Tại sao phong trào ‘rời California’ lại phát triển nhanh chóng
JAMIE JOSEPH
Ông Terry Gilliam, người sáng lập các nhóm Facebook “Leaving California” (Rời California) và “Life After California” (Cuộc Sống Sau California) đã thu hút tổng cộng hơn 250,000 thành viên – những người đang tìm cách tham gia cùng hàng ngàn người đang rời khỏi tiểu bang này hoặc những người đã rời đi.
Kể từ khi nhóm đầu tiên bắt đầu ra mắt năm 2018, ông cho biết các nhóm này đã phát triển đều đặn, nhưng gần đây nhanh chóng thu hút được nhiều thành viên hơn.
“Tôi tin rằng một triệu người sẽ rời khỏi [California] trong năm nay. Và tôi không thấy xu hướng này chậm lại nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm,” ông Gilliam nói với người dẫn chương trình California Insider của EpochTV, ông Siyamak Khorrami, trong tập phát sóng hôm 10/09.
Tính đến tháng 07/2021, đã có khoảng 367,000 người rời khỏi California trong năm nay, đại diện cho mức di cư nội địa cao nhất trên toàn quốc, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số.
Ông Gilliam cho biết lý do mọi người rời đi rất đa dạng. Chi phí sinh hoạt, các chính sách về tội phạm, tình trạng vô gia cư, và khí hậu là vài lý do khiến các gia đình quyết định thực hiện một cuộc di cư lớn.
Tháng 07/2022, Redfin đưa tin cho biết, trên toàn quốc, San Francisco và Los Angeles lần lượt xếp hạng nhất và nhì trong các thành phố có cư dân rờì đi để đến các địa điểm khác. Cùng với hai thành phố này, Thành phố New York, Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và Seattle tạo thành top 5.
Chi phí sinh hoạt
California là một trong những nơi có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước. Chi phí trung bình để sở hữu một ngôi nhà trong tháng Tám là hơn 839,000 USD, tăng từ mức 707,000 USD trong năm 2020, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản California. Mức giá trung bình trên toàn quốc của Hoa Kỳ là khoảng 430,000 USD.
“Tại hầu hết những nơi còn lại của đất nước, quý vị có thể đi ăn tại một nhà hàng một cách thường xuyên, vì quý vị có thu nhập dư dả, vì quý vị không bị đánh thuế bạt mạng,” ông Gilliam nói. “Và không có quy định nào khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ như vậy”.
California có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 8.8%, thuế bán hàng 7.3%, và mức thuế [thu nhập] cá nhân cao nhất của tiểu bang này là 13.3%.
“Những gì California đang làm là họ đang loại bỏ tầng lớp trung lưu. Sẽ không còn tầng lớp trung lưu nữa,” ông nói. “Quý vị có những người siêu giàu không quan tâm đến việc sống ở đây tốn bao nhiêu tiền – bởi vì họ thích sống ở đây – và quý vị sẽ có những người nghèo được trợ cấp mọi thứ.”
Tình trạng tội phạm và vô gia cư
Sự an toàn là mối bận tâm lớn của nhiều cư dân California.
“Tôi sẽ nói với quý vị rằng 98% người dân đều rất vui vì họ đã rời đi,” ông Gilliam tuyên bố. “Họ không thể tin được cuộc sống bên ngoài California tuyệt vời ra sao, chỉ từ việc quý vị có thể an tâm hơn, có một người láng giềng thân thiện, quý vị biết đấy, đi bộ xuống phố và không phải lo lắng về một người vô gia cư sắp xuất hiện.”
Viện Chính sách Công California đã xem xét xu hướng tội phạm của tiểu bang này vào năm 2021 và nhận thấy sự gia tăng về số tội phạm bạo lực và trộm cắp tài sản – với số vụ sát nhân tăng 17% – ở Los Angeles, Oakland, San Diego, và San Francisco.
“Sự gia tăng tội phạm trộm cắp tài sản vào năm 2021, do các vụ đột nhập xe hơi và trộm xe hơi, cho ra số tội phạm trộm cắp tài sản gần với số lượng trước đại dịch,” bản ghi nhớ của viện chính sách này cho biết. “Nhu cầu tiếp tục theo dõi các xu hướng tội phạm, điều tra những nguyên nhân căn bản, và xác định các giải pháp hiệu quả vẫn còn cao.”
Ông Gilliam nhớ lại việc một người vô gia cư ném một tách cà phê vào người ông khi ông đang tản bộ qua San Francisco. Ông đã phải chuyển nhà từ vùng Bay Area đến Orlando, Florida.
Cháy rừng và việc quản trị nguồn nước
Việc quản trị môi trường của California cũng là nguyên nhân gây lo ngại, ông nói, khi chỉ ra rằng các đám cháy rừng của tiểu bang này là lý do để chỉ trích các chính sách được áp dụng.
“Vào những năm 80, khi tôi mới chuyển đến đây, họ đã kiểm soát được rất nhiều vụ cháy rừng,” ông nói. “Chúng ta từng có một ngành công nghiệp gỗ phát triển mạnh nhờ vào việc chặt cây, nhưng họ đã kết thúc tất cả những điều đó.”
Ông khẳng định, chính sách chứ không phải biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Ông cũng cho biết tiểu bang không xây dựng đủ hồ chứa nước trong khi [tiểu bang] có tình trạng hạn hán.
Ông Gilliam cho biết, nếu giới lãnh đạo không tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ, thì ông tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người tiếp tục tham gia vào phong trào gọi là California Exodus (Cuộc di tản khỏi California).