến nghị của chúng tôi về khoảng cách truy tầm nội soi đại tràng là 15 năm sẽ tránh được các lần nội soi đại tràng xâm lấn với số lượng ít nhất.”
Nguy cơ cao nhất
Mặc dù ung thư đại trực tràng có tỷ lệ sống sót cao khi phát hiện sớm, bác sĩ Bryce lưu ý rằng không có nhiều thông tin về những người bị ung thư đại trực tràng giữa các lần truy tầm.
Ông nói, “Gần đây có một chút tranh cãi về khoảng thời gian truy tầm và khi nào là thời điểm phù hợp vì chắc chắn có những loại ung thư phát triển giữa các lần truy tầm. Phải mất nhiều năm để nghiên cứu và họ vẫn chưa thực sự biết.”
Bác sĩ Bryce, một trong số ít bác sĩ gia đình cũng thực hiện nội soi đại tràng truy tầm, đã từng có một bệnh nhân trẻ tuổi đến làm xét nghiệm lần đầu tiên và được chẩn đoán ung thư vào ngày hôm đó. Ông khuyến khích bệnh nhân của mình nên truy tầm ít nhất một lần.
Ngoài ra, đây là quyết định phức tạp đưa ra “thời điểm thích hợp” ở cấp độ cao hơn. Quyết định này kết hợp các yếu tố đã thống nhất – như ngừng nội soi đại tràng ở tuổi 75 hoặc khi tuổi thọ dự kiến của bệnh nhân dưới 10 năm, theo bác sĩ Bryce giải thích.
Ông tham khảo hướng dẫn của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ công bố năm 2020 trên Gastroenterology (Tập san Tiêu hóa). Hướng dẫn này bao gồm các lưu đồ có tính đến độ tuổi, kích thước và số lượng các polyp, bệnh sử gia đình và các [yếu tố] cân nhắc khác để xác định các lần truy tầm tiếp theo.
Bác sĩ Bryce cho biết: “Đây là hướng dẫn đa chuyên khoa, xem xét tất cả các nghiên cứu và phương pháp tiếp cận. Cuối cùng, họ quyết định đưa ra một khoảng thời gian thống nhất. Vẫn còn một số câu trả lời mà chúng ta cần tìm. Liệu điều đó có cải thiện tỷ lệ tử vong không? Có cứu sống được người bệnh không? Chúng tôi nghĩ là có, nhưng nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.”
Nhiều cuộc thảo luận hơn
Những hướng dẫn này thừa nhận rất nhiều hệ quả không tốt – bao gồm cả những khoảng trống trong nghiên cứu và kiến thức đang phát triển cho thấy việc kéo dài thời gian giữa các lần truy tầm đang trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là đối với những bệnh nhân chỉ có một hoặc hai polyp nhỏ. Họ lưu ý rằng bác sĩ và bệnh nhân có thể không thoải mái khi phải trì hoãn các cuộc hẹn, đặc biệt là những cuộc hẹn đã được đặt lịch trước khi các hướng dẫn thay đổi. Họ có thể thảo luận về vấn đề này và quyết định thời gian nào là tốt nhất.
Các hướng dẫn nêu rõ: “Nghiên cứu đã củng cố bằng chứng ủng hộ thực hành nội soi đại tràng theo dõi [ung thư] tốt nhất, giúp trợ giúp việc theo dõi chặt chẽ đối với một số nhóm, và ít chặt chẽ hơn đối với những nhóm khác. Cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về nhóm bệnh nhân nào có nhiều khả năng được hưởng lợi từ việc theo dõi và các phương pháp lý tưởng nhằm tối ưu hóa việc phòng ngừa và phát hiện sớm [ung thư đại trực tràng].”
Do bản chất khó hiểu và thay đổi của các hướng dẫn, bác sĩ McFadden cho biết không chỉ bác sĩ và bệnh nhân cần nói chuyện với nhau nhiều hơn mà bệnh nhân cũng cần phải thảo luận với gia đình.
Ông lưu ý rằng nhóm bệnh nhân của ông thường không biết về bệnh sử gia đình của họ.
“Việc cá thể hóa truy tầm đại tràng mang tính đơn nhất. Theo nhiều khía cạnh, điều này giống như dấu vân tay của mỗi người. Một trong số đó là nắm được bệnh sử bản thân và gia đình. Chúng ta phải khuyến khích gia đình mình kể lại những câu chuyện về sức khỏe của các thành viên, về sức khỏe của chính chúng ta để tất cả có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn và có nhiều thông tin hơn khi đưa ra những quyết định.”
Các xét nghiệm khác ngoài nội soi đại tràng
Có những công cụ khác bên cạnh nội soi đại tràng để phát hiện ung thư đại trực tràng, bao gồm cả xét nghiệm phân. Trong khi nội soi đại tràng phổ biến ở Hoa Kỳ, các quốc gia khác có xu hướng dựa nhiều hơn vào xét nghiệm phân và thậm chí là xét nghiệm máu để truy tầm ung thư đại trực tràng.
Các xét nghiệm đó xác định protein hemoglobin, dấu ấn sinh học DNA và máu. Ngoài ra còn có nội soi đại tràng ảo sử dụng chụp CT để xác định xem có polyp hay bất thường ở đại tràng hay không.
Theo bản lược khảo năm 2022 trên Nature Reviews Gastroenterology and Hepatology (Tập san Đánh giá Tự nhiên Tiêu hóa và Gan mật), nên tính đến các xét nghiệm khác khi xét đến tính xâm lấn của nội soi đại tràng, cũng như thực tế là chỉ có 67% bệnh nhân ở Hoa Kỳ “cập nhật” về nội soi đại tràng.
Bài viết nêu rõ: “Truy tầm đa phương thức có thể cải thiện tỷ lệ truy tầm [ung thư đại trực tràng] hiện tại nhưng chưa phổ biến. Các công nghệ mới hơn có thể là chiến lược hiệu quả về mặt tài nguyên để lựa chọn bệnh nhân nội soi đại tràng.”
Kiểm soát những gì có thể
Bác sĩ McFadden cho biết các bác sĩ và bệnh nhân nên mong đợi những thay đổi nhưng hãy lưu ý về cách tiếp nhận thông tin và đưa ra quyết định. Ông hình dung trong 5 hoặc 10 năm nữa, các xét nghiệm phân để đo lường hệ vi sinh đường ruột có thể truy tầm ung thư đại trực tràng. Vi sinh vật đường ruột bao gồm tất cả các loại vi khuẩn, virus và nấm sống trong đại trực tràng.
Bài viết đăng vào tháng 02/2023 trên Neoplasia (Tập san Tạo u) cho biết những bệnh nhân ung thư đại trực tràng bị mất tính đa dạng của vi khuẩn và “có những thay đổi về vi sinh vật ở giai đoạn rất sớm.” Nhưng xét nghiệm vi sinh vật như một dấu ấn sinh học vẫn còn là giả thuyết.
Vi sinh vật có liên quan đến khẩu phần ăn uống, đó là lý do tại sao bác sĩ McFadden thảo luận về thói quen ăn uống với bệnh nhân. Ung thư đại trực tràng đang trở nên phổ biến hơn ở người trẻ tuổi và ảnh hưởng đến người Mỹ da đen ở mức độ lớn hơn.
Ngoài bệnh sử gia đình, các yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng khác bao gồm:
- Bệnh viêm ruột, cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
- Khẩu phần ăn gồm thực phẩm siêu chế biến, thịt chế biến quá mức, rượu và ít chất xơ
- Hút thuốc
- Phơi nhiễm bức xạ
- Tuổi tác
Bác sĩ McFadden cho biết: “Những gì đưa vào cơ thể chắc chắn là một trong những thứ chúng ta có thể kiểm soát, và đây là chủ đề mà tôi trao đổi với bệnh nhân của mình. Thay vì xem những thực phẩm không tốt như tiêu chuẩn ăn uống, hãy thực sự hạn chế và loại trừ chúng, đồng thời duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể hữu ích [trong việc giảm nguy cơ ung thư đại tràng].”
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Cô Amy có bằng cao học về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.