Tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, tâm lý giảm sút
Dữ liệu mới của chính phủ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ trong tháng Bảy tăng trưởng mờ nhạt 0.3%, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng 1.1% trong tháng trước và là một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế có thể chững lại trong quý thứ ba khi biến thể Delta lây lan.
Bộ Thương mại cho biết trong một thông cáo hôm 27/08 rằng chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ, đã tăng 42.2 tỷ USD trong tháng Bảy, tương đương 0.3% so với tháng trước. Một thước đo tâm lý riêng từ Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đã giảm mạnh trong tháng Tám.
Tuy nhiên, nền tảng cho sự phục hồi kinh tế dường như là vững chắc, với báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy tiền lương tăng và tăng tiết kiệm, đem lại cho người tiêu dùng Hoa Kỳ nhiều tiềm năng chi tiêu hơn để khai thác trong tương lai, ngay cả khi sự gia tăng nhiễm bệnh làm lu mờ triển vọng.
Ông Sal Guatieri, một nhà kinh tế cao cấp của BMO Capital Markets ở Toronto, nhận xét với Reuters: “Có những rủi ro rõ ràng đối với việc chi tiêu nếu nhiều sự kiện và chuyến đi bị hủy bỏ và nhiều sản phẩm bị trì hoãn lên kệ hàng. Nhưng còn hơi sớm để bỏ qua triển vọng kinh tế với mức lương hỗ trợ và xu hướng tiết kiệm cũng như khả năng thúc đẩy từ đầu tư kinh doanh, hàng tồn kho và thương mại trong quý thứ ba.”
Bên cạnh sự trỗi dậy của đại dịch, một đám mây khác đang bao phủ trên đà phục hồi là tâm lý người tiêu dùng giảm mạnh. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm xuống 70.3 trong tháng Tám, mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Ông Richard Curtin, giám đốc khảo sát, cho biết: “Phản ứng cực đoan của người tiêu dùng là do biến thể Delta tăng mạnh, lạm phát cao hơn, tăng lương chậm hơn, và tỷ lệ thất nghiệp giảm ít hơn. Sự suy giảm bất thường trong tâm lý cũng phản ánh một phản ứng cảm xúc, từ những hy vọng tan vỡ rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc và cuộc sống có thể trở lại bình thường.”
Cùng với việc giảm chi tiêu và suy giảm tâm lý, áp lực lạm phát đã giảm bớt một chút trong tháng Bảy. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, đã tăng 0.3% trong tháng Bảy, sau khi tăng 0.5% trong tháng Sáu và 0.6% trong tháng Năm, cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh và bây giờ sẽ bắt đầu làm dịu đi – như quan điểm của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết trong một bài diễn văn hôm 27/08 rằng, trong khi lạm phát “tăng mạnh”, có những dấu hiệu cho thấy nó đang trở nên ôn hòa.
Ông nói: “Lạm phát ở những mức này, tất nhiên, là một nguyên nhân đáng lo ngại. Nhưng mối quan tâm đó được làm dịu đi bởi một số yếu tố cho thấy rằng những chỉ số tăng cao này có khả năng chỉ là tạm thời,” lập luận rằng sự gia tăng lạm phát hiện nay phần lớn là do một nhóm hàng hóa và dịch vụ tương đối hẹp bị tác động trực tiếp bởi đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, những tác động “sẽ trôi đi theo thời gian.”
Ông Powell cũng đưa ra một trường hợp cho sự tồn tại dai dẳng của các lực lượng phi lạm phát như công nghệ và toàn cầu hóa, cho rằng có rất ít bằng chứng những điều này đã đột ngột đảo ngược hoặc giảm bớt, khi nói rằng “dường như nhiều khả năng chúng sẽ tiếp tục đè nặng lên lạm phát khi đại dịch đi vào lịch sử.”
Ông Powell cho biết, triển vọng kinh tế căn bản của Fed là nền kinh tế tiếp tục tiến triển hướng tới việc làm toàn dụng, với lạm phát quay trở lại gần với mục tiêu của Fed là trung bình 2% theo thời gian.
Trong khi sự lan rộng của biến thể Delta đã khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng trong quý hiện tại, các nhà phân tích vẫn tin rằng nếu những ca nhiễm COVID-19 giảm vào những tháng cuối năm 2021, quốc gia Hoa Kỳ sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay trong nhiều thập kỷ.