Tài liệu rò rỉ: Ông Tập Cận Bình lên kế hoạch kiểm soát Internet toàn cầu
Theo các tài liệu nội bộ của chính phủ mà The Epoch Times có được gần đây, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đích thân chỉ thị chế độ cộng sản của nước này tập trung kiểm soát Internet toàn cầu, thay thế vai trò ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Trong một bài diễn văn vào tháng 01/2017, ông Tập cho biết “quyền lực kiểm soát Internet” đã trở thành “tâm điểm mới của cuộc luận chiến về chiến lược quốc gia [Trung Quốc],” và chỉ ra Hoa Kỳ là một “thế lực đối thủ” cản đường những tham vọng của nhà cầm quyền này.
Mục tiêu cuối cùng là để Trung Cộng kiểm soát tất cả nội dung trên mạng Internet toàn cầu để có thể thi hành điều mà ông Tập mô tả là “quyền lực ngôn luận” đối với các cuộc trao đổi và thảo luận trên thế giới.
Những nhận xét này được ông Tập đưa ra tại cuộc họp ban lãnh đạo lần thứ tư của cơ quan quản trị Internet hàng đầu Trung Cộng, Ủy ban Trung ương về Các vấn đề Không gian mạng, ở Bắc Kinh ngày 04/01/2017. Chúng được nêu chi tiết trong các tài liệu nội bộ do chính quyền tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc Trung Quốc ban hành.
Các tuyên bố này khẳng định những nỗ lực của Bắc Kinh trong vài năm vừa qua nhằm thúc đẩy phiên bản Internet độc tài của chính họ thành hình mẫu cho thế giới.
Trong một bài diễn văn khác, được đưa ra vào tháng 04/2016, ông Tập đã tự tin tuyên bố rằng trong “cuộc đấu tranh” nhằm kiểm soát Internet, Trung Cộng đã chuyển hướng từ cách chơi “phòng thủ bị động” sang “vừa công vừa thủ” cùng lúc, theo một tài liệu nội bộ của chính quyền thành phố An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng công cụ kiểm soát và kiểm duyệt trực tuyến rộng lớn và tinh vi nhất thế giới, được gọi là Great Firewall (Phòng hỏa Trường thành), Trung Cộng dưới thời ông Tập đang bảo vệ một mạng Internet Trung Quốc có các giá trị đi ngược lại với mô hình mở được ủng hộ ở phương Tây.
Chống lại Hoa Kỳ
Vị lãnh đạo Trung Cộng thừa nhận rằng nhà cầm quyền này đã tụt hậu so với đối thủ Hoa Kỳ – quốc gia thống trị trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến Internet – trong các lĩnh vực chính như công nghệ, đầu tư, và nhân tài.
Để thực hiện những tham vọng của Đảng, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải “quản lý các mối liên kết trên Internet với Hoa Kỳ,” đồng thời “chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn” với quốc gia này trên mạng lưới toàn cầu.
Ông Tập nói rằng các công ty Hoa Kỳ nên được nhà cầm quyền này sử dụng để đạt được mục tiêu của mình mà không nêu rõ kế hoạch này sẽ được thực hiện như thế nào.
Ông cũng chỉ thị Trung Cộng đẩy mạnh hợp tác với Âu Châu, các nước đang phát triển, và các quốc gia thành viên trong kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh để tạo thành một “đối trọng chiến lược” chống lại Hoa Kỳ.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn do Bắc Kinh khởi xướng nhằm kết nối Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, và Trung Đông thông qua mạng lưới các liên kết đường sắt, đường biển và đường bộ.
BRI cũng đã thúc đẩy các quốc gia ghi danh các dự án “con đường tơ lụa kỹ thuật số” vốn liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Ít nhất 16 quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Cộng để hoạt động như một phần của sáng kiến đó.
Chiến lược 3 mũi giáp công
Ông Tập đã ra lệnh cho Trung Cộng tập trung vào ba lĩnh vực “then chốt” để theo đuổi việc kiểm soát Internet toàn cầu.
Đầu tiên, Bắc Kinh cần có khả năng “đặt ra các quy tắc” điều hành hệ thống quốc tế. Thứ hai, họ cần cài người đại diện cho Trung Cộng vào các vị trí quan trọng bên trong các tổ chức Internet toàn cầu. Thứ ba, nhà cầm quyền này cần giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho Internet, chẳng hạn như root máy chủ gốc (root servers).
DNS root servers (hay còn gọi là dịch vụ phân giải tên miền gốc) là chìa khóa để liên lạc Internet trên khắp thế giới. Các máy chủ đó hướng người dùng đến các trang web họ định truy cập. Theo trang Root-Servers.org, có hơn 1,300 máy chủ gốc trên khắp thế giới, trong đó khoảng 20 máy chủ được đặt tại Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ có gấp khoảng 10 lần số lượng đó nội trong quốc gia của mình.
Ông Gary Miliefsky, chuyên gia an ninh mạng kiêm nhà xuất bản của Tạp chí Cyber Defense, nói với The Epoch Times rằng nếu Trung Cộng giành được quyền kiểm soát nhiều máy chủ gốc hơn, thì khi đó họ có thể chuyển hướng lưu lượng truy cập đến bất cứ địa chỉ nào họ muốn. Chẳng hạn như, nếu một người dùng muốn truy cập một bài báo về chủ đề bị Bắc Kinh coi là nhạy cảm, thì máy chủ DNS của nhà cầm quyền này có thể chuyển hướng người dùng đó đến một trang giả mạo nói rằng bài báo không còn tồn tại nữa.
Ông cho biết, “Ngay khi quý vị kiểm soát máy chủ, quý vị có thể đánh lừa hoặc giả mạo bất cứ thứ gì. Quý vị có thể kiểm soát những gì mọi người nhìn thấy, những gì mọi người không nhìn thấy.”
Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền này đã có bước tiến trong việc thúc đẩy chiến lược của ông Tập.
Năm 2019, đại công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc lần đầu tiên đề xướng ý tưởng về một mạng Internet hoàn toàn mới, được gọi là New IP, để thay thế cơ sở hạ tầng đã có tuổi đời nửa thế kỷ đang làm nền tảng cho web. New IP được quảng cáo là nhanh hơn, hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, và an toàn hơn so với Internet hiện tại, và nó sẽ do người Trung Quốc xây dựng.
Mặc dù New IP quả thực có thể đem lại một mạng lưới toàn cầu tiến bộ, nhưng ông Miliefsky nói rằng “cái giá phải trả cho điều đó là tự do”.
“Sẽ không có tự do ngôn luận. Và việc bị nghe trộm trong thời gian thực sẽ xảy ra mọi lúc, với bất kỳ ai,” ông cho biết. “Tất cả những ai tham gia sẽ bị nghe trộm bởi một chính phủ duy nhất.”
Đề xướng đó được đưa ra tại một cuộc họp tháng 09/2019 tổ chức tại Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn cho những vấn đề về điện toán và truyền thông mà hiện do ông Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin) quốc tịch Trung Quốc đứng đầu. New IP dự kiến sẽ được thảo luận chính thức tại Hội đồng Tiêu chuẩn hóa Viễn thông Thế giới của ITU, sẽ được tổ chức vào tháng 03/2022.
Ông Miliefsky cho biết kế hoạch này khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các quốc gia, nhưng có thể dễ dàng được thông qua bởi các quốc gia độc tài cùng chí hướng như Bắc Hàn – tiếp sau đó là các quốc gia đã ký kết gia nhập BRI và đang phải chật vật để trả các khoản vay nợ của họ.
Điều này sẽ đẩy nhanh sự phân đôi Internet, điều mà các nhà phân tích như cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã gọi là “phân mảnh Internet (splinternet)”, ông Miliefsky nói và thêm rằng, “Mạng lưới của cộng sản và phần còn lại của thế giới.”
Công ty Huawei đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Biến Internet thành vùng Đỏ
Ông Tập mô tả rằng tất cả nội dung trực tuyến chỉ nằm trong 3 vùng: “vùng đỏ, vùng đen, và vùng xám.”
Nội dung của “vùng đỏ” đề cập đến diễn ngôn phù hợp với các yêu cầu tuyên truyền của Trung Cộng, trong khi nội dung của “vùng đen” đụng chạm tới các quy tắc này. Nội dung của “vùng xám” thì nằm ở giữa.
Trong một bài diễn văn bị rò rỉ từ tháng 08/2013, ông Tập nói: “Chúng ta phải củng cố và mở rộng vùng đỏ và mở rộng ảnh hưởng của nó trong xã hội. Chúng ta phải dũng cảm bước vào vùng đen [và chiến đấu hết mình] để dần dần thay đổi màu sắc của nó. Chúng ta phải khởi động các hành động quy mô lớn nhắm mục tiêu vào vùng xám để tăng tốc độ chuyển đổi nó sang vùng đỏ và ngăn nó chuyển thành vùng đen.”
Tại Trung Quốc, Trung Cộng duy trì việc kiểm soát nghiêm ngặt nội dung trực tuyến và thảo luận trực tuyến thông qua Great Firewall; hệ thống tường lửa này phong tỏa các trang mạng ngoại quốc và kiểm duyệt nội dung mà Đảng cho là không thể chấp nhận được. Họ cũng thuê một đội quân dư luận viên trực tuyến khổng lồ, được gọi là “Đội quân 50 Xu”, để thao túng việc thảo luận trực tuyến. Một báo cáo gần đây cho thấy Trung Cộng thuê 2 triệu nhà bình luận trên mạng có trả tiền và dựa vào một mạng lưới 20 triệu tình nguyện viên bán thời gian để thực hiện hoạt động bình luận trực tuyến.
Trong báo cáo thường niên về tự do Internet năm 2020, tổ chức Freedom House đã gọi Trung Quốc là nước lạm dụng tự do trực tuyến tồi tệ nhất thế giới trong năm thứ sáu liên tiếp. Các công dân Trung Quốc đã bị bắt vì sử dụng nhu liệu để phá Great Firewall và bị trừng phạt vì đăng những bình luận trực tuyến gây bất lợi cho Trung Cộng. Trong một vụ tai tiếng cho đến nay, ở những giai đoạn đầu của đại dịch, người tố giác – bác sĩ Lý Văn Lượng – đã bị cảnh sát khiển trách vì “tạo tin đồn nhảm” sau khi ông Lý cảnh báo các đồng nghiệp trong một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội về một loại virus tương tự virus SARS ở Vũ Hán.
Kể từ sau đại dịch, Trung Cộng đã gia tăng việc gây ảnh hưởng đến dư luận trực tuyến ở ngoại quốc. Bằng cách sử dụng các mạng lưới tài khoản dư luận viên lớn trên Twitter và Facebook, nhà cầm quyền này đã có thể tuyên truyền và khuếch đại các tuyên truyền cũng như thông tin sai lệch về những chủ đề như đại dịch, căng thẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ, và việc Trung Cộng đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.