Tại sao nền kinh tế Trung Quốc đang tệ hơn quý vị nghĩ
Terri Wu
Anh Vương (Wang) – một quản lý nhà máy 28 tuổi sống ở một thành phố ven biển ở Trung Quốc – đang cân nhắc một cách nghiêm túc việc từ bỏ công việc nặng nhọc của mình, hành động mà ngày nay ở Trung Quốc gọi là “thảng bình” (nằm thẳng).
Cho đến gần đây, làm việc vừa đủ để trang trải cuộc sống không phải là một lựa chọn đối với anh. Mặc dù nhiều thanh niên Trung Quốc đã tham gia phong trào “nằm thẳng” vì họ không thấy làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra khác biệt gì cho cuộc sống của họ, nhưng anh Vương từng không phải là một trong những người như thế.
Anh Vương chọn sử dụng bí danh vì sợ bị chính quyền Trung Quốc trù dập.
Là con trai của một gia đình nông thôn Trung Quốc, anh mua một căn chung cư hồi cuối năm 2020, chỉ ba năm sau khi tốt nghiệp đại học. Khi đó, anh rất lạc quan về tương lai.
Căn chung cư rộng 102 mét vuông của anh Vương đã mất ⅕ mức giá ban đầu 1.2 triệu nhân dân tệ (~ 176,000 USD). Kể cả khi anh muốn bán nhà thì cũng có ít người mua. Anh vẫn còn nợ ngân hàng 880,000 nhân dân tệ (~ 124,000 USD), tương đương với hơn 90% giá trị tài sản hiện tại.
Để tìm lối thoát, anh Vương đã dùng thẻ tín dụng để đầu tư 100,000 nhân dân tệ (~ 14,000 USD) vào thị trường chứng khoán hồi tháng 02/2023, nắm giữ một danh mục đầu tư gồm cổ phiếu của cả doanh nghiệp nhà nước lẫn công ty tư nhân. Nhưng kể từ thời điểm đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã liên tục sụt giảm. Đến tháng 11/2023, anh chỉ còn lại chưa đến 40% số tiền đầu tư ban đầu. Để hạn chế thua lỗ thêm, anh chấp nhận lỗ và bán cổ phiếu của mình, mô tả đó là một quyết định “rất đau đớn”.
Anh Vương nói với The Epoch Times rằng việc bán tháo trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc “đã làm mọi chuyện tồi tệ hơn”.
Mặc dù năm ngoái thật khó khăn nhưng anh cho biết: “Tôi nghĩ năm 2023 vẫn còn tốt chán so với nhiều năm sắp tới.”
Anh Vương chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy điều ngược lại.
Hiện tại, giá trị tài sản ròng của anh là âm. Tổng số nợ mua nhà và thẻ tín dụng của anh Vương là khoảng 1.5 triệu nhân dân tệ; anh sở hữu một căn nhà mà anh có thể bán được với giá 950,000 nhân dân tệ và anh không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Khoản nợ thẻ tín dụng 600,000 nhân dân tệ đã phát sinh thêm vì sửa sang nhà ở, trang trải chi phí y tế cho cha anh, và những khoản thua lỗ trước đó trên thị trường chứng khoán.
Để quản lý được các thẻ tín dụng và các thời hạn thanh toán khác nhau mỗi tháng, anh đã phải vay bên này để trả cho bên khác. Số đơn đặt hàng tại nhà máy của anh không có dấu hiệu tăng lên, ám chỉ một bức tranh ảm đạm.
Anh Vương nói, “Đến một lúc nào đó, tôi sẽ phải tuyên bố phá sản.”
Anh cho biết, đầu tiên anh sẽ bán căn chung cư của mình để công ty thẻ tín dụng không thể lấy được. Sau đó, anh sẽ ngừng trả nợ thẻ tín dụng và bắt đầu sống bằng tiền mặt.
Anh Vương nói, “Tôi không biết liệu mình còn có lựa chọn nào khác không.”
Anh đã nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong khu phố của mình. Quán mì mà anh thường lui tới đã đổi chủ sáu lần trong 12 tháng qua. Lưu lượng khách hàng trong các trung tâm mua sắm cũng giảm; các quán ăn ngon nổi tiếng từng có hàng dài người xếp hàng và thời gian chờ trung bình từ 30 phút trở lên trước đại dịch COVID-19 giờ đã vắng đi một nửa số thực khách.
“Tôi thậm chí không đủ khả năng chi trả cho một vòng thử nghiệm và sửa sai nếu tôi mở một doanh nghiệp nhỏ,” anh Vương nói, đồng thời cho biết anh đã cạn kiệt mọi lựa chọn để thoát cảnh khó khăn về tài chính.
Anh xem trường hợp của mình là ví dụ điển hình cho một nhóm lớn người dân Trung Quốc, vì anh không phải là một trong những thanh niên thành thị mà gia đình có thể trợ giúp đáng kể khi rơi vào khó khăn tài chính.
“Tôi đến từ một vùng nông thôn. Gia đình tôi không khá giả đến thế. Rất nhiều người cũng gặp hoàn cảnh tương tự,” anh Vương nói. “Tôi nghĩ tôi siêng năng hơn nhiều người khác. Nếu kể cả tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tồi tệ như vậy, thì bạn có thể tưởng tượng được có bao nhiêu người khác đang gặp khó khăn.”
Anh tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái.
Anh Vương nói: “Chỉ cần bạn sống ở đất nước này và quan sát những gì đang diễn ra xung quanh mình, thì bạn chắc chắn sẽ thấy các dấu hiệu.”
Suy thoái kinh tế
“Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang hiển lộ rõ mà chẳng ai hay,” Yardeni Research, một công ty cố vấn đầu tư toàn cầu có trụ sở tại New York, viết trong một ghi chú gửi khách hàng vào cuối tháng Một. “Đó là kết cuộc của hiệu ứng tài sản tiêu cực lớn do giá địa ốc và cổ phiếu lao dốc.”
Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất hơn 6 ngàn tỷ USD kể từ mức đỉnh điểm hồi đầu năm 2021. Chỉ số MSCI China Index giảm khoảng 60% trong cùng khoảng thời gian.
Theo ông Edward Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc đã khởi phát từ khoảng tháng 11/2022, khi Trung Cộng khởi xướng gói thanh khoản ba đợt – gọi là chính sách “ba mũi tên” – để giúp các nhà phát triển địa ốc tiếp cận các khoản vay ngân hàng, trái phiếu, và thị trường vốn cổ phần khi cần nhiều tiền hơn.
Ông cho rằng cuộc suy thoái sẽ kéo dài thêm một hoặc hai năm nữa trước khi Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế với tốc độ tăng trưởng từ 0 đến 2% trong 10 đến 20 năm tới.
Đối với ông, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức 5.2% của Trung Quốc – cao hơn một chút so với dự báo chính thức 5% – không phù hợp với các chỉ số khác trên thị trường, chẳng hạn như giá đồng và giá dầu thấp do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và việc cổ phiếu mất giá hàng loạt trên thị trường chứng khoán.
Ghi chú của Yardeni Research cho biết, “Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nợ lớn ở Trung Quốc.”
Theo công ty này, các khoản vay của ngân hàng Trung Quốc đã tăng gần gấp 8 lần từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2023, tương đương từ 5 ngàn tỷ USD lên 33 ngàn tỷ USD, so với mức tăng gấp đôi lên 12 ngàn tỷ USD của các khoản vay ngân hàng của Mỹ trong cùng thời kỳ.
Ông Yardeni nói với The Epoch Times rằng, mặc dù thế giới có thể chưa bao giờ chứng kiến một cuộc suy thoái theo định nghĩa chính thức – tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý liên tiếp – được phản ánh trong dữ liệu của Trung Quốc, nhưng tất cả các chỉ số đều cho thấy một cuộc suy thoái.
Ông không phải là người duy nhất đặt câu hỏi về số liệu thống kê của Trung Quốc.
Rhodium Group – một công ty nghiên cứu hàng đầu về nền kinh tế Trung Quốc – ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm ngoái chỉ khoảng 1.5%.
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) – một nhà văn và nhà bình luận độc lập về Trung Quốc – cho biết Trung Cộng đã tạo ra tốc độ tăng trưởng 5.2% bằng cách hạ thấp cơ sở tính toán của năm trước.
Hôm 29/12/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ giảm 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70 tỷ USD) trong mức GDP năm 2022 vì “bước xác minh dữ liệu cuối cùng.” Tác động của việc điều chỉnh này là giảm khoảng 0.5% mức tăng GDP.
Hồi cuối tháng Một, ông Thái đã chỉ ra rằng mức giảm GDP cấp tỉnh năm 2022 không tương ứng với mức giảm chung của cả quốc gia. Vài ngày sau, BBC cũng đã đưa tin về những vấn đề dữ liệu tương tự.
Ông nói với The Epoch Times, “Trung ương Đảng đặt ra mức 5.2%; sau đó họ công bố là 5.2%. Họ đã cố gắng làm giả các con số, nhưng không thể nào mà làm cho những lời nói dối đó nhất quán ở mọi cấp độ.”
“Đó là một cách tiếp cận hoàn toàn trơ trẽn. Họ không quan tâm những con số đó là thật hay giả.”
Thắt lưng buộc bụng
Cô Lý (Li), một phóng viên tự do 27 tuổi chuyên đưa tin về nền kinh tế ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times: “Mọi thứ xung quanh tôi đều đang xuống cấp toàn diện.”
Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng, gồm cả bản thân cô, đang tìm kiếm những sản phẩm thay thế rẻ hơn, từ thực phẩm, thức uống, cho đến du lịch. Cô Lý cũng dùng bí danh để bảo toàn công việc của mình.
Cô cho biết các chuỗi cửa hàng cà phê và trà sữa nội địa Trung Quốc đang mở rộng sang các thành phố cấp thấp hơn vì mức tiêu thụ ở thị trường thành thị quá thấp không đủ trang trải chi phí. Tuy nhiên, bài báo cô Lý viết về xu hướng này đã phải thông qua kiểm duyệt, nên cô phải kể câu chuyện đó như thể mức tiêu dùng đã tăng lên ở các thành phố nhỏ.
Cô cho biết có một “cảm giác kỳ lạ” khi đến thăm các trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh – các quán ăn trong khu ẩm thực rất đông đúc, nhưng lại không có nhiều người mua sắm tại các cửa hàng.
Quán ăn nổi tiếng nhất là nơi mà cô Lý cho biết bán “10 nhân dân tệ (khoảng 1.40 USD) carbohydrate chất lượng thấp” và “một bát giúp quý vị no nhưng chắc chắn sẽ làm tăng lượng đường và khiến quý vị mập.”
Ngoài các nguồn bữa ăn giá rẻ, cô đã nhận thấy rằng các doanh nghiệp cung cấp các lựa chọn thay thế giá cả phải chăng hơn đang bán chạy. Nhưng lợi nhuận lại là một câu chuyện khác.
Thay vì mua áo khoác mới cho mùa đông như những năm trước, giới trẻ Trung Quốc đang mua những chiếc áo khoác quân đội của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào mùa đông này. Một chiếc áo khoác quân đội có thể được mua với giá hơn 30 nhân dân tệ (khoảng 4 USD), trong khi một chiếc áo khoác ngoài có giá cao hơn gấp ít nhất 9 lần.
Tuy nhiên, màu sắc và kiểu dáng màu xanh đậm của áo khoác quân đội không được giới trẻ ưa chuộng lắm, vì vậy các nhà cung cấp có kiểu dáng cải tiến được đón nhận hơn.
Không giống như anh Vương, cô Lý cho biết cô đã “nằm thẳng” rồi.
Xuất thân từ thủ phủ của một tỉnh ở phía đông bắc Trung Quốc, cô sống bên ngoài Đường Vành đai Năm ở Bắc Kinh – ở phía nghèo hơn của đường phân giới về tình trạng kinh tế xã hội – gần một trung tâm tiếp vận hàng hóa lớn ở quận Thuận Nghĩa của Bắc Kinh, tọa lạc tại phía đông bắc trung tâm đô thị của thành phố.
Không giống như ở Hoa Kỳ, người giàu Trung Quốc thường sống ở gần trung tâm thành phố hơn. Hàng xóm của cô Lý đều hoặc là chủ nhà hàng muốn tiết kiệm để gửi tiền về quê hoặc những người lao động sống nhờ vào công việc từng ngày.
“Tôi cảm thấy mình chẳng khác gì những người được trả lương hàng ngày,” nhà văn tự do này nói. “Điều kiện sống của tôi cũng không khác là mấy. Tôi đang sống từng ngày một.”
Cô Lý không có bảo hiểm y tế. Với thu nhập trung bình hàng tháng là 5,000 nhân dân tệ (khoảng 700 USD), cô sống dựa vào những bữa ăn rẻ tiền ở các quán ăn địa phương. Khi phải đi đến nhiều tỉnh vào cuối năm ngoái, cô đã chọn đi những chuyến tàu địa phương chậm chạp trong suốt quãng đường, để tránh những chuyến tàu cao tốc đắt tiền hơn.
Những người xung quanh cô đã bỏ qua các chuyến du lịch ngoại quốc thông thường đến Singapore, Malaysia, và Thái Lan để tập trung vào việc viếng thăm các địa điểm trong nước.
Một giáo sư luật ở tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc – một tỉnh duyên hải góp phần giúp nước này trở thành “nơi sản xuất của thế giới” – cho biết thanh niên và những người làm việc trong khu vực tư nhân ở tỉnh của cô là những nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng từ việc xuất cảng giảm.
42 triệu lao động nhập cư chiếm khoảng ⅓ dân số của tỉnh. Thu nhập của họ vốn có liên quan mật thiết đến tình hình xuất cảng, nên khi thu nhập bị sụt giảm, mức tiêu dùng chung ở Quảng Đông đã giảm theo.
Vị giáo sư này đã nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện ẩn danh vì sợ bị trả thù.
Trung Quốc xuất cảng lượng hàng hóa trị giá 3.38 ngàn tỷ USD trong năm 2023, giảm 4.6% so với năm 2022 và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2016.
Những người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm cả các trường đại học công, hiện ít bị ảnh hưởng hơn vì họ thường được phép yêu cầu hoàn trả chi phí thực phẩm, y tế, và đi lại.
Tuy nhiên, vị giáo sư này cho biết, giống như cô, nhiều công chức đã không nhận được tiền thưởng trong ba năm và cơ quan thuê họ đôi khi còn lấy lại vài ngàn USD mỗi năm – nói rằng nhân viên vẫn còn nợ thuế, gọi khoản này là một “khoản điều chỉnh để cân bằng thuế”.
Theo cô, các công chức không dám bàn về việc thu nhập giảm vì sợ mất việc. Nhưng cô biết rằng sự sụt giảm thu nhập đang diễn ra vì công chức và những người khác trong khu vực công cũng sử dụng cùng một hệ thống lương bổng như cô.
Khi nguồn thu thuế của chính quyền tiếp tục giảm, vị giáo sư này dự đoán tình hình kinh tế ngày một tệ hơn sẽ ảnh hưởng đến nhân viên khu vực công vào cuối năm nay, ảnh hưởng đến mức lương của họ trong năm tới.
“Chính quyền địa phương không có tiền; các sở tài chính của họ đang nói như vậy,” cô nói với The Epoch Times. “Họ đang cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn thông qua ‘khoản điều chỉnh cân bằng thuế’ và các khoản tiền phạt mới, những nguồn mà một ngày nào đó sẽ cạn kiệt. Với tiền thuế thu được ít hơn do sự phá sản của các công ty tư nhân do xuất cảng sụt giảm, chúng tôi sẽ sớm cảm nhận được nỗi đau.”
Giảm thiểu tổn thất
Bloomberg đưa tin hôm 22/01 cho biết, Trung Quốc đã suy tính bơm 2 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 278 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán để ngăn chặn sụt giảm thêm.
Hai ngày sau, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm 0.5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 05/02. Mức cắt giảm này là nhiều nhất kể từ tháng 12/2021, được kỳ vọng sẽ đưa đến khoảng 1 ngàn tỷ nhân dân tệ dưới dạng các khoản vay mới.
Hôm 06/02, Công ty Đầu tư Trung ương Hội Kim (Central Huijin Investment), công ty cổ phần của công ty quốc doanh Công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corp), đã công bố gia tăng nắm giữ các cổ phiếu đại lục. Kết quả của một loạt biện pháp này là các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã tăng vài điểm phần trăm, từ 3% trong các chỉ số ở Thượng Hải và Hồng Kông đến 7% trong Chỉ số Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến.
Ông Mike Sun – một doanh nhân sinh sống tại Hoa Kỳ, có hàng chục năm kinh nghiệm cố vấn cho các nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc kinh doanh tại Trung Quốc – nói với The Epoch Times: “Trung Cộng muốn tạo ấn tượng rằng vẫn còn tiền để kiếm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.”
Do đó, ông nói rằng khi Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay – một viễn cảnh mà hiện Wall Street đang có sự đồng thuận – một số nhà đầu tư đang tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn có thể chuyển vốn sang Trung Quốc. Đồng thời, sự phục hồi vừa phải của chứng khoán sẽ không đủ để khiến nhiều nhà đầu tư có danh mục đầu tư bị giảm 60% hoặc 50% rút ra khỏi thị trường chứng khoán.
Nhưng ông Yardeni không tin rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi Fed cắt giảm lãi suất vì “họ đã không còn muốn đầu tư vào Trung Quốc.”
Ông nói: “Thị trường chứng khoán đã gửi đi một thông điệp tiêu cực, có thể là đang nói lên sự thật về những gì đang diễn ra ở đó – rằng nền kinh tế của Trung Quốc thực sự đang gặp khó khăn.”
“Và [Trung Cộng] muốn giữ hình ảnh nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động tốt dưới sự lãnh đạo của họ. Đó là để giảm bớt tổn thất.”
Theo ông Ngô Gia Long (Henry Jia-Long Wu) – nhà bình luận kinh tế chính trị cao cấp ở Đài Loan – nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nằm ngay trong bản chất gốc rễ của nhà cầm quyền.
Ông nói với The Epoch Times: “Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay là ở chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Trung Cộng.”
“Kinh tế thị trường có đặc điểm là cạnh tranh thông qua đổi mới, trong khi chủ nghĩa xã hội theo đuổi sự kiểm soát thông qua quyền lực.”
“Vì vậy, chính quyền ông Tập Cận Bình không thân thiện với các doanh nghiệp tư nhân, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến khu vực tư nhân mất năng lượng trong tương lai. Đó sẽ là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Ngô cho biết nền kinh tế dựa vào xuất cảng của Trung Quốc đang phải hứng chịu các biện pháp kiểm soát công nghệ cũng như các mức thuế quan của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Hơn nữa, tình trạng không chắc chắn do thiếu dữ liệu kinh tế vĩ mô đáng tin cậy đang khiến vốn ngoại quốc tháo chạy và dẫn đến mất niềm tin vào triển vọng kinh tế.”
“Cuối cùng, sẽ có nhiều áp lực suy thoái hơn làm kéo dài cuộc suy thoái đang diễn ra.”
Trong ba thập niên qua, tiêu dùng, xuất cảng, và đầu tư đã được công nhận rộng rãi là “cỗ xe tam mã” (troika) hay ba động lực hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc.
Mùa hè năm ngoái (2023), nhà bình luận chính trị Trung Quốc Tần Bằng (Qin Peng) đã dự kiến việc một bộ ba mới – Cục Thống kê Quốc gia, Ban Tuyên truyền của Trung Cộng, và Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc – làm giả dữ liệu kinh tế, quảng bá một bức tranh về sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cũng như loại bỏ các thông điệp mâu thuẫn với lối tường thuật chính thức.