Tại sao niệm kinh phải nhất tâm bất loạn
Rất nhiều người trong lòng luôn ôm giữ thiện niệm vì người khác, muốn thông qua việc niệm Kinh hoặc làm các Phật sự khác để cầu phúc cho người thân hoặc thuộc hạ của mình. Trong một số câu chuyện vào triều đại nhà Minh, Thích Kế Quang vì các binh sĩ tử trận mà tụng Kinh, chỉ vì trong lúc vô ý thêm vào một niệm khiến việc siêu độ bị ngăn trở; nhà sư Vân Nam tụng Kinh nhưng tâm niệm bất thuần, Thần nhân xuất hiện trong mộng cảnh tỉnh; người chồng vì người vợ đã mất mà làm Phật sự, kết quả anh ta đã nghe được những gì? Ba mẩu chuyện nhỏ sau đây khiến người đời phải suy ngẫm.
Quân sĩ tử trận cần siêu độ. Chủ soái trong lúc niệm kinh xen lẫn 2 từ “Không cần”
Vào năm Gia Tĩnh thứ bốn mươi (năm 1561), giặc Oa điên cuồng xâm phạm Thái Châu. Thích Kế Quang (1528–1588) dẫn quân dẹp loạn, trong vòng một tháng đánh 9 trận thì thắng hết cả 9 trận. Năm sau, giặc Oa tấn công Phúc Kiến. Thích Kế Quang đảm nhiệm chức Phó Tổng Binh, cùng với Đàm Luân đồng tâm hiệp lực đánh tan giặc Oa; tháng Năm năm đó, ông thu phục Bình Hải và Hưng Hóa. Trong thời gian lãnh quân canh giữ thành Tam Giang, ông thường xuyên thành tâm tụng niệm Kinh Phật. Quân vụ mặc dù cấp bách cũng không khiến ông vì vậy mà xao nhãng.
Một đêm nọ, Thích Kế Quang trong mộng gặp một người binh sĩ đã tử trận, binh sĩ này nói: “Ngày mai, thê tử của tôi sẽ đến gặp ngài. Khẩn cầu ngài tụng một biến ‘Kim Cang Kinh’ để siêu độ cho tôi”. Ngày hôm sau, thê tử của người binh sĩ quả nhiên đến cầu kiến; những lời của người phụ nữ này trùng khớp với giấc mộng của Thích công.
Vào thời Trung Quốc cổ đại, chẳng hạn dưới thời trị vì của vua Đường Thái Tông, triều đình hay vì các tướng sĩ đã tử trận mà thiết đãi cúng dường, xây sửa chùa chiền, thành tâm sám hối để những tướng sĩ tử trận sớm được siêu thoát và được quy y.
Vì vậy, sáng sớm ngày hôm sau, sau khi trai tịnh xong, Thích Kế Quang bắt đầu tụng kinh cho những binh sĩ đã tử trận. Đêm đó, người binh sĩ báo mộng cho thê tử của mình rằng: “Hãy cảm tạ chủ soái đã vì tôi mà tụng niệm Kinh, nhưng giữa chừng bị lẫn vào hai chữ ‘không cần’ vì vậy mà công đức không được trọn vẹn. Tôi vẫn chưa thể giải thoát khỏi sự thống khổ được.” Sáng sớm hôm sau, thê tử của người binh sĩ kia lại đến cầu kiến Thích Kế Quang một lần nữa, và đem những gì thấy được trong mộng kể lại.
Thích Kế Quang nghe xong thì vô cùng kinh ngạc. Ông nhớ lại trong lúc đang niệm Kinh thì phu nhân của ông sai tỳ nữ đem trà bánh đến. Thích Kế Quang từ xa đã nhìn thấy liền huơ tay có ý bảo người tỳ nữ không cần đem đến. Mặc dù Kế Quang miệng không nói gì nhưng trong tư tưởng của ông nghĩ đến chữ “không cần”. Sau chuyện đó, Kế Quang đem chuyện này kể lại cho thuộc hạ và nhiều người khác; chuyện này cứ như vậy mà được lưu truyền.
Tăng nhân tụng kinh lẫn tạp niệm, Thần nhân xuất hiện trong mộng cảnh tỉnh
Thiền sư Triệt Dung người Vân Nam (1591–1641) là sư tổ khai sơn núi Diệu Phong, là cao tăng Phật môn đương thời. Ông kể lại rằng trong thời gian ngã bệnh, ông đã có một giấc mộng. Trong mộng có một vị Thần nhân xuất hiện, tay cầm một quyển sổ nói với ông rằng: “Đây là tội của những người trong lúc tụng niệm Kinh mà xen lẫn tạp niệm.” Triệt Dung đón lấy quyển sổ và dở ra xem; trong đó có tên của rất nhiều người, đều là những người trong lúc chép Kinh hoặc tụng niệm Kinh mà xen lẫn những niệm thế tục, vì vậy mà phạm phải tội, và tên của ông cũng được viết ở trang cuối cùng.
Sau khi xem xong, Triệt Dung vô cùng kinh ngạc, trong lòng vừa kính trọng vừa sợ hãi. Vị Thần nhân nói với ông: “Nếu mỗi lần tụng một quyển Kinh sách mà lẫn vào hai niệm đầu, vậy ngươi nghĩ xem cả một đời tụng niệm Kinh sách thì sẽ lẫn vào đó bao nhiêu niệm đầu đây?”
Triệt Dung đột nhiên tỉnh giấc, mồ hôi ướt đẫm lưng. Câu chuyện này trở thành bài học cảnh tỉnh cho cả tăng chúng Phật môn và phàm phu tục tử.
Tâm địa bất kính, Phật sự tuy lớn cũng vô ích
Vào thời nhà Minh, còn có một câu chuyện khác: một người chồng vì người vợ đã qua đời của mình mà làm Phật sự rất lớn, nhưng vì hành vi của anh ta không đủ đoan chính, khiến người vợ không thể giải thoát.
Một vị quan thời nhà Minh tên gọi là Đồ Trường Khanh (1543–1605, hiệu là Long) kể về câu chuyện của Cố Dưỡng Khiêm (1537–1604) sống tại huyện Thông Châu tỉnh Giang Tô (nay là Nam Thông). Cố Dưỡng Khiêm đảm nhiệm chức Thiếu Tư Mã, hay còn gọi là Binh Bộ Thị Lang, là phó chức Đại Tư Mã, nắm giữ quân chính, là một người tài năng, hào phóng lại phong nhã. Sau khi phu nhân qua đời, Cố Dưỡng Khiêm làm Phật sự lớn để siêu độ phu nhân quá cố. Vài năm sau, tiểu thiếp của ông ta đột ngột qua đời, qua một đêm thì hồi sinh trở lại. Người tiểu thiếp sau khi tỉnh lại thì khóc nức nở không ngớt, Dưỡng Khiêm liền hỏi nguyên nhân.
Người tiểu thiếp nói: “Sau khi thiếp mất, vừa đến âm phủ thì nhìn thấy phu nhân đang bị nhốt trong một căn phòng tối. Phu nhân nói: ‘Ta ở đây vô cùng khổ sở, các người hãy mau mau làm công đức cứu ta.’”
Người tiểu thiếp nghe xong cảm thấy rất đỗi kinh ngạc, bởi vì sau khi phu nhân qua đời, Cố Dưỡng Khiêm đã vì bà mà làm Phật sự rất lớn để giúp bà siêu độ, tại sao lại không khởi tác dụng kia chứ? Phu nhân nói với người tiểu thiếp: “Mời tăng nhân tụng Kinh sám hối siêu độ, quan trọng nhất vẫn là chủ nhà phải hết mực chân thành giữ trai giới, có vậy mới có thể tiêu trừ tội lỗi, làm tăng phước báu. Ngày trước trong lúc các tăng nhân ở lễ đường tụng Kinh niệm Phật thì tướng công lại ở trong phòng uống rượu. Như vậy có thể khởi được tác dụng gì đây?”
Sau khi nghe người tiểu thiếp tường thuật lại sự việc, Cố Dưỡng Khiêm liền bật khóc. Vì vậy, Cố Dưỡng Khiêm liền chọn ngày thỉnh mời một vị cao tăng nghiêm khắc tuân thủ giới luật, đồng thời dùng tâm thái nghiêm túc để đối đãi Phật sự. Đây là do Đồ Trường Khanh tận mắt chứng kiến và ghi chép lại.
Trong những câu chuyện này, bất luận là Thích Kế Quang, Triết Dung thiền sư, hay Cố Dưỡng Khiêm, họ đều có tâm nguyện làm điều thiện, nhưng vì tâm niệm bất thuần, vô tình xen lẫn tạp niệm, vô ý phạm tội, khiến người đã mất được giải thoát chậm trễ. Có lẽ, chỉ khi tụng Kinh mà trong lòng không có tạp niệm thì mới được Thần Phật gia trì. Chỉ khi Thần Phật rủ lòng từ bi thì mới có thể thật sự giải trừ khổ ách của chúng sinh.
Tài liệu tham khảo: