Tài liệu: FBI thúc ép người dân từ bỏ quyền sở hữu súng
EMILY MILLER
Theo các tài liệu mới được tiết lộ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã gây áp lực buộc người Mỹ phải “tự nguyện” từ bỏ các quyền Tu chính án thứ Hai của mình.
Các quan chức FBI bị phát hiện đã yêu cầu một số người Mỹ điền vào một biểu mẫu nói rằng họ muốn FBI cấm họ mua hoặc sở hữu súng vĩnh viễn vì tình trạng bệnh lý về sức khỏe tâm thần.
Nhóm bảo vệ quyền sở hữu súng quốc gia, Gun Owners of America (Những Người Sở Hữu Súng Hoa Kỳ, GOA), đang yêu cầu FBI xóa bỏ các hồ sơ này ra khỏi cơ sở dữ liệu kiểm tra lý lịch trước hôm 08/10 cũng như kêu gọi Quốc hội thực thi việc xóa bỏ đó.
Ông Aidan Johnston, giám đốc đặc trách các vấn đề liên bang của GOA, nói với The Epoch Times, “Chúng tôi được biết FBI không có quyền tước vũ khí của các cá nhân này. Họ không gây ra mối đe dọa nào cho xã hội. Các hành động của FBI là hoàn toàn trái pháp luật.”
Các chiến thuật của FBI
Mười lăm người đã điền vào các biểu mẫu này, theo các tài liệu mà GOA có được qua một vụ kiện theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).
Hệ thống Kiểm tra Lý lịch Hình sự Tức thì Quốc gia (NICS) là cách mà những người buôn bán súng được cấp phép có thể kiểm tra xem liệu một người mua có thể sở hữu hợp pháp một khẩu súng hay không.
Những biểu mẫu “tự đệ trình” đã được hoàn thành này cho thấy những người này đã cung cấp hồ sơ sức khỏe tâm thần của họ cho FBI và đã ký tên chấp nhận rằng “việc hoàn thành và gửi biểu mẫu này sẽ dẫn đến việc từ chối quyền mua, sở hữu và sử dụng bất kỳ vũ khí nào của tôi.”
Không có khung thời gian hoặc quy trình nào được đưa ra để họ lấy lại các quyền của mình, và đó cũng là những gì mà GOA đang cố gắng thực hiện cho họ.
“Cho đến nay chúng tôi có hồ sơ của 15 trường hợp, nhưng biết đâu đấy, tổng số trường hợp có thể là 1,500 hoặc 15,000,” ông Robert J. Olson, luật sư của GOA, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn. “FBI cho chúng tôi biết những người này đã bị đưa vào hệ thống NICS theo diện bị cấm vì vấn đề tâm thần, và không có cách nào để theo dõi ai đã bị đưa vào do điền biểu mẫu này. Nhưng FBI có trách nhiệm khắc phục điều này vì ngay từ đầu họ đã không có quyền để đưa những người này vào hệ thống.”
Những tên họ cũng như chi tiết cá nhân đã được che đi, và các biểu mẫu này được đề ngày tháng từ năm 2017 đến năm 2019. Một phát ngôn viên của FBI nói với The Daily Caller, hãng thông tấn đã đưa tin về các biểu mẫu này trước tiên, rằng biểu mẫu này đã “bị đình chỉ” từ tháng 12/2019.
Từ bỏ các quyền Tu chính án thứ Hai
Theo GOA, không ai trong số 15 người đã ký biểu mẫu này bị cấm mua súng vì lý do sức khỏe tâm thần một cách hợp pháp, bởi nếu họ bị cấm theo đúng pháp luật thì sẽ không cần phải điền vào biểu mẫu này. Ông Johnston nói với The Epoch Times rằng nhóm này cũng đã nhận được các tài liệu khác từ yêu cầu FOIA của họ, bao gồm những ghi chú và các cuộc phỏng vấn từ các đặc vụ FBI địa phương có mặt trong quá trình ký vào biểu mẫu. Một số người [ký vào biểu mẫu này] từng đe dọa bạo lực trên mạng, nhưng họ đã được xác định không phải là mối nguy hiểm sau khi điều tra thêm.
“FBI tước [quyền sở hữu] vũ khí của một học sinh trung học – người thậm chí còn chưa đủ tuổi hợp pháp để sở hữu súng – vì tìm kiếm trên mạng cách xâm nhập vào một máy điện toán của trường,” ông Johnston nói. “Học sinh đó nói với các đặc vụ rằng cậu ấy thậm chí còn không muốn mua súng, nhưng rồi cậu ấy đã ký để từ bỏ luôn quyền mua súng.”
Theo GOA, một phụ tá biện lý Hoa Kỳ đã điều tra một trong số 15 người này rồi sau đó không truy tố người đó. Công tố viên Hoa Kỳ này đã viết rằng FBI tin là người này “không có vẻ sẽ gây ra mối đe dọa cho bản thân, những người khác, hoặc Tổng thống tại thời điểm này.”
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa–Tennessee) đã viết trên Twitter về các tài liệu của FBI, “Quý vị không thể ký để từ bỏ các quyền hiến định của mình – bất chấp FBI muốn gì.”
Sức khỏe tâm thần và súng
Theo luật liên bang, một người chỉ bị cấm mua hoặc sở hữu súng nếu người đó đã bị tuyên bố là có khiếm khuyết về tâm thần hoặc bị đưa vào trại tâm thần. Biểu mẫu “tự đệ trình” này không đòi hỏi rằng một trong hai điều đó phải đúng.
“Một người có thể có các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng không phải là một ‘người bị khiếm khuyết về tâm thần’ – một thuật ngữ mà Quốc hội muốn có định nghĩa hẹp. Luật này không nhằm mục đích ngăn những người bị PTSD (rối loạn căng thẳng hậu chấn thương), hoặc bị trầm cảm do mất người thân, sở hữu súng,” ông Olson giải thích. “FBI đang rình bắt mọi người vào những thời điểm yếu đuối trong cuộc đời của họ, chẳng hạn như đăng điều gì đó lên internet mà không xét đến hậu quả.”
Biểu mẫu này yêu cầu người điền đánh dấu vào một hoặc hai ô cho biết họ cảm thấy họ là “mối nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác” hoặc “không đủ năng lực tinh thần để tổng hợp hoặc quản lý các chi tiết trong cuộc sống của tôi.” Trong biểu mẫu có một phần do bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết rằng người đó đã được khám và có “đủ năng lực sức khỏe tâm thần để tự nguyện thực hiện văn bản này.”
Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa–Kentucky) cho biết trên Fox News, “Có một sự mỉa mai nhất định khi nói với ai đó rằng quý vị phải có đủ năng lực tâm thần để ký vào bản tuyên bố này, vốn cho biết quý vị không có đủ năng lực tâm thần để sở hữu một khẩu súng.” Ông Paul chỉ ra rằng đó “có thể là một tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu quý vị phải ra tòa – sao mà một người không đủ trí lực để sở hữu súng có thể có thẩm quyền để ký từ bỏ quyền sử dụng súng của họ.”
Buộc FBI chịu trách nhiệm
Hôm 08/09, GOA đã viết một lá thư cho Tổng chưởng lý Merrick Garland và Giám đốc FBI Christopher Wray, giải thích rằng luật kiểm tra lý lịch quy định nếu một người được liệt kê sai vào danh sách NICS, cơ quan này có 30 ngày để xóa hồ sơ.
“FBI hiện đang trong khoảng thời gian đếm ngược 30 ngày để xóa những cái tên này khỏi cơ sở dữ liệu,” ông Johnston nói. “FBI cũng phải xác nhận với chúng tôi rằng họ không còn sử dụng biểu mẫu này nữa. Các chủ sở hữu súng xứng đáng được biết FBI đang thực hiện những bước nào để bảo đảm cơ quan này không tùy tiện tước bỏ vũ khí của bất kỳ ai khác trong tương lai.”
FBI đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về việc liệu họ có tuân thủ thời hạn 30 ngày này hay không.
Bức thư nói trên cho biết “FBI không có thẩm quyền theo luật định để tạo hoặc sử dụng một biểu mẫu như vậy”, và rằng Đạo luật Kiểm soát Súng năm 1968 “không có điều nào cấm một người chỉ tự báo cáo là mất khả năng về mặt tâm thần.” Đạo luật kiểm soát súng này đã đề ra chín loại người bị cấm sở hữu hoặc mua súng, bao gồm người phạm trọng tội, người nghiện ma túy, người ngoại quốc nhập cư bất hợp pháp, và người có hành vi bạo hành gia đình.
GOA viết: “Việc sử dụng biểu mẫu này trong quá khứ, hiện tại, hoặc tương lai trái với quy chế mà Quốc hội đã ban hành và đặt ra một vi phạm rõ ràng đối với các quyền Tu chính án thứ Hai ‘không được phép bị xâm phạm’.”
Vai trò của Quốc hội
Rõ ràng là việc FBI đưa những người không bị cấm vào các bảng liệt kê của NICS là bất hợp pháp, nhưng có một dự luật ở Hạ viện Hoa Kỳ sẽ thay đổi luật hiện hành để cho phép điều đó. Dự luật này, được Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ–Washington) bảo trợ, sẽ yêu cầu tổng chưởng lý “thiết lập và duy trì” một “Cơ sở dữ liệu về Tự nguyện Hoãn Mua”. Dự luật này sẽ sửa đổi luật liên bang để cho phép những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tự đưa mình vào một cơ sở dữ liệu trực tuyến, mà sẽ được sử dụng trong quy trình kiểm tra lý lịch liên bang trước khi một khẩu súng được bán. Hồi tháng Bảy, dự luật này đã được chuyển đến Ủy ban Tư pháp Hạ viện.
Trong khi đó, GOA cho biết họ đang mong chờ Quốc hội hỗ trợ.
“Chúng tôi đang làm việc tại các phòng họp của Quốc hội để buộc FBI chịu trách nhiệm,” ông Johnston nói. Ông cho biết họ muốn các thành viên Quốc hội và thượng nghị sĩ thúc giục FBI thực thi quy tắc 30 ngày để xóa những hồ sơ NICS này và mở một cuộc điều tra đầy đủ hơn về các biểu mẫu tự nộp nói trên.
Ông Paul nói với đài Fox rằng những gì đã xảy ra là một phần trong các hành động tái diễn dường như có xu hướng thiên vị chống lại những người theo phái bảo tồn truyền thống của FBI.
Ông nói: “FBI phải có trách nhiệm… chứng minh cho chúng ta thấy rằng họ không hành động theo quan điểm chính trị.”