Thẩm phán Thomas: Tối cao Pháp viện nên xem xét lại các phán quyết về hôn nhân đồng tính, biện pháp tránh thai
JACK PHILLIPS
Hôm 24/06, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas đã viết rằng Tối cao Pháp viện (SCOTUS) nên xem xét lại các phán quyết về biện pháp tránh thai, các mối quan hệ đồng giới, và hôn nhân đồng giới theo bản ý kiến đồng tình được đưa ra hôm 24/06 của cá nhân ông, vốn đã bác bỏ án lệ Roe kiện Wade.
Vị thẩm phán thuộc Đảng Cộng Hòa này đã lập luận rằng Tối cao Pháp viện nên xem xét lại các vụ án khác thuộc diện các án lệ được trải qua thủ tục tố tụng hợp pháp trước đó.
“Tôi viết riêng để nhấn mạnh điểm thứ hai, căn bản hơn về lý do vì sao không có sự bảo đảm quyền được phá thai nằm trong Điều khoản Quy trình Tố tụng Hợp pháp,” ông Thomas viết. “Khá nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy ‘quy trình tố tụng hợp pháp của luật pháp’ chỉ yêu cầu các cơ quan hành pháp và tư pháp tuân thủ các quy định của các luật (legislative enactments) và thông luật (common law) khi tước đi mạng sống, quyền tự do, hoặc tài sản của một người.”
Với phán quyết hôm 24/06, ông cũng viết rằng, “tòa án từ chối làm xáo trộn quy trình tố tụng hợp pháp nói chung hoặc việc áp dụng nguyên tắc này trong các bối cảnh cụ thể khác,” đồng thời nói thêm rằng các vụ kiện như vụ Griswold kiện Connecticut – trao quyền cho những người đã kết hôn được sử dụng các biện pháp tránh thai; cũng như vụ Lawrence kiện Texas – phán quyết về quyền thực hiện hành vi tính dục riêng tư có sự đồng thuận; và vụ Obergefell kiện Hodges – quyền kết hôn đồng giới cần được xem xét lại.
“Tôi đồng ý rằng không có điều gì trong bản ý kiến [của Pháp viện] nên được hiểu theo cách gây nghi ngờ về những án lệ không liên quan đến phá thai,” ông Thomas nói thêm khi trích dẫn bản ý kiến của phe đa số do Thẩm phán Samuel Alito soạn thảo được công bố hôm thứ Sáu.
Vị thẩm phán này đã lập luận dựa trên án lệ đó rằng, “trong các vụ kiện trong tương lai, chúng ta nên xem xét lại tất cả các án lệ quan trọng trải qua quy trình tố tụng hợp pháp của Pháp viện này, trong đó có vụ Griswold, vụ Lawrence, và vụ Obergefell.”
Phán quyết 6–3 này đã duy trì lệnh cấm phá thai sau 15 tuần của Mississippi, vốn mâu thuẫn trực tiếp với yêu cầu của vụ Roe kiện Wade rằng các tiểu bang phải cho phép phá thai cho đến khi thai nhi có khả năng sống sót ngoài bụng mẹ, tức được khoảng 24 tuần tuổi. Phán quyết này cũng bác bỏ phán quyết năm 1992 của vụ Planned Parenthood kiện Casey, vốn đã tái khẳng định vụ Roe.
“Vụ Roe đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu,” ông Alito viết cho phe đa số khi bác bỏ hai phán quyết mang tính bước ngoặt. “Lý lẽ của nó đặc biệt yếu, và phán quyết đó đã gây ra những hậu quả tai hại. Và cách rất xa khỏi việc đưa ra một giải pháp quốc gia về vấn đề phá thai, vụ Roe và vụ Casey đã khiến cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ.”
Ông tiếp tục: “Đã đến lúc phải lưu ý đến Hiến Pháp và trả vấn đề phá thai lại cho các đại diện được bầu của người dân.”
Khi phán quyết này vang dội khắp Hoa Thịnh Đốn, đám đông các nhà hoạt động ủng hộ sự sống, những người đã tụ tập bên ngoài Pháp viện trong nhiều ngày, đã bừng lên trong tiếng reo hò.
“Tôi cảm thấy vui mừng khôn siết,” cô Emma Craig, 36 tuổi, của tổ chức Pro Life San Francisco, cho biết. “Phá thai là bi kịch lớn nhất của thế hệ chúng ta và trong 50 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn lại 50 năm mà chúng ta đã trải qua dưới thời Roe kiện Wade với sự xấu hổ.”
Luật của Mississippi đã bị các tòa án cấp dưới chặn lại vì vi phạm án lệ của Tối cao Pháp viện về quyền phá thai này. Phá thai có khả năng vẫn hợp pháp ở các tiểu bang do Đảng Dân Chủ điều hành.
Hơn một chục tiểu bang hiện đang có luật bảo vệ quyền phá thai. Nhiều tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã thông qua các hạn chế phá thai khác nhau bất chấp án lệ Roe trong những năm gần đây.