Tập thể dục hiệu quả hơn thuốc điều trị trầm cảm
Megan Redshaw, J.D.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có hiệu quả hơn những loại thuốc điều trị trầm cảm, đặc biệt khiêu vũ vượt xa tất cả các hoạt động thể chất và thuốc men khác – kế đến là tập thể dục cường độ cao
Tập thể dục có hiệu quả trung bình trong việc chữa trị trầm cảm so với các phương pháp điều trị hiện có, kể cả tập thể dục đơn độc hoặc kết hợp với các liệu pháp khác. Hơn nữa, những lợi ích từ việc tập thể dục “có xu hướng tỷ lệ thuận với cường độ,” nghĩa là hoạt động càng mạnh thì lợi ích càng lớn.
Để xác định thời lượng và loại bài tập lý tưởng cho việc điều trị rối loạn trầm cảm nặng, các chuyên gia từ Úc Châu đã tiến hành một đánh giá hệ thống và phân tích gộp – trên 14,170 người bị rối loạn trầm cảm nặng từ 218 nghiên cứu đặc biệt – và xếp hạng hiệu quả của các hình thức tập thể dục khác nhau so với các phương pháp điều trị hiện có, như liệu pháp tâm lý, thuốc chống trầm cảm và các điều kiện đối chứng.
Những phát hiện chính
Họ phát hiện rằng đi bộ hoặc chạy bộ, yoga, tập tạ và khiêu vũ là những hình thức tập thể dục hiệu quả nhất khi được sử dụng đơn độc mà không có chữa trị y tế, và những bài tập này ảnh hưởng khác nhau giữa nam và nữ. Đáng chú ý là đi bộ và chạy bộ hiệu quả cho cả nam và nữ, trong khi tập tạ và đạp xe hiệu quả hơn cho phụ nữ và người trẻ tuổi. Yoga và khí công hiệu quả hơn cho nam giới và người lớn tuổi, trong khi tập aerobic ảnh hưởng tích cực đến nam giới nhiều hơn nữ giới khi kết hợp với liệu pháp tâm lý.
Trong tất cả các hình thức, tập thể dục cường độ mạnh như chạy, tập thể dục xen kẽ, tập tạ và bài tập aerobic hỗn hợp mang lại lợi ích lớn hơn, thậm chí những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ hoặc hatha yoga vẫn đem lại “hiệu quả đáng kể về mặt lâm sàng.” Tập thể dục cũng có hiệu quả với mọi thời lượng mỗi tuần cho những người có tình trạng y tế khác nhau và mức độ trầm cảm cơ bản.
Nhìn chung, khiêu vũ vượt trội hơn tất cả các bài tập khác và các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm – bao gồm chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc và liệu pháp hành vi nhận thức.
Các tác giả tuyên bố: “Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, khiêu vũ dường như là một phương pháp chữa bệnh triển vọng cho bệnh trầm cảm, với hiệu quả tốt hơn những phương pháp khác.” Tuy nhiên, do số lượng nghiên cứu thấp, số người tham gia ít, và những sai lệch khi thiết kế nghiên cứu, các tác giả đã do dự khi đề nghị khiêu vũ cho mọi người.
Rối loạn trầm cảm nặng là gì?
Rối loạn trầm cảm nặng là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu trên toàn cầu, đặc trưng là tâm trạng luôn buồn phiền hoặc chán nản, thiếu hứng thú và vui vẻ trong cuộc sống hoặc các hoạt động yêu thích, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng, thiếu năng lượng, kém tập trung, thay đổi khẩu vị, rối loạn chức năng [thần kinh] cơ bắp, các vấn đề về giấc ngủ, hoặc suy nghĩ tự sát.
Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân, gây suy giảm chức năng, và làm trầm trọng thêm các bệnh đi kèm khác như tiểu đường, cao huyết áp, và bệnh tim. Nếu không điều trị, rối loạn trầm cảm nặng có thể gây suy nhược cơ thể.
Theo Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Thuốc và Sức khỏe năm 2021, 21 triệu (8%) người lớn Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên vào năm 2021 đã trải qua ít nhất một đợt trầm cảm nặng – phổ biến nhất trong độ tuổi từ 18 đến 25 và phụ nữ.
Trong số đó, 14.5 triệu người lớn Hoa Kỳ đã trải qua ít nhất một đợt trầm cảm nặng khiến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, 5 triệu thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 12 đến 17 tuổi đã trải qua ít nhất một đợt trầm cảm nặng, tương đương khoảng 20% số người trong nhóm tuổi đó. Trong số đó, 3.7 triệu người có sức khỏe suy giảm nghiêm trọng sau khi bị trầm cảm.
Cần có phương pháp điều trị thay thế
Theo BMJ, một số người bị rối loạn trầm cảm nặng phản ứng tốt với các phương pháp chữa bệnh bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, nhưng nhiều người kháng lại cách điều trị này, khiến các nhà khoa học phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế như tập thể dục để bổ trợ hoặc đem lại hiệu quả cao hơn so với liệu pháp y tế hay tư vấn tâm lý.
Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết đánh giá của họ có những hạn chế, nhưng những phát hiện này ủng hộ việc kết hợp tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục mạnh, vào các hướng dẫn thực hành lâm sàng cho bệnh trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố: “Mặc dù độ tin cậy của nhiều kết quả còn thấp, các hướng dẫn điều trị có thể quá dè dặt khi chỉ khuyên tập thể dục trong điều kiện bổ sung hoặc thay thế cho các liệu pháp tâm lý hoặc dược lý mà bệnh nhân không chấp thuận hoặc không có hiệu quả. Thay vào đó, các hướng dẫn chữa bệnh trầm cảm nên bao gồm lịch trình tập thể dục cụ thể và xem xét điều chỉnh hình thức tùy vào tình huống của người tham gia và đề nghị các bài tập cường độ mạnh hơn.”
Cô Megan Redshaw là luật sư và nhà báo điều tra có nền tảng về khoa học chính trị. Cô cũng là người áp dụng liệu pháp tự nhiên truyền thống với các chứng chỉ bổ sung về khoa học dinh dưỡng và thể dục.