Tại sao Cục Công an Trung Quốc vẫn đang điều hành văn phòng thị thực của Canada tại Bắc Kinh?
Vì Thủ tướng Justin Trudeau đã kêu gọi một cuộc bầu cử, nên chúng ta có thể không bao giờ biết được lý do
Một công ty thuộc sở hữu của Cục Công An Thành phố Bắc Kinh (công an Bắc Kinh) đã có một hợp đồng điều hành chương trình xin thị thực cho đại sứ quán Canada tại Trung Quốc. Điều này đem lại cho những người [phụ trách] phỏng vấn của Trung Cộng khả năng thu thập thông tin về những công dân Canada họ hàng của người Trung Quốc đang qua thăm cũng như đưa gián điệp vào Canada, trong khi từ chối quyền chính đáng viếng thăm phương Tây của một số du khách.
Chính phủ Canada không đánh giá cao những người bày tỏ sự lo ngại. Ông Bill Blair, Bộ trưởng An toàn Công cộng đã cam đoan với các nghị sĩ rằng thông tin cá nhân mà người xin thị thực tiết lộ cho những viên chức phỏng vấn do công an [Trung Cộng] thuê sẽ không bao giờ được sử dụng cho mục đích sai trái. Ông Marc Garneau, Bộ trưởng Ngoại giao tuyên bố rằng “chúng tôi không lo ngại,” đồng thời nói thêm rằng, “Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng chúng tôi giám sát [hoạt động của các trung tâm nhận đơn xin thị thực này] rất cẩn thận.”
Tuy nhiên, những bảo đảm đó là có lỗ hổng, như đã thấy qua trải nghiệm vào năm ngoái của bà Đới Thanh (Dai Qing), một trong những ký giả độc lập nổi tiếng nhất của Trung Quốc, khi bà nộp đơn xin đi sang Canada và Hoa Kỳ để tổ chức loạt bài diễn thuyết về cuốn sách mới của bà mang tên “Đặng Tiểu Bình năm 1989” (Deng Xiaoping in 1989).
Bà Đới, là tác giả của nhiều tác phẩm bị cấm ở trong Trung Quốc đại lục nhưng cũng là người thường được phép rời khỏi đất nước này, trước đây đã nhiều lần được cấp thị thực đến Canada; những lần đó đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh đã giải quyết đơn xin thị thực của bà một cách vui vẻ và tôn trọng. Bà không hề hay biết rằng mọi sự sẽ không còn như thế nữa, một khi cảnh sát Bắc Kinh được giao vai trò kiểm soát trên thực tế. Sau khi nộp đơn xin thị thực cho họ, bao gồm cả việc cung cấp dữ liệu sinh trắc học và nộp lại hộ chiếu, bà Đới đã bị chất vấn bằng ba vòng câu hỏi bổ sung bởi những người mà trên thực tế là đặc vụ ngầm của Trung Cộng.
Theo bà Đới, các đặc vụ thị thực này đã yêu cầu bà trả lời cho những câu hỏi khác thường về quá khứ cách đây nhiều thập kỷ của mình như sau: “Bà đã tham gia quân đội khi nào và rời quân ngũ khi nào; bà bị buộc phải nhập ngũ hay tình nguyện, cấp bậc, nhiệm vụ và trách nhiệm của bà khi đó là gì? Bà phải mô tả chi tiết, bao gồm các vụ bắt giữ, giam giữ tù binh, chức vụ hỗ trợ và thẩm vấn [mà bà đã tham gia],” họ nhấn mạnh. “Các quan chức quân đội phụ trách [bà] là ai? Bà phải liệt kê chi tiết, bao gồm người giám sát trực tiếp, lực lượng/người đứng đầu, người chỉ huy, lực lượng/đội tác chiến. Tên đơn vị của bà (pháo binh, bộ binh, lực lượng đặc biệt), vị trí của bà (căn cứ, thành phố, tỉnh/khu vực), số người bà đã giám sát?” và vô số câu hỏi khác.
Sau bốn tháng bị trì hoãn do những thẩm vấn tỉ mỉ như vậy từ những người mà bà từng nghĩ là các quan chức thị thực của Canada, mà không biết bao giờ mới kết thúc vì bà Đới không cung cấp những thông tin nhạy cảm mà cảnh sát đang tìm kiếm đó, bà được thông báo rằng nếu bà muốn lấy lại hộ chiếu của mình thì bà sẽ phải từ bỏ đơn xin thị thực. Bà đã yêu cầu trả lại hộ chiếu của mình và hủy chuyến diễn thuyết ở Bắc Mỹ, trong đó có buổi diễn thuyết tại Đại học Toronto ở Canada và Đại học Harvard ở Hoa Kỳ.
Các đặc vụ ngầm làm việc ở các vị trí duyệt xét hồ sơ thị thực này đã hoạt động phục vụ cho Trung Cộng. Họ cố gắng tìm hiểu quá khứ của bà Đới và những người mà bà giao thiệp cách đây nửa thế kỷ và nhiều thông tin nữa để có thể sử dụng trong tương lai, đồng thời ngăn cản một chuyến đi quảng bá sách, vốn sẽ tiết lộ nhiều điều chưa biết về một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc. Bà Đới, một cựu khoa học gia nghiên cứu hỏa tiễn, từng là một người cộng sản, quen biết nhiều quan chức cao cấp.
Khi công chúng Canada lần đầu tiên biết rằng Bắc Kinh đang quyết định xem người nào có thể và không thể nhập cảnh từ Trung Quốc vào Canada, các ủy ban quốc hội về mối bang giao Canada–Trung Quốc đã tổ chức các phiên điều trần về những hậu quả của việc này. Trái ngược với sự bảo đảm của chính phủ Canada về sự vô hại của văn phòng thị thực do cảnh sát Bắc Kinh điều hành, ông Ward Elcock, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) đã xác nhận rằng, “Trên thực tế, cơ quan hoặc văn phòng đó hoàn toàn hoạt động trong tầm kiểm soát của các cơ quan tình báo Trung Quốc,” cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo về [vấn đề] ngoại quốc của Trung Quốc, “Đó có thể là những thông tin quý giá.” Ông Richard Fadden, một cựu giám đốc khác của CSIS đã tán thành ý kiến trên, và nói với báo giới rằng “Tôi không thể nghĩ ra một điểm xâm nhập nào nhiều triển vọng hơn cho những gián điệp mạng của Trung Quốc.”
Sau nhiều tháng lấy lời khai, Ủy ban Quốc hội về di trú và nhập tịch của Canada đã ban hành một thông báo yêu cầu chính phủ chấm dứt hợp đồng này và “đưa các dịch vụ đó trở về nội bộ các tòa đại sứ ngoại giao của Canada ở Trung Quốc.” Thông báo này cho chính phủ ông Trudeau 150 ngày để giải thích điều dường như không thể hiểu nổi – tại sao một quốc gia có chủ quyền lại cho phép một chính phủ ngoại quốc, huống chi là một chính phủ cộng sản, quyết định xem ai có thể ra vào đất nước của mình?
Lời kêu gọi bầu cử của ông Justin Trudeau trong tuần lễ từ ngày 09–15/08 đã hủy bỏ nghĩa vụ phải giải thích của chính phủ về sự việc này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Patricia Adams là nhà kinh tế học, Chủ tịch của Energy Probe Research Foundation (Quỹ Nghiên cứu Thăm dò Năng lượng) và chi nhánh Probe International, một tổ chức tư vấn độc lập ở Canada và trên thế giới. Bà là chủ bút trang tin tức Three Gorges Probe và Odious Debts Online, đồng thời tác giả hoặc biên tập viên của nhiều cuốn sách.
Ông Lawrence Solomon là tác giả, nhà bình luận cho Epoch Times, đồng thời là giám đốc điều hành của Viện Chính sách Tiêu dùng có trụ sở tại Toronto.