Tác phẩm bonsai được xếp từ hàng ngàn chim hạc giấy của nghệ nhân Nhật Bản
Một nghệ nhân Nhật Bản, người luôn xem hạc giấy như một biểu tượng gắn liền với chiến tranh và hòa bình, giờ đây đã đem lại cho chúng một ý nghĩa mới bằng cách kết hợp hàng ngàn con hạc giấy trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Những con hạc giấy bé xíu được gấp bằng tay hóa thân thành những “chiếc lá” trên những cành bonsai nghệ thuật, đưa người thưởng ngoạn đến trạng thái suy ngẫm.
Nghệ thuật xếp giấy Origami là niềm đam mê của anh Naoki Onogawa, một nghệ nhân 30 tuổi người Tokyo.
“Trong muôn vàn hình dạng của origami, hạc giấy đặc biệt nổi tiếng và nổi bật như một biểu tượng truyền thống của loại hình nghệ thuật này,” anh Onogawa nói với The Epoch Times qua một bức điện thư. “Bên trong những con hạc, tôi nhìn thấy một tâm điểm đối chiếu cho bản thân mình cùng một ‘điều gì đó’ rất đặc biệt, một phẩm chất đặc biệt.”
Anh Onogawa bắt đầu tác phẩm của mình bằng cách tạo ra một thân cây không đối xứng, sau đó trang trí lên các nhánh cây từ 500 đến 1,000 con hạc giấy cùng màu được gấp một cách vô cùng tinh xảo, mỗi con không lớn hơn một đầu ngón tay. Mỗi tác phẩm mất khoảng một tháng để hoàn thành.
Anh Onogawa từng theo học tại học viện Ochabi Nhật Bản – đã chia sẻ rằng thử thách lớn nhất đối với anh là sáng tác một tác phẩm nghệ thuật có thể khiến bản thân mình rung cảm và đạt đến độ hoàn mỹ nhất mà mình làm được. “Đồng thời, việc hình dung ra phản ứng của người xem khi đối diện với tác phẩm của chính mình cũng là một trong những niềm vui sáng tác của tôi.”
Anh Onogawa đã có mối quan tâm đặc biệt với hạc giấy sau thảm họa động đất kinh hoàng ở miền Đông Nhật Bản. Vào tháng Tư một năm sau biến cố này, anh đã đến thành phố Rikuzen Takata, thuộc tỉnh Iwate, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất. Anh đi dạo vòng quanh và bắt chuyện với những người dân địa phương. Anh đã chứng kiến sự tan hoang đổ nát ở khắp mọi nơi.
“Tôi bàng hoàng nhận ra con người chúng ta yếu ớt như thế nào trước uy lực của thiên nhiên,” anh Onogawa nói, “nhưng đồng thời, tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh từ sự sống. Sự sống đã tỏa sáng rực rỡ sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên… và theo thời gian, chúng ta cũng sống hòa hợp với thiên nhiên và sinh sôi nảy nở với những phước lành được ban cho.”
Trong khoảng thời gian đó, anh Onogawa đã bắt gặp gần 1,000 con hạc giấy được đặt tại đống đổ nát của một ngôi trường địa phương bị phá hủy do sóng thần. Đó là lần đầu tiên anh thấy hạc giấy được sử dụng như một biểu tượng của lời cầu nguyện, thay vì chiến tranh và hòa bình.
“Tôi cảm thấy sự hiện diện của chúng ở đó thật có ý nghĩa,” anh giải thích. “Tôi như đang chứng kiến phần kết của một buổi lễ tưởng niệm nơi hoang vắng, nơi mọi người chuyển những cảm xúc bất an của họ vào những con hạc giấy… thật khó diễn tả được bằng lời, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ những con hạc mà tôi gấp hôm nay khởi nguồn từ nơi cầu nguyện trang nghiêm đó.”
Hàng năm sau Đệ nhị Thế chiến, những người tưởng niệm đều gửi hàng tấn hạc giấy về hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nhưng đối với anh Onogawa, gấp hạc origami vì hòa bình là một “phong tục kỳ lạ”.
“Điều khiến tôi cảm thấy kỳ lạ về những con hạc giấy này là cách mà người ta biến chúng thành một thứ chứa đựng những cảm xúc đơn phương,” anh giải thích. “Tôi rất trân trọng hành động cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng trong việc này, tôi cảm nhận rằng không có sự kết nối giữa tôi và những con hạc giấy, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi, chúng đã không ở nơi mà chúng nên thuộc về.”
Do đó, anh Onogawa đã sáng tạo nên những tác phẩm với mục đích cho những con hạc giấy “một nơi mà chúng thuộc về”. Anh đã lên kế hoạch triển lãm ở hải ngoại; đồng thời, anh đã chia sẻ những tác phẩm của mình với mọi người khắp thế giới thông qua Instagram.
“Tôi tin rằng, những ai quen thuộc với hạc giấy đều có những kỷ niệm của riêng mình… nhưng tôi hi vọng rằng những tác phẩm này sẽ mở ra những cuộc chuyện trò mới,” anh giải thích với The Epoch Times. “Thông qua những cuộc trò chuyện đó, tôi hi vọng rằng sẽ có điều gì đó, dù là gì đi nữa, khiến người xem rung cảm.”