Thái Thượng Lão Quân tìm truyền nhân
Quân Tử
Đỗ Tử Xuân ba lần được ông lão tặng tài sản
Là người sống giữa thời vua Tùy Văn Đế, từ nhỏ, Đỗ Tử Xuân sống nghèo túng do gia cảnh bần hàn, nhưng tâm cao khí ngạo; ông muốn trở thành trí sĩ mang lại lợi ích cho tầng lớp bần hàn trong thiên hạ. Ông thích uống rượu và du ngoạn. Nhiều lần tán gia bại sản, ông phải đến nương nhờ vào người thân và bằng hữu cũ, nhưng lần nào cũng đều bị từ chối. Khi vừa vào mùa đông, áo quần của ông không đủ ấm thân, bụng thì trống rỗng. Ông đi lang thang khắp đầu chợ cuối hẻm ở thành Trường An, băn khoăn không biết bản thân nên làm như thế nào. Một hôm, ông với gương mặt phờ phạc vì đói rét, ngồi than ngắn thở dài ở cửa thành Tây của chợ phía đông. Chợt có một ông lão đến hỏi: “Quân tử cớ gì lại thở dài vậy?” Đỗ Tử Xuân thổ lộ tâm chí của mình, than thở thói đời nóng lạnh. Ông lão hiểu rõ tâm chí của ông, bèn tặng cho ông ba trăm vạn đồng tiền, rồi rời đi không hề nói ra danh tính của mình.
Số tiền chi phí sinh hoạt cần thiết của một gia đình bình thường ở thành Trường An trong một năm chưa tới ba vạn đồng. Đỗ Tử Xuân đột nhiên trở nên giàu có; ông cảm thấy bản thân có thể sống hưởng thụ đến hết đời, nên cả ngày sênh ca tấu vũ, nuôi chó dạy chim ưng, mặc sức du ngoạn. Thoắt cái đã qua hai năm, từ xe đổi thành ngựa, từ ngựa xuống lừa, lừa không còn chuyển sang đi bộ. Đỗ Tử Xuân trở lại như lúc ban đầu, muốn chấn chỉnh lại nhưng không còn cách nào cả. Ông lại ngồi than thở ở cửa thành Tây, lần nữa gặp lại ông lão. Ông lão cầm tay Đỗ Tử Xuân nói: “Quân tử lại lưu lạc đến tình trạng này, cũng là một chuyện kỳ lạ, tôi sẽ giúp ông thêm lần nữa.” Ông lão lại tặng cho Đỗ Tử Xuân một ngàn vạn đồng tiền.
Lúc đầu, khi vừa lại có tiền, Đỗ Tử Xuân lập chí cố gắng sửa đổi sai lầm trước kia của mình. Nhưng trải qua thời gian lâu dài, ông lại chứng nào tật nấy, thỏa thích du sơn ngoạn thủy như trước đây. Qua ba, bốn năm sau, ngàn vạn tiền bị tiêu sạch, ông lại bần hàn như cũ. Lại gặp được ông lão ấy, Đỗ Tử Xuân xấu hổ che mặt. Ông lão cầm tay áo Đỗ Tử Xuân nói: “Tôi lại giúp ông ba ngàn vạn tiền nữa. Nếu ông còn không thể thay đổi tâm tính, như vậy chứng tỏ nút thắt trong tim ông đã thâm nhập vào trong xương tủy rồi. Cho dù Biển Thước có sống lại cũng không trị khỏi cho ông được.”
Tử Xuân rơi nước mắt nói: “Sau khi tôi lưu lạc, không một người thân hay bằng hữu cũ nào giúp đỡ tôi, mà một người cao tuổi như ngài giúp tôi ba lần. Tôi làm sao để báo đáp ngài đây?”. Rồi ông lại nói tiếp: “Khi tôi có ba ngàn vạn, tôi sẽ quyết tâm thực hiện nguyện vọng giúp đỡ những người nghèo khổ trong thiên hạ, giúp đỡ đời sống cho những mẹ góa con côi, những học sinh nghèo khổ. Khi làm xong những việc này, tôi sẽ tới báo đáp ân nghĩa to lớn của ngài, nguyện mặc cho ngài sai khiến.” Ông lão đáp: “Đó thực là tâm nguyện của tôi. Làm xong những việc này, ba năm sau, vào ngày 15 tháng 7 tết Trung Nguyên, ông hãy đến dưới hai gốc cây thông trước miếu Lão Quân ở Hoa Sơn nhé.”
Giữ lời hứa và lên núi giúp Đạo sĩ luyện đan
Lần này Đỗ Tử Xuân không còn tiêu xài hoang phí nữa. Ông lập ra một vài khu trang ấp làm việc nghĩa. Trong các trang ấp ấy đều có ruộng đất, trường học và khu mộ phần dành cho người nghèo. Bất kể là mẹ góa con côi hay người già yếu, chỉ cần là người cần nơi nương tựa, cấp dưỡng, cần được học hành hay cần được khâm liệm mai táng, ông đều cố gắng giúp đỡ. Những người nhận được ân huệ của ông đều cảm phục ân phúc ấy. Ba năm đã trôi qua, Đỗ Tử Xuân đi đến miếu Lão Quân ở ngọn Vân Đài, Hoa Sơn đúng như lời hẹn. Tử Xuân nhìn thấy ông lão trong trang phục Đạo sĩ, đầu đội bảo quan, thân khoác áo Đạo bào ánh mây ngũ sắc. Nơi ở của ông lão có mây ngũ sắc và Tiên hạc vờn bay. Ở giữa đại sảnh có lò luyện đan cao chín thước, bên trong có ngọn lửa màu tím, nóng rực phả vào mặt. Trước sảnh có một vò lớn cao bảy thước, bên trong đựng đầy nước sạch. Lúc trời chạng vạng, mặt trời xuống núi, Đạo sĩ trải một tấm da hổ xuống trước sảnh, bảo Tử Xuân ngồi lên đó. Đạo sĩ nói cho Tử Xuân biết, chỉ cần ngồi yên đến khi trời sáng là được. Đồng thời ông lão căn dặn Tử Xuân nếu nhìn thấy điều gì thì đều là hư huyễn. Cho dù có gặp nguy hiểm hay bị đau ra sao, ông đều phải nhẫn nại chịu đựng, không được sợ hãi, không được lên tiếng, tuyệt đối sẽ không thực sự làm tổn thương đến Tử Xuân. Đạo sĩ đứng dậy đi luyện đan, lại quay đầu dặn dò Tử Xuân thêm lần nữa, phải ghi nhớ kỹ lời dặn của ông, không được thốt ra tiếng nào.
Tử Xuân quyết chí lập lời thề, cho dù có mất mạng cũng sẽ không phát ra lời nào. Vừa đến ban đêm, trước tiên là có quân binh, hổ sói, rắn độc tấn công tới, nhưng không lâu sau thì chúng tản đi mất. Sau đó mưa to như trút nước, mang theo cả sấm sét, nước tràn khắp trước sảnh. Sấm chớp đánh xuống trên những cây cối phía trước sảnh, chỉ cách một thước thôi, mà tia chớp ấy làm cho đôi mắt con người ta không nhìn thấy vật gì. Tiếng sấm đinh tai nhức óc, dường như muốn đánh nát Hoa Sơn. Tử Xuân vẫn giữ thần sắc như cũ. Một đám ác quỷ bắt lấy thê tử của Tử Xuân, hung hăng tàn nhẫn đánh nàng, rồi quát lên: “Nếu ngươi nói rõ ràng sự việc thì sẽ bỏ qua cho thê tử ngươi.” Toàn thân thê tử của Tử Xuân đầy máu, nàng thảm thiết van xin Tử Xuân, vừa van xin vừa chửi mắng. Tử Xuân vẫn không nói một lời, đám ác quỷ liền giết chết ông.
Hồn phách của Tử Xuân bị đám đầu trâu mặt ngựa dẫn xuống địa ngục, để ông nếm trải các hình phạt từ núi đao biển lửa, đá nghiền sắt nung. Tử Xuân vẫn nhớ kỹ lời dặn của đạo sĩ, không hề phát ra một tiếng kêu rên. Sau đó ông bị hình phạt đầu thai thành phụ nữ. Người này vừa sinh ra đã mắc nhiều bệnh tật, từ nhỏ đã phải uống thuốc quanh năm, nhưng không mở miệng nói một lời nào. Rồi khi cô gái lớn lên gả cho người khác, vợ chồng hạnh phúc. Cô sinh ra một người con trai thông minh đáng yêu, hai vợ chồng rất yêu quý người con này. Một ngày nọ, người chồng ôm con chơi đùa. Anh ta dùng mọi cách trêu chọc dụ dỗ nhưng cô vẫn không nói không cười. Người chồng vô cùng tức giận, cho rằng thê tử coi thường mình, nên đã ném con trai xuống tảng đá trước nhà, máu vương khắp nơi. Tử Xuân yêu thương con vô cùng, nên đã quên mất lời dặn, vì vậy mà đã lỡ lên tiếng.
Chỉ nghe thấy một tiếng “ầm” vang lên rất lớn. Tử Xuân vẫn đang ngồi trước phòng luyện đan y như cũ, lúc này đã là canh năm rồi. Nhìn thấy ngọn lửa nóng màu tím bốc lên trong lò luyện đan, ngọn lửa bắn ra bốn phía, phòng ốc đều bị thiêu rụi. Đạo sĩ nói, trong tâm ngươi đã không còn buồn, vui, giận, sợ, ghét và dục vọng nữa, duy chỉ có “yêu” là ngươi vẫn chưa quên được. Nếu luyện đan thành công, ngươi cũng có thể trở thành Tiên. Trở thành Tiên mới khó, đan dược của ta có thể luyện lại lần nữa, nhưng ngươi còn phải tiếp tục luân hồi tại nhân gian!
Xuống núi dốc lòng tu Đạo, lần nữa tìm thầy bái sư
Sau khi Tử Xuân trở về nhà, tự cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì đã cô phụ sự gửi gắm của Lão Ông. Vì tu tâm chưa đạt, nên mỗi ngày Tử Xuân không dám lười biếng tu Đạo, ngưng thần tụ niệm, gột rửa tự tâm, trong tâm không còn tạp niệm. Đỗ Tử Xuân cứ tu thân như vậy trong ba năm. Ông quyết chí tiếp tục đi tìm lão Ông, thề rằng nếu không gặp được lão Ông thì thà chết ở bên ngoài chứ không trở về nhà nữa. Thê tử của ông nói rằng: “Lão Ông đã ba lần cho chàng tiền nhiều như vậy, nhất định chính là Lão Thần Tiên đến điểm hóa cho chàng. Chàng không thể lại bỏ lỡ mất cơ duyên lần nữa.”
Tử Xuân đi đến miếu Lão Quân trên đỉnh Vân Đài, ngọn Hoa Sơn. Cây tùng bách trước miếu xanh biếc hơn, nhưng bốn phía chẳng có bóng người. Tử Xuân thở dài: “Trong mệnh của ta chú định sẵn không thể trở thành Tiên ư; sư phụ cũng chẳng đến điểm hóa ta nữa rồi. Nhưng nếu ta đã lập lời thề tìm thầy bái sư, lẽ nào lại có thể xuống núi trở về. Ta chính là có chết ở nơi đây cũng sẽ cương quyết không bao giờ bỏ cuộc.” Vì vậy ông bèn sống ở trong miếu, kết cỏ làm quần áo, hái trái cây làm thức ăn, quyết tâm từ bỏ hết thảy thế tục. Mỗi ngày, ông lễ bái tượng Lão Quân, tĩnh tâm tu luyện. Cứ thế, thời gian lại trôi qua ba năm nữa.
Một hôm ông cầu khấn trước tượng Lão Quân: “Đệ tử Đỗ Tử Xuân, là người phàm ngu dốt, quá khứ theo đuổi danh lợi, tận hưởng đàn ca mê luyến nhan sắc. May mắn gặp được Sư phụ từ bi thương xót, dẫn dắt con đi theo đại Đạo. Đáng tiếc, đệ tử tu tâm chưa tốt, để lỡ mất cơ duyên. Nay đã dốc lòng tu luyện ba năm, thành tâm không đổi, tu chân dưỡng tính, thanh tĩnh vô vi, chỉ mong sớm gặp cơ duyên, sư Tiên lại tới, thoát khỏi bể khổ, siêu thoát phàm thế.”
Khi Tử Xuân đang cầu nguyện, đột nhiên nghe một giọng nói vang lên: “Quân tử, ông cũng rất thành tâm.” Ông ngẩng đầu lên liền nhìn thấy người nói chính là lão Ông, vừa mừng vừa sợ. Tử Xuân mừng quá rơi nước mắt và dập đầu nói rằng: “Sư phụ, đệ tử đã ở đây chờ đợi ba năm rồi, cũng chưa gặp mặt ngài một lần!” lão Ông cười nói: “Ba năm qua ta không hề rời ngươi, sao lại nói chưa thấy ta lần nào chứ?” Lão Ông lại nói tiếp: “Ngươi nhìn lại bức tượng Thần đi, xem có gì khác với ta không?” Tử Xuân định thần nhìn kỹ bức tượng, thấy nét mặt của bức tượng và lão Ông hoàn toàn giống nhau. Lúc này ông mới biết, thì ra Thái Thượng Lão Quân vẫn luôn điểm hóa cho mình, bèn phủ phục xuống bái lạy.
Lão Ông cười nói: “Vì ta e rằng ngươi trầm mê chốn nhân gian lâu ngày, căn duyên cõi trần chưa dứt, nên ta đã mượn thất tình của thế gian để tôi luyện ngươi. Bây giờ tâm ngươi đã thanh tịnh, duyên Tiên đã kết. Ta nghĩ Hoài Tây Vương Lưu An nhà Hán, yêu thích đạo thuật Thần Tiên. Ta luôn cảm thấy Bát công đã hạ thế, ngươi hãy cùng với ông ấy tu luyện đan dược. Ngày luyện thành công, cả nhà đều được phi thăng, nếu ngươi đã thành Thần Tiên, lẽ nào thê tử của ngươi lại không đắc Đạo? Ta có ba viên Thần đan, đặc biệt truyền cho ngươi. Ngươi có có thể giữ lại một viên, cầm về cho thê tử của ngươi ăn vào. Nó sẽ giúp nàng tránh đọa nhập hồng trần, sớm thăng Tử Phủ. Ngày được phi thăng, tự khắc sẽ đến.”
Tu tâm đã thành, bạch nhật phi thăng
Tử Xuân lại bái lạy, nhận lấy Thần đan, rồi thưa với Lão Quân rằng: “Khi đệ tử nghèo khổ, tìm đến nương nhờ người thân thích ở Trường An, nhưng không ai thương xót đệ tử. Bây giờ đệ tử muốn cùng thê tử là Vi thị trở về Trường An, lấy căn nhà của tổ tiên xây dựng lại thành miếu thờ Thái Thượng Tiên. Bên trong miếu đúc một bức tượng bằng vàng cao một trượng sáu để cung phụng khói hương. Đệ tử tập hợp các thân quyến, nói rõ với họ một lần, đồng thời cũng là phá bỏ quan niệm của họ. Không biết Sư phụ có cho phép đệ tử thực hiện không?” Lão Quân khen rằng: “Rất tốt! Nếu ngươi đã có lòng này, đợi đến ngày tượng vàng được đúc xong, ta sẽ thi triển thần thông, mang ngươi thăng thiên.”
Thê tử của Đỗ Tử Xuân là Vi thị, từ sau khi trượng phu rời đi, nàng cũng một lòng tu Đạo. Nàng lấy toàn bộ gia sản đem cứu tế, chỉ ở trong am của một nữ đạo sĩ, chuyên tâm trai tịnh qua ngày. Đột nhiên có một hôm, Đỗ Tử Xuân trở về, đưa viên Thần đan của Lão Quân đã ban bảo nàng uống. Sau đó cả hai người cùng nhau đi đến Trường An, tìm những người thân quyến trước đây để hóa duyên, nói rằng muốn dùng ngôi nhà của tổ tiên ở Thành Nam xây thành miếu Thần thờ Thái Thượng Lão Quân. Đôi phu thê Tử Xuân còn muốn tất cả mọi người quyên góp một trăm ngàn lượng vàng, cùng kết mối thiện duyên, đúc tượng Lão Quân bằng vàng cao một trượng sáu. Song, tất cả thân quyến đều cho rằng họ tất nhiên sẽ không đúc nổi bức tượng bằng vàng ấy, không ai để ý đến phu thê Tử Xuân. Hai người chỉ mỉm cười rồi rời đi.
Không ngờ nửa tháng sau, Đỗ Tử Xuân lại đến nhà thân thích gửi thiệp mời, nói cho họ biết tượng của Lão Quân đã đúc xong, dự định vào ngày hôm sau sẽ rước bức tượng đặt vào trong miếu cung phụng, ở đó có chuẩn bị vài món chay. Tử Xuân mời tất cả họ hàng thân quyến cùng nhau đến chiêm ngưỡng. Mọi người đều rất ngạc nhiên. Hơn nữa nghe nói rằng, tất cả người thân thích và toàn thể người dân trong đô thành, đều nhận được thiếp mời của Đỗ Tử Xuân trong cùng một ngày, cũng không biết được ông có bao nhiêu phân thân. Ngày hôm sau, chỉ thấy người dân toàn thành đều tập trung về thành phía Nam để chiêm ngưỡng. Ở cổng của khu nhà tổ tiên đã được cải tạo lại, bên trên viết dòng chữ lớn bằng vàng “Thái Thượng hành cung”. Bức tượng Thần cao một trượng sáu được đúc bằng vàng đặt trong điện thờ vô cùng nghiêm trang.
Trong lúc họ hàng thân quyến đang kinh ngạc, chợt nhìn thấy từ trên đỉnh bức tượng vàng phát ra một luồng ánh sáng thần kỳ, rồi hóa thành ba đám mây trắng. Lão Quân ngồi chính giữa, Đỗ Tử Xuân ngồi bên trái, Vi Thị ngồi bên phải. Họ từ trên điện thờ bay ra, bay cao lên giữa không trung. Chỉ thấy Đỗ Tử Xuân nhấc tay chào từ biệt mọi người, tiếng sênh tiêu Tiên nhạc vang vọng khắp hư không, cờ tiết dẫn đầu, lọng phướn theo sau. Người dân toàn thành đều nhìn lên bầu trời chắp tay bái lạy, đưa mắt nhìn theo ba người họ đang từ từ bay lên trời cho đến khi biến mất.
Dựa theo “Huyền Quái Lục”, “Tỉnh thế hằng ngôn” có chỉnh lý.