Tác động lớn của cuộc chiến giữa các nhà đầu tư GameStop
Cả nhà đầu tư lẫn các nhà quan sát đã chứng kiến sự biến động giá đáng kinh ngạc và bất thường của cổ phiếu công ty cho thuê trò chơi điện tử GameStop (GME). Hôm 11/01, cổ phiếu đóng cửa với mức giá dưới 20 USD/cổ phiếu. Hôm 28/01, GME đã giao dịch ở mức cao nhất là 450 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 193.60 USD/cổ phiếu.
Trung tâm của sự biến động giá đáng kinh ngạc này là cuộc chiến căng thẳng giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ và ít nhất một quỹ đầu cơ lớn – ngoài ra cũng có một số quỹ đầu cơ khác tham gia vào ở các vai trò khác nhau. Hãng Melvin Capital đã bán khống (short sale*) một lượng lớn cổ phiếu GameStop; họ đặt cược rằng giá cổ phiếu này sẽ giảm trong tương lai.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phát hiện ra điều này và làm ngược lại bằng cách đặt mua với tỷ lệ lớn hơn, từ đó đẩy giá GME tăng vọt khi mà Melvin’s đã bán khống; điều này khiến quỹ đầu tư này có thể bị thua lỗ thảm hại.
Tình hình nhanh chóng trở thành một cuộc chiến mở giữa các nhà đầu tư là quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thường trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến này đã trở thành biểu tượng của một vấn đề lớn hơn: đó là cơ hội tham gia một cách tự do và đầy đủ vào thị trường tài chính vốn thường nghiêng về những nhà đầu tư lớn trên Wall Street – cộng với sự khó chịu của phía ‘Chủ Lưu’ đối với giới đầu tư nhỏ mua/bán cổ phiếu hàng ngày.
Robinhood – một công ty môi giới chứng khoán được đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ dùng – đã đình chỉ mọi hoạt động mua cổ phiếu Gamestop trong ngày 28/01. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không bị cấm bán, chỉ bị cấm mua. Điều đó khiến giá cổ phiếu GameStop giảm mạnh trong ngày và mặc dù đóng cửa ở mức khá cao, vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trong phiên giao dịch.
Theo một số nguồn tin, Robinhood cũng bắt đầu thanh lý tài sản của một số khách hàng mà không có sự đồng ý của họ. Hiện tại, hoàn toàn chưa rõ hành động đó là để giải chấp vay ký quỹ, hay là dựa theo thỏa thuận trong “Điều khoản dịch vụ”.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là giá cổ phiếu GameStop rớt mạnh và ‘cứu nguy’ ngay lập tức bất kỳ quỹ đầu cơ nào còn trong trạng thái “bán khống”. Chỉ có các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị tổn hại nặng bởi những hành động này.
Một chuyên gia đã tuyên bố trên Twitter rằng “làm suy yếu niềm tin vào cơ chế tự định giá của thị trường để kiếm tiền nhanh chóng và làm hại những người khác không phải là việc làm có đạo đức.” Ông ta đề cập đến hành động siết giá [short squeeze**] của các nhà đầu tư nhỏ lẻ làm hại các quỹ đầu cơ.
Việc đổ lỗi về phía các nhà đầu tư nhỏ lẻ là hoàn toàn không chính xác.
Thị trường cung cấp định giá cho những giá trị mang tính dài hạn. Và bất kể tình huống nào trong ngắn hạn, sự suy giảm niềm tin vào cơ chế tự định giá của thị trường là không thể tránh khỏi khi có những hành động nhằm kiểm soát hoặc điều tiết thị trường.
Tác động lớn hơn
Giờ đây, chúng ta có các tổ chức lớn như Robinhood, các công ty chứng khoán khác, và các cơ quan giám sát của chính phủ đang vào cuộc. Về căn bản, họ nói với các nhà đầu tư nhỏ lẻ rằng giá giao dịch trên thị trường là không hợp lý. Về bản chất, họ đang nói với nhà đầu tư nhỏ rằng, “Chúng tôi không nghĩ GameStop nên được giao dịch ở mức giá hiện tại. Chúng tôi nghĩ rằng quý vị đã sai. Và chúng tôi sẽ làm điều gì đó.”
Các lực lượng kiểm soát bên ngoài thị trường tài chính – có lẽ dưới sự thúc đẩy của những lực lượng tham gia thị trường có tầm ảnh hưởng lớn – hiện đang nói với các nhà đầu tư rằng sự can thiệp là cần thiết nếu giá của một số cổ phiếu nào đó được cho là quá cao hoặc “không hợp lý”. Trên thực tế, họ đang thiết lập niềm tin rằng thị trường, và quan trọng hơn, các nhà đầu tư cá nhân, cần được kiểm soát ở một mức độ nào đó.
Trên nguyên tắc giá trị cơ bản (bỏ qua việc ép giá [short squeeze]), tôi không nghĩ GameStop xứng đáng được giao dịch ở bất kỳ mức giá nào mà chúng ta đã chứng kiến trong vài ngày qua – nhưng đó cũng chỉ là một ý kiến. Và các ý kiến không phải là cách định giá chắc chắn đối với công ty; thậm chí những thứ như vậy cũng không thực sự tồn tại. Vấn đề này ở đây sẽ luôn mang tính chủ quan và chỉ được xác định đúng nhất trong thị trường tự do qua thời gian dài.
Phân tích vấn đề sâu hơn một chút, ai có thể nói rằng giá GME đang quá cao? Một khả năng là, tuy xa vời, tức là GME có thể đạt được mức định giá mới được thiết lập đó – có thể bằng cách chuyển sang nền tảng trực tuyến hoặc thay đổi cơ bản trong cách kinh doanh. Con đường nào dẫn đến thành công không quan trọng; vấn đề là điều đó có thể xảy ra không.
Đối với những người hoài nghi về khả năng như vậy, thì thực tế đã cho thấy có những công ty trên bờ vực phá sản nhưng lại đã đạt được thành công đáng kinh ngạc. Mặc dù dễ bị lãng quên, nhưng Apple đã có lúc tưởng như sắp phá sản và chỉ được giao dịch với giá vài xu trong những ngày trước khi có iPhone.
Bong bóng chứng khoán và bong bóng thị trường là một phần của thị trường. Nó đã như vậy và sẽ luôn như vậy.
Dù sao đi nữa, các vấn đề về giá trị và định giá luôn được giải quyết ở bước cuối cùng. Và như đã nói, bong bóng là một phần của thị trường tài chính. Nhưng khi các lực lượng bên ngoài bắt đầu xác định đâu là bong bóng và sau đó cố gắng khắc phục từ một vị trí thuận lợi cho nhà chức trách, thì sẽ gây nên vấn đề lớn.
Người ta không cần tìm đâu xa hơn Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để biết sự thật của vấn đề này. Hãy xem xét số lần Fed tham gia vào thị trường – bơm thanh khoản quá dư thừa vào hệ thống tài chính của chúng ta và tạo ra một môi trường kiếm tiền dễ dàng. Nhiều thảm họa tài chính quốc gia lớn nhất bắt nguồn từ các chính sách tiền tệ được xây dựng kém hiệu quả từ Fed.
Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm, bà Janet Yellen, đã thực hiện kiểu này khi là chủ tịch Fed. Lãi suất thực (lãi suất trừ đi lạm phát) đều hầu như dưới zero trong suốt nhiệm kỳ của bà Yellen. Fed đã sai lầm hết lần này đến lần khác, một phần vì con người không thể không mắc sai lầm, và một phần vì Fed bị chính trị hóa.
Một trong những công ty môi giới chính trong trung tâm vụ “ồn ào” GameStop, Robinhood như đã đề cập ở trên, cũng không hề “thánh thiện” trong chuỗi sự kiện này. Mặc dù công ty không tính phí môi giới, nhưng vẫn kiếm tiền từ “dòng lệnh” mua bán chứng khoán và chênh lệch giá. Vào ngày 17/12/2020, SEC đã phạt Robinhood Financial 65 triệu USD vì “Gây hiểu lầm cho khách hàng về nguồn doanh thu, và không bảo đảm nghĩa vụ thực hiện giao dịch ở mức giá tốt nhất.”
Nguồn doanh thu lớn nhất của Robinhood đến từ các công ty chứng khoán lớn khác; những công ty này trả phí cho Robinhood để đổi lại việc Robinhood “chuyển lệnh đặt hàng của khách hàng đến các công ty đó”, còn được gọi là “khoản thanh toán cho dòng lệnh”. Ngoài ra, SEC nhận thấy rằng khách hàng đặt đơn mua/bán cổ phiếu qua Robinhood phải chịu “mức giá thua thiệt hơn giá của các nhà môi giới khác.”
Khi lớp bụi trên câu chuyện này lắng xuống, có thể sẽ rất thú vị khi khám phá xem các lực lượng bên ngoài Robinhood, bao gồm các công ty chứng khoán đã thực hiện lệnh mua bán của Robinhood, có vai trò gì trong việc ngừng mua cổ phiếu của GameStop hay không.
Tuy nhiên, có một vấn đề bao trùm lớn hơn trong câu chuyện thị trường chứng khoán này là việc bảo vệ những nhà đầu tư lớn và làm tổn hại các nhà đầu tư nhỏ.
Điều gì sẽ xảy ra khi quý vị cho phép một nhóm nhỏ các cá nhân hoặc tổ chức – các nhân vật và cơ quan quản lý của chính phủ, một số quỹ đầu cơ nhất định và các nhà đầu tư ở Wall Street (có lẽ là thay mặt các cơ quan giám sát của chính phủ) – quyền xác định sự phù hợp của các quyết định được đưa ra trong phạm vi rộng khắp thị trường tài chính? Và nếu một số nhà đầu tư nào đó được tự do kiểm soát việc xác định giá thích hợp cho một cổ phiếu, thì mức ảnh hưởng đó sẽ dừng lại ở đâu?
Tâm lý “Chúng tôi biết rõ hơn quý vị” nhanh chóng dẫn đến nơi có sức ảnh hưởng lớn hơn – là chính phủ.
Mặc dù bây giờ có vẻ quá xa vời, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ có cái nhìn mờ hồ về việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và nói một cách quả quyết: “Không, chúng tôi không đồng ý. Đợt IPO đó đang được định giá quá cao so với mức bình thường.”
Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ không nghĩ rằng một công ty cụ thể – hoặc một ngành cụ thể – xứng đáng với việc huy động vốn?
Trên thực tế, chính phủ bắt đầu quyết định nguồn vốn nên được phân chia ở đâu và như thế nào. Trong nhiều khía cạnh, điều này đã được thực hiện. Không cần nhìn xa hơn hàng tỷ USD đã được chi cho danh xưng “Biến đổi khí hậu”.
Nếu không nhanh chóng vạch ra ranh giới về sự can thiệp từ bên ngoài, chúng ta có thể thấy mình đang ở một thế giới mà chính phủ liên bang tin rằng họ nên thực hiện phân chia vốn thay cho một thị trường tài chính mở.
Ở một khía cạnh nào đó, thị trường là đấu trường lớn nhất cho cơ hội và tự do ngôn luận. Về mặt lý thuyết, không quan trọng việc bạn trông như thế nào hay bạn đến từ đâu. Tất cả chúng ta đều có thể đầu tư vào những công ty mà chúng ta cho là hấp dẫn, và nếu chúng ta sai, thị trường sẽ nhanh chóng chỉ ra cho chúng ta lỗi lầm của bản thân.
Tuy nhiên, những sự kiện gần đây đã cho thấy niềm tin này có thể là vô căn cứ và cách thức mà hệ thống tài chính đang được vận hành nghiêng về phía một số nhà đầu tư nhất định, với cái giá mà những người khác phải trả. Và đó là điều mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ này hiện đang đấu tranh.
Vấn đề cơ bản hiện đang được tranh cãi là ai sẽ được giữ vai trò trong việc xác định giá trị tài chính, khả năng tiếp cận, và kết quả đạt được – ai sẽ có được một ghế trong bàn tiệc. Có phải tất cả những người tham gia “cuộc chơi” tạo nên thị trường? Hay chỉ có những nhà đầu tư cố thủ ở Wall Street và các cơ quan giám sát chính phủ muốn nhúng sâu hơn vai trò của họ, kiểm soát nhiều hơn, và định hình các kết quả mong muốn.
Nhà phân tích thị trường của Fox, ông Charles Payne, đã nhận xét rằng “thị trường chứng khoán không có bất ổn – chỉ có các quỹ đầu cơ tỷ USD đang ở trong tình trạng hỗn loạn.” Và ông ấy đúng 100%. Các quỹ đầu cơ đã bị bắt “việt vị” trong vụ lộn xộn này, và bây giờ họ đang bị tổn thương tài chính, họ muốn thay đổi các quy tắc.
Thay vì đổ lỗi cho vô số nhà đầu tư nhỏ, chúng ta nên xem xét các chính sách quản trị rủi ro của các quỹ đầu cơ lớn. Các biện pháp kiểm soát rủi ro của họ – hoặc thiếu các biện pháp đó – đã khiến họ rơi vào tình huống này.
Và đừng nhầm lẫn, hoàn toàn bình thường khi các quỹ đầu cơ này nhắm vào yếu thế hoặc dễ gây lỗ của các quỹ đầu cơ khác. Họ chuyên về lĩnh vực này. Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh và các công cụ tương tự, họ liên tục thử nghiệm khả năng chịu đựng và vị thế của các công ty khác; thậm chí đẩy các công ty vào tình trạng phá sản kỹ thuật. Trò chơi này đã luôn được dùng.
Nhưng lần này, mọi chuyện đột nhiên khác vì chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ – những người nhỏ bé – đã đẩy họ vào tình trạng đó.
- Short sale (bán khống): mượn cổ phiếu để bán trước, sau đó mua cùng số lượng để trả lại khi giá xuống thấp hơn
- Short squeeze: là hiện tượng giá cổ phiếu tăng đột biến chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật thay vì các yếu tố có tính nền tảng. Hiện tượng này xảy ra khi cung thiếu cầu dư; khi giá cổ phiếu tăng, nhu cầu mua để trả lại số cổ phiếu đã vay trước (bán khống) tăng.
Ông Jeff Carlson là người thường xuyên đóng góp cho The Epoch Times. Ông là CFA® có 20 năm kinh nghiệm phân tích và điều hành danh mục đầu tư vào thị trường trái phiếu lãi suất cao.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Jeff Carlson
Minh Khanh biên dịch