Tại sao các công ty công nghệ rút khỏi Trung Quốc?
Yahoo Inc. sẽ rời khỏi thị trường Trung Quốc, tạm ngừng các dịch vụ của mình ở đó kể từ ngày 01/11 với lý do theo họ là môi trường kinh doanh và pháp lý “ngày càng thách thức”.
Các công ty công nghệ ngoại quốc đã rút hoặc giảm quy mô hoạt động ở Trung Quốc đại lục vì một đạo luật nghiêm ngặt về “dữ liệu riêng tư”, quy định cách các công ty thu thập và lưu trữ dữ liệu, đã có hiệu lực.
Những công ty đó đã quyết định rằng tính bất định của quy định và rủi ro danh tiếng lớn hơn lợi thế của việc trụ lại thị trường rộng lớn này.
Công ty nào đã giảm quy mô hoạt động hoặc rời bỏ Trung Quốc?
Yahoo Inc. cho biết trong một tuyên bố hôm 02/11 rằng họ ngừng các dịch vụ tại Trung Quốc kể từ ngày 01/11. Người dùng truy cập trang Engadget China do Yahoo điều hành trong tuần lễ từ ngày 01–07/11 thấy thông báo cho biết trang web sẽ không đăng tải nội dung mới.
Tháng trước, nền tảng kết nối chuyên nghiệp LinkedIn của Microsoft cho biết họ sẽ đóng cửa phiên bản Hoa ngữ trên trang web của mình trong năm nay, và thay thế bằng một trang đăng việc làm không có chức năng mạng xã hội.
Epic Games, công ty vận hành trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite, cũng cho biết họ sẽ rút trò chơi ra khỏi thị trường Trung Quốc kể từ 15/11. Trò chơi này được ra mắt tại Trung Quốc thông qua sự hợp tác với công ty trò chơi lớn nhất Trung Quốc, Tencent, công ty sở hữu 40% cổ phần của Epic.
Tại sao các công ty rời khỏi Trung Quốc lúc này?
Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân có hiệu lực hôm 01/11 giới hạn số lượng thông tin mà các công ty được phép thu thập và đặt ra các tiêu chuẩn về cách các thông tin này phải được lưu trữ. Các công ty phải được sự đồng ý của người dùng để thu thập, sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu, và cung cấp các cách để người dùng chọn không chia sẻ dữ liệu.
Các công ty cũng phải có được sự cho phép của người dùng để gửi thông tin cá nhân ra ngoại quốc.
Luật mới làm tăng chi phí tuân thủ và làm tăng thêm sự bất ổn định cho các công ty phương Tây hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty bị phát hiện vi phạm các quy tắc có thể bị phạt tới 50 triệu nhân dân tệ (7.8 triệu USD) hoặc 5% doanh thu hàng năm của họ.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp các công ty công nghệ, tìm cách hạn chế ảnh hưởng của họ và giải quyết các khiếu nại rằng một số công ty sử dụng sai dữ liệu và tham gia vào các chiến thuật khác gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Việc cắt giảm quy mô và rút lui cũng diễn ra khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh cãi về công nghệ và thương mại. Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt các hạn chế đối với đại tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, cáo buộc họ có liên hệ với quân đội và chính quyền Trung Cộng.
Các công ty địa phương cũng đang gặp phải tình huống khó khăn, với việc các công ty thương mại điện tử như Alibaba phải đối mặt với tiền phạt. Các nhà giám sát đang điều tra một số công ty và đã áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt tác động đến các công ty game như NetEase và Tencent.
Những rào cản ở Trung Quốc
Trung Cộng vận hành cái được gọi là “Đại Tường Lửa” (Great Firewall) dùng luật pháp và công nghệ để thực thi kiểm duyệt.
Nội dung và từ khóa được xem là nhạy cảm về chính trị hoặc không phù hợp phải được loại bỏ khỏi internet. Các công ty phải giám sát các nền tảng của riêng họ, xóa các bài đăng, và làm cho các từ khóa nhạy cảm không thể tìm kiếm được.
Các mạng xã hội phương Tây như Facebook và Twitter từ lâu đã bị Đại Tường Lửa chặn và người dân ở Trung Quốc đại lục thường không thể truy cập được.
Ông Francis Lun, Giám đốc điều hành của GEO Securities Limited tại Hồng Kông cho biết: “Trung Cộng đã thiết lập một chính sách rất hà khắc đối với các nhà cung cấp internet, bảo họ làm gì và đặc biệt là không nên làm gì.”
Ông nói: “Tôi nghĩ câu hỏi đặt ra là tại sao phải hoạt động ở Trung Quốc với mức lợi tức nhỏ nhoi và trách nhiệm pháp lý nặng nề như vậy.”
Ông Michael Norris, một giám đốc chiến lược nghiên cứu tại công ty tư vấn AgencyChina có trụ sở tại Thượng Hải cho biết chi phí tuân thủ sẽ tăng hơn nữa.
Ông nói: “Sự ra đi của Fortnite đặc biệt gây tổn hại, vì điều đó cho thấy một mối quan hệ đối tác chặt chẽ và việc đầu tư với Tencent cũng không đủ để dự án kinh doanh đó hoạt động được.”
Các công ty công nghệ ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực từ thị trường quê nhà. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chỉ trích việc LinkedIn kiểm duyệt hồ sơ nhà báo Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Vào năm 2007, Yahoo Inc. đã bị chỉ trích vì đã chuyển giao thông tin về các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc cho Trung Cộng khiến cuối cùng dẫn đến việc họ bị bỏ tù.
Còn lựa chọn nào cho người dùng Internet ở Trung Quốc?
Các giải pháp thay thế của Trung Quốc đã xuất hiện trong những năm qua để lấp đầy khoảng trống do các nền tảng mạng xã hội ngoại quốc để lại khi từ bỏ hoạt động vì Đại Tường Lửa.
Thay vì Google, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất của Trung Quốc là Baidu. Các ứng dụng nhắn tin như WeChat được sử dụng thay vì WhatsApp hoặc Messenger. Weibo, một nền tảng tiểu blog, tương đương gần nhất với Twitter, với hơn 560 triệu người dùng Trung Quốc.
Trừ phi họ sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để che giấu lưu lượng truy cập internet và vị trí của mình, đồng thời vượt qua các ngăn chặn trên mạng, thì người dân Trung Quốc có ít lựa chọn đối với mạng xã hội và quyền truy cập nội dung hơn, và gần như phải chuyển sang các lựa chọn thay thế địa phương bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.