Thẩm phán do ông Clinton bổ nhiệm bác bỏ yêu cầu ông ta rút lui khỏi vụ kiện của ông Trump
Một thẩm phán liên bang do cựu Tổng thống (TT) Bill Clinton bổ nhiệm đã bác bỏ yêu cầu ông ta từ bỏ nhiệm vụ thẩm phán trong một vụ kiện chống lại bà Hillary Clinton, vợ của cựu TT Bill Clinton.
Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Donald Middlebrooks đồng ý cân bằng lợi ích của gia đình Clinton nhưng lập luận rằng các phán quyết trước đó cho thấy chỉ đơn thuần việc bổ nhiệm một đương sự vào hội đồng thẩm phán sẽ không tạo ra nhận thức về sự thiên kiến.
“Với tiền lệ này, tôi không bị truất quyền chủ tọa, tôi cũng không nên kháng nghị dựa trên bất kỳ hình thức thiên vị nào,” thẩm phán Donald Middlebrooks trình bày trong một tài liệu dài 5 trang. “Để bị rút [khỏi nhiệm vụ thẩm phán trong vụ kiện], cần phải có điều gì đó liên quan nhiều hơn việc là người chồng của đương sự [hiện đang trước mặt tôi] đã bổ nhiệm tôi vào hội đồng thẩm phán cách đây 25 năm trước.”
Luật liên bang quy định rằng: “Bất kỳ thẩm phán tối cao, thẩm phán hoặc thẩm phán tòa sơ thẩm nào của Hoa Kỳ sẽ tự loại mình trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào nếu tính công bằng của người đó có thể bị nghi vấn một cách hợp lý.”
Trong đơn yêu cầu truất phế, các luật sư của cựu TT Donald Trump, nguyên đơn kiện bà Hillary Clinton và những người khác vì liên quan đến vụ tạo ra hồ sơ Trump–Nga, đã viện dẫn một phán quyết trước đó để lập luận cho trường hợp của họ.
Họ lưu ý rằng, tòa phúc thẩm liên bang giám sát Hoa Thịnh Đốn đã kết luận rằng “việc xác định xem liệu tính công bằng của một thẩm phán có thể bị nghi vấn một cách hợp lý hay không, là một hành vi khách quan, và đòi hỏi phải chất vấn xem liệu một quan sát viên công tâm được cung cấp đầy đủ các dữ kiện có tán thành một nghi ngờ đáng kể về tính công bằng của vị thẩm phán này hay không.”
Họ viết: “Chắc chắn rằng tính công bằng của thẩm phán Middlebrooks sẽ không được chất vấn bởi một quan sát viên công tâm, được cung cấp đầy đủ các dữ kiện, vì mối quan hệ của thẩm phán với bị đơn, hoặc, với tư cách cá nhân, hoặc do chính bản chất của việc ông ấy được chồng của bị cáo bổ nhiệm vào hội đồng thẩm phán.”
Ông Middlebrooks cho rằng, phán quyết đó và một phán quyết khác được viện dẫn “không cung cấp bất kỳ lý lẽ bổ sung nào, có thể hiểu được” để đề nghị ông rút lui.
Vị thẩm phán này cho biết ông chưa bao giờ gặp hoặc nói chuyện với ông Bill Clinton hoặc bà Hillary Clinton và ngoài việc được bổ nhiệm bởi cựu tổng thống [Bill Clinton], ông cũng không có mối quan hệ nào với cả hai người này.
“Việc rút lui [nhiệm vụ thẩm phán] không thể dựa trên sự suy đoán thiếu cơ sở, vô lý và có rất ít ý nghĩa,” ông nói, trích dẫn một phán quyết của tòa phúc thẩm.
“Hơn nữa, tôi đã suy nghĩ liệu bản chất của vụ kiện này – mang tính chính trị sâu sắc – có thể cung cấp thêm một số lý lẽ để chất vấn về tư cách chủ tọa của tôi hay không, nhưng tôi cũng không thấy trở ngại nào ở đó,” ông nói thêm. “Mọi thẩm phán liên bang được bổ nhiệm bởi một tổng thống có liên kết với một đảng chính trị đa số, và do đó, về lý thuyết mà nói, mọi thẩm phán liên bang đều có thể được xem là chịu hàm ơn, ở một mức độ nào đó. Là thẩm phán, tất cả chúng ta phải vượt lên trên chính trị.”
Cùng lúc với việc ông Middlebrooks chống lại sự thúc ép rút lui, một thẩm phán khác được chỉ định tham gia vụ kiện đã từ chối tham gia.
Thẩm phán tòa sơ thẩm Ryon McCabe đã rút lui trước một lệnh được đưa ra cùng ngày với quyết định của ông Middlebrooks.
Ông McCabe đã không giải thích quyết định của mình ngoài việc viện dẫn luật liên quan; cũng như thẩm phán trước đó, Thẩm phán tòa sơ thẩm Shaniek Maynard, người đã tự rút lui khỏi nhiệm vụ.
Các thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang, do các thẩm phán đồng nghiệp bổ nhiệm, đôi khi giúp các thẩm phán tòa địa hạt giải quyết các vụ kiện.